LỊCH SỬ VƯƠNG QUỐC ĐÀNG NGOÀI

từ năm 1627 tới năm 1646

Do Giáo Sĩ ALEXANDRE DE RHODES


CHƯƠNG 46

CÁI CHẾT CÓ PHÚC VÀ LÀNH THÁNH

CỦA MẤY GIÁO DÂN TÂN TÒNG

Tôi bắt đầu chương này bằng cái bất đắc kỳ tử mà một viên quan hung bạo con rể của chúa đã bắt thầy giảng Gioan phải chịu, trong tỉnh Bố Chính. Số là người thợ không biết mệt mỏi này đã hoạt động bảy hay tám năm, giúp ích vô kể cho những dân đã trả công thầy trước mặt Thiên Chúa và loài người. Thầy được Thiên Chúa cho ơn chữa bệnh, làm cho mọi người đều kính trọng nhân đức và bản thân thầy. Ngay cả lương dân và cả chính viên quan tuy còn là lương dân cũng tỏ ra kính trọng thầy. Tất cả đều quý mến và muốn được kết thân với thầy. Có một bà vợ mọn được viên quan say mê, nhưng lại là thù địch của giáo dân và đạo Thiên Chúa, mụ này ngã bệnh nặng. Vì rất yêu mụ nên viên quan cho tìm Gioan tới đọc kinh để chữa, như ông hy vọng, nhưng người đầy tớ trung thành của Thiên Chúa được huấn luyện sai lạc về lương tâm cho rằng mình không thể dùng ơn Chúa ban cho trong dịp này để chữa một mụ xấu xa thù địch của Đức Giêsu Kitô và phỉ báng đạo và danh thánh Người. Thế là thầy kiên quyết từ chối không đi và cho dầu mấy lần được mời và khẩn khoản nài xin, thầy vẫn một mực thà chết hơn là làm theo ý quan truyền và là điều Thiên Chúa cấm. Thế là viên quan lên cơn giận dữ, truyền cho bảy tên lính lôi thầy ra cánh đồng và dùng dao đâm chết. Chúng đã tàn bạo xử người lương thiện không sợ chết chỉ sợ tội, tưởng là mình phạm nếu uốn nắn lương tâm, như đã được giáo huấn, theo ý viên quan. Thiên Chúa cũng không trì hoãn bênh vực người vô tội này và báo oán về tội phạm tới sinh mạng thầy. Người đã cho vợ và con viên quan rơi vào tay chúa Đàng Trong, rồi bị giam tù trong một dịp đi kinh lý tỉnh quan cai trị. Còn chính ông, ông cũng bị tống ngục do chúa Đàng Ngoài mà ông đến trú ẩn. Vì mấy tội phản quốc nào đó mà ông đã thú nhận, nên ông bị kết án bỏ cho chết đói trong ngục và thi hài phơi ở phố chợ ba ngày, đó là hình phạt ô nhục nhất đối với người Đàng Ngoài.

Cái chết của giáo dân khác cũng đáng có chỗ ở đây. Một người tên Caiô người rất nhiệt thành để chinh phục lương dân trở lại và rất sốt sắng làm tiến triển công việc Thiên Chúa. Ông được hạnh phúc bị bắt, bị trói và bị hành hạ vì đạo và được danh nghĩa kẻ làm chứng đức tin bằng rao giảng công khai trong khi chịu tra tấn. Nhưng khi đã thắng được cơn thử thách khó khăn đó thì (Thiên Chúa muốn vậy để cho thêm công phúc) ông lại ngã vào một thử thách kỳ lạ hơn, đó là một thứ bệnh phong rất ghê gớm và thối tha không ai chịu nổi kể cả con ông. Khắp mình đầy vết thương và hôi thối như một ông Gióp thứ hai. Ông đau đớn vô cùng, thế mà không bao giờ nghe ông than vãn, không bao giờ có một lời gì tỏ ra không kiên nhẫn, vẫn hiền từ và câm lặng như cá trong biển chua cay, trừ khi phải khuyên bảo con cái kính mến Chúa Cứu thế và trung thành tuyệt đối với luật lệ và đạo Người. Sự hôi thối và nọc độc của bệnh chỉ trong mấy ngày đã nhập vào tim. Ông thấy mình sắp tới giờ, ông bảo các con ném xác hôi thối của mình vào hố rác công cộng hay trong một nơi nào rất sâu để cho không ai ngửi thấy. Sau đó ông nâng tâm hồn lên tới Thiên Chúa và kêu xin Người, rồi chết một cách lành thánh trong cuộc đàm thoại rất dịu dàng, rất sốt sắng với Đấng ông hằng quý mến, hằng trông mong, Đấng ban thưởng vì những đau khổ ông đã chịu.

Một giáo dân khác cũng chịu khổ tương tự như vậy vì đạo, tên là Gioakim. Ông đã bỏ tiền bỏ của ra dựng một nhà thờ trong thôn xóm để hội họp giáo dân, mà vì lòng nhiệt thành đối với đức tin đạo Kitô mà ông bị nhóm ngoại đạo hành hạ bằng nhiều cách, bị bắt giam tù, bị đánh đập, bị trục xuất ra khỏi xứ và điều làm ông buồn hơn cả là thấy nhà thờ bị đốt. Ông đã chết nặng trĩu năm tháng và công nghiệp vào tuổi bát tuần. Khi thấy các con lo lắng sắm cho ông một áo mới theo tục lệ để liệm xác thì (ông nói): hỡi các con, đừng lo che tấm thân thối nát, chỉ cần linh hồn được Thiên Chúa thương sắm cho áo vinh quang trên trời nơi hy vọng người ban cho do máu Người đã đổ ra cho ta.

Tôi còn phải thêm cái chết lành thánh của ba thầy giảng Inhaxu, Tađê và Tôma mà giáo đoàn Đàng Ngoài phải nhớ ơn. Thật thế, không bao giờ hậu thế được quên các thầy,62 nhất là thầy Inhaxu, người bạn đồng sự của các cha bị đày ải và kẻ bênh vực đức tin bất khuất, đã cắt ngắn đời mình bằng lao khổ liên tục về thể xác và tinh thần bằng cuộc đời rất nhiệm nhặt. Thầy đầy công phúc kết thúc đời mình vào tuổi bốn mươi nhăm bằng một cái chết lành thánh.

