1. Ukraine giành lại lãnh thổ ở Kharkiv khi hàng chục binh sĩ Nga 'đầu hàng'

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Ukraine Regains Ground in Kharkiv as Dozens of Russian Troops 'Surrender'“. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Một quan chức quân sự cho biết, lực lượng Ukraine đã bắt giữ hàng chục binh sĩ Nga ở tỉnh Kharkiv hôm Chúa Nhật, trong bối cảnh có thông tin cho rằng Kyiv đã giành lại được một số lãnh thổ trong khu vực Kharkiv.

Khoảng 60 binh sĩ Nga đã bị bắt gần thị trấn Vovchansk bị chiến tranh tàn phá, nơi các trận chiến khốc liệt đang diễn ra, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov, cho biết như trên.

Ukraine kiểm soát 70% Vovchansk, nơi có dân số trước chiến tranh là 17.000 người. Các cuộc đụng độ khốc liệt vẫn tiếp diễn sau khi lực lượng của Điện Cẩm Linh phát động cuộc tấn công ở khu vực Kharkiv vào ngày 10 Tháng Năm, chiếm giữ một số thị trấn ở biên giới phía đông bắc Ukraine và buộc hàng ngàn dân thường phải chạy trốn.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy tuyên bố rằng tổn thất của Nga trong cuộc tấn công Kharkiv cao gấp 8 lần so với Ukraine.

Julian Röpcke, một nhà phân tích dữ liệu mở của cơ quan truyền thông Bild, đã chia sẻ đoạn phim trên X lần đầu tiên được lan truyền trên Telegram, trong đó có chủ đích ghi lại thời điểm quân Nga bị bắt.

“Lính Nga dường như đã đầu hàng ở Vovchansk. Nơi này cách khoảng 600 mét về phía bắc so với nơi mà các nguồn tin Nga cho là tiền tuyến hiện tại. Vì vậy, Nga dường như đang mất dần vị thế ở đó”, Röpcke viết.

Ông viết trong một bài đăng khác: “Quân đội Ukraine đã tái chiếm một số khu vực ở Đông Bắc Vovchansk, sử dụng quân tiếp viện thông qua phương tiện đặt cầu 'Biber' do Đức cung cấp. “Các lực lượng xâm lược của Nga tiếp tục lùi dần ở phía Tây Nam và hiện cách cây cầu Vovcha bị phá hủy khoảng 400 mét.”

Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ, gọi tắt là ISW, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Hoa Kỳ, cho biết trong phân tích mới nhất về cuộc xung đột ở Ukraine hôm thứ Hai rằng lực lượng của Kyiv gần đây đã lấy lại được một số vị trí ở Vovchansk.

“Đoạn phim định vị địa lý được công bố ngày 2 Tháng Sáu cho thấy lực lượng Ukraine đã giành lại được vị trí dọc phố Dukhovna ở trung tâm Vovchansk. Đoạn phim định vị địa lý bổ sung được công bố vào ngày 3 tháng 6 cho thấy các lực lượng Nga và Ukraine cận chiến dọc theo Phố Dukhovna, cho thấy các lực lượng Ukraine đang phản công để tranh giành quyền kiểm soát của Nga đối với các vị trí dọc theo đường phố”, tổ chức nghiên cứu cho biết.

“ Nhà quan sát quân sự Ukraine Kostyantyn Mashovets lưu ý một cách mỉa mai rằng các blogger Nga đang phàn nàn về việc Ukraine gia tăng các cuộc phản công theo hướng Kharkiv; và cảnh báo rằng các nguồn tin của Nga có thể tuyên bố trong những ngày tới rằng các lực lượng Nga đã đẩy lùi một cuộc phản công 'nghiêm trọng' của Ukraine theo hướng này”.

