GIÁO SĨ ĐẮC LỘ VÀ LỊCH SỬ NƯỚC VIỆT NAM

II. Hai biến cố lịch sử quan trọng

Biến cố thứ nhất là cuộc bại trận của Trịnh Tráng năm 1627 khi ông đưa quân vào đánh Nguyễn Phúc Nguyên. Sử Kí toàn thư không nói nhiều. "Tháng 2, Thanh đô vương hộ vệ thánh giá đi đánh, quân đến cửa biển Nhật Lệ, giặc cậy là biển, cố chống lại, đại quân mấy lần giao chiến không lợi, bèn trở về". Cương mục và Thực lục viết dài hơn và tương tự như nhau, cho biết: hai bên đối diện, quân Nguyễn dùng đại bác bắn làm quân Trịnh rút lui, và nhân có nước thủy triều lên, bên Nguyễn lại cho nổ súng. Trong khi bên Trịnh bắt đầu rối loạn thì quân Nguyễn phao tin là ở Bắc Hà, Trịnh Gia và Trịnh Nhạc sắp nổi loạn. Do đó Trịnh Tráng trở nên nghi ngờ, lại mấy trận thua liền, nên cho quân rút lui.

Như vậy cuộc bại trận này, theo sử nhà Nguyễn, là do mấy sự việc chính yếu: Nguyễn Phúc Nguyên có hỏa lực trổi vượt hơn là một, nhờ nước thủy triều hay lợi dụng nước thủy triều để tấn công là hai và dùng phản tuyên truyền gây nghi ngờ nơi địch là ba. Quân Nguyễn còn đưa tượng binh ra chống đánh. Đắc Lộ cho biết thêm: Trịnh Tráng mộ quân quá nhiều, số lương thực đem theo tưởng đủ để nuôi quân, nhưng vì sức cầm cự bên địch rất vững, nên cuộc chiến phải kéo dài. Nếu Trịnh Tráng còn ngoan cố giữ quân chiến đấu lâu thì e không còn lương thực nuôi quân. Còn về nước thủy triều thì Đắc Lộ cho biết quân nhà Nguyễn đã "đóng cọc nhọn và mũi sắt với dây chằng dưới mặt nước...". Thế là thuyền bị mắc cạm bẫy khi nước rút.

Khi Trịnh Tráng đưa thuyền về và gặp lại Đắc Lộ, thì người ta rất sợ cho giáo sĩ sẽ bị nhà vua quở trách và hất hủi. Đắc Lộ viết:

"Lúc này không thiếu người báo tin cho chúng tôi, cho chúng tôi nghĩ rằng chúa Đàng Ngoài rất giận chúng tôi, vì người Bồ đã cung cấp vũ khí cho chúa Đàng Trong chống lại ngài. Điều này không đúng, tuy ban đầu có tin đồn như vậy, do mưu kế người Đàng Trong dùng: họ đặt trên đỉnh núi ở biên giới một số rất nhiều hình nộm mặc theq n ihuc người Blà mưu cơ vô tội vô hha

àểmcuocs ôàtthôi".

Dẫu sao, người Bồ đã thông thương vớừ năm 1615 khi họ đưa giáo sĩ Buzomi tới. Borri ở Đàng Trong từ 1618 tới 1622, ông đã cho biết người Đàng Trong đã có một số súng ống tịch thu được ở các tàu bè bị bão đánh dạt vào bờ biển và hàng ngày đem ra thao diễn. Vả lại trong hơn mười năm thông thương, Nguyễn Phúc Nguyên hẳn đã chuẩn bị cho quân binh một số súng ống đạn dược của người Bồ. Trái lại Trịnh Tráng mới gặp phái đoàn người Bồ năm 1626 với giáo sĩ Baldinotti và lần này, năm 1627 với Đắc Lộ. Biến cố lịch sử thứ hai là trận chiến giữa người Hòa Lan và thủy quân của Nguyễn Phúc Lan năm 1644. Năm này, năm có mặt của Đắc Lộ ở Đàng Trong, ở cửa Eo, có đoàn tàu người Hòa Lan đi ngang qua, vào đúng lúc có mặt của thủy quân ta. Thế là thế tử cho quân ta xông đánh bất ngờ. Thực lục viết: "Chiến thuyền trước sau bước nhanh như bay. Giặc trông thấy cả sợ, nhằm thẳng phía đông mà chạy, bỏ rơi lại một chiếc thuyền lớn. Thế tử đốc quân vây bắt. Tướng giặc thế cùng phóng lửa tự thiêu chết. Thế tử bèn thu quân về". Thế tử nói đây là con Nguyễn Phúc Lan sau này lên nối vị cha, tức là Nguyễn Phúc Tần.

