Giáo sĩ Đắc Lộ (1593-1660):

IV. Hội các thày giảng

Đắc Lộ là một nhà truyền giáo, một tông đồ nhiệt thành, một nhà giảng giáo lí và tổ chức phụng thờ nghi lễ vừa bình dân vừa sốt sáng. Nhưng ông còn là một nhà lãnh đạo, một thủ trưởng có tài tổ chức. Giáo đoàn có nhiệt tâm, nhưng nếu không có lãnh tụ để chỉ dẫn thì giáo đoàn ấy không có cơ phát triển. Lúc này chỉ có các giáo sĩ ngoại quốc, chưa có linh mục bản xứ. Vậy việc tốt nhất là huấn luyện một lớp thày giảng người bản xứ, trao cho họ một nhiệm vụ nho nhỏ, như dạy giáo lí, sửa soạn người để chịu phép rửa tội. Họ là những cộng tác viên rất đắc lực của nhà truyền giáo, vì họ là người thuộc Đất Nước, biết phong tục của Đất Nước, nói tiếng bản xứ, dễ dàng đi lại tiếp xúc mà không bị nghi ngờ.

Trong số những người được chọn và được huấn luyện thì có người có học, hoặc đã là thày đồ dạy học, đã là thày sãi. Khi họ theo đạo thì được Đắc Lộ giảng dạy giáo lí và cho đi thực tập tại chỗ, nghĩa là theo giáo sĩ. Đàng Ngoài, chúng ta được biết có mấy người chính yếu là Phanchicô, Anrê, Inhaxu và Antôn.

Phanchicô là một thày sãi, một người thành tâm tìm đạo lí, nhưng sau khi nghe Đắc Lộ rao giảng thì ông liền bỏ đền chùa miếu mạo mà theo đạo. Ông cũng tò mò xin đến ở nhà giáo sĩ trú trọ, không phải để theo mà để xem các giáo sĩ ở đây có giữ những lời các ông dạy hay không. Khi thấy không những các giáo sĩ giữ mà còn giữ nghiêm khắc hơn lời giảng dạy, lúc đó ông mới thú nhận và xin làm người trợ giúp. Ông được đặt làm thủ trưởng các thày giảng. Phần 2 chương 19 trong Lịch sử Đàng Ngoài, có nói tới cuộc trở lại của ông. Khi Đắc Lộ lên đường để trở về Macao thì đem theo Phanchicô cho tới khi đến bến tàu. Phanchicô ngỏ lời muốn theo thày về Macao nhưng Đắc Lộ khuyên nên ở lại, vì giáo đoàn cần đến ông.

Antôn là một thanh niên cường tráng, anh đã tự nguyện làm người giúp việc trong cộng đoàn. Sau được đi theo Đắc Lộ trong hành trình vào Thanh Nghệ năm 1629. Cũng thế Inhaxu cùng đi thuyền với Đắc Lộ khi bị trục xuất. Trên thuyền, vào buổi tối Inhaxu vì có tài thơ phú nên đã ca hát cho vui, và cũng là cơ hội tuyên truyền các giáo lí cơ bản.

Trước khi trở về Macao năm 1630, Đắc Lộ đã tổ chức một lễ tuyên thệ long trọng và cảm động. Các thày đặt tay trên sách Phúc âm và thề ba điểm, một là giữ luật độc thân, hai là không giữ của cải riêng cho mình, ba là phải vâng lời thày thủ trưởng cho tới khi nào có các cha dòng tới. Phanchicô đọc lời thề trước hết rồi đến Anrê và Inhaxu, sau cùng là Antôn.

Đó là ở Đàng Ngoài, còn ở Đàng Trong thì Đắc Lộ cũng cho tổ chức hội các thày giảng tương tự như thế. Đắc Lộ nói đoàn thể các thày giảng gồm có Anrê, Inhaxu, Vinh sơn và bảy người khác, rồi sau cùng thêm hai người nữa, làm thành 12. Anrê là người chứng thứ nhất, tử đạo tháng bảy năm 1644 trước mặt người cha, người thày và người anh là Đắc Lộ. Nhưng người nổi tiếng nhất là thày Inhaxu (Y Nhã) "trước kia làm quan, một trong những viên quan thời danh nhất và giỏi giang nhất trong phủ chúa". Đắc Lộ nói nhiều về thày, vì thày được trao cho những nhiệm vụ quan trọng, đưa phái đoàn lên miền Bắc giảng dạy thay Đắc Lộ; thày đứng ra tranh luận với một "tuyên úy" của Tống Thị và vì thế bị bà này căm thù và bị lên án tử. Mấy lần bị bắt và bị tra hỏi, thày vẫn cương quyết giữ vững niềm tin.

Cũng như khi còn ở Đàng Ngoài, Đắc Lộ đã làm lễ tuyên thệ cho các thày giảng, thì ở Đàng Trong ngày 31 tháng 7 năm 1643, đúng ngày lễ thánh tổ Inhã, Đắc Lộ đã cho đoàn thể các thày giảng tuyên thệ. Trước khi rời Đàng Trong, Đắc Lộ đã ghi trên giấy những lời dạy dỗ và cắt đặt Inhã làm thủ trưởng. Inhã và Vinh sơn đã chết tử vì đạo thời chúa Nguyễn Phúc Lan ngày 22 tháng 6 năm 1646, chung qui cũng chỉ do lòng thù ghét của một người đàn bà nhân tình nhân nghĩa của Phúc Lan. Trong Hành Trình và Truyền Giáo, Đắc Lộ viết về cái chết vinh quang của hai thày. Còn Saccano là người tới Đàng Trong sau khi Đắc Lộ về Macao, nói tới cuộc tử đạo của hai người trong cuốn Tường Trình về Xứ Đàng Trong xuất bản tại Paris năm 1653. Saccano dành hai chương nói tóm tắt về cuộc đời thày giảng Inhã và thày giảng Vinh sơn. Bản tường trình được viết tại Đàng Trong năm 1646.

Như vậy là vào thời Nguyễn Phúc Lan ở Đàng Trong đã có ba thày giảng chịu chết vì đạo: Anrê (Phú Yên), Inhã (Vinh Nghệ Tĩnh) và Vinh sơn (Quảng Ngãi).

Tổ chức các thày giảng được duy trì mãi cho tới năm 1954 là năm có cuộc di cư lớn lao làm xáo trộn các qui chế đạo./.