2. ISW cho biết vụ Ukraine tấn công hệ thống phòng không Nga có khả năng là bằng HIMARS

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Ukraine Strikes Russian Air Defense Battery in Likely HIMARS Attack: ISW”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Theo một đánh giá mới, lực lượng Ukraine đã phá hủy các bộ phận của tổ hợp phòng không tiên tiến của Nga ở bên kia biên giới, và có khả năng là quân Ukraine đã sử dụng Hệ thống hỏa tiễn pháo binh cơ động cao, gọi tắt là HIMARS, do Mỹ tài trợ, trong cuộc tấn công này.

Hình ảnh định vị địa lý được công bố hôm thứ Hai cho thấy hai bệ phóng bị phá hủy, cộng với một sở chỉ huy bị tàn phá. Đó là các hệ thống phòng không S-300 hoặc S-400 của Nga gần thành phố Belgorod, Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ, gọi tắt là ISW, cho biết trong phân tích mới nhất của mình.

Các báo cáo đã được lan truyền rộng rãi vào cuối tuần qua rằng Kyiv đã sử dụng HIMARS để tấn công vào Belgorod, ngay sau khi Mỹ dỡ bỏ một phần các hạn chế đối với Ukraine sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp chống lại lãnh thổ Nga được quốc tế công nhận.

Tuần trước, các quan chức Mỹ cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bật đèn xanh cho Ukraine tấn công đất Nga bằng một số vũ khí do Mỹ tài trợ để giúp Kyiv chống lại cuộc tấn công kéo dài nhiều tuần của Mạc Tư Khoa vào khu vực đông bắc Kharkiv.

ISW lưu ý rằng hệ thống phòng không của Nga cách tiền tuyến chiến đấu ở phía bắc Kharkiv khoảng 60 km, tương đương khoảng 37 dặm, và cách thủ đô khu vực, Thành phố Kharkiv khoảng 12 dặm. Tổ chức tư vấn cho biết, điều này nằm trong phạm vi của HIMARS do Ukraine vận hành. Các hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt khác không thể đạt được khoảng cách này.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cho biết trong chuyến thăm thủ đô Praha của Tiệp hôm thứ Sáu rằng Ukraine trong nhiều tuần đã yêu cầu sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp để chống lại các lực lượng bên trong Nga sau khi Mạc Tư Khoa mở mặt trận mới ở Kharkiv. Động thái này, diễn ra sau những tín hiệu tương tự từ một số nhà lãnh đạo NATO khác, đã bị Mạc Tư Khoa lên án là sự leo thang xung đột.

Khu vực Kharkiv của Ukraine giáp Belgorod, là khu vực đã chịu hậu quả nặng nề sau hơn hai năm chiến tranh ở Ukraine. Các quan chức Nga thường xuyên báo cáo về việc có máy bay điều khiển từ xa bay qua Belgorod và pháo kích từ bên kia biên giới. Thống đốc Belgorod Vyacheslav Gladkov cho biết trong một số tuyên bố kể từ đầu tháng 6 rằng “các mục tiêu trên không” đã bị lực lượng phòng không bao trùm khu vực bắn hạ, nhưng không cung cấp thêm thông tin chi tiết. Ông cho biết một loạt máy bay điều khiển từ xa của Ukraine cũng tấn công vào khu vực này trong những ngày gần đây.

Theo Ngũ Giác Đài, cho đến nay, Mỹ đã cung cấp cho Ukraine 40 HIMARS cộng với đạn dược cho các hệ thống này.

Lực lượng Kyiv đã sử dụng HIMARS từ mùa hè năm 2022 và ca ngợi tác động của hệ thống này, có thể được sử dụng để bắn hỏa tiễn Hệ thống hỏa tiễn chiến thuật quân đội, gọi tắt là ATACMS, tầm xa, cũng do Washington cung cấp. Kyiv không thể bắn hỏa tiễn ATACMS vào Nga để tiếp cận các căn cứ chiến lược quan trọng ở sâu trong một số khu vực của Nga, theo quy định do Mỹ đặt ra

3. Tư lệnh quân đội Anh tin tưởng vững chắc Ukraine sẽ thắng cuộc chiến nhưng các đồng minh phải 'duy trì hỗ trợ'

Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “UK military chief confident Ukraine will win the war, but allies must 'maintain support'“. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Phương Thảo.

