THỜI GIAN VÒNG TRÒN

Sống ở Bắc Mỹ này một thời gian rồi tự nhiên mình biến thành dân Bắc Mỹ lúc nào không hay. Thân xác không biến đổi bao nhiêu nhưng lối sống thì biến thiên rất nhiều. Chẳng hạn ngày xưa ở VN chúng tôi nhậu thịt chó ghê lắm, bây giờ tự nhiên không dám ăn chó nữa. Chẳng hạn như thiệp mùa Giáng Sinh. Bạn bè địa phương gặp nhau thường ngày, bạn bè viễn phương nói chuyên diện thoại với nhau cũng hàng ngày, thế nhưng việc viết thiệp chúc mừng Giáng Sinh thì vẫn viết, vẫn gửi. Viết như để xác nhận bằng chữ rằng chúng ta vẫn nghĩ đến nhau, vẫn quý mến nhau.

Làng nhậu của tôi ai cũng viết thiệp chúc mừng Giáng Sinh gửi Cha Paolo. Riêng tôi, trên thiệp, dưới chữ Merry Xmas, tôi viết ‘Xin Mừng Ánh Sáng’. Khi nhận được thiệp thì Cha Paolo gọi điện thoại cho tôi ngay. Ngài cười ha ha rồi nói : tôi hiểu cái thông điệp lời tiếng Việt của ông rồi !

Không ngờ cái ông Cha Canada gốc Ý này có trí nhớ tốt như thế. Từ ngày làm bạn thân với chúng tôi thì ngài lây cái bệnh tếu từ bọn tôi nữa. Chuyện chữ Xmas trên đây cũng vậy. Số là ngày xưa, nhân một bữa ăn vui vẻ, Anh John đã nói với Cha Paolo rằng dân làng chúng tôi có lập thuyết cho rằng tiếng Việt đẻ ra tiếng Anh tiếng Pháp, cũng như người Da Đỏ Canada có gốc tổ VN nên người VN ở Canada là đang sống trên đất anh em của họ, người Da Trắng đến đất này sau nên đang sống nhờ và ở nhờ... Cha Paolo bèn xin một chứng minh về tiếng VN đẻ ra tiếng Anh. Anh John chỉ ngay vào tôi : Cha phải hỏi ông này vì ông ta đẻ ra những lập thuyết trên.

Giữa bữa ăn vui vẻ đầy tiếng cười, tôi thưa : XMAS là 4 chữ tiếng Việt viết tắt của câu ‘ Xin Mừng Ánh Sáng’. Người Anh người Mỹ thấy 4 tiếng này của người VN thâm thúy qúa, đúng ý nghĩa quá nên mới đem về nước phổ biến. Sở dĩ người VN nói như thế là vì họ biết rõ lịch sử lễ Giáng Sinh. Họ nhớ như thế này : vào thế kỷ thứ ba gì đó, vua La Mã xây đền thờ thần Mitra, tức là thần Mặt Trời, và hằng năm tổ chức cho dân La Mã mừng lễ sinh nhật thần Mitra vô cùng trọng thể vào ngày 25 tháng 12. Giáo hội Công Giáo sơ khai lúc đó muốn đánh át lễ thần Mitra của dân ngoại giáo, nên cũng chọn ngày 25 tháng 12 làm ngày lễ lớn và gọi tên là lễ Giáng Sinh của Chúa Giêsu, và tuyên bố chính Chúa Giêsu mới là ánh sáng mặt trời mang tin mừng cho muôn dân đang sống trong tối tăm, chứ không phải thần Mitra.

Cha Paolo lần đầu tiên nghe sự lạ thì tỏ ra thích qúa sức và đem chuyện này về nói hết với nhân viên văn phòng. Cha bảo rằng cái nhóm nhậu của Chị Ba Biên Hoà kinh quá, họ bảo chữ Xmas của dân da trắng mình là do tiếng Việt của họ mà ra. Tuần qua, ngài vẫn không chịu chữ Xmas là tiếng Việt. Ngài giảng ở nhà thờ rằng bây giờ nhiều người coi chữ Xmas là một phưong trình đại số: X = M + A + S. Ta đem M là money, A là Amusement, S là sex, cộng lại thì ta biết ẩn số X chỉ cái gì. Và liệu đáp số vừa tìm ra có đúng ý nghĩa lễ Chúa Giáng Sinh không ? Chuyện này dài lắm, mai này ngày rộng tháng dài tôi sẽ kể thêm. Bây giờ cho tôi kể tiếp về chuyện thư từ dịp lễ Giáng Sinh.