Sau cái chết của ba thầy giảng thì kèm theo cái chết của ba người thanh niên Carôlô, Phanchicô và Angêlô. Người thứ nhất vì đã chuộng đời sống Kitô giáo khiêm tốn hơn là một di sản giàu có và sang trọng, nên đã chết (như các thánh) vì bệnh sốt dai dẳng trong tuổi đời non trẻ. Người thứ hai tự nguyện phục vụ giáo dân trong khi cần di chuyển, phải đi liên tục, nên kiệt sức tinh thần và hao mòn sức khoẻ thể xác ở cái tuổi trai tráng để làm việc bác ái, đến nỗi bị bệnh phổi và thổ huyết với những cơn đau dữ dằn và làm cho người ta thương xót và các thiên thần quý mến. Người thứ ba thật đúng cái tên Angêlô là thiên thần. Angêlô đã sống thật sự như thiên thần, được tất cả giáo dân tỉnh miền Nam rất quý mến. Sau khi bị lương dân hành hạ chỉ vì anh tỏ ra ở nơi công cộng lòng nhiệt thành đối với đạo; mấy giờ sau chót trước khi chết, anh đàm đạo rất thân mật với Chúa Cứu thế, Đức Trinh nữ và các thiên thần, anh nói chuyện như thể các Đấng có mặt, như thể tất cả thiên đường chuyển xuống phòng anh.

Phái nữ cũng không kém phái nam về nhiệt tình và thành tín. Có nhiều người sống rất lành thánh và chết cái chết kết thúc tất cả cuộc đời tốt lành. Một bà có thế giá tên là Colomba rất sùng kính đức trinh nữ. Bà đã dựng một nhà nguyện trong nhà bà ở kinh thành và rất thương người nghèo khó. Bà rộng rãi cho họ và cho các thầy giảng tiền của để sinh sống. Bà ngã bệnh nặng và chết trong khi đi đường. Trước khi chết bà dặn người ta chôn theo bà một thánh giá quý bà vẫn mang trong người. Một lương dân có bổn phận lo án táng, bốn mươi ngày sau khi bà mất, lúc mở huyệt để lấy lại thánh giá thì thấy xác bà Colomba còn nguyên vẹn, không hư nát như thể vừa mới tắt thở, lại xông hương thơm phảng phất làm cho người lương dân cảm động phải đưa tin đó ra. Tất cả lương dân đều vui mừng khi biết tin và nhận ra sự lạ lùng này.

Một bà khác rất giàu về của cải và nhân đức tên là Lina, một trong những người đầu tiên theo đạo trong xứ Đàng Ngoài. Suốt mười bảy năm bà công khai giữ đạo, bà lo liệu và lôi cuốn nhiều người nhìn nhận nhân đức và các chân lý đạo ta. Bà cũng rất rộng rãi phân phát của cải, trang hoàng nhà thờ, cứu giúp người nghèo khó, bảo dưỡng các thầy giảng. Bà cũng cho dựng một nhà rất thuận tiện. Bà qua đời rất dịu dàng và vui thú trong linh hồn làm cho tất cả giáo dân giúp bà chết lành đều hết lòng ngợi khen và chúc tụng Thiên Chúa bao giờ cũng dào dạt quảng đại và tình thương. Hình như Thiên Chúa muốn cho bà trước khi chết được một bằng chứng và một tiền vị phúc thanh nhàn dành riêng cho bà ở trên trời, bởi vì lúc bà còn cầm ảnh đức trinh nữ trong tay và nói cách trìu mến thì có một ánh sáng chói lọi từ ảnh phát ra, với một hương thơm dịu dàng làm cho trái tim người bệnh vui thú và kẻ vây chung quanh thấy ánh sáng và ngửi hương thơm phải ca ngợi lòng nhân từ Thiên Chúa cho cái chết người lành thánh có giá trị đặc biệt làm cho người ta thèm được chết như vậy.

Tôi chấm dứt chương này, sẽ không bao giờ hết nếu tôi còn muốn kéo dài ra, bằng truyện một thiên cảm huy hoàng mà một giáo dân tốt lành tên là Yves đã thấy và cái chết lạ lùng của ông. Theo người ta kể lại, ông chết do một tai nạn bất thần và mọi người cho là ông đã chết thật vì không còn mạch, không còn dấu hiệu sống sau mấy giờ đồng hồ, ông thoắt đứng dậy làm cho mọi người vây quanh ông phải chạy trốn vì sợ, coi như một người chết sống lại. Ông vẫy tay và lên tiếng gọi họ và khi thấy họ vững tâm không còn sợ hãi thì ông kể cho họ biết, trong thời gian họ thấy xác ông nằm như chết thì về tinh thần ông đã được sáu người trai tráng trẻ đẹp dẫn đưa qua một con đường trải bạc trong một xứ cực lạc, nơi ông thấy một vị vua đáng kính chói lòa ánh sáng huy hoàng ngự trên một ngai vàng; hai người khác cũng ngự hai bên và cũng chói lọi vinh quang như thế. Nhưng người chỉ đạo cho ông hiểu đó là ba Ngôi Thiên Chúa rất cao cả, rất đáng thờ lạy. Bên dưới (ông nói) tôi thấy khắp nơi theo hình bán nguyệt nhiều ghế đẹp bằng thuỷ tinh, trong số những người ngồi đó, tôi nhận thấy có mấy người thuộc nước tôi mới chết được ít lâu nay, các người mời tôi ngồi gần các người. Nhưng chỉ đạo viên không cho phép tôi đứng lại lâu hơn ở xứ đẹp đẽ này, họ bắt tôi xuống một nơi tối tăm trong đó tôi thấy một hang thấp và rộng, một nửa thì đầy ngọn lửa, nửa kia thì là một hồ lởm chởm tuyết đông, ở đây có mấy người tôi không biết, họ bị hành hạ khổ sở vì đã sống dữ và nay bị phạt chịu những hình khổ dữ dằn. Sau cùng (ông nói thêm) các chỉ đạo viên truyền cho tôi phải trở về thân xác tôi, kể cho mọi người nghe những gì tôi đã thấy, săn sóc song thân tôi chỉ còn được sống cho tới đầu tuần trăng mới và sau khi làm hết bổn phận cuối cùng và an táng xong thì họ cam đoan đến tìm tôi về xứ ánh sáng và vinh quang đã chỉ cho tôi xem thấy. Đó là lời lẽ Yves kể về thiên cảm của ông, làm cho tâm thần giáo dân có nhiều hy vọng và sợ hãi lành mạnh. Rồi đã xảy ra cái chết của song thân ông cũng như cái chết của chính ông, thế là minh chứng thiên cảm của ông không phải là bịa đặt hay chỉ lá một giấc mơ mòng trống rỗng. Bởi vì hai tháng sau song thân ông qua đời và được an táng cùng một ngày và hôm sau, sau khi thu xếp các công việc của mình và nhắn nhủ vợ tôn sùng Thiên Chúa và kiên trì trong đức tin, thì Yves lên giường nằm, ngã đầu dịu dàng trên gối như ngủ, rồi tắt thờ không bị sốt hay bị bệnh tật gì và được phúc về trời mà ông đã thấy hình ảnh, và như lòng nhiệt thành và đời sống lành thánh của ông cho phép ông trông đợi

