Chính phủ Mỹ sẽ tìm cách đối phó với các kế hoạch của châu Âu nhằm áp đặt các lệnh trừng phạt vì Mỹ đã không bỏ đi các qui định mậu dịch bất hợp pháp.

Vấn đề tranh cãi là điều luật sửa đổi Byrd, mà theo đó, các công ty Mỹ được nhận một phần tiền phạt đánh vào các công ty đối thủ đã cố tình bán giá sản phẩm thấp hơn.

Tổ chức Mậu dịch Thế giới, WTO, quyết định rằng việc thanh toán như thế là bất hợp pháp.

Ông John Veroneau, người đứng đầu văn phòng đại diện mậu dịch Mỹ, nói rằng Mỹ sẽ tìm kiếm sự phán xét của các quan toà, vì điều luật này không hề ảnh hưởng gì tới các nhà xuất khẩu châu Âu.

Không công bằng

Cao ủy về mậu dịch của Liên hiệp châu Âu, Pascal Lamy, nói hôm thứ Hai rằng Mỹ phải tuân thủ theo quyết định của WTO, nếu không sẽ gánh chịu hậu quả.

Ông Lamy nói ông hi vọng chính phủ Mỹ sẽ có hành động nhằm tránh đi rủi ro có thể bị trừng phạt.

Ông Lamy nói: “Rõ ràng điều luật Byrd là không thích hợp đối với cách xử lý bán phá giá theo quy định của WTO, và do đó, phải được bỏ đi”.

Tổ chức Mậu dịch Thế giới đã tuyên bố điều luật này của Mỹ là trái phép, sau khi 11 nước, trong đó có Nhật Bản, Úc, Canada, Mexico, Brazil, Chile, Ấn Độ, Indonesia và Nam Hàn khiếu nại.

“Tác hại”

Tuy nhiên, ông Veroneau lại khiếu nại rằng yêu cầu của liên hiệp châu Âu là “không dựa trên cơ sở những tác hại thực sự đối với xuất khẩu”.

“Do đó, chúng tôi sẽ phản đối chuyện trả đũa này, và chuyển vấn đề này tới các phán quan”, ông nói.

Bộ trưởng Thương mại Nhật Bản nói nước ông sẽ đề nghị được quyền áp đặt lệnh cấm vận, trị giá tới 100 triệu đôla.

Liên hiệp châu Âu thì chưa cho biết mức độ trừng phạt mà họ muốn áp dụng về vấn đề này.

Tuy nhiên, phát ngôn viên của ông Pascal Lamy nói rằng trong năm 2003, các công ty châu Âu đã bị buộc phải bỏ ra tới hơn 70 triệu đôla cho phía Mỹ theo điều luật này.

Theo các qui định của WTO, phải mất hai tháng rưỡi để người ta phê chuẩn chuyện áp dụng bất cứ sự trừng phạt nào.

Không bình đẳng

Các công ty châu Âu nói chuyện họ bị buộc phải trả các khoản phạt chống bán phá giá, mà các khoản tiền phạt này sau đó lại được chia chác cho các công ty Mỹ, đã cung cấp cho các công ty Mỹ sự hỗ trợ không công bằng.

Không những thế, điều này còn là một động lực để các công ty Mỹ đưa ra những vụ kiện bán phá giá.

WTO đã đồng ý với những chỉ trích này từ tháng 1/2003, và cho phép Quốc hội Mỹ hẳn một năm để sửa đổi điều luật này.

Thời hạn đó kết thúc vào ngày 17/1/2003; sau đó, liên hiệp châu Âu và các nước khác sẽ có 30 ngày để đưa ra yêu cầu trừng phạt.

Theo các qui định của WTO, tổ chức mậu dịch toàn cầu này sẽ có 60 ngày để quyết định mức độ thích hợp của các biện pháp trừng phạt được đưa ra.

Áp lực

Chính phủ của ông Bush thấy không dễ dàng gì thuyết phục được Quốc Hội phải bỏ đi điều luật Byrd vào đúng năm có cuộc bầu cử.

Phóng viên BBC tại Brussels, Quentin Sommerville, nói rằng Liên hiệp châu Âu hi vọng rằng quyết định của họ sẽ tạo áp lực buộc Mỹ phải tuân thủ theo các qui định của WTO.

Quốc Hội Mỹ phê chuẩn điều luật sửa đổi Byrd vào năm 2000.

Vào thời điểm đó, Mỹ và châu Âu đang có xung khắc quanh chuyện Mỹ giảm thuế cho các công ty của mình ở nước ngoài, cũng như chuyện châu Âu đối xử ưu đãi với các nhà xuất khẩu chuối từ vùng Caribbea và lại cấm bán hàng thịt bò Mỹ được xử lý hormone.

Phía Hoa Kỳ đã phải chùn bước trong cuộc chiến khác về thuế thép trong năm 2003.(BBC)