Giáo sĩ Đắc Lộ (1593-1660): Phương pháp dạy giáo lí (2)

Đắc Lộ đi vào thần học về Thiên Chúa, theo lí thuyết kinh viện hay Tômít về một nguyên lí đệ nhất. Theo chúng tôi thì cái lối suy luận, biện luận này khá mới đối với giới trí thức của ta thời đó. Họ lâu năm dùi mài kinh sử, nghiền ngẫm sách thánh hiền, nhưng thực ra đầu óc họ đầy chữ nghĩa mà vẫn rỗng tuếch. Khi đi thi hội, thi đình để đỗ ông nghè ông cống, đề tài nhà vua nhà chúa đưa ra thường thuộc về phép trị dân, về những thời Ngũ Đế, thời Thuấn Nghiêu. Hơn nữa bài luận thuyết một là bị hạn chế bởi những điều kiêng kị, hai là phải biết nịnh kẻ cầm quyền. Có thể là lần đầu tiên, họ nghe một người đưa ra lí luận như sau:

"Bây giờ phải giảng thật Đức Chúa Trời là ai, Đức Chúa Trời ở đâu, bởi đâu có Đức Chúa Trời. Sự sau này cho ta giảng trước. Ta nói rằng thật Chúa trời đất chẳng ai làm mà có, vì chưng Đức Chúa Trời là cội rễ đầu, làm mọi sự". Đắc Lộ đã tìm được một từ ngữ rất nôm, rất bình dân, rất ảnh hưởng để dịch một từ triết học và thần học "causa efficiens", nguyên nhân tác thành. mấy giòng dưới, bản latinh còn đổi chữ "causa efficiens" thành "radix et causa", nghĩa là phối hợp hai từ lại để chỉ một thực tại, đầu cội rễ mọi sự. Và từ tư tưởng về cội rễ này Đắc Lộ đưa ra thí dụ về nguồn cội cây cối chứng tỏ phải có một căn nguyên mọi sự. Chữ "căn nguyên" này cũng được dùng tới. Rồi ông chứng minh Ngọc Hoàng, Mục Mũi đều không phải là Đấng tạo thành thiên địa vạn vật.

Khi luận về bản tính Đức Chúa Trời thì Đắc Lộ đã đưa ra những lí luận thuộc siêu hình, thuộc thần học kinh viện và đối với thính giả thời đó, những lí luận này rất lạ, rất mới. Đức Chúa Trời "thật có phép hay biết vô cùng", dịch từ chữ latinh là "infinita potentia & sapientia", Đức Chúa Trời "thật là tính thiêng liêng vô cùng mà chớ", dịch từ chữ latinh "infinita ejus Divinitas et essentia infinita". Tính, bản tính, căn nguyên đều là tiếng từ ngữ học thuyết kinh điển.

Ông tiếp tục: "Ví bằng tính Đức Chúa Trời là tính có cùng, lại có phép và hay biết vô cùng, làm sao được?", nhà nho thời xưa lí luận với những bồ chữ "chi hồ giả dã", nhưng không đi ra ngoài môn học từ chương. Đắc Lộ vẫn giảng về Đức Chúa Trời hằng có "mà chẳng có trước cũng chẳng có sau, vì tính vô cùng thật là phải có hằng sống vô cùng, bằng tính vô cùng".

trên đây chúng ta đã thấy Đắc Lộ lấy tư tưởng trường sinh bất tử trong đạo Lão, nghiền ngẫm qua các thi gia của ta, như một Nguyễn Bỉnh Khiêm, một thi gia nào khác đó thời Hồng Đức, tới đây, ông lại dùng tới chữ "thanh nhàn" để chỉ trạng thái "niết bàn" trên thiên quốc, trạng thái hay đúng hơn bản tính Thiên Chúa trên Nước Người. Ông viết: "Trong mình (ĐCT) rất vui vẻ, vì trong mình duy (vốn) có mọi sự vui vô cùng; khi chưa có thế giới này, cũng đã vui vẻ, mà dầu chẳng có ai nữa, một Đức Chúa Trời cũng trọn vui vẻ, thanh nhàn vô cùng".

Cái lí tưởng của đạo Nho nhuộm màu Lão Tử thời xưa, ít ra ở một số nho gia, đó là sự thanh nhàn vô sự, "thanh nhàn vô sự tiểu thần tiên" như Nguyễn Bỉnh Khiêm viết, vô sự là không vướng mắc trách nhiệm triều đình, hết chức vụ làm quan, thời kì nghỉ ngơi, hạnh phúc. Tư tưởng thanh nhàn vui vẻ này từ ba thế kỉ vẫn là tư tưởng then chốt trong sách bổn của chúng ta, bởi vì câu đầu trong sách bổn là câu: Hỏi phải làm đí gì cho được thanh nhàn vui vẻ vô cùng? Thưa, Phải giữ đạo thánh Đức Chúa Trời. Tất cả từ ngữ lẫn tư tưởng đều lấy từ Đắc Lộ, trong Phép Giảng tám ngày, trong thần học của Đắc Lộ vậy. Mãi cho tới những năm 1965-1967 khi sửa lại sách bổn, người ta mới thay thế câu hỏi trên bằng: Hỏi: Ta sống ở đời này để làm gì? Thưa: Ta sống ở đời này để nhận biết, thờ phượng và kính mến v.v.

