Tìm hiểu cộng đồng người Chăm tại Việt Nam. Bài 24: Người Chăm từ 1954 đến nay

Dưới thời Pháp thuộc (1884-1954), người Chăm được xếp hạng ngang với người Kinh nên không hưởng một qui chế đặc biệt nào. Họ được toàn quyền sinh hoạt tôn giáo. Chỉ sau năm 1946, khi phong trào Việt Minh xâm nhập vào các thôn làng Chăm, người Pháp mới chú tâm đào tạo thanh niên và phát triển những vùng dân cư gốc Chăm. Hậu duệ cuối cùng của Po Chongchan là một hoàng hậu, từ trần tại Huế năm 1927, không người thừa kế, chấm dứt dòng vương chính thức của Nam Chiêm Thành.

Sau năm 1954, người Chăm chịu sự quản trị trực tiếp của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa. Địa phận Thuận Thành xưa kia được chia thành hai tỉnh Ninh Thuận (thủ phủ là Phan Rang) và Bình Thuận (thủ phủ là Phan Thiết). Riêng tỉnh Bình Thuận, chính quyền Ngô Đình Diệm thành lập thêm quận Phan Lý Chàm, tách khỏi huyện Hòa Đa. Hai quận An Phước (Ninh Thuận) và Phan Lý Chàm (Bình Thuận) do chính người Chăm tự quản lý lấy vì có số đông. Ông Thanh Giác làm quận trưởng quận Phan Lý Chàm, sau là dân biểu quốc hội năm 1966; ông Quảng Đại Minh làm quận trưởng quận An Phước. Về chính trị, hai nhân vật này đại diện cho đẳng cấp lãnh đạo người Chăm trong thời Đệ Nhất Cộng Hòa, tranh đấu ôn hòa trong các định chế hợp pháp của chính quyền miền Nam để quyền sinh tồn và phát triển của cộng đồng người Chăm được tôn trọng.

Tại những nơi đông dân cư Chăm sinh sống, vì lý do an ninh kể từ sau 1965 vai trò lãnh đạo hành chánh địa phương do những sĩ quan quân đội Việt Nam Cộng Hòa đảm nhiệm. Những nhân vật quản trị cộng đồng người Chăm là những sĩ quan quân đội gốc Kinh do vị tướng chỉ huy trưởng Vùng II Chiến Thuật chỉ định, năm 1968 quyền này được giao lại cho những sĩ quan gốc Chăm. Cho đến năm 1975, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đã đào tạo được nhiều sĩ quan cao cấp : 1 trung tá và 7 thiếu tá.

Trong nội bộ cộng đồng người Chăm, những sĩ quan và cán bộ hành chánh gốc Chăm hợp tác chặt chẽ với các lãnh tụ tôn giáo địa phương để quản trị, đặc biệt là việc cắt đặt ngày giờ tế lễ giữa hai tôn giáo Bà La Môn và Bani tại Ninh Thuận và Bình Thuận. Những đòi hỏi của người Chăm tại Việt Nam ít được chính quyền miền Nam nâng đỡ hay chú ý tới vì không bị coi là kém phát triển, chính vì thế trong cuộc nổi dậy của phong trào FULRO năm 1964 có nhiều lãnh tụ Chăm tham dự.

Sau tháng 4-1975, không những cộng đồng người Chăm cũng không được chính quyền cộng sản nâng đõ hơn mặc dù nhận được nhiều hứa hẹn trong chiến tranh mà còn bị nghi ngờ theo tàn quân FULRO chống lại nhà nước. Để loại trừ ảnh hưởng của các lãnh tụ tôn giáo, tháng 12-1981, chính quyền cộng sản ban hành chỉ thị số 121/BBT cải tạo phong tục, tập quán, mê tín, dị đoan của người Chăm (đả kích một số nghi lễ gây lãng phí tiền bạc, của cải, thời gian, không vệ sinh và duy trì các hình thức bóc lột bằng phẩm vật thông qua việc thực hiện các lễ cúng). Chỉ thị này gây chấn động trong giới tu sĩ và giáo dân Chăm, một phong trào chống đối rầm rộ nổi lên và chính quyền cộng sản đã nhượng bộ : cuối năm 1982, người Chăm được phép sinh hoạt tín ngưỡng theo tập tục riêng.

Hiện nay tất cả những lễ nghi lớn của người Chăm tại Thuận Hải đều do bà Nguyễn Thị Thềm chủ lễ. Thật ra bà Thềm - hiện cư ngụ tại làng Tịnh Mỹ (tên cũ là Bal Chanar), thị xã Phan Lý Chàm - chỉ là con cháu của một vị tướng (không rõ tên và cũng không biết thời nào), nhưng vì còn lưu giữ kiếm và áo mão của tổ tiên nên được công nhận là truyền nhân của dòng quan lại (chứ không phải vua) cuối cùng của trấn Thuận Thành. Tìm người kế thừa vai trò của bà Thềm trong việc tế lễ hiện nay đang được đặt ra vì bà Thềm không có con, em trai của bà là ông Dung Gạch không có vai trò trong chế độ mẫu hệ.

Về dân số, năm 1963 trên toàn quốc có 51.975 người Chăm, trong đó 33.600 cư trú tại Ninh Thuận và Bình Thuận, 3.000 tại Bình Định, 915 tại Bình Tuy, 1.760 tại Tây Ninh và 12.700 tại Châu Đốc. Năm 1970 toàn miền Nam có khoảng 75.000 người Chăm, 2/3 sống tại Ninh Thuận và Bình Thuận. Năm 1989, dân số Chăm tăng lên 99.000 người, hiện nay trên 110.000 người. Đa số sống bằng nghề nông và tiểu thủ công nghiệp, chỉ một số rất ít cộng tác với chính quyền trong các lãnh vực hành chánh, an ninh và giáo dụïc. Những đại biểu quốc hội và chức sắc "dân cử" địa phương không có uy tín trong cộng đồng.

Từ năm 1975 đến nay, có hơn 22.000 người Chăm tị nạn tại khắp nơi trên thế giới, trong số này hơn 4/5 là người Chăm tại Kampuchia (khoảng 2.000 người đã di tản ngay khi Phom Penh thất thủ), và được phân chia như sau : Pháp có hơn 1.000 người (hơn 30 người Chăm đi từ Việt Nam), Đan Mạch : 250, Canada : 400, Úc : 400, Hoa Kỳ khoảng 2.000, đông nhất là tại Malaysia : hơn 10.000. Những người Chăm di tản chỉ sinh hoạt riêng với nhau, không giao thiệp với người Việt di tản. Người Kampuchia gốc Chăm thường tỏ ra quá khích trong việc bài xích Việt Nam và vẫn tiếp tục xúi giục thành lập vương quốc Champa. (Hết)