25 nguyên thủ châu Âu có nguy cơ sa lầy với các phiên đàm phán quanh dự thảo hiến pháp mới cho Liên hiệp châu Âu.

Thủ tướng Ý Silvio Berlusconi chào mừng các phái đoàn đến Rome để hoàn thiện giai đoạn chót cho tân hiến pháp cho Liên hiệp châu Âu, tỏ ý lạc quan về khả năng các vòng hội đàm sẽ kết thúc vào cuối năm nay.

Trong lúc Đức, Pháp, Ý, Hà Lan, Bỉ, Luxembourg, Anh và Đan Mạch hầu như tán thành thì có những nước phản đối, từ ít nhiều đến gay gắt, trong đó có Ba Lan - một nước nổi bật vì ngoài chuyện thuộc nhóm quốc gia công giáo muốn sửa đổi dự thảo hiến pháp, còn là đồng minh thân cận của Mỹ trong cuộc chiến Iraq.

Mặc dù ở Ba Lan chính phủ cầm quyền và phe đối lập thường đối nghịch nhau trong đa số các vấn đề, kể cả chuyện hội nhập hay đàm phán với châu Âu, thế nhưng lần này qua những gì mà họ thể hiện thì dường như hai phe đối lập lại cùng có chung một quan điểm ủng hộ những gì Ba Lan đã đòi được chấp nhận qua hiệp ước Nice hơn là một vài điểm khác được qui định trong hiến pháp mới cho châu Âu.

Đó là nhận định của nhà báo Ngô Văn Tưởng từ Warszawa, kèm theo việc mô tả hoàn cảnh của Ba Lan hiện đang mất dần các nước đồng minh thân cận khi trước như Slovakia, cộng hòa Czech cùng Hungary.

Tuy nhiên, theo một nhà báo người Việt khác ở Ba Lan - Tôn Vân Anh - thì Ba Lan dù bị mất lợi thế ngoại giao do thân Mỹ, nhưng lại có lực lượng lao động và trí thức trẻ bằng đến 40% dân số liên hiệp châu Âu, và đó có thể là lợi thế của Ba Lan trong châu Âu tương lai.

Mặc dù có nhiều khó khăn quanh dự thảo hiến pháp mới cho EU, theo lời các vị cầm đầu các chính phủ, họ sẽ cố sức bảo đảm hoàn tất thương thuyết trước cuối năm nay, nhưng hiện vẫn chưa giải quyết được một số vấn đề gây tranh cãi.

Tổng thống Pháp, Jacques Chirac có nói: "Chúng ta đã mở trang sử mới của Âu châu", nhưng sau phiên họp mang tính chất nghi lễ này tại khu ngoại ô của Roma, chắc phải qua nhiều tuần lễ, hoàn toàn có thể là nhiều tháng trời nữa để mà cả gay gắt.

Thủ tướng Ý, Silvio Berlusconi cho biết ông tin tưởng có thể hoàn tất cuộc đàm phán trước tháng Chạp.

Các vị khác thì không chắc như vậy.

Dự thảo hiến pháp nhắm mục đích thay thế tất cả các hiệp ước hiện hữu và qui định ai sẽ nắm thực quyền trong Liên hiệp được mở rộng trong tương lai.

Ngoài những vấn đề này khác, dự thảo hiến pháp còn đề nghị có một tân chủ tịch không có thực quyền, một Ủy hội Âu châu được tổ chức lại nhỏ gọn hơn và mở rộng sự biểu quyết theo đa số thay vì theo sự nhứt trí khi EU lấy quyết định.

Sáu thành viên nguyên thủy của EU, trong đó có hai trong số những nước lớn nhứt là Pháp và Đức muốn bản dự thảo được thông qua với nội dung hiện hữu.

Nhưng một số nước khác thì không đồng ý.

Liệu đó có phải là vì một số nước nhỏ bé lo ngại chuyện mất quyền hạn của họ, hay các nước có đa số dân Công giáo đòi phải có sự ngụ ý rõ rệt trong hiến pháp về những giá trị của Thiên chúa giáo hay không, việc tìm kiếm một giải pháp dung hòa có thể là một quá trình khá nhọc nhằn. (BBC)