CHƯƠNG 47

GIÁO HỘI ĐÀNG NGOÀI QUA MỘT CƠN BẮT BỚ LỚN VÀ MỚI

NHƯNG ÍT LÂU SAU ĐƯỢC THOÁT KHỎI

Năm 1640 là năm thứ mười bốn kể từ khi chúng tôi vào xứ Đàng Ngoài, giáo hội mới được một trăm nghìn giáo dân và khắp nơi người ta sẵn sàng tin theo, làm cho chúng tôi hy vọng con số giáo dân sẽ lớn hơn lên và thêm lên trong giáo đoàn này, nhưng số thợ thì ít, nên không làm việc cho đủ được. Thế là bề trên ở Macao phải thỉnh thoảng sai các tông đồ viện trợ đến làm việc trong khu truyền giáo này. Người thứ nhất là cha Tôma Rodriguez người Bồ, người không biết mệt mỏi, lúc đầu cha nhẹ nhàng thu lượm kết quả của công việc, rồi sau đó ít lâu quỵ ngã dưới gánh nặng để lại cho mọi người biết nhân đức với những hậu quả, và mối thương tiếc lâu dài. Thay thế cha Tôma thì có cha Phêrô Albert và Emmanuel Cardozo lại người Bồ; rồi lại tiếp đến cha Phaolô Calobrozi người Ý và Onôphôrô Borgez người Thuỵ Sĩ, tất cả đều vào tuổi hoạt động và đầy can trường với sức lực để chịu đựng lâu dài những khó khăn vất vả để chinh phục các linh hồn mà Chúa Cứu thế đã lấy máu Người mà cứu chuộc.

Thế nhưng đàng khác, Satan tên đại thù địch của Thiên Chúa và việc cứu rỗi các dân, hắn không ngừng mọi nỗ lực để chiếm giữ một lãnh địa hắn cai trị từ bao nhiêu thế kỷ nay. Hắn lại nhóm lên ngọn lửa mới và đúng vào lúc người ta ít nghĩ tới, thì hắn đã gây nên một cuộc bách hại mới làm cho giáo dân khốn đốn hơn những cuộc bách hại có trước đây. Bởi vì ngoài sắc lệnh chúa niêm yết ở cột trước nhà chúng tôi, cấm giáo dân từ nay không được theo Kitô giáo và không được đi lại với chung tôi, và chúng tôi cũng bị cấm không được giảng cho giáo dân những sai lạc và gian dối, chúa còn truyền cho vào lửa, và đốt ảnh trưng bày, tràng hạt và sách giáo lý chứa đựng những giáo huấn về Kitô giáo. Thế là người ta đã thi hành. Trong những cuộc bắt bớ về trước, chưa bao giờ hung ác đến thế. Do đó buộc các cha chỉ còn đặc biệt cậy vào Thiên Chúa và xin Người cứu giúp và cầu khẩn đức trinh nữ, thánh Xavier quan thầy khu truyền giáo này cứu khỏi cơn âu sầu lớn và đột khởi làm cho họ sửng sốt. Họ cũng ăn chay, cầu nguyện và đánh tội cùng những hành xác khác không vô ích trước mặt Thiên Chúa. Bởi vì mấy tuần sau, tâm thần nhà chúa tự nhiên dịu hẳn (không biết bởi đâu, cách nào), ngài nói với cha Majorica (lúc này làm bề trên vùng truyền giáo) và rất dịu dàng tỏ cho cha biết ngài phàn nàn tự trong thâm tâm về sự cứng rắn ngài đối xử với các cha và với giáo dân trong sắc lệnh ngài đã ban hành và nhất là đã cho đốt sách giáo lý, đã để cho mình quá nghiêm khắc, vì thần dân ngài than vãn tố cáo giáo dân đã đập phá tượng thần phật. Nhưng rồi ngài cho các cha được ở lại trong nước sống an toàn như trước. Sự thay đổi bất ngờ của chúa và những lời nói dịu dàng làm cho các cha vững dạ và làm sống lại mọi niềm vui. Sau khi khiêm nhường cảm tạ chúa thì cha trở về ngay. Đem tin mừng cho các đồng sự, tất cả mọi người đều đồng thanh ngợi khen và ca tụng Thiên Chúa nhân lành không bỏ những kẻ phụng thờ và tin tưởng Người. Thế nhưng sắc lệnh chúa vẫn còn niêm yết trước cửa nhà chúng tôi, như thể khiển trách giáo lý chúng tôi rao giảng và xỉ xả Kitô giáo. Cha Majorica lại can đảm vào triều yết kiến chúa và khấn xin ngài cho cất bảng niêm yết còn cho chúng tôi là kẻ phạm pháp, sau ơn huệ chúa đã ban cho chúng tôi. Chúa vui lòng chấp nhận và tức thì sai lính đến cất bảng niêm yết và sắc lệnh. Giáo dân rất đỗi vui mừng và lương dân cũng đến chia vui với chúng tôi.

