Chương bốn: Hướng tới việc hồi tâm của các giáo hội
Việc cùng nhau duyệt lại lịch sử của chúng ta cho thấy: sự chia rẽ giữa chúng ta đã xuất hiện vào lúc Đức Maria bị cô lập đối với cả Chúa Kitô lẫn hiệp thông các thánh, và lúc lòng sùng kính ngài mặc lấy những hình thức thái quá. Về phía Công Giáo lúc ấy, “thánh mẫu học” bị tách rời một cách bất chính đáng khỏi Kitô học và giáo hội học. Chính vì thế, quyết định của Công Đồng Vatican II trong việc biến bản văn về Đức Maria thành một phần của Hiến Chế về Giáo Hội là một hành động có tầm quan trọng cao đối với sự hoà giải đại kết. Nền giáo hội học này giúp đưa Đức Maria trở thành thành phần của Dân Chúa một lần nữa. Phía Thệ Phản cho rằng việc tuyên xưng Chúa Kitô đòi phải nói một điều gì đó về Đức Maria, và phải nói điều này nhân danh chính sự nhập thể.
Các đề nghị được Nhóm Dombes đưa ra ở đây cho các giáo hội liên hệ nhằm đem họ lại gần nhau hơn qua việc cùng đặt Đức Maria vào đúng vị trí vốn thuộc về ngài trong đức tin Kitô Giáo, dĩ nhiên đây là vị trí trọn vẹn của ngài và là vị trí thích đáng.
I. Sự hồi tâm của Công Giáo
1. Hồi tâm trong thái độ
Người Công Giáo không thể không ý thức được sự phê phán hết sức nghiêm nghị, từng được các thần học gia Thệ Phản trong phong trào đại kết nêu ra về vị trí của Đức Maria trong Giáo Hội. Một thần học gia Thệ Phản, J. Moltmann, từng viết rằng: “Sự cách biệt giữa giáo huấn của giáo hội và Tân Ước không ở đâu lớn bằng trong thánh mẫu học” (1). Và trong một bài về Đức Maria trong bộ Bách Khoa về Phong Trào Thệ Phản (Encyclopédie du protestantisme) gần đây, A. Birmelé đã viết như sau: “Các tín điều của Rôma khiến người ta nêu lên vấn đề chỉ nên tham chiếu một mình Thánh Kinh, một mình Chúa Kitô, và một mình ơn thánh mà thôi. Sở dĩ người ta phải nhắc lại xác tín ấy, là do việc phát triển của lòng sùng kính bình dân và của việc trăm hoa đua nở các cuộc hành hương thánh mẫu” (2). Nói chung, tâm trí Thệ Phản vẫn tiếp tục xa lạ với lòng sùng kính của người Công Giáo dành cho Đức Maria. Cho dù không thể đòi hỏi việc mọi mẫn cảm linh đạo phải có cùng một biểu thức như nhau, nhưng quan điểm của người Thệ Phản buộc người Công Giáo phải biện minh và nghiên cứu sâu sắc hơn các thực hành của họ.
Sự thực lịch sử là con người Đức Maria đóng một vai trò chủ yếu trong tôn giáo đại chúng do việc phúc âm hóa của Kitô Giáo mang lại. Vai trò này có ba chiều kích:
- Sự gần gũi: ngài là người mẹ hết lòng chăm sóc mọi đứa con của mình;
- Bảo vệ bản sắc văn hóa: ngài được mừng kính như là người chiếm hữu các đặc điểm của mỗi dân tộc;
- Che chở và chữa lành: ngài được coi là người giải thoát con người khỏi mọi áp bức và bệnh tật.
Sự biện phân của thần học và mục vụ cần phải thận trọng, đừng coi thường đức tin của người khiêm hạ, cho dù việc phúc âm hóa đức tin ấy luôn nhằm loại bỏ khuôn mạo mẫu thần khỏi lòng sùng kính Đức Maria và giúp các tín hữu đừng nghĩ rằng liên hệ xúc cảm đối với Đức Maria chứa đựng trọn bộ Kitô Giáo và trọn bộ giáo hội. Cũng thế, phải thật thận trọng khi nại tới cảm thức đức tin tín hữu (sensus fidelium), vì điều được coi như thế rất có thể chỉ phát sinh từ cảm xúc tôn giáo hơn là từ đức tin Kitô Giáo.
Về chủ đề “Đức Maria và hiệp thông các thánh”, ta phải chú ý tới “truyền thống đại kết” đang trong diễn trình hình thành. Tại các đại hội do Hàn Lâm Viện Quốc Tế Giáo Hoàng về Thánh Mẫu tổ chức từ sau Công Đồng, chiều kích đại kết luôn luôn hiện hữu (3). Một điểm nữa cần được nhấn mạnh là: tuy hiếm, nhưng vẫn có những cuộc đối thoại về Đức Maria giữa người Công Giáo và người Luthêrô tại Hoa Kỳ (4). Ta cũng ghi nhận nhiều cuộc đối thoại song phương, như cuộc đối thoại giữa người Công Giáo và người Chính Thống Giáo...