Hôm Thứ Hai, 03 Tháng Sáu, Tư lệnh quân đội Anh, Đô đốc Antony Radakin, cho biết ông “tin tưởng vững chắc” rằng Ukraine cuối cùng sẽ giành chiến thắng trong cuộc chiến tổng lực bất chấp những tiến bộ chiến thuật gần đây của Nga.

Mạc Tư Khoa phát động một cuộc tấn công mới vào ngày 10 tháng 5 ở phía bắc tỉnh Kharkiv. Đến cuối tháng, Kyiv cho biết bước tiến của Nga trong khu vực này đã bị dừng lại và quân đội Ukraine đang tiến hành các cuộc phản công.

Radakin nhấn mạnh rằng Nga đang “thất bại” bất chấp cuộc tấn công đang diễn ra ở Kharkiv và các vấn đề của lực lượng Ukraine về tình trạng thiếu nhân lực và đạn dược.

Radakin nói: “Nga đang đạt được những tiến bộ chiến thuật trên đất liền. Nhưng sau đó bạn phải lùi lại một chút. Nếu quay trở lại tháng 3 năm 2022, Nga đã chiếm khoảng 17% lãnh thổ Ukraine. Hôm nay chỉ có 11%. Vì vậy, Nga vẫn đang thua”.

Trả lời câu hỏi liệu Ukraine có thắng thế trong cuộc chiến này hay không, Radakin cho biết ông “tin tưởng vững chắc” điều đó sẽ xảy ra.

“Đến cuối tháng 6, Nga sẽ mất 500.000 người – thiệt mạng và bị thương. Chúng ta đã vượt qua 800 ngày cho một cuộc chiến mà Putin dự đoán sẽ kéo dài ba ngày. Đây là điều khó khăn đối với Ukraine nhưng chúng ta phải duy trì sự ủng hộ của mình”.

Nhà lãnh đạo quân đội Anh cũng cho biết ông tin rằng Putin không muốn xảy ra chiến tranh với NATO hay chiến tranh hạt nhân.

Radakin nói thêm: “Chúng ta có thế áp đảo rất lớn nhờ sức mạnh của NATO”, đồng thời ông nhắc nhớ việc các đồng minh phương Tây đã bắn hạ phần lớn máy bay điều khiển từ xa và hỏa tiễn trong cuộc tấn công của Iran vào Israel hồi tháng 4.

Theo Đô Đốc Radakin, Iran đã phóng hơn 100 hỏa tiễn đạn đạo, gần 200 máy bay điều khiển từ xa và hàng chục hỏa tiễn hành trình.

“Tôi không nghĩ đối thủ tiềm năng của chúng ta có thể đáp trả theo cách mà các bạn đã thấy vào tối ngày 13 Tháng Tư”, nhà lãnh đạo quân đội Anh nói.

Ông nói thêm: “Tôi nghĩ khả năng lãnh đạo của Hoa Kỳ và sự thành thạo mà chúng tôi có với các đồng minh của mình đang ở cấp độ cao hơn nhiều so những đối phương tiềm năng của chúng ta”.

4. Nga cảnh báo Mỹ về 'hậu quả nghiêm trọng' vì tính toán sai lầm ở Ukraine

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russia warns US of ‘fatal consequences’ over miscalculations in Ukraine”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Một thứ trưởng Nga nói: “Họ đánh giá thấp mức độ nghiêm trọng của lời từ chối mà họ có thể nhận được”.

Điện Cẩm Linh hôm thứ Hai cho biết Mỹ có thể phải đối mặt với “hậu quả chết người” nếu phớt lờ cảnh báo của Mạc Tư Khoa rằng Ukraine không nên sử dụng vũ khí do Washington cung cấp để tấn công Nga.

