Năm nay Hội Thánh Hoa Kỳ mừng Chúa Nhật Giáo Lý vào ngày 17 tháng 9, 2017 với chủ đề “Sống như Môn Đệ Truyền Giáo”. Bài này phản ảnh suy tư của tác giả về chủ đề này, đặc biệt trong bối cảnh các giáo xứ và cộng đoàn Việt Nam tại Hoa Kỳ dựa trên các giáo huấn của Huấn Quyền. Đây là bài thứ nhất trong loạt bài về Phúc Âm hoá và Truyền Giáo của tác giả.


Qua việc chọn chù đề “Sống như Môn Đệ Truyền Giáo” cho Chúa Nhật Giáo Lý năm nay, các Giám Mục Hoa Kỳ muốn nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của các giáo lý viên cũng như của việc học và dạy giáo lý trong tiến trình Phúc Âm hoá và truyền giáo của toàn thể Hội Thánh. Các ngài cũng đưa ra những hướng dẫn cụ thể để giúp các mục tử trong việc đào luyện các tín hữu, nói chung, và các giáo lý viên, nói riêng, thành những môn đệ truyền giáo, đặc biệt qua cách sống đức tin của họ.

Khi nói đến việc học giáo lý, nhiều người nghĩ ngay đến việc học giáo lý của trẻ em hay các người dự tòng. Thực ra, việc học giáo lý không phải là một giai đoạn nhất thời mà là một tiến trình liên tục suốt đời, vì nó “làm cho đức tin ban đầu được trưởng thành, và giáo dục các môn đệ chân chính của Đức Kitô bằng cách cung cấp cho họ một sự hiểu biết sâu xa và có hệ thống hơn về Con Người và sứ điệp của Đức Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Catechesi Tradendae (CT), số 19). Do đó, nếu chúng ta chỉ học giáo lý khi còn nhỏ hoặc khi học đạo thì đức tin của chúng ta không thể trưởng thành được và chúng ta khó mà trở thành các môn đệ chân chính của Đức Kitô!

Chính vì thế mà các Giám Mục Hoa Kỳ đã khẳng định trong Our Hearts Were Burning Within Us,

"Để lớn lên trong việc làm môn đệ suốt đời, tất cả mọi tín hữu cần và được mời gọi để xây dựng những cộng đồng đức tin và phục vụ đầy sinh lực của giáo xứ và giáo phận.... Nhưng không thể có những cộng đồng ấy nếu không có việc dạy giáo lý chắc chắn, đầy đủ và có hệ thống cho tất cả mọi thành phần…. Việc đào luyện đức tin cho người trưởng thành nhờ đó người ta lớn lên trong sự sống của Đức Kitô bằng cảm nghiệm, cầu nguyện, suy niệm và học hỏi, phải là nhiệm vụ chính của việc dạy giáo lý…. Nó phải trở thành cái trục mà … việc dạy giáo lý cho mọi lứa tuổi xoay quanh" (x. số 3 - 5).

Như thế, theo các Giám Mục Hoa Kỳ thì, việc dạy giáo lý cho người lớn mới là nhiệm vụ chính của các mục tử, bởi vì trẻ em dễ bắt chước người lớn. Nếu Cha Sở sống đạo thì giáo dân cũng sống đạo. Nếu cha mẹ sống đạo thì con cái cũng sống đạo. Nếu người lớn trong giáo xứ sống đạo thì người trẻ trong giáo xứ cũng sống đạo. Nhưng nếu gia đình sống đạo mà giáo xứ không sống đạo thì đức tin của giới trẻ sẽ lung lay. Nếu cả gia đình lẫn giáo xứ đều không sống đạo thì làm sao hy vọng người trẻ trong giáo xứ có thể giữ được đức tin!