Các nhà thần học Công Giáo dĩ nhiên có trách nhiệm lớn đối với cung cách giải thích vai trò của Đức Maria trong đức tin Công Giáo. Điều hết sức ước ao là họ bỏ đi bất cứ thứ thánh mẫu học nào được hiểu như một khoa biệt lập trong thần học và thay vào đó, nên hoàn toàn tập chú vào con người của Đức Maria và quay trở lại với nền “thần học chân chính về Đức Maria”, một nền thần học được sáp nhập vào “mầu nhiệm Chúa Kitô và giáo hội”. Sau Công Đồng Vatican II, dù đa số các nhà thần học đã chịu tiếp nhận phương thức thứ hai vừa nói, nhưng nhiều sách vở vẫn được ấn hành với nội dung khó chấp nhận được về phương diện khách quan. Xin đơn cử một thí dụ: mặc dù được phép nghiên cứu thêm mối liên kết giữa Đức Maria và Chúa Thánh Thần, nhưng ta không thể thiết lập một mối tương quan giữa ngài và Chúa Thánh Thần và so sánh nó với sự kết hợp giữa nhân tính và thiên tính nơi Chúa Giêsu (5). Để chứng tỏ cùng một sự thay đổi về phương thức như thế, nhiều tập san thánh mẫu hiện nay cũng nên cố gắng tự thanh tẩy mình trong việc trình bày giáo huấn của họ về Đức Maria và lòng sùng kính ngài.
2. Cuộc hồi tâm về tín lý: “Cộng tác” hay sự đáp ứng tích cực của Đức Maria
Nhận định đầu tiên của Nhóm Dombes về vấn đề này là: “Đối với chúng tôi, xem ra sự minh xác tín lý do hai phía cùng đưa ra về chủ đề “sự công tác” của Đức Maria đã đưa lại một kết quả thoả đáng trong việc nói lên đức tin chung, dù sự minh xác ấy không giải quyết trọn vẹn vấn đề trong các áp dụng khác nhau của nó”.
a. Hai tín điều mới đây của Công Giáo
Trong lãnh vực tín lý, việc công bố tín điều Vô Nhiễm Thai và tín điều Mông Triệu là vấn đề chỉ liên quan đến Giáo Hội Công Giáo, là định chế đã đưa ra hai tín điều ấy. Vì giáo hội này tự coi mình bị trói buộc bởi chính lời tuyên bố của mình về nguyên tắc “phẩm trật các chân lý”, nên người ta phải nhìn nhận rằng hai tín điều này không thể trở thành bắt buộc đối với các Kitô hữu khác, vì chúng vốn không phải là thành phần của tuyên xưng đức tin chung vào lúc phân rẽ (6).
Nói cho ngay, việc khẳng định nguyên tắc “phẩm trật các chân lý” tại Công Đồng Vatican II đã làm người ta không thể duy trì một số chủ trương trước đó một cách cứng đơ được (7). Dĩ nhiên, đức tin luôn là một bao lâu nó đáp ứng lại thẩm quyền của Thiên Chúa như Người đã tự mặc khải. Nhưng, có những chủ trương chủ yếu đến nỗi được gắn liền với chính tuyên tín, dù khi chuyển giao, chúng chịu nhiều ảnh hưởng của lịch sử và con người. Các chủ trương khác phải phụ thuộc các chủ trương này. Các phát biểu đức tin tạo nên một toàn bộ phức tạp trong đó quả có một phẩm trật và người ta có thể nhận ra trong đó nhiều khai triển thực sự.
Giáo Hội Công Giáo ngày nay không thể coi người Chính Thống và người Thệ Phản như những người Công Giáo chống lại việc công bố các tín điều này, nên cần phải đưa ra những lời cảnh cáo nghiêm khắc (8). Trái lại, đối với các anh chị em Kitô hữu này, giáo hội ấy nên vun xới cùng một thái độ khôn ngoan và bác ái mà suốt trong 19 thế kỷ qua họ vốn biểu lộ đối với các cuộc tranh biện thần học về chủ đề này. Điều vốn không phải là vấn đề đức tin mà chỉ là ý kiến thần học trong giáo hội suốt 19 thế kỷ qua không thể bị coi là nguyên nhân gây chia rẽ trong thế kỷ 20. Ta đừng quên rằng các bậc thầy vĩ đại về linh đạo như Thánh Bernađô và Thánh Tôma Aquinô vẫn giữ trọn được thế giá của các vị trong Giáo Hội Công Giáo và luôn được coi là các chứng tá của đức tin trọn vẹn ngay cả sau định nghĩa năm 1854, dù các vị lên tiếng chống đối Vô Nhiễm Thai. Và ta đừng quên rằng năm 1661, trong đoản sắc Sollicitudo, Đức Giáo Hoàng Alexăng VIII cấm các phe phái ủng hộ và chống đối Vô Nhiễm Thai không được tấn công và tuyệt thông lẫn nhau. Há thái độ đó không nên là thái độ của người Công Giáo ngày nay đối với người Chính Thống và Thệ Phản hay sao? Nếu sự hiệp thông trọn vẹn được tái lập giữa các giáo hội, thì ta cần một cuộc đối thoại mới về chủ đề này.