“Tôi muốn cảnh báo các nhà lãnh đạo Mỹ về những tính toán sai lầm có thể gây ra hậu quả chết người”, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov nói, theo hãng thông tấn nhà nước Nga RIA. “Không rõ vì lý do gì, họ đánh giá thấp mức độ nghiêm trọng mà họ có thể nhận được.”

Tuần trước, chính quyền Tổng thống Biden đã lặng lẽ cho phép Ukraine sử dụng một số vũ khí do Mỹ cung cấp để tấn công các mục tiêu quân sự trên lãnh thổ Nga. Một số chính phủ Âu Châu gần đây đã cấp phép tương tự.

Kyiv đã kêu gọi sự linh hoạt hơn nữa trong việc sử dụng vũ khí phương Tây khi lực lượng của Putin tiến vào khu vực Kharkiv của Ukraine.

Một quan chức Mỹ nói với POLITICO: “Gần đây, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chỉ đạo nhóm của mình bảo đảm rằng Ukraine có thể sử dụng vũ khí của Mỹ cho mục đích phản công ở Kharkiv để Ukraine có thể đánh trả các lực lượng Nga đang tấn công họ hoặc chuẩn bị tấn công họ”.

Putin tuần trước đã cảnh báo phương Tây không được cho phép Ukraine sử dụng vũ khí của mình để tấn công Nga. “Leo thang liên tục có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng”, Putin nói hôm 29 Tháng Năm. “Nếu những hậu quả nghiêm trọng này xảy ra ở Âu Châu, Hoa Kỳ sẽ hành xử thế nào, lưu ý đến sự bình đẳng của chúng ta trong lĩnh vực vũ khí chiến lược?” bạo chúa Nga nói thêm.

Ryabkov nhắc nhở chính quyền Mỹ về “cảnh báo rất quan trọng” của Putin, đồng thời nói thêm rằng “nó phải được thực hiện hết sức nghiêm chỉnh” và các quan chức Mỹ nên “dành thời gian nghiên cứu chi tiết những gì được nói ra”.

5. Tòa Bạch Ốc cho biết Tổng thống Biden sẽ không tham dự hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “White House says Biden will not attend Ukraine peace summit”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Tổng thống Ukraine nói rằng sự vắng mặt của tổng thống Mỹ “sẽ chỉ được đáp lại bằng một tràng pháo tay của Putin”. Dù thế, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ không tham dự Hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine sắp tới ở Thụy Sĩ. Đó là một quyết định mà Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy mô tả là một món quà dành cho Nga.

Thay vào đó, Phó Tổng thống Kamala Harris và Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan sẽ đại diện cho Hoa Kỳ trong sự kiện kéo dài hai ngày ở Lucerne bắt đầu từ ngày 15 tháng 6, Tòa Bạch Ốc cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Hai.

Người Ukraine đã hy vọng rằng Tổng thống Biden sẽ xuất hiện vì ông có kế hoạch tham dự lễ kỷ niệm D-day của Pháp và cuộc gặp của các nhà lãnh đạo G7 ở Ý trong những ngày trước hội nghị thượng đỉnh.

Thay vào đó, Tổng thống Biden dường như sẽ tham dự một sự kiện gây quỹ ở Hollywood được lên kế hoạch vào cuối tuần hội nghị thượng đỉnh.

Tòa Bạch Ốc cho biết: “Phó Tổng thống sẽ nhấn mạnh cam kết của Chính quyền Tổng thống Biden-Harris trong việc hỗ trợ nỗ lực của Ukraine nhằm bảo đảm một nền hòa bình công bằng và lâu dài, dựa trên chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine cũng như các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hiệp Quốc”.

Theo văn phòng của ông Zelenskiy, Ukraine đã nhận được lời hứa từ hơn 100 quốc gia về việc tham dự, mặc dù một số quốc gia chủ chốt, bao gồm cả Trung Quốc, đã từ chối tham dự, với lý do không có đại diện từ Nga trong hội nghị thượng đỉnh.

Zelenskiy chỉ trích Bắc Kinh bỏ qua sự kiện này, nói rằng điều này đang giúp Nga làm chệch hướng các nỗ lực hòa bình.