Tôi gửi thiệp đi khá nhiều vì không ngờ tôi đông bạn bè như vậy, và tôi cũng nhận được thiệp từ bạn bè không ít. Trong số thiệp này, tôi thích nhất thiệp của Cha Nguyễn Xuyên, quản nhiệm cộng đoàn Công Giáo tại Bruxelles thủ đô nước Bỉ và thủ đô Liên Hiệp Âu Châu. Các cụ biết Cha Xuyên này chứ ? Ông là nhà văn, là linh mục chánh xứ, là trưởng Hướng Đạo, là chức sắc của liên đoàn CG Âu Châu. Mặt nào ông cũng giỏi hết. Trong thư, ông tặng tôi 2 câu đối Tết, như sau :

Thầy Sinh Vật, vật cô sinh vật, vật vào chỗ sinh, sinh vào chỗ vật

Anh tiểu thương, thương chị tiểu thương, thương vào chỗ tiểu, tiểu vào chỗ thương

Mới đọc đến đây, tôi giật mình. Chà, ông Cha dùng chữ thật đối, thật chỉnh, và cũng thật bạo, ngòi bút của một ông Cha kinh qúa ! Chắc ngài đọc trước được ý nghĩ đen tối trong đầu tôi nên ngài vội giải thích ngay ở dười, rằng tác giả không phải là ngài mà là một bạn trẻ trong lớp thanh niên sinh hoạt ở giáo xứ. Phục Cha qúa. Đấy mới là một bạn trẻ mà đã tài hoa như vậy, thì ông cha xếp xòng của bạn trẻ còn tài hoa đến đâu ! “Vật vào chỗ sinh, sinh vào chỗ vật”, đối với “thương vào chỗ tiểu, tiểu vào chỗ thương”, nói gần mà hóa ra nói xa, nói cái này mà chỉ cái khác, đúng quá chứ, hay quá chứ. Các cụ có đồng ý với tôi không ?

Cũng từ Bruxelles, tôi nhận được thư của nhà văn hóa Vũ Ký. Trên mặt báo này tôi đã nhiều lần ca ngợi cây bút tài ba học giả Vũ Ký. Chưa thấy ai nặng lòng với tiền đồ văn hóa dân tộc như ông. Trong thiệp Giáng Sinh năm nay, họ Vũ giới thiệu với tôi tác phẩm của một thân hữu bên Đức. Đó là cuốn ‘Lão Hũ Chìm’của Phù Vân. Lời cụ Vũ Ký như có thần, cụ vừa nhắc tới tác giả phù Vân hôm trước thì hôm sau ông bưu điện Canada mang ngay tác phẩm đến cho tôi. Tác phẩm hơn 300 trang, trình bày rất trang nhã, gồm 15 truyện ngắn. Theo học giả Vũ Ký, đây là một bức tranh thời đại vẽ ra sống động một xã hội VN rách nát, nghèo nàn dưới chế độ hà khắc của cộng sản. Các truyện bố cục chặt chẽ với những đột biến bất ngờ. Xin đa tạ học giả Vũ Ký và nhà văn Phù Vân.

Trong đống thư Giáng Sinh, chúng tôi chưa thấy tin thư của người bạn nghĩa thiết Từ Hoè. Các cụ còn nhớ ông bạn thân này của làng chúng tôi chứ. Cứ dịp tết là ông từ phương xa về ăn tết với mọi người. Năm ngoái ông còn hứa năm nay ông sẽ đem người em kết nghĩa về thăm chúng tôi nữa. Chuyện ông Từ Hoè và chú em, mỗi năm tôi mỗi kể mà hình như chưa bao giờ tôi nói hết được câu chuyện.