Theo Nhóm Dombes, điều khôn ngoan nhất là nhất trí với nhau rằng: “Giáo Hội Công Giáo sẽ không đòi phải chấp nhận hai tín điều này làm điều kiện cho việc hiệp thông trọn vẹn giữa các giáo hội. Giáo hội này chỉ nên yêu cầu các đối tác mình muốn tái lập sự hiệp thông tôn trọng nội dung của các tín điều này và đừng phê phán chúng là trái với Tin Mừng hay trái với đức tin, trái lại phải coi chúng như các kết luận tự do và chính đáng phát sinh từ suy tư có ý thức của Công Giáo về đức tin và sự gắn bó nội tại của đức tin này”.
Một điển hình gần đây về các tuyên tín Kitô học, được Đức Giáo Hoàng và các thượng phụ của các giáo hội cổ xưa vốn từ lâu được gọi dưới tên “không phải là Canxêđoan” ký nhận, cho thấy: các phát biểu có thẩm quyền nhất do các công đồng đề xướng có thể phát sinh ra sự nhất trí chân thực về đức tin miễn là người ta chịu đi quá bên kia ngôn ngữ lỗi thời vốn là chủ đề của nhiều tranh cãi vô bổ (9). Một lần nữa, vì mục tiêu phục hồi sự hợp nhất, ta nên có khả năng thực hiện được cùng một việc ấy với các quyết định của đức giáo hoàng về Vô Nhiễm Thai và Mông Triệu.
Để chuẩn bị cho một hòa giải như thế, há Giáo Hội Công Giáo lại không nên chú ý tới các dè dặt của các giáo hội và các tín phái Kitô Giáo khác và cố gắng đưa ra một nền giáo lý biết chú trọng hơn tới các chứng tá của Thánh Kinh hay sao? Phải sử dụng nền giáo lý này như một huấn giáo về đức tin đối với lòng sùng kính bình dân (10).
b. Sự đồng trinh trọn đời của Đức Maria
Liệu ta có thể nại cùng một nguyên tắc “phẩm trật các chân lý” cho sự đồng trinh trọn đời của Đức Maria không? Có thể lắm, chỉ cần ta xem sét sự đồng trinh này trong tương quan của nó với “nền tảng đức tin Kitô Giáo” và với một sự chứng thực rõ ràng và chắc chắn nơi Thánh Kinh. Đức tin của các anh chị em Thệ Phản vào thần tính của Chúa Giêsu Kitô “Đấng được tượng thai bởi Chúa Thánh Thần và được Đức Nữ Trinh Maria sinh ra” luôn là điểm cốt chính. Tuy thế, ở đây ta đang sử lý với niềm xác tín của giáo hội sơ khai, một xác tín vốn được phát biểu trong mọi nền phụng vụ của giáo hội này; tất cả các nền phụng vụ ấy đều dành cho Đức Maria tước hiệu “đồng trinh mãi mãi”, một tước hiệu được nhất tề chấp nhận bởi mọi giáo hội địa phương trước khi có cuộc ly khai trong thế kỷ 16, và chính các nhà Cải Cách nguyên thủy cũng chấp nhận (11). Truyền thống này, vì thế, ngăn ta không được đơn giản áp dụng cùng các nguyên tắc như đã được dùng để giải quyết hai tín điều Công Giáo mới đây.
Thành thử câu hỏi nêu ra là: nên hay không nên để sự kiện nhiều người Thệ Phản không chấp nhận sự đồng trinh trọn đời của Đức Maria tiếp tục là trở ngại để ta không trở thành chi thể của cùng một giáo hội rửa tội và thánh thể hay không. Dù Nhóm Dombes rất muốn nói không, nhưng họ cho rằng cần phải có một cuộc đối thoại liên phái sâu sắc và toàn diện hơn về chủ đề này.
3. Cuộc hồi tâm về lòng sùng kính thánh mẫu
Trong phạm vi này, người Công Giáo khó hồi tâm là do sự kiện này: giáo huấn chính thức đáng lý ra nên tránh các thái quá của lòng sùng kính thánh mẫu, nhưng thực tế, họ đã không làm như thế. Công Đồng Vatican II trình bày lòng sùng kính này như là hoa trái của đức tin, chứ không ngược lại: “Các tín hữu hãy nhớ rằng… lòng sùng kính đích thực không hệ ở cảm tình vô bổ và mau qua, cũng không hệ ở một tâm tính dễ tin phù phiếm, mà phát xuất từ đức tin chân thực, qua đó, ta được hướng dẫn tới chỗ biết nhìn nhận sự trổi vượt của Mẹ Thiên Chúa, và được đánh động hướng tới một tình yêu con thảo với mẹ chúng ta và bắt chước các nhân đức của ngài” (Lumen Gentium 67).
a. Các hướng dẫn cần được tiếp nhận
Ít năm sau Công Đồng, trong một tông huấn, Đức Phaolô VI quyết định suy tư sâu xa hơn về vị trí của Đức Maria trong lòng sùng kính công cộng của giáo hội và trong lòng sùng kính tư riêng của các tín hữu (12). Trong bối cảnh vạch ra một đường hướng hồi tâm cho người Công Giáo này, ngài thúc giục họ hãy biện phân hơn nữa trong việc thực hành lòng sùng kính thánh mẫu.
