I. Đi rao giảng (1)

Không phải chỉ tới năm 1615 mới có người đến giảng đạo ở nước Việt Nam. Trước đây mấy chục năm, đã có các tu sĩ dòng Phan Sinh, dòng Đa Minh, dòng Autinh tới nước ta, đi theo các tàu buôn làm tuyên úy. Nhưng họ không ở lâu, họ thường làm việc linh hồn nơi các thủy thủ, họ chưa chủ ý làm việc truyền giáo lâu dài trên đất nước ta.

Thực ra, vì có sự bắt đạo ở Nhật nên các giáo sĩ dòng Tên được chỉ định đi Nhật đều trở thành thất nghiệp: họ đã nghĩ tới cái nước Việt Nam bé nhỏ cho tới nay ít thương gia để ý tới. Do đó năm 1615 cha Buzomi người Ý và một thày Nhật đã tới Đàng Trong. Buzomi đã thông thạo tiếng Nhật, nhưng vì đã có tuổi, nên học tiếng Việt rất chậm. Bề trên ở Macao liền phái những người trẻ hơn tới. Năm 1617 có Francois de Pina, người Bồ. De Pina cũng đã học tiếng Nhật, nhưng vì còn trẻ lại có khiếu, nên học tiếng rất giỏi.

Năm 1618 khi Borri tới thì đã thấy de Pina giảng mà không cần thông dịch viên, trái lại Buzomi vẫn cần tới người thông dịch, mà phiên dịch rất sai, rất vụng. Năm 1624, Đắc Lộ được phái tới Đàng Trong. Như đã có một duyên nợ gì với Việt Nam, Đắc Lộ rất thích thú khi nghe người bản xứ nói: họ không nói mà hát, giọng họ líu lo như chim hót, nhất là khi phụ nữ nói. Đắc Lộ đã bắt đầu nản, vì làm thế nào có thể học được. Thế nhưng ông đã thấy người đồng sự của ông là Francois de Pina nói rất giỏi tiếng Việt. Và ông kiên trì và quyết tâm học. De Pina dạy ông, lại thêm cậu bé Đàng Trong nữa. Ông tỏ ra rất có khả năng: sau bốn tháng ông đã có thể ngồi tòa giải tội và sau sáu tháng đã giảng được bằng tiếng Việt.

Ông theo De Pina tới thăm bà Minh Đức Vương Thái Phi, thứ phi của Nguyễn Hoàng. Bà này đã theo đạo khi được nghe cha De Pina giảng. Nhưng rủi thay, cha De Pina đã chết đuối năm 1625 khi đi thăm các thủy thủ người Bồ cập bến Hội An. Đắc Lộ không viết nhiều về hoạt động của ông trong thời kỳ này. Tuy nhiên, người ta được biết là công cuộc truyền giáo tiến triển rất khả quan. Đã có một tập sách giáo lý đại cương được soạn bằng tiếng Đàng Trong, hẳn là bằng chữ nôm và có thể có một bản chữ quốc ngữ. Hẳn cũng có một cuốn từ vựng để tiện cho việc học hỏi tiếng Việt. Công cuộc này chắc phải có tay của De Pina trước hết và sau này có Gaspar Luis tới đây năm 1625.

Chúa Nguyễn Phúc Nguyên và người con trưởng là hoàng tử Kỳ rất quí mến các giáo sĩ. Họ vừa phục tài vừa trọng đức các người xa lạ đến đây. Họ rất thích thú khi được nghe nói rành rọt những hiện tượng về thiên văn địa lý, nhất là tính toán xác đáng những ngày, những đêm xảy ra nhật thực, nguyệt thực. Các nhà toán học của họ còn khá lờ mờ, còn tính sai từng mấy ngày, nếu so với cách tính của các giáo sĩ.

Nhưng năm 1626, lần đầu tiên có thương thuyền người Bồ đưa cha Baldinotti và một thày trợ sĩ người Nhật tới Kẻ Chợ Đàng Ngoài. Vì là lần đầu tiên, nên hành trình đã kéo dài hơn một tháng. Tới Kẻ Chợ, phái đoàn được Trịnh Tráng đón tiếp ân cần. Vì dẫu sao, Trịnh Tráng cũng đã biết, Nguyễn Phúc Nguyên ở Đàng Trong đã được người Bồ giúp đỡ về vũ khí và đạn dược. Đến lượt ông, ông có dịp cậy nhờ họ. Vả sự buôn bán trao đổi giữa hai bên, cũng có đường thuận tiện cho ông.

Trịnh Tráng đã mấy lần đàm thoại, đúng hơn bút thoại với nhà truyền giáo khiêm tốn. Ông được mở tầm con mắt, hiểu biết những kiến thức mới, không những về thiên văn địa lý, mà còn về cả máy móc, cơ giới và những sản phẩm lạ của ngoại quốc. Về phía nhà truyền giáo, Baldinotti chỉ muốn chinh phục người bản xứ. Nhưng khổ một điều, giáo sĩ không hiểu, không nói được tiếng Việt. Baldinotti liền bí mật, hết sức bí mật phái một người vào Đàng Trong, xin Bề trên sai một người thông thạo tiếng ra Đàng Ngoài. Nhưng cha dặn chớ đi thẳng từ Đàng Trong mà phải về Macao đã, rồi mới từ Macao tới Đàng Ngoài, để tránh nghi ngờ của Trịnh Tráng, lúc này là thù địch của Nguyễn Phúc Nguyên.

Đàng Trong, người ta đã nghĩ ngay đến Đắc Lộ và Đắc Lộ được chỉ định về Macao, rồi từ Macao tới Đàng Ngoài. Tháng 7 năm 1626 Đắc Lộ rời bỏ Đàng Trong trở về Macao để rồi ngày 12 tháng 3 năm 1627 bỏ Macao tới Đàng Ngoài. Lần này, các thủy thủ đã quen đường lại gặp may mắn thuận buồm xuôi gió, chỉ một tuần, đúng một tuần, tàu đã cập bến Cửa Bạng thuộc Thanh Hóa, đúng ngày lễ kính thánh Giuse 19 tháng 3. Thấy rất đông người kéo đến xem người ngoại quốc, Đắc Lộ vì nói sõi tiếng Đàng Trong, đã lên tiếng thay viên thuyền trưởng trả lời những câu người bản xứ hỏi. Và ông cũng đã giảng bài đầu tiên trên đất Đàng Ngoài.