Ngày xưa, trước thời 1975, ông Từ Hoè là một trung đoàn trưởng tài ba. Đánh trận nào thắng trận nấy. Bữa đó ông đi hành quân bắt được một chính uỷ VC. Thấy mặt chú chính ủy sáng sủa và tỏ ra người có học, ông liền đem chú về bộ chĩ huy. Ông không đối xử với chú như tù binh, mà coi như một đối tác để tranh luận. Ông nấu cơm cho chú ăn, pha cà phê cho chú uống. Ông cho chú tranh luận với ông về lẽ chính tà của cuộc chiến. Ban đầu thì chú hùng hồn về chính nghĩa của Miền Bắc đi giải phóng Miền Nam. Sang ngày thứ ba thấy chú như đã đuối lý, ông thả chú về rừng. Tên thật của ông đâu phải Từ Hoè. Vì chúng tôi thấy hành động này của ông giống y như hành động hào hùng của quan Từ Hoè trong truyện các Anh Hùng Lương Sơn Bạc nên lấy tên này đặt cho ông. Theo truyện, Quan Từ Hoè nói chính tà với tướng Lư Tuấn Nghĩa và đã làm tướng Nghĩa hoang mang muốn đầu hàng. Chú chính uỷ cũng bị hoang mang và giao động lập trường. Sau 1975 chú làm lớn nhưng chú đã tỉnh mộng, đã mở mắt. Chú bỏ đảng CS và móc ông Từ Hoè đang bị giam trong tù cải tạo ra, rồi gia đình chú và ông vượt biển tỵ nạn. Từ trại tỵ nạn Mã Lai, ông Từ Hoè được Phủ Cao Uỷ Tỵ Nạn cho đi Canada rất sớm, còn chú chính uỷ phải điều tra thêm nên mãi 2 năm sau chú mới sang Canada. Ban đầu ông Từ Hoè định cư ở Toronto và cùng chúng tôi lập ra làng nhậu. Chú chính uỷ và gia đình không tới Toronto mà được chính quyền cho định cư ở miền trung Canada, nơi được mệnh danh là vựa lúa và kho dầu của Canada. Nghe tin này, Ông Từ Hoè liền bỏ làng Toronto sang sống với gia đình chú cựu chính uỷ và kết nghĩa anh em sống chết có nhau. Ông bỏ làng chúng tôi nhưng ông hứa tết nào ông cũng sẽ về làng. Mấy năm trước đây, mỗi lần về làng là ông ca ngợi chú em hết lời. Nào chú đã lột xác hoàn toàn, nào chú thông minh, nào chú đa tài, nào chú có lòng từ bi bác ái.

Một điều làm ông thích nhất và cảm động nhất là việc cả nhà chú nhập đạo Công Giáo. Ông là người đỡ đầu cho chú trong lễ Rửa Tội. Tên Canada của chú là Paul. Tôi hỏi sao lại Paul thì ông trả lời : Thánh Paul trong đạo Công Giáo là một vị thánh vĩ đại, là cột trụ của giáo hội sơ khởi. Thánh Paul đang là một thủ lãnh Do Tháo cuồng tín, đang say sưa đi bách hại các người theo Chúa một cách cuồng nhiệt. Một hôm ông đang trên đường đi lùng bắt bắt tín hữu thì Chúa hiện ra với ông. Chúa biến đổi ông. Ông đã mở mắt và ông đã thay đổi hoàn toàn, quay đúng 180 độ. Đang là kẻ bách hại, ông trở thành một tông đồ nhiệt thành. Chú em kết nghĩa này cũng giống y như Thánh Paul. Tội đặt tên Paul cho chú là vì vậy.