“Tôi tin rằng hội nghị thượng đỉnh hòa bình cần Tổng thống Biden, và các nhà lãnh đạo khác cũng cần Tổng thống Biden vì họ sẽ xem xét phản ứng của Mỹ”, ông Zelenskiy nói trong cuộc họp báo ở Brussels tuần trước.

Ông nói thêm, sự vắng mặt của tổng thống Mỹ “sẽ chỉ được đáp lại bằng một tràng pháo tay của Putin – một tràng pháo tay trực tiếp, cá nhân”.

Phát ngôn nhân Hội đồng An ninh Quốc gia John Kirby cho biết trong cuộc họp báo hôm Thứ Hai, 03 Tháng Sáu, rằng bất kể ai đại diện cho Mỹ tại hội nghị thượng đỉnh hòa bình, không thể nói rằng Washington và Tổng thống Biden không có mặt vì Ukraine.

Kirby nói: “Ngay từ khi bắt đầu cuộc xung đột này, không có nhà lãnh đạo nào khác đã và đang tiếp tục làm nhiều như Tổng thống Biden để bảo đảm rằng Ukraine có những gì cần thiết để tự vệ trước sự xâm lược của Nga”.

“Và chưa có nhà lãnh đạo nào khác làm được nhiều việc như vậy với người Ukraine, không chỉ vì nhu cầu phòng thủ của họ hiện nay mà còn vì nhu cầu phòng thủ của họ sẽ như thế nào khi cuộc chiến này kết thúc.

6. Bộ trưởng Ngoại giao xác nhận Ý sẽ gửi cho Ukraine hệ thống phòng không SAMP/T thứ hai

Ngoại trưởng Ý hôm Thứ Ba, 04 Tháng Sáu, cho biết Ý sẽ gửi cho Ukraine hệ thống SAMP/T thứ hai, đó là hệ thống phòng không duy nhất do Âu Châu sản xuất có thể đánh chặn hỏa tiễn đạn đạo.

Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với RaiRadio 1, Antonio Tajani cho biết đây là “một công cụ phòng không, do đó là công cụ bảo vệ, mà chính Ukraine đã yêu cầu chúng tôi cung cấp”.

Ông không cho biết khi nào hệ thống sẽ đến Ukraine.

Ukraine đã yêu cầu các đối tác quốc tế cung cấp thêm lực lượng phòng không sau khi Nga gia tăng các cuộc tấn công nhằm vào cơ sở hạ tầng năng lượng kể từ tháng 3 và các cuộc tấn công trên không tàn khốc ở tỉnh Kharkiv.

Trước đây, Pháp và Ý đã cùng cung cấp cho Ukraine hệ thống SAMP/T vào năm 2023.

Một nguồn tin thân cận nói với Reuters rằng hệ thống SAMP/T mới nhất sẽ là hệ thống hiện đang được triển khai ở Kuwait nhưng sẽ sớm quay trở lại Ý.

Tháng trước, các ngoại trưởng Nhóm Bảy nước, gọi tắt là G7, đã hứa tăng cường khả năng phòng không của Ukraine để bảo vệ dân thường và cơ sở hạ tầng quan trọng khỏi các cuộc tấn công của Nga.

Các cuộc tấn công hồi đầu năm nay nhằm vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine đã phá hủy một số nhà máy nhiệt điện trên khắp đất nước, bao gồm nhà máy điện chủ chốt Trypillia, nhà cung cấp điện chính cho các tỉnh Kyiv, Zhytomyr và Cherkasy.

Các bộ trưởng G7 đã lên án các cuộc tấn công này và hoan nghênh việc công bố Sổ ghi danh thiệt hại do cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine gây ra.

Tuyên bố nêu rõ: “Nga phải trả giá cho những thiệt hại và sự tàn phá mà nó gây ra”.