Hơn nữa, theo Thánh Gioan Phaolô II thì việc dạy giáo lý còn biến đổi cả nhân loại:

"Mục đích của việc dạy Giáo Lý là để mở rộng sự hiểu biết về mầu nhiệm Đức Kitô dựa trên Lời Chúa, để tất cả nhân loại được thấm nhuần bởi Lời ấy. Nhờ được biến đổi bởi tác động của ân sủng thành một thụ tạo mới, mà một Kitô hữu tự mình theo Đức Kitô và học hỏi càng ngày càng nhiều hơn trong Hội Thánh để suy nghĩ như Người, phán đoán như Người, hành động theo mệnh lệnh của Người, và hy vọng như Người mời gọi chúng ta" (CT, số 20).

Chính trong việc học giáo lý mà người ta gặp được Đức Kitô và nhờ cuộc gặp gỡ ấy mà “niềm vui của Tin Mừng tràn ngập tâm hồn và toàn thể đời sống” họ (Phanxicô, Evangelii Gaudium (EG), số 1), vì họ gặp gỡ chính Đấng là hiện thân của Tình Yêu và Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Theo Đức Phanxicô thì:

"Qua cuộc gặp gỡ này … với tình yêu của Thiên Chúa, là điều biến thành tình bằng hữu hạnh phúc, mà chúng ta được giải thoát khỏi tâm trạng cô lập và chỉ nghĩ đến mình.… Khi một người đã nhận được tình yêu này, là tình yêu đem lại cho họ ý nghĩa của cuộc đời, thì làm sao họ có thể ngồi yên được mà không truyền thông nó cho những người khác?" (EG, số 8).

Chính vì thế mà Đức Thánh Cha Phanxicô gọi Hội Thánh là một “cộng đồng các môn đệ truyền giáo” (EG, số 24), trong đó mỗi tín hữu phải luôn luôn là một môn đệ truyền giáo. Ngài đặt việc dạy giáo lý vào trong tiến trình truyền giáo khi nói rõ rằng “Nhờ bí tích Rửa Tội mà họ đã lãnh nhận, mỗi phần tử của Dân Thiên Chúa trở thành một môn đệ truyền giáo (x. Mt 28:19)…. Mỗi Kitô hữu là một nhà truyền giáo theo mức độ mà người ấy đã gặp gỡ tình yêu của Thiên Chúa trong Đức Chúa Giêsu Kitô; chúng ta không còn nói rằng chúng ta là “môn đệ” và “nhà truyền giáo”, nhưng chúng ta luôn luôn là “môn đệ - truyền giáo” (EG, số 120).

Tuy nhiên, muốn truyền giáo thì chúng ta phải là môn đệ trước. Đức Thánh Cha mời gọi “mọi Kitô hữu, ở bất cứ nơi nào và hoàn cảnh nào, ngay lúc này, đổi mới cuộc gặp gỡ cá nhân của mình với Chúa Giêsu Kitô, hay ít ra, quyết định để cho Người gặp gỡ mình và không ngừng tìm kiếm Người mỗi ngày” (EG, số 3). Theo Đức Tổng Gíam Mục Samuel J. Aquila của Denver thì “một khi đã thật sự gặp gỡ Đức Kitô một cách cá nhân, thì cuộc sống của họ và vũ trụ quan của họ sẽ hoàn toàn biến đổi” (Bài nói chuyện tại Catholic Foundation Networking & Speaker Series ngày 9 tháng 2, 2017). Họ được thôi thúc mang Tin Mừng vào tất cả các mối tương quan của họ. Khi ấy họ không còn là một môn đệ nữa mà là một môn đệ truyền giáo.

Tuy muốn trở thành môn đệ truyền giáo thì chúng ta phải “để cho người khác Phúc Âm hóa mình”, nhưng chúng ta không cần phải chờ đợi cho đến khi được đào luyện chu đáo mới dám ra đi chia sẻ Tin Mừng với tha nhân. Chúng ta có thể rao giảng Chúa Giêsu ở bất cứ hoàn cảnh nào của mình bằng cách “làm chứng cho những người khác một cách rõ ràng về tình yêu cứu độ của Chúa, là Đấng bất chấp sự bất toàn của chúng ta, đã ban cho chúng ta sự gần gũi của Người, Lời của Người, sức mạnh của Người, và ý nghĩa cho cuộc sống của chúng ta” (EG, số 121).

