(Chủ tịch kiêm Tổng Bí thư Hồ Cẩm Đào)

Nếu những gì xảy ra trong lịch sử Trung Quốc những năm gần đây còn đúng trong tưong lai thì tại Trung Quốc trong những ngày sắp tới rất có thể sẽ có những thay đổi lớn.

Cứ mỗi thập niên kể từ khi những người Cộng Sản lên nắm quyền tại Trung Quốc vào năm 1949 là lại có những bước ngoặt quan trọng làm thay đổi đời sống chính trị nước này.

Từ bước tiến nhảy vọt năm 1958 đến cuộc cách mạng văn hóa năm 1966, rồi cải cách kinh tế năm 1978 và nhũng cuộc biểu tình rộng lớn chống chính phủ dẫn đến sự kiện Thiên An môn năm 1989.

Và ngay từ năm ngoái, việc Trung Quốc thay đổi một thế hệ mới đồng thời với việc gia nhập tổ chức Mậu Dịch Thế giới WTO đã là hai sự kiện báo hiệu những đổi thay sắp tới.

Sửa hiến pháp

Mọi chuyện có thể sẽ bắt đầu ngay từ đầu tháng mười này khi Trung ương đảng Cộng Sản Trung Quốc họp để thảo luận việc sửa đổi hiến pháp.

Những tin tức từ Trung Quốc đưa ra cho thấy giữa chính quyền mới của tổng bí thư Hồ Cẩm Đào và thủ tướng Ôn Gia Bảo và phe phái ủng hộ cho cựu tổng bí thư Giang Trạch Dân đang có những cạnh tranh quyết liệt.

Mùa hè năm nay, một cơn gió lạnh đã thổi vào giới truyền thông và các giới trí thức Trung Quốc khi công an và ban tuyên huấn của đảng ra một loạt những chỉ thị mà người tas nói rằng để bịt miệng những người yêu cầu cải tổ chính trị.

Tuy nhiên ngọn gió thay đổi cũng đã bắt đầu thổi khi vào tháng bảy, ông Hồ Cẩm Đào quyết định rằng hội nghị trung ương lần này sẽ bắt đầu bằng một báo cáo của Bộ Chính Trị. Thọat nhìn, quyết định này của ông Hồ không có vẻ gì là lạ lùng cả.

Bộ Chính Trị do Trung Ương đảng bầu lên và vì vậy có nhiệm vụ phải báo cáo lại với Trung Ương là lẽ dĩ nhiên, nhưng đối với Bắc Kinh, quyết định của ông Hồ là một bước tiến đột phá cho nền “dân chủ nội bộ” của đảng.

Theo giải thích của tạp chí chính thức Outlook thì điều này có nghĩa là các thành viên bộ Chính Trị chấp nhận việc “theo dõi và kiểm soát” của Trung Ương đảng. Đây là một điều trái ngược với chính sách của ông Giang.

Trong thời gian ông Giang làm tổng bí thư, từ 1989 cho đến năm ngoái, ông đã làm đủ cách để Trung Ương đảng và ngay cả Bộ Chính Trị trở nên vô ý nghĩa. Quyền lực tập trung vào trong tay Thường Trực bộ Chính Trị gồm năm ngưòi và đôi khi chỉ tập trung vào một mình ông Giang mà thôi.

Các nguồn tin từ Bắc Kinh cho biết, ông Hồ và đồng minh của ông, thủ tướng Ôn Gia Bảo đã cho thành lập một nhóm bao gồm những viên chức cao cấp trong đảng gọi là nhóm “Nghiên cứu cải tổ hiến pháp”.

Những đề nghị của nhóm này được tiết lộ ra ngoài cho thấy ngoài những thay đổi đã được dự phóng như việc bảo vệ quyền tư hữu và quyền của khu vực tư được đối xử ngang bằng như với khu vực quốc doanh còn có thêm những thay đổi có tính cách mạng việc hiến pháp bảo đảm quyền của các đảng viên được tự do lựa chọn lãnh tụ cũng như một số bước tiến sửa soạn cho một hệ thống chính trị đa đảng.

Ông Hồ cũng muốn mở rộng những thí điểm cho phép dân chúng bầu các cấp lãnh đạo ở các cấp địa phương như tỉnh, huyện, thị trấn.

Nếu những dự tính cải tổ này thực hiện được thì điều này mặc nhiên sẽ trở thành một tiến trình phi-Giang hóa, loại bỏ những cấp ủy mà trong những năm dưới thời ông Giang đã được ông Giang và người thân tín của ông, ông Tăng Khánh Hồng trong vai trò trưởng ban tổ chức trung ương bổ nhiệm.

Lý thuyết và thực tế

Chính vì vậy mà những cải tổ đề nghị này đã bị ông Giang kịch liệt chống đối. Một nguồn tin từ Bắc Kinh cho biết ông Giang đã tìm cách giới hạn những thay đổi trong hiến pháp nói rằng hiến pháp sửa đổi chỉ cần thêm hai điều, lý thuyết “ba đại biểu” và bảo đảm quyền tư hữu mà thôi.

