Buổi lễ phong á thánh là bước thủ tục cuối cùng trước khi phong thánh cho người nữ tu sĩ đã qua đời sáu năm trước.

Hàng ngàn người hành hương cũng đã bày tỏ sự kính trọng với Mẹ Teresa tại thành phố Calcutta của Ấn Độ, nơi bà đã trải qua sáu mươi năm chăm sóc người ốm và hấp hối.

Đức giáo hoàng, năm nay 83 tuổi, rất kính trọng Mẹ Teresa và đã đẩy nhanh tiến trình phong thánh cho bà.

Nhiều bà xơ từng làm việc với Mẹ Teresa, phân biệt với đám đông qua bộ áo sari trắng của họ, lau nước mắt giữa lúc đám đông reo hò.

Buổi lễ ở Rome là buổi lễ lớn thứ hai trong tuần ở quảng trường thánh Peter, nơi cũng diễn ra lễ mừng 25 năm lên ngôi của Giáo hoàng.

Trước lúc lễ tuyên phúc bắt đầu, cảnh tượng khá hỗn độn vì quá nhiều người hành hương tìm chỗ đứng trong quảng trường.

Mẹ Teresa được giải Nobel hòa bình năm 1979 vì hàng thập niên chăm sóc người ốm và người nghèo. Bà qua đời năm 1997, thọ 87 tuổi.

Dòng tu của bà, bắt đầu năm 1950 với chỉ 12 nữ tu, đã phát triển lên thành 4500 nữ tu ở 133 nước. Họ quản lý các ngôi nhà tế bần và trường học cho người nghèo.

Gây tranh cãI

Thông thường, phải năm năm sau ngày một người qua đời mới diễn ra đề nghị tuyên phúc và bắt đầu thủ tục phong thánh. Đây là nhằm tránh để cảm xúc chen vào quyết định.

Quyết định của Giáo hoàng đã gây tranh cãi.

Một trong những yêu cầu của việc tuyên phúc là việc thực hiện một phép màu - một điều mà một số người nói Mẹ Teresa đã không thể hiện.

Một phụ nữ Ấn Độ tên Monica Besra nói năm 1998 là khối u trong dạ dày của cô đã biến mất sau khi cầu nguyện với Mẹ Teresa.

Sau nhiều tháng nghiên cứu, bao gồm nhiều cuộc phỏng vấn dài, Rome thông qua, gọi đây là phép màu.

Một bác sĩ chữa cho cô Besra được cho là đã nói khoa học không giải thích được sự lành bệnh của cô. Nhưng người bác sĩ chẩn đoán đầu tiên cho cô lại nói nhờ thuốc nên cô mới khỏi bệnh.

Cần có bằng chứng thứ hai về một phép màu khác trước khi có lễ phong thánh.

Tranh cãi giữa Albania và Macedonia

Có những người chỉ trích Mẹ Teresa, nói bà giao thiệp với các nhà độc tài và thúc đẩy quan điểm Thiên chúa giáo bảo thủ.

Nhưng đám đông bên ngoài Vatican là bằng chứng cho thấy sự yêu mến dành cho bà đã vượt qua khoảng cách giai cấp, quốc gia và tôn giáo.

Ở vùng Balkan, Albania và Macedonia đang tranh cãi về nguồn gốc của bà.

Mẹ Teresa sinh ra trong gia đình có bố mẹ là người gốc Albania ở Skopje, thủ đô hiện nay của Macedonia. Bà sinh năm 1910 khi hai nước này nằm trong đế quốc Ottoman.

Albania nói như vậy bà là người Albania.

Nhưng Macedonia nói có những nghi ngờ về nguồn gốc sắc tộc của cha bà và rằng việc bà sinh ở Skopje khiến bà là người Macedonia.

Tranh luận này đã dẫn đến việc Macedonia ngưng gửi một bức tượng Mẹ Teresa đến Rome.(BBC)