Vụ bách hại này kéo dài tới ba tháng, trong đó không thiếu dịp cho giáo dân tân tòng ở trong cũng như ở ngoài phủ chịu nhiều đau khổ. Nhà chúng tôi liên tục bị chiếm giữ hoặc có bọn lính hỗn xược tới đóng trong tám ngày đầu, chúng thiêu đốt tất cả những gì chúng tìm được trong nhà chúng tôi như ảnh thánh và các đồ vật thánh. Giáo dân cũng bị kẻ thù hành hạ: có mấy người của cải bị cướp phá hay tịch thu, có người khác bị xỉ nhục để bắt phải bỏ đức tin hay bỏ đạo. Lòng kiên trì của ba thiếu nữ tỉnh gọi là miền đông đã khấn giữ trinh khiết và quyết định của họ khi được tin có vụ bách hại thật là đặc biệt. Họ viết một bức thư rất hay cho các cha dòng để bày tỏ lòng can đảm Thiên Chúa đã cho họ đến tự xưng là giáo dân trước mặt chúa và cam đoan họ sẵn sàng đổ máu để duy trì danh hiệu và danh tánh vinh hiển, họ chỉ muốn sống và chết dưới danh hiệu là giáo dân. Những trinh nữ này tên là Monica, Nympha và Vitta. Sau đó ít lâu Thiên Chúa còn sửa soạn cho họ một thử thách lớn để thử can đảm của họ và cho họ có dịp tốt lập công. Vitta bất thần bị rời xa các bạn và bị một tên lính xấc láo muốn làm hại danh dự mình, đến nỗi hắn tuốt gươm trần đặt lên trên ngực và đe doạ giết nếu không theo ý hắn. Người con gái anh hùng không thèm bàn cãi đã (trả lời): đườc rồi mi cất mạng ta chứ không danh dự thân xác ta đã dâng Thiên Chúa, rồi cô gái đưa cổ và ngực nói thêm: đây, mi đâm đi ở bất cứ chỗ nào, ta vui lòng chết, nghìn lần hơn là theo ý dâm đãng và tội phản Đấng Thiên Chúa ta thờ. Quyết định này làm cho tên lính sửng sốt và cứu được danh dự cho người trinh nữ. Còn hai người kia cũng tỏ ra can đảm chẳng kém trong một thử thách đức tin bị tấn công. Hai cô ra kinh thành cùng một bà có tuổi tên là Phanchica để chịu các phép bí tích và được bồi dưỡng sức chống lại những tấn công của vụ bách hại. Giữa đường gặp mấy tên lính ngoại đạo. Bị hỏi về theo đạo nào và khi các cô xưng rõ ràng, không sợ đe doạ của chúng và sau khi chịu nhận những lời hỗn xược thì các cô bị chúng quẳng xuống hố lấp đất lên tời cổ và ở đó suốt đêm cho tới sáng. Thiên Chúa cho mấy giáo dân đi qua và thấy sự thể, người ta mới lôi ra khỏi và dẫn vào kinh thành. Từ đó cả ba trinh nữ được ẩn nấp trong một nơi an toàn và có năm sáu cô gái khác cũng có quyệt định như vậy và cùng tự nguyện trói buộc mình bằng những lời khấn ở trinh khiết trọn đời, tất cả đều đến họp với ba cô trong một nhà làm thành một tu viện trinh nữ sống đời sống các thiên thần. Tôi không thể bỏ quên ở đây hình phạt tức thời Thiên Chúa ra để phạt một thanh niên dâm đãng vì một bà quả phụ đã khấn thủ tiết, hắn định dùng võ lực bắt ép bà, còn bà thì trong lúc cùng cực bà kêu cầu sự phù hộ của đức trinh nữ mà bà hằng tôn sùng và hết lòng xin người bảo vệ. Lời cầu xin tức thì được nhận và hình phạt tới ngay tên dâm đãng: một tay vô hình nào đã giơ lên và hắn chết ngay tại chỗ.

CHƯƠNG 48

THIÊN CHÚA BAN NHIỀU ƠN CHO GIÁO DÂN

Chúng tôi có thể nói thật rằng từ khi Phúc âm được rao giảng và được đón nhận ở xứ Đàng Ngoài, không những các sai lầm phổ thông trong dân gian đã nhường chỗ cho chân lý đức tin, mà những nhân đức Kitô giáo cũng đã thắng những thói hư tật xấu. Hơn nữa không những giáo dân thực hành các nhân đức thông thường, mà còn giữ những nhân đức cao hơn và khó hơn trong đạo Kitô, nhất là những nhân đức thuộc về sự quên mình theo Phúc âm và sự hành xác mà họ thường sốt sắng làm đến nỗi cần phải kiềm chế chứ không khuyến khích thêm. Có nhiều nhiều người không muốn mặc hai áo trong mùa đông vì sợ kích động nhục dục, có người nằm ngủ trên đất bằng, không đệm không ổ để chế ngự thân xác và bắt thân xác chịu đau đớn một chút. Có người cha giải tội hỏi tại sao gầy còm ốm yếu hơn mọi khi thì đã được trả lời là các cha đã dạy đường lên thiên đàng là đường chật hẹp và cửa thì nhỏ bé, vì thế tôi hết sức bắt thân xác tôi hạ thấp xuống và gầy bớt đi để có thề dễ dàng lọt. Còn có thể kể ra vô số ví dụ về kiên trì, khiêm tốn, bác ái, tôi phải bỏ nếu không cuốn sách này dày quá.

Nhưng khi những giáo dân tốt lành này ra sức thực hành mọi nhân đức thì Thiên Chúa cũng ban cho nhiều phúc lành và ơn thánh dồi dào, kể cả ơn làm phép lạ và truyền khiến ma quỷ cùng dã thú. Bây giờ thành một tục lệ khá thông thường trong xứ Đàng Ngoài là khi lương dân bị quý ám, họ chỉ vào nhà thờ lúc giáo dân đọc kinh thì cũng được khỏi. Người ta còn thấy hổ báo không đến phá phách mấy thôn xóm kể từ khi giáo dân dựng nhà thờ, nhưng đã từ rừng sâu hang dữ trở lại và gây tang tóc ngay sau khi nhà thờ bị phá trong một vụ bách hại. Một điều ai cũng nhận thấy là có viên quan một địa phương, trong thời bắt đạo đã ra lệnh ngày mai phải triệt hạ nhà thờ, thì đêm hôm trước con ông chết trong giường. Trong một thôn khác, lương dân đốt nhà thờ, thì tất cả những kẻ chủ mưu và nhúng tay vào việc xúc phạm này đều bị Thiên Chúa phạt, đến nỗi trong một năm tròn, không mưa một hạt nào trên đồng ruộng, thế mà ở lân cận đó thì mưa sũng nước. Người ta cũng biết tin do một lương dân chân chính mới trở lại đạo kể là lương dân đắc trọng tội đó đã xin lỗi giáo dân và hứa bồi thường thiệt hại, nghĩa là tám mươi người trong bọn họ xin phép rửa tội, thế là cả ruộng nương của họ cũng được Thiên chúa cho mưa xuống.