Yếu tố Kitô học trong lòng sùng kính thánh mẫu phải giữ vị trí trước nhất: “Chỉ có … một Đấng Trung Gian giữa Thiên Chúa và nhân loại, là Chúa Giêsu Kitô, Đấng làm người” (1Tm 2:5). “Nơi Trinh Nữ Maria, mọi sự đều liên quan với Chúa Giêsu và tùy thuộc Người” (số 24). Mối tương quan của Đức Maria với ngôi vị và công việc của Chúa Thánh Thần làm nổi bật chiều kích giáo hội cần phải có trong lòng sùng kính Đức Maria, vì Đức Trinh Nữ là người đầu tiên được cứu chuộc, là Kitô hữu trước nhất. Mối liên kết của Đức Maria với Thiên Chúa Ba Ngôi là Cha, Con và Thánh Thần, và vị trí của ngài trong Giáo Hội, do đó, được đặt ngay bên trong nhiệm cục cứu chuộc.
Sau đây là 4 chiều kích cần phải có, theo Đức Phaolô VI, đối với lòng sùng kính Đức Maria:
- Chiều kích Thánh Kinh: Lòng sùng kính Đức Maria phải tập chú vào các chủ đề căn bản của sứ điệp Kitô Giáo;
- Chiều kích phụng vụ: Các thực hành sùng kính phải hoà hợp với phụng vụ trong khi không được lẫn lộn với nó;
- Chiều kích đại kết: Lòng sùng kính Mẹ Thiên Chúa phải có “khía cạnh đại kết… được tỏ rõ trong việc người Công Giáo mong muốn rằng tuy không hề sao lãng đặc tính chuyên biệt của lòng sùng kính này, nhưng cần phải thận trọng hết sức để tránh bất cứ thái quá nào khiến các anh em Kitô hữu khác hiểu sai về tín lý đích thực của Giáo Hội Công Giáo. Cũng thế, Giáo Hội mong ước rằng bất cứ sự biểu lộ lòng sùng kính nào đi ngược lại thực hành đúng đắn của Công Giáo cũng cần được loại bỏ” (Số 32);
- Chiều kích nhân học: Đức Maria là mẫu mực không chỉ trong cách sống mà ngày nay đã lỗi thời của ngài, nhưng còn trong đức tin can trường của ngài và trong đức mến hết sức tích cực của ngài: “Đức Maria thành Nadarét, tuy hoàn toàn tuân phục thánh ý Thiên Chúa, nhưng không hề là một người đàn bà tùng phục một cách nhát đảm hay có lòng đạo đức khiến người khác khó chịu; ngược lại, ngài là người đàn bà không do dự tuyên xưng rằng Thiên Chúa xác minh cho người khiêm nhường và bị áp bức, và loại bỏ người quyền thế khỏi các địa vị ưu tuyển của họ (xem Lc 1:51-53)” (số 37).
b. Lời cầu nguyện
Việc đọc kinh Truyền Tin và mân côi nên tuân theo các qui định sau đây:
Kinh Truyền Tin (13) có giá trị ở kết cấu đơn giản, tính chất Thánh Kinh, nguồn gốc lịch sử vốn liên kết với lời kêu gọi duy trì hòa bình của nó, nhịp điệu gần như phụng vụ của nó, và tính cởi mở của nó giúp ta bước vào mầu nhiệm vượt qua.
Kinh mân côi hay chuỗi mân côi là hình thức ca ngợi và kêu cầu theo lối lặp đi lặp lại (litanic) tập chú vào việc nhập thể đầy tính cứu chuộc của Chúa Kitô. Đây là cách suy niệm cuộc đời Chúa Cứu Thế (14). Trước đây, có 150 kinh Kính Mừng, giống như con số 150 Thánh Vịnh vậy. Nhưng con số ấy đã được tăng lên 200 từ đời Đức Gioan Phaolô II. Kinh này có nguồn gốc từ phụng vụ, nên cần trở về với nguồn gốc ấy. Tuy nhiên, có một “khác biệt về bản thể” (số 48) giữa phụng vụ và việc đọc kinh mân côi.
c. Các cuộc hiện ra
Ta phải nói gì về các cuộc Đức Maria hiện ra, như tại Lộ Đức và Fatima? Điều đáng lưu ý là tông huấn của Đức Phaolô VI không hề nói một lời nào về các cuộc hiện ra này. Các nhà tâm lý vốn mô tả chúng như các cảm nghiệm cá thể, không bệnh lý, được con mắt đức tin giải thích như các cảm nghiệm về một sự hiện diện. Giáo Hội Công Giáo coi chúng như “các mạc khải tư” (15), không thể so sánh với mạc khải trong Thánh Kinh. Chúng không phải là thành phần của đức tin; nghĩa là, mỗi người Công Giáo được tự do thẩm định chúng cho riêng mình.
