NEW YORK -Có lẽ không còn kỷ niệm nào về vụ 11 tháng 9 chua cay hơn là những lời cuối cùng của những người xấu xố thiệt mạng trong tòa nhà World Trade Centre ở New York.

Văn bản ghi lại các cuộc điện thoại và liên lạc qua sóng vào thời điểm ngay sau khi các chiếc máy bay không tặc đâm vào tòa nhà đôi đã được người ta công bố.

Tuy nhiên văn bản đó chỉ được công bố sau một cuộc tranh chấp pháp lý khó khăn, cùng làn sóng phản đối từ một số gia đình nạn nhân.

Người ta đưa ra công luận khoảng 2.000 trang chữ ghi lại các cuộc gọi cho số máy cấp cứu nhắc đến vụ 11 tháng 9 năm 2001.

Văn bản đó chứa đựng những chi tiết đau đớn, mô tả cảnh hoảng loạn và hoang mang của những người cố tìm đường thoát ra khỏi khu nhà cao tầng WTC, mà sau đó đã đổ sụp vì bị hai chiếc máy bay đâm vào làm chấn động.

Tuy nhiên, văn bản đó chỉ được công bố sau khi tập đoàn Port Authority of New York, tức là chủ của khu nhà, nghe phán quyết của tòa là dư luận có quyền được biết đến phản ứng của các cơ quan chức năng đã làm gì trước thảm họa đó.

Tuy nhiên có vài gia đình nạn nhân cho rằng việc công bố văn bản này chỉ là xoáy lại vào vết thương cũ, chứ không phải vì quyền lợi chung.

Bà Joanne Barbella nói đó chính là cảm giác của bà khi đọc lại vài đoạn trong văn bản:

- Chỉ sau 3 câu đầu là tôi đã bắt đầu khóc. Đó là những câu chuyện riêng tư. Hầu hết những gì ghi lại trong văn bản là "oh my God", "oh wow", trời ơi… hay là "that’s so sad" – buồn quá. Người ta hỏi nhau có nghe người khác nói gì không, rồi hỏi xem người thân của họ có cảm nhận gì không. Tại sao lại phải công bố ? Tôi không hề thấy ai có thể rút ra được gì từ những dòng chữ ấy cả.

Nhưng quan điểm của bà Joanne không được tất cả các gia đình của nạn nhân đồng ý.

Sally Regan Hard có con trai chết trong vụ 11 tháng 9, cho rằng công bố nội dung các cuộc điện đàm có thể giúp chính quyền rút ra được bài học từ những sai lầm đã mắc trong lần đó.

- Nội dung phải được đưa ra cho công luận và qua đó chúng ta có thể thay đổi được tương lai. Chúng ta không dịch chuyển được quá khứ nhưng có thể biến chuyển được tương lai. Tôi không còn được nhìn mặt con trai tôi nữa nhưng mà tôi không muốn các bà mẹ khác cũng phải trải qua những gì mà tôi đã phải đi qua, hay những gia đình của 3.000 nạn nhân khác cũng phải trải qua.

2.000 trang giấy được đưa ra dúng vào thời điểm chỉ còn 2 tuần nữa là kỷ niệm 2 năm ngày xẩy ra sự kiện 11 tháng 9, công ty Port Authority kêu gọi giới truyền thông không nên quá tập trung vào các chi tiết không hay hoặc tế nhị.

Thế nhưng giới luật sư của báo The New York Times, tức là nhóm đã ra tòa đòi được quyền truy cập tài liệu này, đưa lập luận là nhờ vậy sẽ hiểu rõ hơn và đánh giá tốt hơn công tác cứu trợ được thực hiện sau vụ tấn công.(bbc)