Cuốn Yếu lí của Giáo hội công giáo 1992 bắt đầu bằng khát vọng Thiên Chúa của con người ta: "Khát vọng Thiên Chúa được ghi trong lòng con người". Phép Giảng bắt đầu bằng:

"Ta cầu cùng Đức Chúa Lời giúp sức cho ta biết tỏ tuầng đạo Chúa là nhuầng nào. Vì vậy ta phải hay ở thế nầy chẳng có ai sống lâu vì chưng kẻ đến bảy tám mươi tuểi chẳng có nhèo vì vậy ta nên tìm đàng nào cho ta được sống lâu là kiếm hàng sống vậy".

Trên đây là luận về một "thiên địa vạn vật chân Chúa", còn khi diễn giảng về "tam vị nhất thể Thiên Chúa giả" thì Đắc Lộ đã đề cập tới như thế nào? Như chúng ta đã biết, Đắc Lộ không nói về Ba Ngôi ngay ở chương đầu, ngày thứ nhất. Mãi tới ngày thứ năm, ông mới bàn tới. Nhưng trước khi diễn giảng, ông đã rào trước đón sau, chuẩn bị cho người ta hiểu và nhận một mầu nhiệm trọng đại. Bởi vì nếu cho tới đây người ta có thể nhận một Chúa trời đất, nhưng chưa chắc đã chịu một lí lẽ về một Chúa Ba Ngôi. Ông viết: "Rày thì giảng hai điều nhất trong đạo thánh Đức Chúa Trời, và rất siêu nhiệm cũng rất cao là đều giảng (Sanctissima Trinitas) lời nói chẳng hết lẽ sốt, và đều giảng phép cả Đức Chúa blời ra đời, làm cho ta hãi".

Cũng nên biết là Đắc Lộ nhất định không dùng "Thánh Thần" để chỉ Đức Chúa Thánh Thần. Ông nhận chữ "thiên thần" để chỉ đức thánh thiên thần, thần trời. Bởi vì theo ông, chữ "thần" còn nhuốm quá mầu sắc ngoại giáo: dân gian người ta tin thần, quỉ, tà thần, hung thần, thần sông, thần núi, thần gió, thần biển... đâu đâu cũng có thần. Cho nên Đắc Lộ vẫn giữ nguyên văn La ngữ hay Bồ ngữ "Sanctissima Trinitas" hay "Sanctissima Trinidade" và nhất là Spiritus Sanctus hay Spirito Sancto (Thánh Thần). Dẫu sao, chúng ta đã có "tam vị nhất thể" và "ba ngôi một tính", vị là ngôi, thể là tính. Ông còn nói: một tính, một tòa. Ba ngôi đó là đức Cha, đức Con, và đức Spiritus Sanctus. Đắc Lộ cắt nghĩa: "là đức Cha, thật là Cha vì đẻ ra Con hằng vô cùng vậy, lại đức Con thật là Con vì có Cha đẻ hằng vô cùng vậy mà lại đức Chúa Trời là đức Spirito Sancto, thật là Spirito Sancto, vì chịu thông qua hằng vô cùng bởi đức Cha và bởi đức Con yêu nhau vậy".

Theo đúng thần học kinh viện, Đắc Lộ tiếp tục diễn giải về liên quan giữa Ngôi Cha và Ngôi Con: "Đức Chúa blời là đức Cha hằng biết bậc trọn lành mình vô cùng mà sinh ra ảnh thiêng mình hay là lời vô cùng mà thông ra trót tính mình, cho ra đức Con cũng bằng đức Cha". Hình ảnh là tiếng thánh Phaolo dùng để chỉ Con Thiên Chúa và lời là từ ngữ thánh Gioan viết ngay ở chương đầu sách Phúc âm của Ngài. mấy giòng sau, Đắc Lộ còn tiếp tục giảng: "Đức Cha xem thấy tính thiêng liêng mình như gương rất sáng, vậy thì đẻ ra ảnh mình rất khéo rất sáng mà tự nhiên thì thông ra trót tính mình cho ảnh ấy, mà bức ảnh ấy là đức Lời đức Chúa trời hằng có vậy". Chúng tôi có cảm tưởng một cách thô kệch, là người thời đó cũng hẳn chỉ coi như những lời bí ẩn trong Đạo đức Kinh của Lão Tử hay trong Kinh dịch huyền nhiệm, nhưng diễn giải bằng chữ bình dân, bằng lời nói thông thường mà thôi. Về Chúa Thánh Thần, Đắc Lộ viết: "Sự đức Cha cùng đức Con yêu nhau vô cùng làm vậy, gọi là đức Spirito Sancto...". Nói tóm lại là "đức Cha và đức Con và đức Spirito Sancto, cùng một Đức Chúa Trời, là một tính mà thôi thì có ba ngôi, là căn nguyên và cội rễ đầu mọi sự, và mọi sự thì cùng về một Đức Chúa Trời".

Riêng về những từ ngữ vẫn còn là tiếng Latinh thì thực ra cũng không gây phiền hà khó khăn gì. Phật giáo truyền qua nước ta do ngả Trung quốc là phần nhất, nên người ta vẫn tụng kinh bằng chữ Hán và vẫn còn có nhiều câu vẫn bằng tiếng phạn. Chỉ sau này, dần dần, chúng ta mới dịch toàn thể từ ngữ thần học ra chữ nôm hay chữ Việt, tiếng Việt.

Trên đây, chúng tôi mới chỉ vắn tắt trình bày một vài điểm có thể gọi là chính yếu trong việc dẫn giải thần học và giáo lí. Phải đọc lại để một là nhận thấy sự cố gắng của tác giả, hai là để thưởng thức cái hương vị ngọt ngào của những bản văn đơn sơ, ngô nghê nhưng không kém phần sâu sắc./.