Giáo sĩ Đắc Lộ (1593-1660) và lịch sử nước Việt Nam: Một số nhân vật lịch sử

4. Bà Minh Đức Vương Thái Phi

Khi nói về hoàng tử Khê thì một phần nào đã đề cập tới bà Minh Đức. Nhưng nên viết sơ lược nguồn ngọn vấn đề như thế này. Đọc hai tác phẩm của Đắc Lộ Tường Trình về Đàng Trong (Paris, 1652) và Hành Trình (Paris, 1653), người ta thấy nhắc tới hai người: bà Maria, bà Madalêna, có khi lại là bà Maria Madalêna. Dần dần sau khi phân chia ranh giới thì thấy nổi lên tên một người khá đặc biệt gọi là Maria, thỉnh thoảng lại là Maria Mađalêna, nhưng tựu trung thì thường là Maria.

Trong Tường Trình, bà Maria này thường được gọi một cách kính cẩn bằng tiếng Pháp là: une Grande Dame hay une Dame (Bà Quí Phái hay Bà), mère de l'oncle du roi (thân mẫu của chú của chúa Nguyễn Phúc Lan),acctúe Pgincesse (bà Thái Phi đó), tante du roi (bà dì của chúa).

Năm 1624, khi Đắc Lộ tới Đàng Trong thì được De Pina đưa đi thăm bà quí phái này, "một bà hoàng, họ gần với chúa và rất sùng thần ngoại, nhưng khi nghe cha De Pina giảng thì được ơn Thiên Chúa soi sáng. Từ đó bà là điểm tựa của giáo đoàn này. Gương của bà và thế giá của bà đã giúp rất đắc lực cho việc chinh phục lương dân và duy trì lòng nhiệt thành nơi những kẻ chịu phép rửa (Hành Trình 2,5).

Nhưng khi viết lại một kỉ niệm từ 28 năm (1625-1653) về trước, Đắc Lộ ghi thêm: "Tôi vẫn thường gặp bà suốt thời kì tôi ở xứ này và tin rằng bà vẫn kiên trì từ 28 năm trong việc thi hành các nhân đức đạo Chúa Kitô". Có họ gần với chúa (proche parente du roi), Đắc Lộ chỉ nói có vậy.

Chúa đây là chúa Nguyễn Phúc Nguyên, bào huynh của con bà là nguyễn Phúc Khê. Thực ra cũng không biết cách xưng hô thế nào vì Nguyễn Hoàng có nhiều thứ phi và các anh em phần nhiều là anh em cùng cha khác mẹ trong chế độ đa thê. Bà Maria này khi nghe thấy cha De Pina giảng thì lấy tên Maria trên đây là tên thánh. Tư dinh của bà hẳn cũng là tư dinh của con bà, Hoàng tử Khê được bào huynh Nguyễn Phúc Nguyên tín nhiệm trao cho chức vụ rất lớn trong quốc gia như đã nói ở trên. Nhưng trong tư dinh, bà đã cho xây cất một nhà nguyện công giáo: các giáo sĩ đi về thường tới tư dinh và cử hành các nghi lễ trong nhà nguyện. Giáo dân vùng lân cận vẫn lui tới nhà nguyện và được bà ân cần săn sóc, nếu không là chở che. Tháng 12 năm 1640 Đắc Lộ tới Đàng Trong lần thứ hai, thì đã ở trong tư dinh của bà và cử hành Tuần Thánh tại nhà nguyện trong tư dinh của bà.

Đắc Lộ kể lại lễ Giáng Sinh năm 1643, khi Đắc Lộ còn ở Macao, thày Inhaxu đã tổ chức nghi lễ ở nhà Bà: "Inhaxu trở về phủ để mừng lễ Giáng Sinh với đám đông các Kitô hữu và cả lương dân; một máng cỏ được trang hoàng rất đẹp trong một nhà bà quí phái tên là Maria, thân mẫu của chú nhà chúa, một nữ Kitô hữu kì cựu, có đức tin can tràng qua nhiều biến cố thử thách. Lòng thành kính của bà nổi bật trong ngày hôm nay, bà cho con bà và các cháu bà đến thờ lạy và tôn kính Vua vinh quang giáng trần, bà rao giảng những vinh quang Thiên Chúa cho những người từ các ngả tuôn đến viếng máng cỏ thánh". Bà quí phái, bà có họ gần với chúa thì dễ hiểu, còn bà vương phi, chúng tôi dịch chữ princesse, không phải là công chúa, cũng không phải là nữ hoàng, hẳn không thể là thái hậu hay hoàng hậu, bởi vì chỉ có thân mẫu của thế tử được chức này và cũng chỉ có bà này được ghi trong sử sách và giòng tộc nhà vua mà thôi.

Chữ tante du roi hơi khó dịch. Nói "thân mẫu chú nhà chúa" thì rõ hơn, còn nếu gọi tante du roi thì phải hiểu là "Bà Dì", chứ không phải dì, Grande tante, của Nguyễn Phúc Lan. Nhưng cứ theo văn mạch và ý nghĩ của tác giả mà hiểu: Bà Dì chúa Nguyễn Phúc Lan cũng là bà thân mẫu của ông chú chúa Nguyễn Phúc Lan, hoàng tử Khê.