Như các giáo lý viên, những sứ giả và những người vang vọng Tin Mừng, chúng ta phải làm chứng cho Chúa bằng chính đời sống mình. Một đời sống tràn đầy niềm vui, hy vọng và yêu thương vì đang có Chúa ở cùng. Đức Phanxicô muốn chúng ta thành những “thừa tác viên của Tin Mừng mà cuộc sống của mình tỏa sáng lòng nhiệt thành, như những người đã nhận được niềm vui của Đức Kitô trong mình trước”, chứ không phải như “những người mới đi dự đám tang về”, “những nhà truyền giáo buồn rầu và chán nản, thiếu kiên nhẫn hoặc lo âu” (EG, số 10).

Làm sao để một cuộc gặp gỡ Đức Kitô có sức biến đổi chúng ta thành những môn đệ truyền giáo? Thực ra không phải tất cả mọi người gặp Đức Kitô đều được biến đổi. Có người gặp Chúa để tìm tư lợi (Lc 12:13-14; Mt 20:21; Mc 37-40; Ga 6:26). Có người gặp Chúa nhưng không chịu chịu nghe theo Lời Người mà lại bỏ đi (Mt 19:22; Mc 10:22; Ga 6:66). Muốn thành môn đệ của Chúa, chúng ta phải “từ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Chúa” (x. Lc 9:23), phải “ở với Người” và để cho người sai đi (x. Mc 3:14). Chúng ta phải “mang lấy ách của Người, và học cùng Người (Mt 11:29) và sẵn sàng “uống chén của Người” (Mt. 20:23).

Các Giám Mục Hoa Kỳ trong tài liệu “Living as Missionary Disciples” đã đề ra phương pháp bốn bước mà Chúa Giêsu đã dùng để đào luyện các môn đệ truyền giáo của Người. Muốn làm môn đệ của Chúa chúng ta phải đi theo bốn bước này:

1. Bước thứ nhất là “Hãy đến mà xem” hay “Gặp gỡ Chúa”. Khi ông Gioan và Anrê hỏi Chúa “Thầy ở đâu?” Chúa Giêsu đã bảo các ông “Hãy đến mà xem” (Ga 1:39). Các ông đã gặp Chúa trên đường như một con người, nhưng nếu các ông không đến mà xem thì các ông đã không thực sự gặp Chúa như Đức Kitô. Chính vì các ông đã đến mà xem nên các ông đã tin và ở lại với Người ngày hôm ấy (x. Ga 1:38-39). Muốn làm môn đệ Chúa, chúng ta cũng phải gặp Chúa ở chỗ Người cư ngụ, tức là phải hoán cải và quay đầu về với Chúa, đi theo Chúa đến nơi Người ở để biết chính Con Người của Chúa thật sự là ai. Mà Chúa hiện đang ở đâu? Chúa đang ở trong Hội Thánh, trong Lời Người và trong các Bí Tích, đặc biệt là Bí Tich Thánh Thể. Chúa cũng đang ở trong tha nhân, đặc biệt là những người nghèo đói và những người đang sống ngoài lề xã hội.

2. Bước thứ nhì là “Hãy theo Thầy” (Mt 9:9). Tất cả các môn đệ của Chúa đều nghe theo lời mời gọi của Chúa và đã bỏ tất cả mọi sự, kể cả các công việc các ông đang làm dang dở, mà theo Chúa. Khi theo Chúa, các ông được Chúa làm Thầy và bạn đường. Chúa không chỉ dạy các ông về Nước Trời bằng lý thuyết mà còn bằng thực hành. Trong ba năm dong duổi dặm trường với Chúa, các ông được cùng Chúa chia vui sẻ buồn, nhất là học được cách Chúa đối xử với mọi người. Càng học cùng Chúa thì các ông càng nên giống Chúa.