7. Tờ New York Times báo cáo các chuyên gia cho biết chiến dịch thông tin sai lệch của Nga nhắm vào Thế vận hội Paris

Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “New York Times: Russian disinformation campaign targeting Paris Olympics, experts say”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Một chiến dịch thông tin sai lệch do Nga chỉ đạo đang tấn công vào Thế vận hội Paris sắp tới, New York Times đưa tin hôm Thứ Ba, 04 Tháng Sáu, trích dẫn các chuyên gia thông tin sai lệch của Microsoft và các quan chức Hoa Kỳ.

Thế vận hội Paris, dự kiến bắt đầu vào cuối tháng 7, đã bị lôi kéo vào cuộc tranh cãi và sự lan tỏa của cuộc chiến toàn diện của Nga ở Ukraine. Trong khi cả Belarus và Nga đều bị cấm tham gia chính thức Thế vận hội, các vận động viên từ các quốc gia tương ứng sẽ được phép thi đấu với tư cách là vận động viên trung lập độc lập, Ủy ban Olympic quốc tế, gọi tắt là IOC, tuyên bố vào tháng 3.

Quyết định của IOC đã vấp phải sự chỉ trích từ Ukraine và các đồng minh. Nhưng, Nga cũng cáo buộc IOC phân biệt đối xử không công bằng với các vận động viên Nga.

Tờ New York Times cho biết một chiến dịch do Nga chỉ đạo nhằm làm mất uy tín và phá hoại thế vận hội đã “bắt đầu một cách nghiêm chỉnh” vào mùa hè năm 2023, khi một “bộ phim tài liệu” được phát hành với biểu tượng IOC đã được chỉnh sửa, cùng với việc mạo danh giọng nói của Tom Cruise được hỗ trợ bởi Trí Tuệ Nhân Tạo.

Các cuộc tấn công vẫn tiếp tục kể từ đó.

Clint Watts, nhà lãnh đạo Trung tâm phân tích mối đe dọa kỹ thuật số của Microsoft, cho biết: “Các tin tặc đang cố gắng nuôi dưỡng dự đoán về bạo lực”.

“Họ muốn mọi người sợ hãi khi tham dự Thế vận hội.”

Nhóm hacker, được gọi là Storm-1679, tạo ra khoảng 3 đến 8 video thông tin sai lệch mỗi tuần, Microsoft nói với Tờ New York Times, nhiều video trong số đó có vẻ như đến từ các phương tiện truyền thông nổi tiếng như BBC hay Al Jazeera.

Eliot Higgins, người sáng lập hãng báo chí điều tra Bellingcat có trụ sở tại Hòa Lan, nói với Tờ New York Times rằng mức độ liên hệ trực tiếp giữa chiến dịch đưa thông tin sai lệch và Điện Cẩm Linh được cố gắng che đậy.

Các chiến dịch thông tin sai lệch có liên quan đến Nga trước đây đã tìm cách gieo rắc hỗn loạn bằng cách truyền bá những thông điệp sai lệch, chẳng hạn như thông báo giả mạo về việc huy động một phần ở Ba Lan thông qua vụ tấn công vào một cơ quan truyền thông nhà nước vào tháng 5.

Cũng có nhiều mối đe dọa công khai hơn đối với Thế vận hội.

Chính quyền Pháp đã bắt giữ một người đàn ông Chechnya ở Pháp vào tháng 5 sau khi cuộc điều tra cho thấy anh ta bị cáo buộc âm mưu tấn công khủng bố vào Thế vận hội.

Trong một diễn biến khác, năm chiếc quan tài đã được phát hiện gần chân tháp Eiffel cuối tuần qua có thể là tác phẩm của các diễn viên Nga hoặc được Nga hậu thuẫn, BBC đưa tin hôm thứ Hai trích dẫn tình báo Pháp.

Các quan tài được lấp đầy bằng thạch cao và phủ một lá cờ Pháp cùng dòng chữ “Lính Pháp chết trận ở Ukraine”.