Chưa hết, cậu con trai lớn của chú Paul, sau khi đậu xong bằng kỹ sư nông nghiệp, đã xin phép bố mẹ đi tu. Hiện nay cậu đã vào đại chủng viện, và chừng sáu năm nữa cậu sẽ được thụ phong linh mục. Nghe tin này thì làng chúng tôi thắc mắc : liệu đức tin và lòng đạo của cậu có đủ sức để làm linh mục không. Ông từ Hoè trả lời là cậu dư sức. Rồi dân làng lại thắc mắc không biết xưa nay có ai mới theo đạo mà được làm linh mục không. Ông Từ Hoè nói ngay là có rất nhiều, rồi ông trưng ra bao nhiêu bằng cứ hùng hồn : Kìa Đức Cha Hồ Ngọc Cẩn, một tân tòng không những đã đi tu làm linh mục mà còn được Toà Thánh Roma đặt làm giám mục. Kià Linh Mục Sảng Đình Nguyễn Văn Thích, kìa linh mục Bửu Dưỡng, kìa linh mục Hoàng Quốc Trương. Toàn những vị linh mục danh tiếng có gốc tân tòng. Không ngờ ông Từ Hoè thuộc lịch sử giáo hội VN như vậy.

Ông còn kể tiếp về ông Cha Bao bên Tàu. Các cụ có đọc internet và biết chuyện này chứ ? Theo hãng truyên thông Asianews thì trong giáo hội thầm lặng bên Tàu hiện nay có một ông cha tên Bao. Ông này 11 năm tuổi đảng cộng sản, tự nhiên được ơn giác ngộ. Ông bỏ đảng, bí mật nhập đạo Công giáo, rồi xin học làm linh mục. Ông làm linh mục chui được mấy năm, đã tỏ ra là một linh mục đạo đức thánh thiện. Hãng Asianews không cho biết tên thật của linh mục Tàu gốc tân tòng, sợ gây nguy hiểm cho ông.

Chúng tôi hít hà khen câu chuyện hấp dẫn qúa, ông Từ Hoè bèn cười hi hi : tôi biết rõ vì tôi là dân đạo gốc mà. Rồi ông nói như một lời tiên tri : tôi tin chắc rằng cậu con chú Paul mai này cũng sẽ là một linh mục đạo đức và thông thái như các bậc tân tòng đàn anh trên đây.

Không ngờ gia đình chú em Paul của ông Từ Hòe đặc biệt qúa. Mà chưa hết đâu. Còn chuyện này nữa mới khiếp. Hôm qua tôi mới được ông gọi điện thoại báo tin là vợ chồng chú Paul không sang ăn tết với chúng tôi được vì vợ chồng chú bận việc nhà thờ. Từ ngày nhập đạo, vợ chồng chú tình nguyện làm công việc bác ái của nhà thờ. Tại miền chú ở có rất nhiều người homeless ngủ đường ngủ chợ. Nhà thờ nơi họ đạo của chú mở cửa cho những người đáng thương này vào trú đêm. Vợ chồng chú Paul lãnh công tác mỗi buổi sáng tới pha cà phê cho họ uống, rồi thu dọn nơi họ ngủ. Cuối tuần thì còn làm thêm bánh mì xúc xích. Tôi rủ chú đi Toronto thì chú trả lời nếu chú đi thì không có ai lo bữa sáng cho những ngươi vô gia cư này, tội nghiệp họ lắm. Chú khất sang năm. Nào ai có thể ngờ vợ chồng chú Paul tân tòng này sống đạo như vậy. Ông Từ Hoè mê chú là phải.

Trong tiệc Giáng Sinh, dân làng tôi đã nói bao nhiêu là chuyện. Năm nay tết Con Chó đến sớm nên tự nhiên làng tôi đã bàn sang các chuyện Chú Gâu Gâu lúc nào không hay. Ông ODP mở đầu thế này : tiếng VN mình thật tuyệt vời, một lời mà có nhiều nghĩa. Những chuyện gây ra tiếng cười đều là những chuyện nói lời này mà hiểu sang nghĩa nọ. Như chuyện ông lý trưởng làng kia đòi ăn chó. Trong làng có anh nhà nghèo bị hàng xóm lấn đất. Anh ta đem việc này trình làng. Anh hứa với ông lý trưởng rằng nếu ông xử thắng thì anh sẽ giết con chó vện đang nuôi để đãi ông Lý. Và anh đã thắng kiện. Ông Lý bèn đến nhắc anh bữa thịt chó. Anh thưa rằng con chó vện hiện còn non quá, xin ông thư cho ít lâu. Tháng nào ông Lý cũng nhắc. Một lần kia ông Lý tới chơi thì vừa đúng lúc thằng bé con anh đang ị. Anh gọi con vện đến để nó thu dọn chiến trường như thường lệ. Bữa đó con vện đến nhưng nó không chịu làm công tác vệ sinh, nó chỉ chìn rồi vẫy đuôi đi. Anh nhà nghèo giận qúa liền nói : Vện ! Mày có ăn đi không ? Mày mà không ăn thì tao cho ông Lý ăn ngay bây giờ! Chuyện chỉ có thế nhưng đã gây ra tiếng cười vì tiếng ăn ở đây. Nó gây hiểu lầm. Anh bảo con chó ăn tức là dục nó ăn đồ phế thải của đứa bé, còn ‘cho ông Lý ăn’ thì không phải ăn đồ phế thải của đứa bé mà là anh chủ sẽ giết nó để đãi ông Lý.