3. Bước thứ ba là “Hãy ở lại trong Thầy” (Ga 15:4-6). Giờ đây Chúa mời gọi các ông trở thành người nhà của Chúa, thành anh em của Chúa và bằng hữu của Chúa. Chúa muốn Người ở đâu thì các ông cũng ở đó (Ga 12:26; Ga 17:24). Chúa muốn các ông được nên một như Người nên một với Chúa Cha và Chúa ở trong các ông (Ga 17:22-23). Đây chính là Linh Đạo Hiệp Thông mà Chúa muốn các ông sống. Các môn đệ của Chúa được mời gọi hiệp thông với Chúa và với nhau. Chính vì thế mà Chúa Giêsu đã cầu xin cùng Chúa Cha trước khi lìa trần, “Và giờ đây, Con không còn ở trong thế gian nữa, nhưng họ còn ở trong thế gian, trong khi Con đang về cùng Cha. Lạy Cha Chí Thánh, xin gìn giữ những người mà Cha đã ban cho Con trong Danh Cha, để họ nên một như Chúng Ta là một” (Ga 17:11). Chúa cũng cầu xin cho chúng ta, “Con không những chỉ cầu nguyện cho một mình họ, mà cũng cho những người sẽ tin vào Con qua lời họ, để tất cả được nên một, lạy Cha, như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, để họ cũng ở trong Chúng Ta, để thế gian tin rằng Cha đã sai Con” (Ga 17:20-21).

Sở dĩ Hội Thánh ngày nay không thể phát triển được vì các Kitô hữu thù hằn chia rẽ nhau. Chẳng nói đâu xa, trong các Giáo Xứ Việt Nam, đoàn thể này cạnh tranh với đoàn thể khác, ông này tranh dành chức vụ với bà kia. Tiếc thay ngay cả các vị lãnh đạo tinh thần đôi khi cũng tranh dành ảnh hưởng với nhau. Nếu không dành được điều mình muốn thì nói hành nói xấu nhau hoặc viết thư nặc danh hay bôi nhọ nhau trên mạng. Như thế thì xây nhà thờ càng to, tổ chức rước sách càng linh đình, đại hội và hội chợ càng xầm uất thì càng cho người khác thấy rõ cái xấu của mình, chứ làm sao truyền giáo cho người ta được!

Chính vì tầm quan trọng của việc hiệp thông giữa các Kitô hữu trong sứ vụ truyền giáo mà Thánh Gioan Phaolô II đã tha thiết yêu cầu tất cả các mục tử và những người lãnh đạo trong Hội Thánh phải biến Linh Đạo Hiệp Thông thành “nguyên tắc hướng dẫn về giáo dục ở bất cứ nơi nào những cá nhân và Kitô hữu được đào luyện, ở bất cứ nơi nào những thừa tác viên bàn thánh, những người được thánh hiến, những người làm việc mục vụ được huấn luyện, ở bất cứ nơi nào các gia đình và các cộng đồng được xây dựng”. Và ngài nhấn mạnh, “trừ khi chúng ta đi theo con đường thiêng liêng này, những cơ cấu hiệp thông bề ngoài sẽ chẳng đưa đến mục đích gì. Chúng sẽ trở thành một thứ máy móc vô hồn, ‘những cái mặt nạ’ hiệp thông thay vì những phương tiện diễn tả và phát triển nó” (Novo Millennio Ineunte, số 43). Thử hỏi có bao nhiêu người Công Giáo biết đến Linh Đạo này?