Tuần thánh năm 1644, bà Maria được gặp Đắc Lộ và xưng tội rước lễ vì từ gần hai năm bà chưa gặp một linh mục nào. Lễ Lá năm đó Đắc Lộ đã cử hành trong nhà nguyện tư của bà dựng ngay trong tư dinh.

Nhưng đã có một nghi ngờ về phía nhà chúa. Nguyễn Phúc Lan sợ rằng Đắc Lộ hiểu biết về thiên văn địa lý, có thể giúp cho giòng họ Khê làm lớn, nếu Đắc Lộ chỉ dẫn cho cách để mồ, để mả, vì năm nay bà đã ngoại thất tuần. Do đó người ta đã canh phòng tư dinh của bà và giáo sĩ cũng rất e ngại không dám lui tới nhiều.

Thêm vào việc chúng tôi đã nói trên, Nguyễn Phúc Lan tỏ ý khiển trách hoàng tử Khê vì hay bắt chước người ngoại quốc làm trò vui và ăn nói thoải mái. Dụng ý của nhà chúa cho Khê biết không nên liên hệ nhiều với người ngoại quốc. Do đó, hi sinh chữ hiếu và giữ chữ trung, Khê cho phá nhà nguyện của bà. Đắc Lộ cho biết : bà như điên như dại, rất sầu khổ, đi lang thang tám ngày, không về nhà. Bà coi như có lỗi trong việc này. Đắc Lộ đã phải giải thích cho bà biết đây không phải lỗi bà và bây giờ có thể hội họp nhau ở nơi khác, chứ không cứ phải ở đây.

Khi có tàu chở ba nữ tu Clarít và hai cha tuyên úy người Tây Ban Nha dạt vào Hội An vì bị b oạđánh bạt, bà cũng rất muốn đến để xem mặt và phục vụ các "thánh nữ". Nhưng bà sợ làm phiền tới con bà và cả nhà chúa. Bà đã lén lút thuê chiếc thuyền nhỏ để đến thăm. Khi từ biệt các nữ tu, bà ao ước nhận được một áo dòng của nữ tu để khâm liệm xác bà khi bà được gọi về với Thiên Chúa. Thật là cảm động cảnh biệt li. Phải đọc nguyên văn mới thấy thấm thía (1).

Sau khi hoàng tử Khê mất năm 1646 thì bà sống cô đơn, không người che chở. Năm 1648 Nguyễn Phúc Lan cũng qua đời. Người ta phỏng đoán bà cũng mất năm 1649. Người ta cũng cho biết khi bà mất, các cháu đã hỗn xược vào lục soát các đồ vật của bà trong đó có các ảnh thánh, di vật thánh và một khăn nhỏ thấm máu. Đây hẳn là máu thánh tử đạo, nhưng họ phao ra là bà đồng bóng phù thủy.

Như trên đã nói Đắc Lộ không biết gì về danh tánh đích thực của bà mà chỉ gọi trống mà thôi. Coi Thực lục là sử nhà Nguyễn, chúng ta khám phá ra hoàng tử Tôn Thất Khê là con bà. Nhưng còn bà thì không có trong sử sách chính thức. Nhưng may thay trong gia phả giòng họ nhà Nguyễn là của Gia Long có viết "Khê là con thứ 10 (của Nguyễn Hoàng), mẹ là bà Minh Đức Vương Thái Phi".

Vậy tất cả sự nghiệp của bà Minh Đức Vương Thái Phi đều nằm trong sự nghiệp con bà là hoàng tử Khê (1588-1646), còn về tôn giáo thì bà là một trong những Kitô hữu then chốt gây dựng Giáo hội nguyên thủy Việt Nam. Nếu đã có hoàng hậu Hêlêna mẹ vua Constantin, đã có hoàng hậu Clotilde vợ vua Clovis thì chúng ta cũng có một bà vương phi vợ chúa Nguyễn Hoàng. Giáo hội công giáo Việt Nam hiên ngang vì đã có một nữ tín hữu vào tầm cỡ bà vương phi này. Chúng tôi có một mơ ước, sau khi theo vết chân các bậc đàn anh để tìm hiểu bà Maria này, như L. Cadière (Une princesse Chrétienne à la cour des premiers Nguyễn, BAVH), như Phạm Đình Khiêm (Minh Đức Vương Thái Phi, Saigon 1957), tôi đề nghị nên cổ động tôn sùng bà và có nguyện vọng xin lập hồ sơ phong thánh cho người bày tôi của Thiên Chúa, bà Maria, bà Minh Đức thứ phi chúa Nguyễn Hoàng, thân mẫu của hoàng tử Khê, mẹ bào đệ của Nguyễn Phúc Nguyên, bà dì của Nguyễn Phúc Lan. Cha Cadière cho biết đã tìm đến mộ Nguyễn Hoàng ở làng Thạch Hãn gần Quảng Trị, mộ hoàng tử Khê ở xã Hiền Sĩ về Bắc Kinh thành, nhưng còn mộ bà Minh Đức thì ở đâu, nếu không là ở trong lòng những ai biết và mến Bà, trong số đó có chúng tôi và giáo dân Việt Nam.