Trung Quốc ngày càng tỏ rõ ảnh hưởng và tầm quan trọng của mình tới Đông Nam Á. Tâm điểm của nghị trình Hội nghị thượng đỉnh ASEAN năm nay tại thủ đô Phnompenh, Campuchia chắc sẽ không chỉ bàn về vụ đánh bom tại Bali gần đây và cuộc chiến chống khủng bố, mà còn các vấn đề liên quan tới Trung Quốc.

Trung Quốc đang thu hút phần lớn đầu tư tại Đông Á, đồng thời, qua mặt nhiều nước nhỏ trong lĩnh vực xuất khẩu. Một vài nhà quan sát dự đoán sự tăng trưởng của Trung Quốc sẽ tất yếu dẫn đến sự thụt lùi của Đông Nam Á.

Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997, Đông Nam Á chưa bao giờ lấy lại được hoàn toàn sự tự tin cũ. Nay, khi Trung Quốc thu hút phần lớn đầu tư trong khu vực, nhiều nhà quan sát dự đoán Đông Nam Á sẽ bị đẩy sang bên lề cuộc đua kinh tế.

Nhưng cũng có nhiều người nhìn thấy cơ hội lớn tại Trung Quốc. Theo kinh tế gia Suthad Setboonsarng thuộc công ty PricewaterhouseCoopers tại Bangkok, thị trường Trung Quốc phát triển rất nhanh với tỉ lệ tăng trưởng 7.8% và cũng tiêu thụ nhiều sản phẩm từ Đông Nam Á.

Tập đoàn CP, một trong những tập đoàn lớn nhất của Thái Lan, đã bắt đầu kinh doanh tại Trung Quốc hai mươi năm trước, vào thời điểm mà rất ít công ty phương Tây có khả năng tiến vào Trung Quốc.

Tuy vậy, phó chủ tịch của CP, ông Sarasin Viraphol, cho biết thời gian kinh doanh lâu năm tại Trung Quốc không phải là điều kiện đủ để chắc chắn có chỗ tại thị trường đang cạnh tranh gay gắt này.

Theo ông, người tiêu dùng Trung Quốc hiện nay không còn chấp nhận các sản phẩm kém chất lượng, vì bây giờ có rất nhiều sản phẩm để lựa chọn, và như thế, thị trường này tuy có nhiều cơ hội, nhưng không hề dễ dàng chút nào.

Hiện nay ASEAN đang muốn thuyết phục Trung Quốc gia nhập một Khu vực Mậu dịch Tự do Đông Á. Lãnh đạo các nước ASEAN hi vọng điều này sẽ giúp nền kinh tế Đông Nam Á tồn tại và có khả năng cạnh tranh với vị láng giềng khổng lồ này. (BBC)