4. Bước thứ tư là “Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ,...” (Mt 28:19-20). Sứ vụ truyền giáo là sứ vụ của mọi Kitô hữu. Một khi các môn đệ đã học cùng Chúa, biết sống yêu thương nhau và nên một với nhau trong Người, thì được Chúa sai đi rao giảng Tin Mừng cho muôn dân. Bao lâu chúng ta chưa thật sự là môn đệ của Chúa thì chúng ta không thể làm cho người khác thành môn đệ được! Ngày nay việc truyền giáo gặp rất nhiều khó khăn bởi vì đa số người Công Giáo không thật sự sống đạo mà chi giữ đạo có hình thức. Một vị thầy đáng kính về Truyền Giáo đã nói với chúng tôi rằng: “Chỉ cần quan sát giáo dân ra khỏi bãi đậu xe sau Thánh Lễ là biết một cộng đồng giáo xứ có thật sự sống đạo hay không!” Cho nên, cách truyền giáo hữu hiệu nhất là bằng gương sáng và đức ái.

Tóm lại sống như môn đệ truyền giáo “có nghĩa là lúc nào cũng sẵn sàng để mang tình yêu của Chúa Giêsu đến cho người khác và điều này có thể xảy ra đột xuất, ở bất cứ đâu, trên đường phố, nơi quảng trường, trong lúc làm việc, trong một cuộc hành trình” (EG, số 127). Muốn đem tình yêu của Chúa Giêsu đến cho người khác thì chúng ta phải gặp gỡ Chúa Giêsu và trở nên những môn đệ đích thực của Người trước. Để được như thế, chúng ta phải hoán cải, đến cùng Chúa qua các Bí Tích, đặc biệt là Bí Tích Thánh Thể và Hòa Giải. Đồng thời chúng ta cũng phải để cho Lời Chúa biến đổi tâm hồn mình mỗi ngày bằng cách học hỏi và suy niệm Lời Chúa và những giáo huấn của Hội Thánh, ngõ hầu chúng ta có thể luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ người nào hỏi chúng ta “về lý do của niềm hy vọng” của chúng ta (x. 1 Pr 3:15). Một giáo lý viên không thể làm một môn đệ truyền giáo được nếu chính mình không biết và không sống đức tin!

Tài Liệu Tham Khảo

Archbishop Samuel J. Aquila address at Catholic Foundation Networking & Speaker Series, ngày 9 tháng 2, 2017. Online at https://archden.org/archbishops_writing/discipleship-beyond-first-encounter/#.WUgxluvytpg. Accessed 6/2/2017.

Gioan Phaolô II, Tông Thư Novo Millennio Ineunte, ngày 6 tháng 2, 2001, online at https://w2.vatican.va/content/john-paul-ii/en/apost_letters/2001/documents/hf_jp-ii_apl_20010106_novo-millennio-ineunte.html, accessed 6/2/2017.

Gioan Phaolô II, Tông Huấn Catechesi Tradidendae, ngày 16 tháng 10, 1970. Online at http://giaoly.org/vn/CATECHESI_TRADENDAEVn.htm, accessed 6/2/2017.

Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Living as Missionary Disciples, Leadership Resource, ngày 27 tháng 3, 2017. Online at: http://ccc.usccb.org/flipbooks/living-as-missionary-disciples/files/assets/basic-html/page-I.html, accessed 6/2/2017.

Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Our Hearts Were Burning Within Us, A Pastoral Plan for Adult Faith Formation in the United States, ngày 17 tháng 11, 1999. Online at: http://www.usccb.org/beliefs-and-teachings/how-we-teach/catechesis/adult-faith-formation/our-hearts.cfm, accessed 6/2/2017.

Phanxicô, Tông Huấn Evangelii Gaudium, ngày 24 tháng 11, 2013. Online at: http://catechesis.net/index.php/van-kien-giao-hoi/duc-giao-hoang/tong-huan/1762-tong-huan-evangelii-gaudium-niem-vui-tin-mung-cua-dgh-phanxico-ngay-24-11-2013-1, accessed 6/2/2017.