Trong Lịch sử Đàng Ngoài, nhân tiện viết về lực lượng chiến thuyền của Đàng Ngoài và Đàng Trong, Đắc Lộ đã thích thú kể lại trận thủy chiến này, chúng tôi ghi lại nguyên văn như sau:

"Chúa Đàng Ngoài tấn công chúa Đàng Trong, như tôi sẽ nói sau, ba lần đem quân đi đánh đều thất bại. Chúa liền cầu cứu với thương gia người Hòa Lan chiếm đóng bến tàu Java Cả, gọi là Jacquetra hay Tân Hòa Lan. Chúa phái người đem lễ vật tới xin cung cấp cho mấy chiếc tàu tròn của họ, để nhờ đó chúa quyết định phá hủy hạm đội người Đàng Trong. Người Hòa Lan nhận lời ngay vì biết là để tấn công chúa Đàng Trong đã công khai từ mấy năm nay tự xưng thù địch với nước mình.

Họ liền phái tới chúa Đàng Ngoài ba chiếc tàu tròn trang bị đầy đủ và có mấy khẩu súng. Đoàn tàu vô ý tới gần một hải cảng Đàng Trong vì bị gió đánh giạt, đúng lúc tình cờ chúa đang có mặt với mấy chiếc thuyền.

Chúa nhận thấy đây là viện trợ người Hòa Lan gửi chúa Đàng Ngoài để gây chiến. Cơn giận nổi lên (như thể chúng dám táo bạo thách thức ở biên giới), chúa liền bàn xem có nên cho thuyền đuổi theo, chúa hỏi ý kiến một người Hòa Lan mấy năm nay sống sót sau cơn bão táp và ở lại phục vụ chúa lo việc binh đao. Tên lính này kiêu căng và khinh thị đáp rằng: đoàn tàu này chỉ sợ có thế lực và thịnh nộ vũ khí của ông Trời. Tức giận vì thái độ hỗn xược, chúa không thèm đáp, nhưng ra lệnh cho các thuyền trưởng lập tức cho nhổ neo rời bến và tấn công đoàn tàu Hòa Lan trông rõ ở ngoài khơi.

Nhờ lúc biển lặng, chỉ có gió nhẹ thổi, nên việc tấn công đem lại kết quả: chỉ có chiếc tàu nhỏ hơn cả của người Hòa Lan nhờ gió nhẹ thổi mà chạy thoát, còn chiếc kia muốn chạy trốn đoàn thuyền rượt theo, mất hướng đụng phải cồn vỡ tan và chìm dưới làn sóng. Chiếc thứ ba lớn hơn hết, dĩ nhiên nặng nề hơn cả, gió không đẩy nổi, liền bị bốn chiếc thuyền bao vây và chiếm giữ, sau khi hết sức chống cự và bắn vô hiệu vào đoàn thuyền rất thấp đã tới nách.

Tay lái và cột buồm bị phá. Trong cơn nguy khốn và cùng cực, liền châm lửa vào kho thuốc súng đốt chiếc thuyền cùng thủy thủ, tất cả chừng hai trăm, trừ bảy người tránh ngọn lửa nhẩy xuống biển trôi theo làn sóng, được thuyền chiến Đàng Trong vớt và đem trình chúa ở trên bến đang đợi đoàn tàu chiến thắng trở về...".

Đắc Lộ còn cho….(mất 1 đoạn)… Hòa Lan xấc láo cùng bảy tên lính sống sót, lại còn cho cắt mũi tất cả, kể cả những người chết đuối dạt vào bờ và gửi ra biếu Trịnh Tráng với những lời chế nhạo. Về phần Trịnh Tráng, ông ra lệnh không tiếp đón chiếc tàu chạy thoát: họ phải hướng về phương bắc và xin đậu cùng xin lương thực ở Trung quốc. Về trận thủy chiến này, sử Hòa Lan cũng có nói tới và người ta được biết thuyền trưởng người Hòa Lan là Pierre Breck và ba chiếc tàu có tên là Kievil, Nachtegaels và Wockende. Còn về việc Đàng Ngoài thông thương với người Hòa Lan, thì Phạm Văn Sơn trong Lịch sử Tân Biên cho biết có hai văn kiện tức hai thư, một của Lê Thần Tông và một của Thế Tử viết cho người Hòa Lan ngỏ lời xin giúp quân nhu đạn dược để chống với thù địch xắc xược, một thư đề ngày 22.02.1641 và một đề năm 1641 tháng 7. (coi: Phạm Văn Sơn, sd. q. trang 133-136).