Bài thuyết trình của Gioan Lê Quang Vinh tại Hội Thảo Loan Báo Tin Mừng tại Huế 2018

Tin mà Chúa Giêsu mang đến cho nhân loại là Tin Mừng, Tin Vui. Mà lạ lắm, ở nhiều nơi, nhiều thời, người ta từ chối Tin Mừng này cách phũ phàng. Cái lạ thứ hai là người ta không những không đón nhận nó, mà hễ thấy ai đón nhận là họ thù ghét, họ giết đi.

Chúng ta thừ tưởng tượng khi nhận thiệp báo tin vui chịu chức linh mục hay khấn dòng, chúng ta vui mừng. Nếu ai không quan tâm thì cũng để tấm thiệp trên bàn, chẳng ai khác đời đến độ tìm người nhận thiệp mà đánh.

Suy nghĩ như thế chúng ta thấy việc bách hại người Công Giáo thật là tàn ác và phi lý. Vậy mà chuyện ấy vẫn xảy ra. Thế nhưng khi người Công Giáo chết vì Đạo mình, thì họ không kết thúc cuộc sống của họ và Tin Mừng cũng không vì thế mà biến mất.

Trong tác phẩm Apologeticus(Hộ giáo), ở chương 50,sử gia Công Giáo Tertulianô (160-225) viết: ‘‘Máu các Thánh Tử đạo là hạt giống trổ sinh các tín hữu’’ (Sanguis martyrum semen christianorum).

Tertulianô viết tác phẩm Apologeticus khoảng năm 197 AD, vài năm sau khi ông gia nhập Giáo Hội Công Giáo, để bênh vực người Công Giáo. Lúc bấy giờ hoàng đế Septimus-Severus (193-211) lên nắm chính quyền.

Trong tác phẩm “Lịch Sử Giáo Hội Công Giáo, linh mục Bùi Đức Sinh O.P. nhận định: “Septimus-Severus là một viên tướng tài ba, quân đội kính nể, tuân phục, ông đã cứu vãn phần nào tình trạng suy sụp của đế quốc. Đối với Kitô giáo, trong những năm đầu ông tỏ ra khoan hồng nếu không nói được là có cảm tình. Trong thời kỳ mới nắm chính quyền, phải đương đầu với họ để củng cố địa vị, và thấy thù địch mình cũng là thù địch Kitô giáo, nên thái độ khoan hồng của Septimus-Severus lúc đầu đối với Kitô giáo càng dễ hiểu. Nhưng vào khoảng năm 201, đột nhiên ông thay đổi thái độ”.

Khi Septimus-Severus bắt đầu cấm đạo gắt gao, các hoạt động của Giáo Hội rút vào trong bóng tối hang Toại đạo Callixtus. Tertullianô đã mô tả những dã man ghê rợn của cuộc bách hại này ở Phi châu, mà đứng đầu là các Thánh Tử Đạo Perpetua và Felicita.

Tertulianô đã trở thành người Công Giáo trong thời ký này. Và chính cảm nghiệm đức tin cũng như những suy tư về thời đại đã giúp Tertulianô viết được câu bất hủ “Sanguis martyrum semen christianorum”.

Quả thật, 250 năm bách hại (64-314) đi qua, để lại bao đau thương mất mát cho Giáo Hội trong thời kỳ đầu, nhưng đồng thời cũng đã làm cho Giáo Hội phát triển nhanh chóng về mọi mặt, đúng như lời Chúa Giêsu đã nói: “Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà hư nát đi, nó sẽ sinh ra nhiều bông hạt” (Ga 12,24).