Thu nhập trung bình: 890 USD

Lý thuyết “ba đại biểu” chính là lý thuyết của ông Giang nói rằng đảng Cộng Sản Trung quốc phải đại biểu cho những lực lượng sản xuất tiến bộ nhất, cho nền văn minh hiện đại cũng như là quyền lợi của đa số quần chúng.

Lý thuyết này đã được các cơ quan tuyên truyền của Trung Quốc ca ngợi như là một đóng góp vĩ đại tương đương với các tư tưỏng Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình.

Nguồn tin trên tại Bắc Kinh cũng cho biết rằng ông Giang và những người theo ông đã cảnh cáo những nhà trí thức muốn cải tổ dân chủ là làm như vậy sẽ dẫn đến bất ổn định chính trị. Tào Tư Nguyên, một luật gia cải cách thân cận với ông Hồ đã bị công an đe dọa vì muốn đưa một số điều khoản về nhân quyền vào trong hiến pháp.

Mặc dầu hiện nay phe ông Giang có vẻ như đang thắng thế, một số nhà phân tích cho rằng phe ông Hồ hiện chỉ đang làm một bước lùi chiến thuật để chuẩn bị phản công. Ông Hồ đã đưa ra chỉ thị cho một chiến dịch chống tham nhũng mới mà theo ông hiện là quốc nạn số một của Trung Quốc.

Ủy Ban Kỷ Luật Trung Ương Đảng được giao trách nhiệm chống tham nhũng và đã cử ra 45 thanh tra đặc biệt về các tỉnh để điều tra các quan chức của đảng tại các địa phương. Cho đến nay các thanh tra đã đến làm việc các tỉnh Quý châu, Hồ Nam, Cát Lâm, Giang Tô, Cam Túc và đặc biệt là Thuợng Hải.

Một nguồn tin từ Thượng Hải cho biết, ông Hồ và chủ nhiệm ủy ban kỷ luật trung ương đảng Ngô Quan Thành đã đụng độ với ông Giang chung quanh vấn đề nhà tỷ phú Thượng Hải ông Chu Chấn Nghĩa vốn bị bắt vào tháng năm vừa qua về tội hối lộ và những tội kinh tế khác.

Mặc dầu ông Chu có thể phạm đủ các tội danh liên quan đến tham nhũng, nhưng có triển vọng rằng ông sẽ chỉ bị trừng phạt một cách nhẹ nhàng thôi vì những quan hệ đặc biệt của ông với nhóm lãnh đạo ở Thượng Hải vốn toàn là những người thân cận vói ông Giang

Người ta có thể thấy sự tế nhị của vụ này khi ban tuyên huấn trung ương đảng ra một chỉ thị cấm các báo chí và phương tiện truyền thông tại Trung Quốc nhắc nhở tới vụ Thượng Hải và nhất là tới quan hệ của ông Chu với các công tử, con của các giới lãnh đạo thuộc phe mà dân Trung Quốc gọi là cánh Thượng Hải.

Có tin là chính ông Giang cũng lên tiếng đòi hỏi vụ Chu Chấn Nghĩa này phải đuợc giao cho thành ủy Thuợng Hải xử lý chứ không để cho Ban Kỷ Luật trung ương.

Tuy nhiên điều này sẽ cho ông Hồ một vũ khí lợi hại trong hội nghị trung ương lần tới cũng như về sau này. Ông Hồ có thể nhân một lúc thuận tiện nào đó mở lại hồ sơ của các giới chức Thượng Hải để buộc cho phe cánh Thượng Hải phải khuất phục.

Tuy rằng hiện nay cuộc điều tra vào vụ Chu Chấn Nghĩa có vẻ đã bị tắc nghẽn, nhưng ông Hồ và ông Ngô lúc gần đây đưa ra ánh sáng được một số vụ tham nhũng cỡ lớn như vụ cựu bí thư tỉnh ủy Hà Bắc, Thành Vị Cao. Tháng trước, Giả Xuân Vương, Viện Trưởng Viện Kiểm soát tối cao của Trung Quốc đã lên tiếng hứa hẹn rằng một số vụ án tham nhũng “động trời” sẽ được đưa ra trong vòng năm nay.

Một vụ án tham nhũng xét xử một nhân vật cao cấp hiện còn giữ chức vụ trong đảng sẽ gây cho phe của ông Hồ và ông Ôn một thanh thế lớn giúp họ thắng lợi trong cuộc đấu tranh dành quyền lực với phe ông Giang.

Tuy nhiên các nhà phân tích cũng nhắc rằng không phải như vậy là chiến thắng của ông Hồ sẽ dẫn Trung Quốc đến một chế độ dân chủ tự do như kiểu Tây phương.

Tuần trước, tạp chí nghiên cứu của đảng Cộng Sản Trung Quốc “Sự Thật” đã đăng một bài xã luận cảnh giác rằng những thay đổi trong chính trường phải phục vụ cho các mục tiêu của đảng và con đường tiến lên xã hội chủ nghĩa. (BBC)