Tôi thêm điều này, Thiên Chúa nhận đời sống trong trắng của giáo dân tân tòng và ban nhiều ân huệ và ơn sống trong trắng. Có một giáo dân rất sạch tên là Simon ở thôn gọi là Tamdang thuộc tỉnh miền tây, sau khi vào lễ Phục sinh đã trông thấy một con heo rừng đang lục soát trong khu rừng. Ông rất đơn sơ thành thực đọc kinh cầu nguyện xin Thiên Chúa, bởi vì ông đã nghiêm chỉnh giữ luật Giáo hội trong suốt mùa chay kiêng thịt và bây giờ là thời được phép ăn, thì xin Người ban cho ơn xưa kia Người đã ban cho kẻ nào sống trong trạng thái vô tội, nghĩa là xin cho mình có quyền truyền khiến và bắt con heo rừng phải vâng phục mình. Nguyện kinh rồi, ông làm dấu thánh giá và đọc một kinh Lạy Cha, sau đó ông điềm đạm và tin tưởng bảo con heo rừng tới gần ông. Con heo vâng theo và để cho Simon cắt cổ mà không cầm cự như con cựu. Thế là ông dọn một bữa cỗ cho giáo dân và cho gọi những người nghèo khó tới nữa, ông cũng khuyên mọi người ca ngợi và chúc tụng Thiên Chúa vì ơn Người vừa ban cho.

Không phải Thiên Chúa chỉ làm những sự lạ lùng cho giáo dân mà thôi, nhưng thỉnh thoảng cho cả lương dân. Trong một thôn xã gọi là Ke Ro có một người sang trọng trong một thời gian rất ác cảm với giáo dân. Ông còn sát hại người bõ nuôi các con trai của ông chỉ vì ghét đạo mà người này tin theo. Nhưng rồi tâm trí ông nguôi dần vì thấy rất nhiều phép lạ Thiên Chúa làm vì lòng tin của giáo dân, nhất là bằng dấu thánh giá họ tôn sùng. Ông liền ao ước tự mình thí nghiệm xem quyền lực và thế giá mà ông kính phục nó đi tới đâu. Vì thấy cả bày gia súc của ông chết ở ngoài đồng, không có thuốc nào chữa khỏi, ông liền cắm cây thánh giá của giáo dân ở giữa ruộng gia súc đang gặm cỏ, thế là không còn con nào chết, và từ đó cũng không. Ông liền theo Kitô giáo và dấu hiệu được tôn thờ, đến nỗi không những ông muốn trở thành giáo dân mà ngay trong khi bùng lên vụ bách hại trong toàn xứ và người ta phá vỡ nhà thờ của giáo dân thì ông lại đứng tên bỏ tiền dựng một nhà thờ và xin làm phép long trọng.

Chương 49

MỘT TOÁN THỢ PHÚC ÂM BỊ CHẾT ĐUỐI THẢM THƯƠNG

Cha Emmanuel d’Azeuedo tân kinh lý tỉnh dòng Nhật Bổn và phó tỉnh dòng Trung Quốc đã từ An Độ tới Macao và khi được biết những thành quả lớn lao Thiên Chúa làm qua hoạt động của các cha ở xứ Đàng Ngoài và mùa gặt đã chín muồi ở đảo Hải Nam mà chỉ có một thợ để gặt đó là cha Beneđitô de Mattos người Bồ, thì cha liền sai bảy cha dòng chúng tôi, bốn người từ xứ Đàng Ngoài và ba người cho đảo Hải Nam. Người chỉ đạo và thủ lãnh toán này là cha Gaspar d’Amaral đã hồi phục sức khoẻ và sinh lực ở học viện Macao, trước kia bị yếu nhược và kiệt sức khi làm việc ở khu vườn truyền giáo Đàng Ngoài, nay cha cương quyết trở lại. Đi theo cha thì có các đồng sự cha Phêrô Albert người Bồ đã làm việc truyền giáo ở đó, cha Gioan Inhaxu Leviski người Balan và cha Phanchicô Ascanio Ruida người Ý, tất cả đều thông thạo tiếng Đàng Ngoài. Ba cha còn lại, cha Gioan Anrê Lubelli, Antôn Constantinô, cả hai là người Ý và cha Valentinô Noguera người Bồ thì đi đảo Hải Nam.

Toán quân tinh nhuệ mới đi chinh phục các linh hồn này khởi hành từ hải cảng Macao ngày 23 tháng 2 năm 1646. Trời hơi xấu và biển động. Ngày hôm sau là ngày lễ thánh Mathias thì tới đảo Tam Xuyên danh tiếng có mộ thánh Phanchicô Xaviê, vị đại tông đồ Đông Phương. Người ta thấy một tảng đá lớn cao chừng mười lăm gang tay, khắc chữ của chúng ta và chữ Hán kính dâng đấng thánh. Tàu đậu lại ở đây một ngày vừa đợi cho biển lặng vì sợ có bão lớn, vừa để có thời giờ cho các cha kính viếng và khấn xin nơi mộ thánh Phanchicô Xaviê. Sáng hôm sau thì nhổ neo. Sóng biển lúc này vì có bão lớn nên đã khá cao và suốt ngày hôm đó cho tới gần nửa đêm vẫn không ngừng thổi về phía đảo Hải Nam một trận gió không đến nỗi mạnh lắm. Nhưng sau nửa đêm thì nỗi lên một trận bão lớn xô tàu đụng mạnh vào cồn. Cha Albert nằm trên sống dọc tàu bị văng xuống biển và đột nhiên (thật là lạ lùng) lại bị sóng do tàu đụng vào cồn dâng lên và hất vào trong tàu. Tai nạn này không còn làm cho ai ở trong tàu không tin chắc là sẽ chết hết. Các cha nghĩ ngay đến việc cứu linh hồn những lương dân cùng đi biển với mình hơn là nghĩ tới mình, nên đã làm hết bổn phận dạy dỗ sơ lược cho họ biết về đức tin và rửa tội cho họ. Trong khi sợ hãi và mất hy vọng cứu được tàu khỏi tan vỡ vì đụng mạnh, thì thuỷ thủ xuống một chiếc xuồng không có người buộc theo sau tàu để bảo vệ mạng sống. Thế là chiếc tàu thuỷ thủ bỏ rơi, đã bị vỡ một nữa, nước ập vào tứ phía, rồi chìm xuống lòng biển, trong đó có thuyền trưởng, các cha và hầu hết các người khác ở trong tàu, tất cả đều chết đuối hết, trừ có cha Anrê Lubelli và rất ít người khác sống sót. Trong một thời gian cha bị sóng đánh vật vờ, không hy vọng sống, cha quyết định làm một việc phụng sự Thiên Chúa trước khi chết là cứu linh hồn những kẻ sắp chìm dưới làn sóng như cha. Cha đã làm phép giải tội cho một người, sau khi xin cha thì người đó cùng cha gần như chìm dưới đáy. Thế nhưng cha lại ngoi lên mặt nước có ý tìm một người nào khác trong cơn cùng cực này, nhưng (cũng là Thiên Chúa thu xếp như vậy) cha với được một mảnh ván và bám vào đó, rồi sóng đánh dạt vào bờ. Những thuỷ thủ đã lên đất nhờ chiếc xuồng liền đến kéo cha vào và đặt cha nửa sống nửa chết cạnh ngọn lửa hồng. Được sưởi ấm, cha hồi tỉnh dần dần và khi được tin hầu hết các bạn đồng sự đều chết thì cha ứa nước mắt khóc (như lời cha viết trong thư) hối tiếc vì chỉ một mình cha được sống sót, như một trong số đầy tớ của ông Gióp, một mình thoát nạn để kể lại tai hoạ của những người khác hoặc như Gionas trốn chạy, được sóng gió mửa trên bờ vì mình làm nên tội.