Riêng tại Việt Nam, kể từ ngày Giáo Hội Công Giáo được rao giảng tại Việt Nam năm 1533 (đời vua Lê Trang Tông), đã có hàng trăm ngàn tín hữu hy sinh mạng sống mình vì đức tin. Trong tập sách Vụ Án Phong Thánh , Đức Ông Vinh Sơn Trần Ngọc Thu ghi lại có tất cả 53 Sắc chỉ cấm đạo chính thức do chúa Trịnh, chúa Nguyễn, do nhà Tây Sơn và do các vua: Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức ban hành nhằm khai trừ và tiêu diệt tận gốc đạo Công Giáo, trong đó có:

1. 8 sắc chỉ cấm đạo: Trong Nam dưới thời các chúa Nguyễn (1615-1778)

2. 17 sắc chỉ cấm đạo: Ngoài Bắc thời chúa Trịnh (1627-1786)

3. 6 sắc chỉ cấm đạo: Miền Nam, Nhà Tây Sơn (1775-1800), 3 sắc chỉ; Miền Bắc năm 1786, 3 sắc chỉ.

4. 7 sắc chỉ cấm đạo: Vua Minh Mạng (1820-1840)

5. 2 sắc chỉ cấm đạo: Vua Thiệu Trị (1840-1847)

6. 13 sắc chỉ cấm đạo: Vua Tự Đức (1847-1883)

Ngoài ra, còn giai đoạn bách hại đạo do nhóm Văn Thân (1885-1886) cũng rất tàn bạo, độc ác. Các sử gia ước tính có tới 300.000 Kitô hữu bị giết chết trong những cuộc bách hại nêu trên. Trong số đó, đã có 117 Vị được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II phong Thánh vào ngày 19 tháng 06 năm 1988.

Chưa có một tổ chức nào bị đánh phá như thế mà trường tồn. Chưa có một tôn giáo nào bị tận diệt như thế mà đứng vững. Chỉ trừ Hội Thánh Công Giáo. Sau bao nhiêu đau thương, chết chóc và mất mát lớn lao, đạo Công Giáo đã bùng lên mạnh mẽ như ngọn đuốc trước cơn gió để lan rộng đến mọi miền đất nước.

Ngày nay, đạo Công Giáo có mặt khắp nơi, từ tỉnh thành cho đến thôn quê, từ miền sông nước hẻo lánh Cái Rắn ở Cà mau cho đến những ngọn núi cao ở tận Lào Cai, Cao Bằng. Hạt giống máu các Thánh Tử Đạo đã nẩy mầm và vươn cao.

Hiện tại, Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam có ba giáo tỉnh Huế, Sài Gòn và Hà Nội, gồm 26 giáo phận, có 33 giám mục đang làm việc, khoảng 4500 giáo xứ với hơn 4000 linh mục, 22 ngàn tu sĩ nam nữ thuộc hơn 240 dòng tu, hơn 2400 đại chủng sinh, 7 triệu giáo dân, tỉ lệ khoảng gần 8% dân số cả nước. (Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Chí Linh tường trình với Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi triều yết dịp Ad Limina 2018). Đây thật là một ân huệ lớn laoChúa ban cho quê hương Việt nam.

Thời Tử Đạo là thời gieo hạt giống, thời đại hiện tại là thời hạt giống đơm bông kết quả. Và dĩ nhiên, những đau khổ của thời hiện tại cũng đang là hạt giống cho mùa màng của thế hệ sau. Người ta hẳn sẽ tự hỏi tại sao máu các Thánh Tử Đạo lại là hạt giống trổ sinh người tín hữu. Câu trả lời nằm ở chính Lời Chúa Giêsu: “Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi,thì nó vẫn trơ trọi một mình;còn nếu chết đi,nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12,32).

Cuộc sống người tín hữu lý tưởng là khắc họa, hay phản chiếu, chính cuộc sống của Chúa Giêsu nơi trần gian này. Hành trình cuộc đời người tín hữu do đó cũng là hành trình cuộc đời Chúa Giêsu: sinh ra, lớn lên, đau khổ và chết đi. Cái chết của Chúa Giêsu khác cái chết của người trần thế ở chỗ Người biết trước, tự nguyện đón nhận cái chết đó, và sẵn sàng chết để cứu độ con người.