Chị Ba Biên Hòa nghe đến đây thì cười ngất nhưng rồi chị bảo mọi người đang ăn cơm mà nghe chuyện này thì thấy cơm bớt ngon đi. Chị xin chuyện khác cũng về chó nhưng là chuyện thơm tho. Ông bồ chữ ODP liền kể ngay. Ông là bồ chữ mà. Rằng có một tên quan huyện kia là cường hào ác bá. Hắn ra chợ thấy thứ gì thích thì hoặc hắn mua rẻ, hoặc tịch thu lấy luôn. Bà con tức lắm mà không làm gì được. Có một nho sĩ từ phương xa biết được việc này liền nói : bà con để tôi chửi cho nó một trận, cam đoan nó không làm gì được tôi. Ai cũng thích nhưng sợ cho ông nho sĩ. Họ nói : ông phải cẩn thận lắm mới được. Coi chừng nó đánh hay bắt bỏ tù. Nho sinh trấn an : không sao, tôi sẽ có cách. Mọi người hồi hộp chờ đợi. Bữa đó là phiên chợ, nho sinh ôm một con chó rồi phủ lên con chó một tấm vải. Quan huyện thấy anh ta ôm một vật che kín liền hỏi : thằng kia, mày ôm cái gì mà che che giấu giấu như thế? Nho sinh liền đáp : Bẩm quan chó ạ. Con chó ạ. Quan huyện biết là bị chơi xỏ, bèn hỏi thêm cho đỡ ngượng : Chó bao nhiêu tiền ? Nho sinh liền đáp : Bẩm hơn quan ạ, hơn một quan tiền ạ. Nho sinh này quả là bậc kỳ tài về lời nói.

Được hứng khởi, Cụ Chánh cũng xin góp một chuyện về chơi chữ. Rằng ngày xưa, năm 1934 Vua Bảo Đại cưới vợ và phong tước cho vợ là Nam Phương Hoàng Hậu. Báo chí ở Hà Nội lúc đó nghe sai nên in sai, thiếu chữ P, thay vì đăng là Nam Phương thì đăng là Nam Hương, nên các báo đã đăng lời xin lỗi. Vì Phương và Hương đều có nghĩa là thơm, nên ký giả Tam Lang trên Ngọ Báo đã chọc cười : Có pê hay không pê thì mùi cũng thế thôi !

Những ai rành tiếng Pháp thì mới thấy cái ngổ ngáo của Tam Lang. Chữ P phát âm là pê, trong tiếng Pháp từ Pet cũng phát âm là pê. Mà từ Pet có nghĩa là cái Rắm, cái trung tiện !

Cụ B.95, nghe đến đó mà chẳng hiểu bao nhiêu, bèn lên tiếng : Các bác nói chuyện gì mà cao siêu, lão chẳng hiểu gì cả. Mà cũng chẳng ăn nhập gì tới con chó sốt cả. Sao vậy ? Năm tới là năm con chó, xin các bác bàn tiếp về chó, hay biết bao !