Chính quyền Pháp tin rằng những chiếc quan tài được chở bằng xe tải vào khoảng 9 giờ sáng thứ Bảy là một phần của chiến dịch can thiệp nước ngoài rộng lớn hơn do Điện Cẩm Linh hậu thuẫn nhằm làm suy yếu dư luận ở Pháp trước Thế vận hội Mùa hè, sẽ khai mạc vào tháng tới vào lúc các địa điểm xung quanh Paris.

8. Xe tăng và quân Đức ở Lithuania có một mục tiêu, đó là hù dọa Nga

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “German tanks and troops in Lithuania have one goal: Scare off Russia”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Tiếng pháo và xe tăng rền vang dưới sự quan sát của những chiếc trực thăng tấn công đang sà xuống, tất cả được thiết lập theo nhạc nền của ban nhạc rock hạng nặng Van Halen của những năm 1980: Đây chính là diện mạo của Bundeswehr của Đức vào năm 2024.

Sau khi đưa ra quyết định mang tính bước ngoặt là gửi 5.000 binh sĩ tới Lithuania vào năm 2027 – là đợt triển khai quân nước ngoài toàn thời gian đầu tiên của Berlin kể từ Thế chiến 2 - Đức đã kết thúc một phần cuộc tập trận Phòng thủ kiên định của NATO vào tháng trước với các trò chơi chiến tranh chỉ cách biên giới với Nga và đồng minh Belarus15 km.

Một trận đấu súng trực tiếp kéo dài 90 phút đầy khí thế đã được tổ chức cho các nhà lập pháp, nhà ngoại giao và chỉ huy quân sự địa phương xem tại cơ sở huấn luyện Pabradė /pa-bra-đe/.

Với bình luận trực tiếp và màn hình treo trên giàn cho thấy các hệ thống xe tăng hiện đại tìm thấy mục tiêu và cứu những người bị thương như thế nào, thông điệp dành cho các yếu nhân rất rõ ràng: Chúng tôi đã sẵn sàng đến Nga.

“Đức giữ đúng lời hứa,” Tướng Carsten Breuer, Chánh thanh tra quân đội Đức, cho biết dưới một trận mưa như trút nước sau khi cuộc biểu dương lực lượng ngập nắng kết thúc với màn bay ngang qua được dàn dựng bởi hai chiếc Eurocopter Tiger được trang bị hỏa tiễn chống tăng và trực thăng tấn công. “Chúng tôi sẽ bảo vệ từng centimet lãnh thổ NATO.”

Breuer cho biết Mạc Tư Khoa sẽ mất từ 5 đến 8 năm để tái thiết lực lượng vũ trang của mình sau cuộc chiến khốc liệt ở Ukraine, qua đó đặt ra thời hạn 2029 cho các nỗ lực của NATO để chuẩn bị cho cuộc chiến có thể xảy ra.

Những gì đang xảy ra ở Lithuania là khía cạnh bên ngoài của sáng kiến Zeitenwende của Đức được đưa ra sau cuộc tấn công của Nga vào Ukraine. Từ bỏ chủ trương hòa bình sau Chiến tranh Lạnh, Đức đã chi 100 tỷ euro khẩn cấp để tái trang bị cho quân đội và cải tổ học thuyết quốc phòng để biến Bundeswehr thành một quân đội có thể chiến đấu - và giành chiến thắng - trong một cuộc chiến.

“Thế giới đã khác so với trước ngày 24 tháng 2 năm 2022,” Bộ trưởng Quốc phòng Boris Pistorius nói trong chuyến thăm Pabradė chỉ vài ngày trước màn buổi diễn cuối cùng. “Đối với chúng tôi với tư cách là Bundeswehr, điều đó có nghĩa là sứ mệnh đã thay đổi; trọng tâm là phòng thủ quốc gia và liên minh.”

Đức là quốc gia dẫn đầu về sự hiện diện tăng cường của NATO ở Lithuania. Ở Estonia, Vương quốc Anh đóng vai trò tương tự, trong khi ở Latvia là Canada.