Trong những người sống sót, ngoài cha Anrê và các thuỷ thủ thì còn một giáo dân trẻ người xứ Đàng Ngoài tên Gilles, anh theo cha Albert từ xứ Đàng Ngoài về Macao lo các việc, và cùng cha trở lại Đàng Ngoài. (Vì anh khôn khéo) anh thấy tàu thế nào cũng đắm, anh lăn vào một chiếc thuyền nhỏ còn lại, một kiện hàng trong đó có những thứ đồ đạc rất quý của các cha và anh xuống thuyền đó chèo vào bờ cùng một chiếc khác chèo theo sau. Từ đó anh Gilles sống tốt lành và chung thuỷ đã về tới một bến Đàng Ngoài cách xa chừng năm mươi dặm rồi anh đến trình diện các cha, đưa tin vụ đắm tàu đau đớn và cái chết của những người phải đến yểm trợ các cha. Mọi người đều đau đớn. Nhưng trong tai họa này còn nhận được yên ủi trong kiện hàng mà anh Gilles chung thuỷ trả lại cho các cha, trong đó chứa nhiều đồ vật để nuôi dưỡng các cha và mấy của hiếm để làm phẩm vật dâng hiến Chúa: việc này không phải là nhỏ để mua lòng Chúa. Chúa cũng tỏ ra thương tiếc không những vì sự mất mát của chúng tôi mà vì chiếc tàu người Bồ đến buôn bán trong xứ ngài, một việc mà ngài rất hãnh diện và rất ham muốn.

CHƯƠNG 50

VỀ PHÍA TRUNG QUỐC ĐÃ ĐEM LẠI MỘT LÝ DO

CHO NGƯỜI TA TRỞ LẠI ĐÔNG ĐÚC

Cho tới nay Phúc âm Đức Giêsu Kitô đã tiến triển rất nhiều ở xứ Đàng Ngoài đến nỗi các người thừa hành lời Thiên Chúa đều vui mừng thấy hậu quả lớn lao của ơn thánh và thành công trong các công việc đã vượt mức trông đợi. Nhưng Thiên Chúa mgiàu lòng thương yêu khi người ta ít nghĩ tới thì lại sửa soạn cho thêm lý do khiến các dân trở lại động đúc hơn.

Số là có một cha dòng chúng tôi tên là Anrê Xaviê Allemand, một nhà toán học lỗi lạc, năm 1644 đã tới Trung Quốc, để hoạt động trong vườn nho rộng lớn. Do nhân đức và tinh thông toán học mà trong một thời gian ngắn cha đã được viên phó vương theo Kitô giáo tên là Luca cai quản một tỉnh ngay ở biên giới xứ Đàng Ngoài, đem lòng quý mến và đặc biệt thân tín. Trong khi đó có một sứ thần của chúa Đàng Ngoài từ Bắc Kinh trở về, ông nhân danh chúa đi triều cống vua Trung Quốc theo tục lệ. Cha Anrê muốn lợi dụng cơ hội này để giúp khu truyền giáo Đàng Ngoài thì yêu cầu phó vương biệt đãi và quý trọng sứ thần với ý định để ông đem lòng quý mến các cha dòng chúng tôi. Cha cũng thuyết phục phó vương viết một bức thư cho chúa Đàng Ngoài, trong thư ông ca tụng Kitô giáo mà chính ông cũng tin theo, sau khi nhận biết sự thánh thiện và công phúc. Ông cũng giới thiệu nhân đức các cha dòng đang giảng đạo trong xứ mình là những người đáng được gia ơn thi phúc và bảo vệ. Thư này, không trao cho sứ thần, nhưng cho một quân binh của phó vương đi theo sứ thần đem thẳng tới tay chúa, nhân danh phó vương và kèm theo những lời khiêm tốn quý trọng và sẵn sàng phục dịch. Người quân binh trung thành làm theo. Và khi chúa đọc trong thư phó vương (ngài muốn chuyển cho hoàng tử là người sẽ nhận kế vị) có những lời giới thiệu Kitô giáo mà một người có thế giá như thế đã tin theo, lại thêm bằng chứng lớn lao về sự quý mến nhân đức và công lao các cha được gọi là tôn sư. Cả hai, tiên vương cũng như chúa đương thời sẽ tuyên bố những cảm tình quý mến bằng những lời giới thiệu đích đáng làm cho mọi dân nghe tin đều bị lay chuyển. Vì thế chưa đầy sáu tháng đã cho gần mười hai nghìn người theo đạo công giáo và một mình cha Antôn de Fontes người Bồ, thợ kỳ cựu của khu truyền giáo, trong thời gian này, đã rửa tội được bốn ngàn. Từ đó số người mới trở lại tăng lên rất nhiều và ngày nay tính trong xứ Đàng Ngoài có hơn hai trăm ngàn giáo dân. Hy vọng ở khắp nơi rất khả quan đến nỗi có thể trông một ngày kia niềm tin vào Đức Kitô sẽ thống trị hết các tâm hồn và thánh giá được dựng lên và được tôn thờ trong khắp nước mà không gặp cản trở. Đó là điều đem lại yên ủi cho những người hoạt động trong khu truyền giáo này và làm cho những người khác khi biết thành quả tốt đẹp như thế thì đều ao ước đến hỗ trợ số thợ rất ít mà mùa màng thì lớn và nhiều. Vì thế mặc dầu đã mất mấy người bị đắm tàu không đến xứ Đàng Ngoài được, nhưng được dạt vào bến Trung Quốc là nơi Thiên Chúa chỉ định cho thì có năm cha khác may mắn tới thay thế vào cuối năm 1646. Đó là cha Gioan Cabral kinh lý khu truyền giáo này, trước kia là viện trưởng học viện Macao và phó tỉnh dòng Nhật Bản, cha Phanchicô Rongel, giáo sư thần học, cha Phanchicô Figueira giảng viên danh tiếng, cả ba đều là người Bồ, với hai cha Phanchicô Montescoli và Stanislas Torrente người Ý, tất cả đều cương quyết sử dụng lao khổ, sức lực và sinh mạng mình để cứu rỗi các dân.