Thái độ chính thức của Giáo Hội Công Giáo đối với chúng là thái độ hết sức thận trọng. Thánh Gioan Thánh Giá yêu cầu ta “chống lại” các mặc khải đặc biệt, coi chúng như những cám dỗ nguy hiểm (16). Trong thế kỷ 18, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XIV đã ấn định một đường hướng hành động mà các vị kế nhiệm ngài chưa hề đi trệch ra ngoài: “Việc Giáo Hội chuẩn nhận một cuộc mạc khải đặc biệt, sau khi điều tra kỹ lưỡng, chỉ có nghĩa là cho phép công bố cuộc mạc khải này để giáo huấn và xây dựng tín hữu. Người ta có quyền không đồng thuận với… cuộc mặc khải ấy, dù nó được Giáo Hội chuẩn nhận… miễn là họ làm thế vì những lý do tốt, không có bất cứ tinh thần khinh mạn nào” (17).
Huấn quyền giáo hội chỉ chuẩn nhận rất ít việc thờ phượng tại các nơi hiện ra ấy, sau một thời gian dài điều tra về tính trong sáng của các hiện tượng này. Giáo Hội đưa ra hai tiêu chuẩn để biện phân chúng: sứ điệp của chúng phải phù hợp với sứ điệp của Thánh Kinh và với đức tin của Giáo Hội; trong các dịp hành hương tại đó, phải có các hoa trái thiêng liêng giúp người ta hồi tâm.
Mục đích của các cuộc hiện ra không phải là đặt cơ sở cho đức tin mà chỉ để phục vụ đức tin. Chúng không thêm được gì cho mạc khải duy nhất, nhưng có thể là một nhắc nhớ khiêm nhường đối với mạc khải duy nhất này. Chúng là những dấu chỉ khả giác trong đó, Thiên Chúa tự tỏ mình ra tùy theo khả năng những người tiếp nhận các dấu chỉ này. Có thể ví chúng như một thứ ảnh tượng mà theo thần học Phương Đông, chính là việc “đối tượng hóa thực sự, do Chúa Thánh Thần linh hứng… phát sinh ra và chính là phương tiện của một hiện diện” (18). Chúng thuộc lãnh vực đặc sủng, nghĩa là, các ơn lành Chúa ban cho một chi thể của nhiệm thể để mưu ích cho toàn thể nhiệm thể. Giống mọi đặc sủng khác, ta không nên tìm kiếm chúng, nhưng tiếp nhận chúng với lòng cảm tạ, biện phân và khôn ngoan.
Tuy nhiên, lòng sùng kính bộc phát của tín hữu thường hay đi quá sự khôn ngoan nói trên và đôi khi dẫn tới những tò mò không lành mạnh liên quan tới các địa điểm hiện ra mới đây nhất và nhiều biểu hiện khác thường xẩy ra tại các nơi ấy; như thể đức tin của họ cần một củng cố không thể không có. Cần phải đưa ra một diễn trình huấn giáo có tính mục vụ, như một vài địa điểm hành hương vốn đã áp dụng. Mục đích việc huấn giáo này là hướng dẫn người hành hương hướng tới một sự hồi tâm chân chính, giúp họ từ bỏ thái độ dễ tin để thành thực tin vào sứ điệp của Chúa Kitô.
d. Giảng thuyết và dạy giáo lý
Nhìn nhận các thái quá và lệch lạc của thời quá khứ gần đây chưa đủ. Ta cũng cần loại bỏ các lạm dụng về ngôn ngữ trong các trình bày thần học và mục vụ nữa. Thí dụ, trong các thánh ca về Đức Maria, điều đáng ước mong là các công thức “thổi phồng” (19) dùng để gán cho ngài điều thực sự chỉ thuộc thẩm quyền Thiên Chúa, như tha thứ chẳng hạn, nên được sửa lại. Há việc tạc tượng lại không nên được hạn chế ở chỗ chỉ mô tả Đức Trinh Nữ cùng với Con của ngài hay sao? Một số thực hành của địa phương cần được nghiêm chỉnh phê phán, thậm chí loại bỏ hẳn.
Việc giảng thuyết cũng thế, có nhiều điều khẩn trương không nên coi nhẹ. Việc này không nên tìm cách cường điệu hóa lòng sùng kính Đức Maria. Lòng sùng kính này phải luôn trung thành với nguyên tắc sau đây của Thánh Irênê: một cái hiểu thích đáng về Chúa Kitô nhất thiết sẽ đem Đức Maria vào bức chân dung. Nếu sự hồi tưởng (evocation) có trở thành sự kêu cầu (invocation), như trên thực tế đã xẩy ra, thì sự kêu cầu này không bao giờ được đi ra ngoài qui luật của đức tin (regula fidei). Như chỉ có một đức tin khiến cho việc rửa tội trở thành cần thiết thế nào, thì cũng chỉ có một Chúa mới đòi có thái độ sùng kính đối với mẹ của Người như thế.