Thánh Anphong Liguori thuật lại rằng có một nữ tu đau đớn vì bệnh tật rất nhiều năm. Một hôm đau đớn quá, chị kêu trách Chúa Giêsu: “Xưa Chúa chỉ phải vác Thánh giá và hấp hối mấy giờ trên Thánh giá, nay sao Chúa để con đau đớn lâu năm thế?” Chúa Giêsu liền hiện ra nói với chị: “Con nói sao? Cha chỉ có đau khổ ít giờ mà thôi ư? Cha đã bắt đầu đau khổ từ giây phút nhập thể!” Thánh nhân nói rằng vì có linh hồn hoàn bị, Chúa Giêsu từ giây phút nhập thể đã nhìn thấy và cảm nhận trước nơi linh hồn Người những đau khổ Người sẽ phải chịu trên thân xác sau này.

Các Thánh Tử Đạo giống Chúa Giêsu ở chỗ các ngài biết trước về cái chết của mình và sẵn sàng đón nhận để làm chứng cho một niềm tin sắt son mà các ngài ôm ấp. Và vì thế, giống như Chúa Giêsu, thân xác các ngài chết đi, gieo vào lòng đời và rồi bừng lên ánh sáng phục sinh. Ánh sáng ấy chiều giãi vào mảnh đất này, làm cho con cháu các ngài đón nhận đức tin, lớn lên trong đức tin và đến phiên mình lại chiếu giãi ánh sáng đức tin ấy.

Thế thì câu hỏi được đặt ra cho việc loan báo Tin Mừng thời đại này là gì? Có phải là hạt giống máu các Thánh Tử Đạo gieo xuống đất là đương nhiên nẩy mầm, vươn lên thành cây cao đến nỗi “chim trời có thể làm tổ dưới bóng” (Mc 4,32)? Hẳn là không đương nhiên, bởi vì cây đức tin mọc lên không phải là cây mọc hoang trên núi đá hay bên vệ đường.

Hạt giống máu các Thánh Tử Đạo không khác gì hạt giống Lời Chúa, bởi vì cùng phát xuất từ Chúa Giêsu, Đấng vừa là Lời vừa là của lễ Hy tế. Trong dụ ngôn người gieo giống (Tin Mừng Matthêu chương 13), Chúa Giêsu nói rõ có những hạt giống rơi trên lề đường, nơi sỏi đá hay bụi gai. Và có những hạt giống rơi trên đất màu mỡ, mọc lên, “đến nỗi có hạt được một trăm, có hạt sáu mươi, có hạt ba mươi” (Mt 13, 23).

Cha Anthony de Mello. SJ kể câu chuyện này:

Vào một đêm nọ, người phụ nữ nằm mơ, thấy mình bước vào một siêu thị. Khách hàng tấp nập. Có một quầy hàng đặc biệt, người chen chân không lọt. Chị ngạc nhiên thấy Chúa Giêsu đang bán ở quày hàng này. Chờ đợi đến phiên mình, chị hỏi: “Thưa Chúa, Chúa mà cũng bán hàng sao? Chúa bán cái gì ở đây vậy?” Chúa trả lời: “Ta bán mọi sự con đang ước muốn trong trái tim”.

Chị nói liền một hồi: “Thưa Chúa, con muốn có bình an, có tình yêu, có hạnh phúc, có khôn ngoan và tự do không sợ hãi. Suy nghĩ một lúc, chị lại thêm: không chỉ cho con mà thôi nhưng còn cho chồng, cho con và cho những người thân yêu của con nữa”. Chúa mỉm cười và nói: “Hỡi con yêu dấu, ở đây, Ta không bán hoa trái mà chỉ bán hạt giống thôi”.

Chúa ban cho chúng ta ơn đức tin qua hạt giống máu các Thánh Tử Đạo. Đức Cha Anphong Nguyễn Hữu Long, Chủ tịch Ủy Ban Loan Báo Tin Mừng nhắc nhở: “Hạt giống của máu Tử Đạo quý trọngấy cũng cần những điều kiện để nẩy mầm vươn cao”. Điều kiện ấy là gì?

Người nông dân Việt Nam từ xưa đã có câu ngạn ngữ: “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Đối với người nông dân, hạt giống được xềp hàng thứ tư. Hạt giống máu Tử Đạo hẳn là quý giá, chúng ta xem là đứng đầu. Nhưng môi trường, việc chăm sóc và những hy sinh làm hy lễ trong đời sống hẳn là rất quan trọng cho cây đức tin lớn lên.

