Giáo sĩ Đắc Lộ (1593-1660): Phụng vụ và nghi lễ

Không phải chỉ với Đắc Lộ, chúng ta mới có phụng vụ và nghi lễ. Nhưng nhờ Đắc Lộ và qua Đắc Lộ, chúng ta biết tổ chức nghi lễ ở thời này như thế nào. Trước hết là vấn đề lịch phụng vụ. nước ta vào thế kỉ này, việc soạn lịch kể là tối quan trọng. Chính quyền có một cơ quan, một bộ lễ để soạn lịch, nhưng đúng hơn, người của chúng ta ít có khả năng để soạn lịch; nói chung, phụng lĩnh lịch Trung quốc và ngày phát lịch là cả một nghi lễ trang trọng. Nơi dân gian, người ta biết các tháng trong năm và mỗi tháng có hai ngày trọng đại là ngày mồng một và ngày rằm theo cách tính mặt trăng. Lịch công giáo lại tính theo mặt trời, không theo mồng một ngày rằm, không theo thượng trung hạ tuần mà theo tuần lễ bảy ngày. Chính ra ngày thứ bảy là ngày Sabbato, ngày Thiên Chúa nghỉ sau khi tạo dựng vũ trụ và loài người trong sáu ngày. Nhưng trong Tân Ước thì Đức Giêsu đã sống lại ngày đầu trong tuần bảy ngày của người Do thái. Do đó chúng ta lấy ngày thứ nhất là ngày của Chúa, chủ nhật, ngày Chúa phục sinh. Vậy cần thiết làm lịch, không những để biết những ngày lễ chính yếu và các mùa liên hệ trong năm như mùa Vọng và Sinh nhật, mùa Chay và Phục sinh, mà còn các ngày của Chúa, chủ nhật, và ngày thứ sáu lúc đó còn giữ kiêng khem nghiêm chỉnh. Đắc Lộ nói đã cho khắc gỗ in lịch và phân phát cho các giáo đoàn qua trung gian các thày giảng và giáo dân hữu trách. Ông kể lại một câu chuyện hi hữu: ở một cộng đoàn kia, trong giáo dân không ai biết đọc, dĩ nhiên là chữ nôm, do đó phải thuê một "kẻ ngoại" đến nhà thờ đọc lịch và đọc sách thiêng liêng cho bổn đạo nghe.

Đắc Lộ cũng cho biết giáo dân có thói quen hội nhau, đặc biệt là ngày chủ nhật, để đọc kinh và nghe sách, nghe thư chung giáo sĩ gửi tới. Vì thiếu linh mục nên giáo dân tổ chức với nhau. Việc đọc kinh sáng tối ở nhà cũng có từ thời này. Đắc Lộ kể đã có một lần giáo dân bí mật đến gặp giáo sĩ: họ đã bị phát giác chỉ vì ngay mới tinh sương, họ đã đọc kinh sáng làm cho lính canh để ý.

Lễ Sinh nhật được cử hành rất cảm động, ở nhà thờ cũng như ở nhà tư. Thày Y Nhã đã một lần dự lễ Sinh nhật ở tư dinh bà Maria. Đã có thày giảng biết làm hang đá và trang hoàng đẹp đẽ, mĩ thuật. Hãy nghe Đắc Lộ nói về lễ Giáng sinh năm 1644 ở một thôn xóm thuộc Đàng Trong, tại một nhà giáo dân tên là Gioan Hảo, hình như ở Nước Mặn thuộc Qui Nhơn, nơi người dân làm muối:

"Đây mới thật sốt sáng mừng đêm Giáng sinh: nửa đêm thanh vắng, tôi cứ tưởng như thấy mọi ánh sáng thiên đàng. Tôi không nói tới nguồn an ủi tôi nhận được ở đây, nhưng tôi quyết rằng trong những nhà thờ đẹp nhất, trong những bản nhạc hay nhất bên trời Âu, chưa bao giờ tôi thấy có gì tương tự, không ai thấu được, chỉ người đã thưởng thức mới biết mà thôi. Vào tảng sáng, tôi ra lệnh cho mọi người rút lui vì tôi vẫn nơm nớp sợ những gì có thể xảy ra khi chúng tôi chia tay".

