Gần 500 người nước ngoài đã thiệt mạng trong ngày định mệnh của nước Mỹ. Lễ tưởng niệm hương hồn họ sẽ được tổ chức tại các quốc gia quê hương như thế nào? Dưới đây là kế hoạch của một số nước.

Anh: Lễ tưởng niệm các nạn nhân vụ 11/9 được tổ chức tại nhà thờ Thánh Paul. Cũng tại nơi này, năm ngoái, Nữ hoàng Elizabeth II, Thủ tướng Tony Blair cùng hàng trăm người Mỹ cầu nguyện cho 67 công dân Anh và hơn 3.000 người từ các quốc gia khác nhau đã mãi mãi ra đi. Anh là nước có thiệt hại về người lớn nhất sau Mỹ trong biến cố này.

Nhật: Lễ tưởng niệm diễn ra đơn giản hơn. Người ta sẽ trồng 1 cây thích trước cổng Ðại sứ quán Mỹ tại Tokyo. Ðất để trồng cây được lấy từ đống tro tàn của tòa tháp đôi và một số nơi từng bị khủng bố khác.

Năm ngoái, cả người Mỹ và người Nhật đã đến đặt hoa ở đây. Sau đó, theo nghi thức của dân chúng xứ sở anh đào, những bó hoa này được đốt đi và đến hôm sau thì tro của chúng sẽ được dùng để bón cho cây thích.

Tại căn cứ không quân Yokota (cơ quan đầu não của gần 50.000 binh lính Mỹ đang đóng ở Nhật Bản), ngoại ô Tokyo, người ta trưng bày lá cờ từng được treo ở Lầu Năm Góc và mũ của những người lính cứu hỏa New York.

Một nửa trong số 24 nạn nhân người Nhật là nhân viên của ngân hàng Fuji. Fuji có tất cả 700 nhân viên làm việc từ tầng 79 đến tầng 82 của WTC. 6 người Mỹ làm cho ngân hàng này cũng thiệt mạng. Lễ tưởng niệm hương hồn họ sẽ được tổ chức chung tại New York.

Hôm nay, Thủ tướng Nhật Bản Junichiro Kozumi sẽ bay sang Mỹ để dự lễ tưởng niệm tổ chức theo nghi thức quân sự và ngoại giao.

Ðan Mạch: Nghi lễ được tổ chức tại thủ đô Copenhagen. Mọi người sẽ dành 2 phút mặc niệm ở tòa thị chính và các sở giao dịch chứng khoán. Lễ tưởng niệm tương tự cũng được tổ chức tại các sở chứng khoán ở Helsinki, Phần Lan.

Pháp: “Tương lai chứ không phải quá khứ” là chủ đề của cuộc hội thảo hai ngày về vấn đề chống khủng bố. Sau khi tập trung xung quanh cây sồi - được trồng bằng đất lấy từ tro bụi của vụ tấn công - tại vườn Luxembourg, các quan chức Pháp và Mỹ sẽ tập trung bàn về “những khó khăn trước mắt và việc làm thế nào sử dụng triệt để nguồn lực để tiêu diệt tận gốc chủ nghĩa khủng bố”. Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Michele Alliot-Marie và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Lincoln Bloomfield sẽ có bài phát biểu trong cuộc họp này.

Ðêm 11/9, lễ tưởng niệm cũng được tổ chức tại nhà thờ lớn của Mỹ ở thủ đô Paris, song song với nhiều hoạt động khác. (theo AP)