Ghi chú
(1) Mary in the Churches, H. Kung và J. Moltmann chủ biên (Concilium 168; New York, 1983) xii.
(2) Encyclopédie du protestantisme (Paris: Cerf et Genève: Labor et Fides, 1995) 950.
(3) Xem Tuyên Ngôn Đại Kết Malta trong Unité des chrétiens, số 69 (Tháng 1, 1988) 18.
(4) Xem tài liệu đã tích dẫn nhiều lần: The One Mediator, and the Saints, and Mary. Lutherans and Catholics in Dialogue VIII.
(5) Nghĩa là, không thể chủ trương có một sự “thông truyền bản vị” (hypostatic communication) của Chúa Thánh Thần cho Đức Maria như L. Boff từng chủ trương trong cuốn Trinité et société (Paris: Cerf, 1990) 247.
(6) Đức Bênêđíctô XVI, lúc còn là Hồng Y Ratzinger nhiều lần áp dụng chính nguyên tắc này vào cuộc đối thoại với Phương Đông về quyền tối thượng của đức giáo hoàng: “Khi nói tới học thuyết tối thượng, Rôma không cần phải hỏi Phương Đông ngoài những điều đã được công bố và thực hành trong thiên niên kỷ thứ nhất” (Les principes de la théologie catholique[Paris: Téqui, 1985] 222). Ngài cho biết tiếp: do đó, một đồng thuận có thể đạt tới, trên căn bản hỗ tương nhìn nhận quan điểm liên hệ của nhau là “chính đáng và chính thống”
(7) Thí dụ, há đoạn sau đây của thông điệp Mortalium animos công bố năm 1928 không đúng hay sao? “Trong các vấn đề thuộc đức tin, người ta không được phép phân biệt một bên là các điều căn bản và bên kia là những điều được mệnh danh là không căn bản, như thể những điều đầu phải được mọi người tin, còn những điều sau thì tín hữu có tin hay không là tùy ở họ… Bởi thế, tất cả những ai thực sự thuộc về Chúa Kitô đều tin tín điều Vô Nhiễm Thai bằng cùng một đức tin như họ tin mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi” (Bản tiếng Anh của R.A. McGowan trong Sixteen Encyclicals of His Holiness Pius XI (1926-37) (Washington, D.C.: National Catholic Welfare Conference, không niên hiệu) 13.
(8) Xem tuyên bố của Đức GH Piô IX trong lời công bố tín điều Vô Nhiễm Thai năm 1854: “Bởi thế, nếu bất cứ ai dám nghĩ, xin Chúa đừng để họ nghĩ như thế, khác với điều được ta xác định, thì họ nên biết rõ rằng họ bị chính phán xét của họ lên án, họ đánh đắm đức tin của mình và tách mình ra khỏi sự hợp nhất của Giáo Hội” (DS 2804; ND 2804). Những tuyên bố như thế không thể ngỏ với các Kitô hữu Chính Thống hay Thệ Phản.
(9) Xem Nhóm Dombes, Pour la conversion des Églises (Paris: Centurion, 1991) số 59 và chu thích 1 (tr.41).
(10) Lòng sùng kính bình dân thường lẫn lộn việc tượng thai đồng trinh Chúa Giêsu và sự Vô Nhiễm Thai của Đức Maria.
(11) Xem Chương 1, phần về Cải Cách Thệ Phản Và Đức Maria (quan điểm Luther).
(12) Đức GH Phaolô VI, Tông Huấn Marialis Cultus về Lòng Sùng Kính Trinh Nữ Diễm Phúc Maria (2 tháng 2, 1974).
(13) Lời kinh như sau:
Đức Chúa Trời sai thánh thiên thần truyền tin cho Rất Thánh Đức Bà Maria.
Đáp: Và Rất Thánh Đức Bà chịu thai bởi phép Đức Chúa Thánh Thần.
Kính mừng Maria….
Này tôi là tôi tá Đức Chúa Trời.
Đáp: Tôi xin vâng như lời Thánh Thiên Thần truyền.
Kính mừng Maria…
Chốc ấy Ngôi Thứ Hai xuống thế làm người.
Đáp: Và ở cùng chúng con.
Kính mừng Maria…
Lạy Rất Thánh Đức Mẹ Chúa Trời, xin cầu cho chúng con.
Đáp: Đáng chịu lấy những sự Chúa Giêsu đã hứa.
Lời nguyện: Lạy Chúa chúng con, xin Chúa ban ơn xuống trong linh hồn chúng con, là kẻ đã nhờ lời Thánh Thiên Thần truyền, mà biết thật Chúa Kitô đã xuống thế làm người, thì xin vì công ơn Chúa chịu nạn chịu chết trên cây Thánh Giá, cho chúng con ngày sau khi sống lại được đến nơi vinh hiển, cũng vì công nghiệp Chúa Kitô là Chúa chúng con.
Đáp: Amen.