Ông bồ chữ ODP nhận lời ngay. Rằng việc ăn thịt chó ở nước ta đã có từ lâu đời. Thời Cụ Nguyễn Du, thế kỷ 18 và 19, thịt chó đã là món nhậu phổ thông lắm. Cụ viết bài Hành Lạc Từ trong đó có đoạn giục giã chúng ta nhậu chó, như sau :

...Tội gì ngàn năm lo

Có chó cứ làm thịt

Có rượu cứ nghiệng bầu

Được thua trên đời chưa dễ biết

Cần gì lo tiếng hão về sau

(bản dịch của Cụ Lê Thước)

Mà chẳng riêng gì chỉ VN ta mới nhậu thịt chó. Hình như các nước Đông Nam Á đều nhậu hết, hình như lại còn nhậu dữ hơn ta nữa.

Kià xem sát bên chúng ta là ông Tàu. Ông Tàu cũng nhậu thịt chó nhiều lắm. Hình như là luôn luôn nhậu. Chúng cớ chữ NHIÊN là nhóm lửa, chữ này gồm 3 chữ ghép chung lại : chữ nhục là thịt, chữ khuyển là chó viết ở trên, chữ hỏa là lửaviết ở dưới. Rõ ràng người Tàu thuở xưa cứ nhóm bếp là nấu thịt chó.

Nước Cao Ly nổi tiếng không những về củ sâm mà còn nổi tiếng về thịt chó. Mấy năm trước đây khi có thế vận hội ở Hán Thành, nhiều phóng viên quốc tế tới đây rồi lên tiếng chê bai là dân Cao Ly man rợ đã ăn thịt chó. Chính quyền Cao Ly như bị áp lực của dư luận quốc tế cũng khuyên các nhà hàng thịt chó che dấu thịt chó đi. Hiệp hội các nhà hàng thịt chó Cao ly đã lên tiếng. Rằng hỡi mấy anh quốc tế, các anh cưng chó và coi chó như con là việc riêng của các anh, là văn hoá của các anh, còn chúng tôi không cưng chó như con, chúng tôi nuôi chó như nuôi gà vịt để ăn thịt, đó là văn hoá của chúng tôi. Các anh mới có mấy trăm năm văn hiến, còn chúng tôi đã có năm ngàn năm văn hiến, sao các anh dám lấy mấy trăm năm văn hiến của các anh mà dạy cái văn hiến năm ngàn năm nguồn cội của chúng tôi ? Hình như sau bài lên tiếng này thì dân da trắng không còn dám chê bai thịt chó Cao Ly nữa. Hoan hô Hiệp Hội Nai Đồng Quê Cao Ly !

Đó là chuyện ăn thịt chó bên Á Châu. Còn chuyện ăn thịt chó ở California nữa, mới kinh. Các cụ còn nhớ vụ Toà án Long Beach ở California tha bổng 2 người Miên xơi thịt chó hồi tháng Ba, 1989 không ? Tôi nhớ rất rõ vì bài biện hộ của luật sư bênh bị can hay vô cùng. Hai bị can là Sokheng Chea 32 tuổi và Seng Ou 33 tuổi đã giết chó làm thịt rồi nhậu ngay ở chúng cư Long Beach. Hai anh bị bắt đưa ra toà.

Hôm xử thì tòa đông nghẹt người da trắng và da vàng. Hai nhóm người này có 2 lập trường khác nhau nên hầm hè nhau ngay ở toà. Dân Mỹ trắng thì cho rằng hai bị can đãman rợ với súc vật, còn phe da vàng thì cho phe kia là đạo đức giả. Công tố viện đã xin toà kết án nặng về tội tàn ác với thú vật. Luạt sư của 2 bị can Cao Mên đã biện hộ hùng hồn như sau : Hoa Kỳ hiện nay chưa hề có luật nào cấm giết chó ăn thịt. Chó thì cũng như heo bò gà. Trong hiến pháp Hoa Kỳ và ngay cả trong bản tuyên ngôn quốc tế nhân quyền, không có điều nào bắt ta phải tôn con chó lên hàng trên cùng của súc vật, phải thương yêu nó như con người. Cho nên ăn thịt chó cũng như ăn bò heo gà đều không có tội. Hai thân chủ của tôi chỉ có cái tội là đã bị mất nước vào tay cộng sản nên không còn được ở quê nhà để xơi thtịt chó, mà theo họ, thịt chó là món ngon nhất trên cõi đới này. Luật sư còn vạch ra cái đạo đức giả của dân da trắng như khi họ xem đấu võ và chọi gà. Hai võ sĩ đánh nhau chảy máu mắt máu mũi thì được khán giả da trắng vỗ tay tán thưởng. Hai con gà chọi nhau không những chảy máu mà một con lăn quay ra chết, cũng được dân da trắng vỗ tay nhiệt liệt. Họ vỗ tay trước cảnh dã man rõ ràng, mà chả sao. Cuối cùng, luật sư xin Toà tha bổng hai bị can vì họ đã có can đảm tiếp nối cái truyền thống ăn ngon của tổ tiên Cao Mên của họ.