Tại Pabradė, binh lính Đức cùng với quân đội Lithuania, Hòa Lan và Pháp tham gia cuộc tập trận Quadriga, trong đó Sư đoàn thiết giáp số 10 của Bundeswehr tham gia biểu diễn với xe tăng Leopard 2, xe bộ binh Puma và Boxer, bệ pháo Panzerhaubitze2000 và các phương tiện rà phá bom mìn.

Sâu trong rừng thông phía nam Vilnius, cách Pabradė 80 km, binh lính và thợ đào đang chuẩn bị mặt bằng cho nhiều người trong số 5.000 binh sĩ và gia đình của họ, những người sẽ sớm đóng quân lâu dài tại Lithuania.

Theo kế hoạch đã được thống nhất với Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Lithuania sẽ chi trả cho cơ sở hạ tầng trong khi Berlin sẽ chịu chi phí bảo trì và trang bị cho lữ đoàn Đức.

Các quan chức Đức đã ước tính chi phí mà người nộp thuế phải gánh chịu vào khoảng từ 6 tỷ euro đến 9 tỷ euro; phần lớn số tiền đó sẽ được chi cho vũ khí hạng nặng để trang bị cho lữ đoàn.

9. Nhà lãnh đạo IAEA cho biết 'khó có thể hình dung' việc khởi động lại nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia trong chiến tranh

Hôm Thứ Ba, 04 Tháng Sáu, Nhà lãnh đạo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, gọi tắt là IAEA cho biết “thật khó để hình dung” việc khởi động lại Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia do Nga nắm giữ trong khi xung đột giữa Nga và Ukraine vẫn tiếp diễn.

Phát biểu tại cuộc họp báo trong cuộc họp của Hội đồng Thống đốc 35 quốc gia của IAEA, Rafael Grossi cho biết Mạc Tư Khoa không có kế hoạch ngừng chiếm đóng cơ sở này và “tất nhiên, ý tưởng của họ là khởi động lại vào một thời điểm nào đó”.

Nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia, là nhà máy điện hạt nhân lớn nhất Âu Châu, nằm dưới sự xâm lược của Nga kể từ tháng 3 năm 2022.

Ukraine đã nhiều lần cáo buộc Mạc Tư Khoa sử dụng nhà máy này làm nơi phát động các cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa và pháo binh vào bờ đối diện sông Dnipro do Ukraine kiểm soát, gây ra mối nguy hiểm an ninh nghiêm trọng.

Trong suốt thời gian xâm lược, nhà máy này đã nhiều lần bị ngắt khỏi lưới điện Ukraine do các cuộc tấn công của Nga vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine.

Grossi cho biết “cần phải thảo luận” về việc khởi động lại nhà máy, nhưng nhấn mạnh rằng cần phải thực hiện một số bước quan trọng trước khi điều này có thể thực hiện được.

Ông nói trong bình luận được Reuters đưa tin: “Xét về những gì cần phải xảy ra… không nên có bất kỳ vụ đánh bom hay bất kỳ hoạt động nào thuộc loại này”.

“Sau đó cần có sự bảo đảm ổn định hơn về nguồn điện bên ngoài. Điều này đòi hỏi phải sửa chữa, sửa chữa quan trọng các tuyến đường hiện có, mà vào thời điểm hiện tại và do hoạt động quân sự nên rất khó hình dung.”

Cơ quan năng lượng hạt nhân của Ukraine, Energoatom, hồi tháng trước cho biết nhà máy này nên được bàn giao cho Ukraine kiểm soát để tránh thảm họa hạt nhân.

Chủ tịch Energoatom Petro Kotin cho biết: “Các lực lượng của Nga tiếp tục tạo ra một tình huống cực kỳ nguy hiểm” tại nhà máy.

“Để ngăn chặn những tình huống xấu nhất xảy ra, nhà máy phải được trả lại quyền kiểm soát cho nhà điều hành hợp pháp – là Energoatom - càng sớm càng tốt.”

Energoatom cho biết nhà máy đã trải qua 8 lần mất điện hoàn toàn và một lần ngừng hoạt động một phần kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện.