GIÁO Sĩ ĐẮC LỘ VÀ GIÁO HỘI CÔNG GIÁO NGUYÊN THỦY VIỆT NAM

MỞ ĐẦU

Bài thuyết trình đọc tại Giáo xứ Công Giáo Việt Nam ở Paris nhân kỷ niệm 400 năm sinh nhật Đắc Lộ (1593-1993).

Thưa quí vị,

Trước khi vào đề, tôi xin vắn tắt nói về mấy tác phẩm chính yếu của Đắc Lộ, những sách tôi đã tham khảo để viết bài thuyết trình này. Âu cũng là cách hiểu thêm về Đắc Lộ vì ông không phải chỉ là nhà truyền giáo mà còn là nhà nhân chủng học, nhà phiêu lưu mạo hiểm, nhà ngữ học, xã hội học.

Chúng ta có cuốn Lịch sử Đàng Ngoài in tại Roma bằng tiếng Ý năm 1650, bằng tiếng Pháp 1651 và bằng tiếng Latinh 1652. Cuốn này Đắc Lộ đã viết năm 1636 tại Macao, viết bằng La ngữ. Khi về Roma, ông viết thêm và soạn lại bản tiếng Ý, mục đích gây dư luận và đánh động các hồng y và giáo quyền ở thủ đô Giáo hội. Như Borri đã làm, ông chia cuốn sách này ra làm hai phần rõ rệt, phần một giới thiệu Đàng Ngoài với danh hiệu, địa lý, thổ sản, phong tục, văn hóa, tiếng nói, lịch sử và phần hai là lịch sử việc truyền giáo ở Đàng Ngoài kể từ 1626 cho tới năm 1646. Sách dày 326 trang, bản tiếng Pháp.

Về Đàng Trong, chúng ta có cuốn Tường trình về Đàng Trong, viết tại Macao năm 1645, ấn hành tại Paris năm 1652. Sách dày 135 trang. Thực ra đây là bản phúc trình hoạt động của Đắc Lộ ở Đàng Trong vào năm 1644-1645. Ông đã sốt dẻo viết ngay ở Macao trước khi xuống tàu trở về Âu châu. Trong cuốn này, ông kể lại việc bắt đạo năm 1644 và cuộc tử đạo của thày giảng Anrê. Cuốn thứ ba là cuốn ông viết tại Pháp và ấn hành tại Paris năm 1653. Đó là cuốn Hành trình và Truyền giáo. Chúng tôi không có bản 1653, nhưng có cuốn in năm 1854, dày 448 trang. Cuốn sách chia làm ba phần rõ rệt. Phần một là hành trình từ Roma qua Pháp tới Lisbon, thủ đô Bồ đào nha, rồi từ Lisbon vòng bờ biển Phi châu tới Ấn độ, qua Malacca cho tới Macao năm 1623. Hành trình này dài gần tới 5 năm. Phần hai là việc truyền giáo ở Đàng Trong, Đàng Ngoài rồi Đàng Trong, kể từ năm 1624 cho tới 1645, trong đó có 10 năm ông rút về Macao (1630-1640). Những gì ông đã viết tại chỗ ở hai cuốn trên, nay ông ghi lại theo ký ức và suy nghĩ về sự nghiệp truyền giáo của ông. Phần ba là hành trình một nửa đi tàu biển và một nửa đi đường bộ từ Macao qua Malacca rồi từ Malacca đến vùng Vịnh, sau đó đến đất liền qua Ba tư cho tới Địa Trung Hải để lấy tàu về Roma. Trên đây chúng tôi nói ông còn là một nhà phiêu lưu mạo hiểm, thì quả thật là thế: không những ông đã theo người Bồ vượt trùng dương bát ngát mà ông còn mở một con đường bộ đi từ vùng Vịnh qua Aspaan, Ivran, Erzeroun cho tới Smyrne thuộc vùng Tiểu Á, thuộc miền Hồi giáo khá phức tạp và nguy hiểm.

Ngoài ba cuốn chính yếu trên đây, còn mấy cuốn ít quan trọng đối với chúng ta hoặc không cần thiết vì đã nói trong những cuốn kể trên rồi như cuốn về thày Anrê tử đạo viết bằng tiếng Ý và xuất bản ở Roma năm 1652, bản tiếng Pháp ở Paris năm 1653, cuốn viết về Truyền giáo tại Nhật năm 1649, cuốn kể lại việc Truyền giáo ở Ba tư, xuất bản ở Paris năm 1659, một năm trước khi Đắc Lộ mất ở Ba tư (1660).

Sau cùng phải nói là cuốn Phép Giảng Tám Ngày viết bằng La ngữ và bằng chữ quốc ngữ mới hình thành, do Bộ truyền bá đức tin ấn hành ở Roma năm 1651. Sách dày 319 trang. Rồi cũng năm 1651 và cũng do thánh bộ ấn hành ở Roma, cuốn Từ điển Việt Bồ La dày 450 trang về phần Việt Bồ La, có chừng 175 trang về phần Latinh Việt. Cũng nên kể cuốn Khái niệm Việt ngữ viết bằng tiếng Latinh, dày 31 trang là cuốn ngữ pháp đầu tiên, viết theo cách xếp đặt và phân chia các loại từ theo La ngữ. Cuốn này thường được in với Từ điển như thể một bài dài nhập môn vào tiếng Việt viết theo tự mẫu latinh hay latinh hóa, chúng ta gọi là chữ quốc ngữ.

Vào đề tài của buổi thuyết trình hôm nay, chúng tôi sẽ nói về ba điểm chính yếu trong sự nghiệp của giáo sĩ Đắc Lộ:

1. Sự nghiệp đóng góp vào việc thành lập giáo hội công giáo nguyên thủy Việt Nam dưới mấy khía cạnh then chốt: đi rao giảng giáo lý, trình bày khoa thần học tín lý và luân lý công giáo, thiết lập phụng vụ và nghi lễ, tổ chức đoàn thể các thày giảng và dự trù huấn luyện giáo sĩ bản xứ.

2. Sự nghiệp đóng góp vào việc tìm hiểu đất nước Việt Nam và Con người Việt Nam thế kỷ 17, không những về phong tục, văn hóa, xã hội mà cả về mấy nhân vật lỗi lạc trong lịch sử ở cái thế kỷ nước Việt Nam bắt đầu tiếp xúc với Âu châu và trong một thời kỳ chia đôi đất nước và huynh đệ tương tàn, chúng tôi muốn nói thời Trịnh Nguyễn phân tranh.

3. Sự nghiệp lớn lao trong việc hình thành chữ quốc ngữ. Thực ra Đắc Lộ không phải là người sáng chế ra thứ chữ viết theo tự mẫu Latinh. Đây là một sự nghiệp chung của một số giáo sĩ thuộc nhiều dân tộc khác nhau, trong đó đặc biệt là người Bồ, rồi tới người Ý, người Pháp. Nhưng Đắc Lộ là người được nói tới nhiều hơn hết và vì đó kể như có công nhất, bởi vì các tác phẩm của ông còn tồn tại cho tới ngày nay, trong khi nhiều tác phẩm của các đồng nghiệp đã thất lạc. Chúng ta có thể bàn giải về nhiều khía cạnh khác trong sự nghiệp của Đắc Lộ, nhưng hôm nay, hãy hạn định vào những điểm cốt yếu. Và chúng tôi xin vào đề.

(Tiếp Mục I: Đi rao giảng)