(14) Kinh Mân Côi gồm 5 chục kinh, mỗi chục gồm 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh. Vừa đọc mỗi chục, người ta vừa suy niệm một trong các mầu nhiệm của Chúa Kitô. Các mầu nhiệm này được gom thành 4 loại: các mầu nhiệm vui (truyền tin, thăm viếng, sinh nhật, dâng Con vào Đền Thờ, tìm thấy Chúa Giêsu trong đền thờ); các mầu nhiệm sáng (chịu phép rửa, phép lạ Cana, công bố Nước Trời, biến hình, lập Thánh Thể); các mầu nhiệm buồn (thương) (hấp hối, bị đánh, đội mão gai, vác thập giá, chịu đóng đinh); các mầu nhiệm vui (sống lại, lên trời, Chúa Thánh Thần hiện xuông, Đức Maria lên trời, Đức Maria được thưởng)
(15) Xem Vatican II, Dei Verbum 4.
(16) Thánh Gioan Thánh Giá, Ascent of Mount Carmel II, 20: “Sau khi đã ban cho ta Con của Người, vốn là Lời của Người, Người không còn lời nào khác để ban cho ta nữa. Người đã nói hết mọi sự, một lần cho tất cả, trong chính một Lời này; như thế, Người đâu còn gì để nói với ta nữa… Điều chỉ nói một phần với các tiên tri, Người đã nói trọn vẹn trong Con của Người bằng cách ban cho ta trọn Con của Người. Đó chính là lý do tại sao lúc này đây, bất cứ ai muốn chất vấn Người hay muốn có một thị kiến hay mạc khải không những điên rồ mà còn xúc phạm đến Chúa nữa vì đã không chịu chăm nhìn vào một mình Chúa Kitô mà thôi, không cần tìm điều gì khác hay điều gì mới lạ ở nơi khác nữa” (trích trong Phụng Vụ Các Giờ Kinh, vol.I, tr.212).
(17) Đức GH Bênêđíctô XIV, De servorum Dei beatificatione II, 32, 11.
(18) B. Bobrinskoy, trong tuyền tập Vraies et fausses apparitions dans l’Église (Paris: Lethielleux-Bellarmin, 1976) 109.
(19) Há Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu đã chẳng phản đối rằng: “Ta không được nói (về Đức Maria) những điều không chắc có thật (improbable) hoặc ta không biết… Một bài giảng muốn làm tôi vui và sinh ích cho tôi, thì phải cho tôi thấy đời sống đích thực của ngài, chứ không phải một đời sống giả tưởng; và tôi chắc chắn rằng đời sống đích thực của ngài hết sứ đơn giản. Các vị giảng thuyết trình bày ngài như đấng chót vót không ai tới gần được; các vị ấy nên nói về ngài như người dễ bắt chước, làm nổi bật các nhân đức của ngài, cho ta hay ngài sống bằng đức tin như chính chúng ta, và chứng minh điều đó bằng tin mừng, trong đó, ta đọc thấy ‘các ngài không hiểu điều Người nói với các ngài’… Ta thực sự biết rằng Trinh Nữ rất thánh là Nữ Vương trời và đất, nhưng ngài là mẹ hơn là nữ vương, và ta không nên nói rằng vì các đặc ân của mình, ngài che mất hết vinh quang của các thánh, như thể mặt trời mọc làm các ngôi sao phải biến đi. Lạy Chúa quí yêu! Con quả nói điều kỳ dị thay!” (J’entre dans la vie. Derniers entretiens [Paris: Cerf/Desclée De Brouwer, 1973) 140-41.
Việc cùng nhau duyệt lại lịch sử của chúng ta cho thấy: sự chia rẽ giữa chúng ta đã xuất hiện vào lúc Đức Maria bị cô lập đối với cả Chúa Kitô lẫn hiệp thông các thánh, và lúc lòng sùng kính ngài mặc lấy những hình thức thái quá. Về phía Công Giáo lúc ấy, “thánh mẫu học” bị tách rời một cách bất chính đáng khỏi Kitô học và giáo hội học. Chính vì thế, quyết định của Công Đồng Vatican II trong việc biến bản văn về Đức Maria thành một phần của Hiến Chế về Giáo Hội là một hành động có tầm quan trọng cao đối với sự hoà giải đại kết. Nền giáo hội học này giúp đưa Đức Maria trở thành thành phần của Dân Chúa một lần nữa. Phía Thệ Phản cho rằng việc tuyên xưng Chúa Kitô đòi phải nói một điều gì đó về Đức Maria, và phải nói điều này nhân danh chính sự nhập thể.
Các đề nghị được Nhóm Dombes đưa ra ở đây cho các giáo hội liên hệ nhằm đem họ lại gần nhau hơn qua việc cùng đặt Đức Maria vào đúng vị trí vốn thuộc về ngài trong đức tin Kitô Giáo, dĩ nhiên đây là vị trí trọn vẹn của ngài và là vị trí thích đáng.