Chương 51

NHỮNG ĐIỀU CHÚNG TÔI MỚI NHẬN ĐƯỢC

VỀ GIÁO DÂN ĐÀNG NGOÀI

Lịch sử được tiếp tục ghi cho tới đây bao gồm sự tiến triển của Kitô giáo trong khu truyền giáo Đàng Ngoài từ năm 1627 cho tới năm 1646. Còn những điều sẽ nói sau đây, trong chương này, chúng tôi đã trích rong hai bức thư, một thư của cha Gioan Cabral chúng tôi vừa nói, kinh lý khu truyền giáo, viết về cha bề trên Cả, vào tháng 10 năm 1647. Trong thư, cha điều trần về cuộc kinh lý của cha và về những thành quả mới hái được trong khu truyền giáo. Thư thứ hai là của cha Gioan Barbosa thợ kỳ cựu ở đây, cũng là người rất hiểu biết các công việc trong khu vực này.

Cha Cabral cam đoan nhận rằng chỉ trong hai năm 1645 và 1646 giáo hội Đàng Ngoài đã được hơn hai mươi bốn nghìn giáo dân trở lại đạo. Trong xứ có hai trăm nhà thờ cỡ lớn với nhà ở cho các cha ngay cạnh đó, đây là nơi thường trú hoặc tạm trú khi các cha tới làm việc. Trong năm 1646 chỉ có bảy cha phân ra trong năm trụ sở, còn một cha tên là Phaolô Caloprosi người thành Napoli, thợ rất can đảm và không biết mệt, cha đã mất ít lâu sau. Ngoài bốn thợ mới ghi ở trên còn có một người thứ sáu là cha Philipphê Marini người thành Genôva bị chặn lai không qua nước Campuchia như đã được chỉ định. Phải dựng trụ sở thứ sáu để dễ bề phục vụ số rất đông giáo dân trở lại. Cha đã nhìn thấy từ khi ở xứ này, dân Đàng Ngoài dễ tiếp xúc hơn và dễ tin theo đạo hơn, không có một dân Đông Phương nào, về luân lý trong trắng hơn và có ít thói hư tật xấu chung cho mọi nơi khác, làm ngáng trở cho đức tin và gây những khó khăn gần như không vượt nổi, để thực hành các nhân đức của Kitô giáo. Giáo dân tân tòng rất vững vàng trong đức tin, như thể đã nhận từ mấy thế kỷ nay, họ cũng xa những khuynh hướng, những mê tín dị đoan như thể chưa bao giờ biết tới. Họ thi hành các nhân đức Kitô giáo, gớm ghét những đồi bại chung, rất nghiêm chỉnh giữ luật Thiên Chúa, rất sốt sắng làm các việc đạo đức và đọc kinh cầu nguyện. Mọi người đều dậy thật sớm, sau khi thức dậy thì họ đọc kinh ít là nửa giờ và cũng vậy trước khi đi ngủ; họ rất vâng lời và kính trọng các cha, công nhận sự khó nhọc của cha bằng sự biết ơn và không gì làm phật ý họ bằng từ chối không nhận phẩm vật họ mang tới. Khi các cha đến thì họ tỏ ra vui mừng thái quá đến nỗi họ tổ chức cuộc vui và ngày hội công cộng để thổ lộ ra.

Cha còn nói nhiều điều mà tôi bỏ qua để tôi thêm lời kết thúc, đó là bằng chứng về mối thịnh tình đặc biệt chúa Đàng Ngoài để lại qua bức thư gửi cha Felix Morelli, bề trên khu truyền giáo, bức thư này cho chúng ta những triển vọng lớn lao thấy giáo đoàn mở rộng trong thời ngài trị nước và Chúa Cứu thế được tôn thờ trong khắp lãnh thổ ngài. Trước khi lên cầm quyền nối nghiệp đức tiên vương, ngài đã có lần nói với cha Morelli, để tỏ lòng ngài quý mến cha thì ngài muốn nhận cha làm dưỡng tử (trong xứ này đó là bằng chứng các người quyền thế tỏ tình thương yêu những người họ quý mến), nhưng vì trọng kính đức thân phụ là người ghét các cha, nên ngài chưa muốn công khai tỏ ra. Nay ngài được tôn lên bậc chúa và nắm guồng máy cai trị quốc dân với sự thoả thuận và đồng ý của đức thân phụ đã có tuổi và yếu sức, lại có cuộc gặp gỡ tốt lành, các cha bên Tàu được phó vương tín nhiệm, các sứ thần của chúa Đàng Ngoài được hậu đãi và được một ít viện trợ cần thiết khi trở về; chúa đương thời nhận thấy đức thân phụ đã theo dõi điều trần các sứ nói về sự giúp đỡ các cha đã làm cho mình khi ở bên Tàu, nên ngài bắt đầu công nhận, ca tụng và giới thiệu công việc của chúng tôi là những việc hữu ích cho quốc dân. Vì thế ngài quyết định công bố, theo thể thức trong xứ, bằng một chứng thư danh dự, lòng quý mến của ngài đối với cha Morelli, để lưu lại bằng chứng công khai đó cho cha. Ngày 11 tháng 03 năm 1647 ngài viết và gởi chứng thư lên giấy hoa bằng chữ Hán, nội dung dịch sát nguyên bản như sau :

“Ta hạ Kien Thượng vương toàn quyền và tối cao trong xứ Đàng Ngoài, ta gửi người chứng thư tự tay ta thảo, để làm bằng chứng ta quý mến ngươi, Felix bậc tôn sư đệ nhất và tiến sĩ đạo trưởng thờ Chúa trời đất.