Đây là lời Đắc Lộ viết lại trong Hành trình xuất bản tại Paris năm 1653. Còn ở bản tường trình viết ngay tại Macao năm 1645 thì ông chỉ viết vắn tắt, nhưng có mấy chi tiết cảm động. "Trong làng này tôi đã mừng lễ Giáng sinh trong một nhà rộng lớn đã trang trí tươm tất, nhà này thuộc một người tên là Nicola Hảo, một Kitô hữu kì cựu nhất, đã được chịu phép rửa tội từ 25 năm nay do cha FranỄois Buzomi thuộc dòng chúng tôi và là người đầu tiên tới khu truyền giáo này năm 1615".

Tới mùa Phục sinh, thì thật là cả một phương pháp giáo huấn và sống phụng vụ dồi dào. Đắc Lộ cho biết, một lần đi thuyền biển vào mùa Chay và Tuần thánh. Lúc dạt vào một hòn đảo, ngài đã cho các thày giảng lấy lá dừa rất có nhiều ở đảo này làm lá để rước lá. Rồi tới ba ngày thánh vì không đủ phương tiện hát kinh theo nghi lễ giáo hội thì Đắc Lộ soạn 15 ngắm, cứ sau mỗi ngắm thì tắt một trong 15 ngọn nến thắp sáng, theo thể thức hát kinh đêm trong ba ngày thánh. Đắc Lộ viết trong Lịch sử Đàng Ngoài:

"Để cho họ khỏi bị thiệt thòi, thì chúng tôi đã chia các mầu nhiệm thương khó làm 15 đề tài chính. Cứ sau khi đọc chung mười kinh chuỗi hạt thì ngắm một đoạn và suy niệm một trong 15 sự thương khó, sau mỗi lần như thế thì lại tắt một trong 15 ngọn nến sáng theo tục lệ trong giáo hội Roma. Trong nghi lễ, họ khóc lóc, kêu gào và rên rỉ tỏ lòng thương mến những thống khổ và cái chết của Chúa Cứu Thế, người lân cận cũng đến nghe".

Lại còn lễ Nến, Đắc Lộ cũng làm phép Nến rồi cho giáo dân đem nến phép về nhà để thắp khi có người qua đời. "Nến làm phép này giúp họ trong giai đoạn tối hậu và nguy hiểm của đời sống, để xua đuổi tướng lãnh tối tăm và địch thù ơn cứu rỗi".

Đắc Lộ cũng cho thánh hóa ba ngày Tết Nguyên Đán, những ngày khá nguy hiểm theo ông, vì có nhiều tục lệ mà ông cho là dị đoan mê tín như dựng cây nêu, cúng bái tổ tiên, hái lộc nơi các đền điện chùa chiền. Thay vì cây nêu thì dựng cây thánh giá, ngày mồng Một kính Thiên Chúa Cha, Đấng tạo thành thiên địa, ngày mồng Hai nhận biết ơn Cứu chuộc kính dâng Con Thiên Chúa và ngày mồng Ba, cảm tạ Chúa Thánh Thần, Đấng đã gọi chúng ta "vào đạo Kitô".

Trở lại việc ngắm 15 sự thương khó, chúng tôi đã so sánh bản hiện nay còn được dùng trong Mùa Chay với bản trong Phép Giảng thì chúng tôi thấy bản ngày nay có khá nhiều điểm chứa đựng trong Phép Giảng, đặc biệt mấy câu chuyện truyền thuyết không có trong Phúc âm, thí dụ năm nghìn đòn, bảy mươi hai cái gai, khăn bà thánh Veronica rày hãy còn ở thành Roma... Về từ ngữ thì bản ngày nay vẫn còn phản ảnh bản trong Phép Giảng. Thí dụ: đầy tớ cả, cả và, đí gì, giã (từ giã), Kẻ Chợ, là đá, mắng tiếng, min, rình sinh thì, thày cả Giu dêu... Hơn ba thế kỉ nay, hẳn đã có sự sửa chữa, nhưng tựu trung không thay đổi gì quan trọng./.