(Ông Khatami không coi trọng giải Nobel Hòa bình)

Tổng thống Iran Mohammad Khatami đã thúc giục người giành giải Nobel đầu tiên của Iran, luật sư hoạt động nhân quyền Shirin Ebadi sử dụng giải thưởng để làm điều tốt cho Iran và cho hoà bình thế giới.

Trong tuyên bố đầu tiên của ông kể từ khi giải thưởng được công bố, ông Khatami nói ông hy vọng bà Ebadi sẽ quan tâm tới lợi ích của thế giới hồi giáo và của Iran và không để cho thành tựu của bà bị sử dụng vào mục đích sai trái.

Ông Khatami cũng đã hạ thấp tầm quan trọng của giải Nobel hoà bình và nói rằng nó 'không quá quan trọng' và được trao tặng dựa vào những tiêu chí chính trị.

Bà Ebadi, năm nay 56 tuổi là luật sư nổi tiếng ủng hộ quyền của phụ nữ và trẻ em và đã đấu tranh để có những thay đổi trong luật ly dị và thừa kế ở Iran.

Bà là phụ nữ hồi giáo đầu tiên được trao tặng giải thưởng này.

Phản ứng khác nhau

Hôm thứ sáu, bà Ebadi kêu gọi chính phủ ở Iran thả tất cả tù nhân chính trị.

Bà phát biểu tại một buổi họp báo rằng những vấn đề cấp bách nhất đối với Iran là giải quyết chuyện tự do ngôn luận và thả các tù nhân bị giam giữ chỉ vì phát biểu chính kiến của họ.

Các phương tiện truyền thông đại chúng bảo thủ của Iran lúc đầu đã không chú ý tới sự kiện này và những phát biểu của ông Khatami là phản hồi đối với một câu hỏi của phóng viên Iran rằng tại sao ông không chúc mừng bà Ebadi.

Bà Ebadi đang trên đường trở về Iran từ Paris và hàng trăm nhà hoạt động nhân quyền Iran và Pháp đã chào đón bà tại sân bây Orly.

Thành công gây tranh cãI

Phóng viên đài BBC ở Teheran Jim Muir nói rằng phản ứng của ông Khatami thể hiện một sự thật trong chính trường Iran - đó là sức ép của bên ngoài chỉ phản tác dụng và người được ủng hộ bị tố cáo là không trung thành.

Phóng viên chúng tôi cũng nói sự thành công của bà Ebad đã gây ra những tranh cãi ở Iran.

Phe cánh tả coi bà là sản phẩm của chế độ Shah cũ và giải thưởng là cách bên ngoài tạo sức ép đối với chính phủ hiện nay.

Anh cũng nói rằng một số quan chức cấp tiến đã hoan nghênh giải thưởng cho dù là thận trọng và họ đã bị chỉ trích khi vui mừng vì giải thưởng. (BBC)