Nói cách khác, việc loan báo Tin Mừng thời đại này đã có sẵn hạt giống rồi. Chúng ta đi loan báo Lời Chúa là một nỗ lực làm cho hạt giống sinh sôi nẩy nở.

Thế nào là hạt giống nẩy nở? Đức Thánh Cha Phaolô VI nhìn nhận rằng loan báo Tin Mừng là một công cuộc rất đa diện, bao gồm nhiều khía cạnh: loan báo Tin Mừng cách mặc nhiên (bằng chứng tá) hoặc minh nhiên; thiết lập cộng đoàn Hội Thánh; cứu độ toàn diện: giải thoát con người khỏi tội lỗi cũng như khỏi những cảnh cùng khổ; thấm nhập vào các nền văn hoá.

Để thực hiện điều ấy, không gì thích hợp hơn là nỗ lực theo lời chỉ dạy của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II: “Công cuộc Tân Phúc Âm hóa đòi nhiệt huyết mới, phương pháp mới và cách trình bày mới”. Đức Cha Anphong trong bài trả lời phỏng vấn Vietcatholic đã nói rằng đây là “kim chỉ nam” cho việc truyền giáo. Kim chỉ nam là một giáo huấn, một hướng dẫn phải theo, không theo là thất bại. Kim chỉ hướng này mà ta đi hướng kia là đi lạc lối.

1. Lòng yêu mến Lời Chúa và nhiệt huyết của người tín hữu chính là mảnh đất màu mỡ để hạt giống máu Tử Đạo nẩy mầm và vươn cao. Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng “Truyền giáo không phải là chiêu dụ người ta theo Đạo mà là lòng say mê Chúa Giêsu và say mê dân của Người”. Lòng đầy say mê Chúa Giêsu và muốn loan tin vui về Chúa Giêsu cho mọi người là khởi điểm và cũng là con đường truyền giáo.

2. Khi đã có lòng say mê, nhiệt huyết, thì chúng ta phải nghỉ đến một phương pháp. Phương pháp thì có nhiều, cũ cũng có mà mới cũng có. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II muốn chúng ta sử dụng những phương pháp mới mà chính ngài và các Đấng kế vị ngài đã làm gương. Từ các buổi giao lưu gặp gỡ, các kỳ đại hội cho đến sử dụng Internet… đều là những phương pháp mới và hữu hiệu để chúng ta loan báo Tin Mừng,

3. Điều thứ ba là cách trình bày mới. Tin Mừng luôn mới mẻ và phù hợp với con người mọi thời đại. Nhưng ngày nay con người có nếp sống mới, hoản cảnh mới , thậm chí tạo nên những văn hóa mới. Điều này đói hỏi chúng ta dùng những ngôn ngữ của thời đại và hình thức trình bày phù hợp. Người đi loan báo Tin Mừng phải có trái tim nhạy cảm, lăn xả vào cuộc đời, gần gũi anh chị em mình và dùng chính cuộc sống mà trình bày cho họ về những đòi hỏi của Tin Mừng.

Nói là “nhiệt huyết mới, phương pháp mới và cách trình bày mới” nhưng thật ra chúng ta thấy có một điều rất hay là những cái mới ấy lại là những cách thức mà Chúa Giêsu đã sử dụng khi Người rao giảng Tin Mừng. Hóa ra khi ta đi tìm cái mới thì ta lại quay về học với chính Đấng là Tin Mừng cho trần gian.

Mừng kỷ niệm việc Tòa Thánh tuyên Thánh cho các Anh hùng Tử Đạo tại Việt Nam, chúng ta cùng nhau ôn lại lời xưa để “tri tân”, để tìm cho mình lối sống Tin Mừng và cách thế rao giảng Tin Mừng thích hợp nhất. Phải cùng chung tay hành động mới có thể làm cho hạt giống máu Tử Đạo ngày càng nẩy mầm và vươn cao.

Gioan Lê Quang Vinh