Cuối cùng, sau khi nghị án lâu giờ, tòa án Long Beach đã tuyên bố tha bổng 2 bị cáo Cao Mên về việc xơi thịt chó.

Chưa bao giờ tôi được nghe một bài bào chữa bênh vực việc ăn thịt chó hay như vậy, và chưa bao giờ một tòa án đã có một phán quyết đẹp và sáng suốt như vậy.

Các cụ đã thấy bồ chữ ODP của chúng tôi thông thái chưa ?

Thấy chúng tôi vỗ tay khen hay qúa, ông ODP lại tiếp : Chuyện thịt chó Cali chưa hết tại đây. Phe da trắng thua keo đầu này vì chưa có luật cấm xơi thịt chó. Họ tức lắm. Họ đã vận động làm luật, và họ đã thành công. Nữ dân biểu Jackie Speiner đã đề nghị luật, quốc hội Cali đã thông qua, và thống đốc Cali đã ký ban hành. Kể từ ngày 1.1.1990, Cali chính thức cấm giết chó và ăn thịt chó.

Ngay sau đó, Tờ báo San Jose Mercury News đã phỏng vấn cựu thẩm phán Trần An Bài cảm nghĩ về luật mới. Ông Bài đã trả lời rất hay. Rằng Đạo luật cấm ăn thịt chó là do sự khác biệt về văn hóa. Là người thiểu số ở xứ này, chúng tôi phải tôn trọng luật pháp của đa số. Nếu đa số trong xã hội này không muốn chó mèo bị ăn thịt thì chúng tôi không ăn. Điều quan trọng là chúng ta phải tìm hiểu nền văn hóa của nhau để có thể sống hòa hợp vơi nhau. Chẳng hạn như khi chúng tôi tới xứ này thì chúng tôi vô cùng sửng sốt khi thấy người dân được phép đốt quốc kỳ, cũng như được lấy quốc kỳ may quần xà lỏn hay quần tắm. Dần dần rồi mãi về sau chúng tôi mới hiểu sự tự do và dân chủ vĩ đại của xứ này.

Ông Trần An Bài nói đúng qúa chứ, phải không các cụ ?

Viết tới đây, nhìn qua cửa sổ, tôi đã thấy tuyết trắng đang bay bay. Mùa đông thật rồi. Mới hôm nào còn nắng ấm chan hòa, nay trời đã bước vào mùa lạnh.. Tôi nhớ có lần Cha Paolo giảng ở nhà thờ như thế này : Thời gian của cỏ cây là thời gian vòng tròn, tứ thì bát tiết tiếp nối nhau. Hết hè rồi sang thu, sang đông rồi sang xuân. Còn thời gian của loài người là thời gian đường thẳng. Sinh ra nhập thế là chúng ta đã bước chân lên đường, tiến về tương lai. Điều quan trọng là chúng ta phải biết chúng ta đang đi, đang sống. Chỉ có phút giây này là của chúng ta. Chúng ta hãy sống cho tròn đầy và giúp tha nhân chung quanh ta hạnh phúc, ngay phút này.

Nhà văn Mai Thảo nhìn cuộc đời, đường thẳng hay đường tròn, đều là hư vô :

Một dấu tròn vo, vĩ đại tròn,
Là mày, mừng tuổi đó, nghe con
Trong không ngoài rỗng, không gì hết
Không cả không là cái số không

Ông Mai Thảo đã đạt đạo. Phục ông Mai Thảo quá !

(Nguồn: www.dunglac.net)