Mười ba năm dưới thời kỳ lãnh đạo của ông Giang Trạch Dân, Trung Quốc đã tiến rất xa trên con đường phát triển kinh tế, hội nhập với thế giới và phần nào cả về cải tổ chính trị.

Về mặt lý luận, thuyết Ba Đại Diện, một mặt là sự nối tiếp đường lối mở cửa của lãnh tụ Đặng Tiểu Bình nhưng mặt khác cũng đánh dấu việc đảng Cộng sản Trung Quốc bỏ lại đằng sau thuyết đấu tranh giai cấp để nêu cao chủ nghĩa quốc gia Trung Hoa.

Phải mất hơn 10 năm cầm quyền, ông Giang Trạch Dân mới đưa ra thuyết này trong một hoàn cảnh khiêm tốn. Ngày 25.12.2000 ông phát biểu về đề tài này trước cán bộ cấp xã và huyện ở tỉnh Quảng Đông, chính thức là để tổng kết phong trào Nói chuyện về Học tập, Chính trị và Tính Chính đáng, một phong trào đẩy mạnh tự phê do ông Tăng Khánh Hồng, một người thân cận của ông Giang, tung ra năm 1999.

Nhưng thuyết Ba Đại Diện đã vượt xa mức độ của một bài phát biểu chưa tới một giờ đồng hồ và phần nào trở thành nền tảng cho hệ thống lý luận thời kỳ Giang Trạch Dân.

Theo Tến sỹ Lê Văn Sang, tổng biên tập tạp chí Kinh tế Châu Á -Thái Bình Dương ở Hà Nội, thuyết này nói rằng: "Đảng Cộng Sản Trung Quốc đại diện cho sức sản xuất tiên tiến nhất, đại diện cho lợi ích của đại đa số nhân dân Trung Quốc. Đồng thời đảng này đại diện cho nền văn hóa tiên tiến của Trung Quốc".

Theo Tiến sỹ Lê Văn Sang, phần chính về mặt kinh tế của thuyết này là nhằm vào khai thác mọi nguồn lực, đặc biệt là mọi thành phần kinh tế, mọi thành phần ưu tú phát triển xây dựng nền kinh tế Trung Quốc.

Cũng theo Tiến sỹ Sang thì "Ở Trung Quốc, người ta chuyển dần sang đại diện cho lợi ích dân tộc ngày càng rõ ràng hơn và vấn đề đấu tranh giai cấp không còn được đặt ra".

Thuyết Ba Đại Diện nhằm củng cố sự lãnh đạo của đảng CSTQ trong hoàn cảnh mới. Nhưng điều đáng chú ý hơn cả là thuyết Ba Đại Diện bỏ lại đằng sau khái niệm đấu tranh giai cấp của học thuyết Mác Lê Nin và Mao Trạch Đông.

Việc xác nhận vai trò của mọi thành phần xã hội trong con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Trung Quốc mở đường cho phe cải cách ở nước này đi đến chỗ chấp nhận sự có mặt của tầng lớp doanh thương trong hàng ngũ đảng cộng sản.

Cho doanh nhân vào đảng là điều khiến Trung Quốc đi trước tất cả các nước cộng sản còn lại trên thế giới. Vì bỏ qua vấn đề đấu tranh giai cấp, thuyết Ba Đại Diện phải hướng đến một chỗ dựa tinh thần khác là chủ nghĩa dân tộc và quốc gia Trung Hoa, một điều không có gì mới về mặt lý luận.

Cũng vì thế còn quá sớm để nói rằng thuyết Ba Đại Diện là một học thuyết chính trị có nhiều tính tư tưởng. Xét cho cùng, thuyết này chỉ là một chỗ dựa lý luận của đảng Cộng sản Trung Quốc trong một hoàn cảnh mới.

Nó chấp nhận hoàn cảnh đó đồng thời duy trì tính liên tục từ các thế hệ lãnh đạo trước ông Giang Trạch Dân với sự nhấn mạnh đến thành quả của thời kỳ Đặng Tiểu Bình. Cho tới nay, những nhân vật thuộc thế hệ lãnh đạo thứ tư như Hồ Cẩm Đào chưa đóng góp gì mới cho tủ sách lý luận của đảng Cộng sản Trung Quốc.

Lý do là vì trong thời gian diễn ra đại hội đảng 16 này thuyết Ba Đại Diện vẫn đóng vai trò kim chỉ nam cho ban lãnh đạo Trung Quốc. Mặt khác là càng đi xa thời Mao Trạch Đông, các nhà lãnh đạo Trung Quốc cộng sản càng tập trung vào những giải pháp thực tiễn hơn là các lý thuyết chính trị. (BBC)