Từ khi ngươi vào xứ ta, ta đã đặc biệt quý mến ngươi hơn hết các tôn sư ngoại quốc đến dạy đạo ở đây. Ta coi ngươi như vườn ruộng trồng hoa hướng dương quay về mặt trời soi sáng và sưởi ấm, ta cũng coi ngươi như quý tử của ta. Để cho ngươi biết lòng ta quý mến ngươi, ta đặt cho ngươi một tên mới là Phúc Chân, có nghĩa là một người chân thật có phúc cao cả. Thế nên từ nay ngươi chỉ có ý nghĩ hay không có nghĩ như ta, như tất cả những ai phải làm khi quý mến nhau và chỉ có một tâm hồn. Nếu ngươi làm như vậy thì ngươi được kể vào sổ những kẻ có thế giá và có nhiều danh vọng vì đã giữ luật nhân ái và ngươi được ta quý mến”.

Đó là lời lẽ bức chứng thư của chúa đương thời, ngài nhận cha Morelli làm nghĩa tử. Thư này ngài sai người đem tới tận nhà chúng tôi với đám rước linh đình trọng thể với các bậc cận thần, họ được tiếp đón với tất cả danh dự và ghi ơn về phía các cha dòng chúng tôi. Viên thuyền trưởng người Bồ và các tuỳ viên cũng dự buổi lễ này, nhà chúng tôi và tất cả vùng lân cận đều vang lừng tiếng kèn, tiếng trống; cũng ngày hôm đó người ta rước cha vào phủ chúa để đáp lễ cảm tạ. Tất cả những điều này đều trích trong thư cha Gioan Cabral kinh lý khu truyền giáo.

Còn cha Gioan Barbosa trong thư tường thuật dài dòng về lòng đạo đức và sốt sắng của giáo dân tân tòng Đàng Ngoài, cha so sánh họ với các nhà tập dòng cải cách của chúng ta. Tôi trích và viết vắn tắt sau đây. Thứ nhất cũng như cha Cabral đã viết, cha ca tụng họ rất siêng năng và kiên trì đọc kinh sáng và kinh tối, họ không bao giờ bỏ trừ khi quá bận rộn và phải làm việc đã hẹn. Vì thế trong hết các nhà, họ đặt bàn thờ, trang hoàng các đồ thờ đẹp đẽ theo khả năng mỗi người, họ bớt những sự cần dùng về ăn, về mặc một chút hơn là thiếu sót về việc này. Trên bàn thờ, ngoài ảnh và thánh giá bằng chất liệu quý như mai rùa và ngà voi rất nghệ thuật, còn có một bình đẹp đựng nước phép với tràng hạt và các dụng cụ hành xác mà họ thường dùng. Cha còn thêm và là điều rất đáng khen, họ có những bàn thờ nhỏ và nhẹ, vẽ màu và sơn son thiếp vàng, họ đem theo khi đi đường và dựng ngay trong nhà trọ và trong những nơi họ phải nghỉ đêm, để làm các việc đạo đức. Họ còn nói thêm rằng họ rất muốn dự thánh lễ hằng ngày khi cử hành ở nhà thờ, vì thế mọi người đều muốn dự tất cả, đến nỗi chúng tôi buộc lòng phải xua họ ra và phân chia từng phiên vào những ngày khác giờ khác để cho lương dân không ghen ghét vì thấy quá đông giáo dân tụ tập nhau. Các cha phải vất vả nhiều để cho lòng sốt sắng của họ được toại nguyện bởi vì họ muốn xưng tội và rước lễ mỗi tháng hai ba lần. Họ có lòng tôn kính, quý mến và biết ơn các cha không thể tưởng tượng được, không có gì làm họ giận bằng từ chối những của họ dâng cúng. Họ có lòng thương yêu nhau làm cho mọi lương dân đều khen ngợi. Có mấy người sống chung với nhau và kẻ có chút của hơn người khác thì bao giờ cũng dọn bàn ăn để niềm nở đón tiếp khách hành hương và kẻ xa lạ, thỉnh thoảng xảy ra vụ lữ hành ngoại đạo giả làm giáo dân để được tiếp đón và được đãi ngộ tử tế hơn trong hành trình. Thường thường họ rộng rãi quá sức họ để bố thí cho người nghèo và cho các thầy giảng và nhất là cho những người bị trưng thu tài sản để bảo vệ đức tin, những người này thường chẳng còn gì để ăn, để mặc; nhờ đó họ và vợ con họ không thiếu sự cần dùng. Sau cùng có một số rất đông giáo dân nhiệt tình (muốn thi hành lời khuyên Phúc âm), họ buộc mình khấn giữ đức vâng lời làm cho chúng tôi miễn cưỡng phải từ chối; nhiều người phân phát hết của cải cho người nghèo để khiêm nhường làm việc lành cứu rỗi và được tự do hơn để lo phần rỗi kẻ khác. Có một số đông thanh niên và thiếu nữ khấn trinh khiết trọn đời và cả những kẻ ở bậc phu phụ cũng thỏa thuận với nhau giữ tiết dục trọn đời, họ buồn bực vì được biết đức tin Kitô giáo và sự đẹp đẽ của Đức Đồng trinh quá muộn; họ ước muốn (như họ cam kết) tự hiến mình cho Chúa Giêsu Kitô ngay thời niên thiếu. Trong thư này còn thêm nhiều sự khác về đời sống kiểu mẫu và lương tâm trong sáng của giáo dân tân tòng. Nhưng những điều nói trên cũng đủ cho chúng ta nhận thấy một vài nét về nhân đức và sự trọn lành của bộ mặt trẻ trung của giáo hội Đàng Ngoài, mới được hai mươi ba tuổi, nhưng từ ngày nhận ánh sáng Phúc âm thì đã được tô điểm tráng lệ. Ước mong Thiên Chúa ban cho giáo hội này luôn luôn tăng tiến về sự trọn lành và được đầy ơn Thiên Chúa, để cho ta xem thấy một kỳ công tuyệt tác của vinh quang Người.

HẾT

Nguồn: www. Dunglac.net