I. Sự hồi tâm của Công Giáo
1. Hồi tâm trong thái độ
Người Công Giáo không thể không ý thức được sự phê phán hết sức nghiêm nghị, từng được các thần học gia Thệ Phản trong phong trào đại kết nêu ra về vị trí của Đức Maria trong Giáo Hội. Một thần học gia Thệ Phản, J. Moltmann, từng viết rằng: “Sự cách biệt giữa giáo huấn của giáo hội và Tân Ước không ở đâu lớn bằng trong thánh mẫu học” (1). Và trong một bài về Đức Maria trong bộ Bách Khoa về Phong Trào Thệ Phản (Encyclopédie du protestantisme) gần đây, A. Birmelé đã viết như sau: “Các tín điều của Rôma khiến người ta nêu lên vấn đề chỉ nên tham chiếu một mình Thánh Kinh, một mình Chúa Kitô, và một mình ơn thánh mà thôi. Sở dĩ người ta phải nhắc lại xác tín ấy, là do việc phát triển của lòng sùng kính bình dân và của việc trăm hoa đua nở các cuộc hành hương thánh mẫu” (2). Nói chung, tâm trí Thệ Phản vẫn tiếp tục xa lạ với lòng sùng kính của người Công Giáo dành cho Đức Maria. Cho dù không thể đòi hỏi việc mọi mẫn cảm linh đạo phải có cùng một biểu thức như nhau, nhưng quan điểm của người Thệ Phản buộc người Công Giáo phải biện minh và nghiên cứu sâu sắc hơn các thực hành của họ.
Sự thực lịch sử là con người Đức Maria đóng một vai trò chủ yếu trong tôn giáo đại chúng do việc phúc âm hóa của Kitô Giáo mang lại. Vai trò này có ba chiều kích:
- Sự gần gũi: ngài là người mẹ hết lòng chăm sóc mọi đứa con của mình;
- Bảo vệ bản sắc văn hóa: ngài được mừng kính như là người chiếm hữu các đặc điểm của mỗi dân tộc;
- Che chở và chữa lành: ngài được coi là người giải thoát con người khỏi mọi áp bức và bệnh tật.
Sự biện phân của thần học và mục vụ cần phải thận trọng, đừng coi thường đức tin của người khiêm hạ, cho dù việc phúc âm hóa đức tin ấy luôn nhằm loại bỏ khuôn mạo mẫu thần khỏi lòng sùng kính Đức Maria và giúp các tín hữu đừng nghĩ rằng liên hệ xúc cảm đối với Đức Maria chứa đựng trọn bộ Kitô Giáo và trọn bộ giáo hội. Cũng thế, phải thật thận trọng khi nại tới cảm thức đức tin tín hữu (sensus fidelium), vì điều được coi như thế rất có thể chỉ phát sinh từ cảm xúc tôn giáo hơn là từ đức tin Kitô Giáo.
Về chủ đề “Đức Maria và hiệp thông các thánh”, ta phải chú ý tới “truyền thống đại kết” đang trong diễn trình hình thành. Tại các đại hội do Hàn Lâm Viện Quốc Tế Giáo Hoàng về Thánh Mẫu tổ chức từ sau Công Đồng, chiều kích đại kết luôn luôn hiện hữu (3). Một điểm nữa cần được nhấn mạnh là: tuy hiếm, nhưng vẫn có những cuộc đối thoại về Đức Maria giữa người Công Giáo và người Luthêrô tại Hoa Kỳ (4). Ta cũng ghi nhận nhiều cuộc đối thoại song phương, như cuộc đối thoại giữa người Công Giáo và người Chính Thống Giáo...
Các nhà thần học Công Giáo dĩ nhiên có trách nhiệm lớn đối với cung cách giải thích vai trò của Đức Maria trong đức tin Công Giáo. Điều hết sức ước ao là họ bỏ đi bất cứ thứ thánh mẫu học nào được hiểu như một khoa biệt lập trong thần học và thay vào đó, nên hoàn toàn tập chú vào con người của Đức Maria và quay trở lại với nền “thần học chân chính về Đức Maria”, một nền thần học được sáp nhập vào “mầu nhiệm Chúa Kitô và giáo hội”. Sau Công Đồng Vatican II, dù đa số các nhà thần học đã chịu tiếp nhận phương thức thứ hai vừa nói, nhưng nhiều sách vở vẫn được ấn hành với nội dung khó chấp nhận được về phương diện khách quan. Xin đơn cử một thí dụ: mặc dù được phép nghiên cứu thêm mối liên kết giữa Đức Maria và Chúa Thánh Thần, nhưng ta không thể thiết lập một mối tương quan giữa ngài và Chúa Thánh Thần và so sánh nó với sự kết hợp giữa nhân tính và thiên tính nơi Chúa Giêsu (5). Để chứng tỏ cùng một sự thay đổi về phương thức như thế, nhiều tập san thánh mẫu hiện nay cũng nên cố gắng tự thanh tẩy mình trong việc trình bày giáo huấn của họ về Đức Maria và lòng sùng kính ngài.
2. Cuộc hồi tâm về tín lý: “Cộng tác” hay sự đáp ứng tích cực của Đức Maria
Nhận định đầu tiên của Nhóm Dombes về vấn đề này là: “Đối với chúng tôi, xem ra sự minh xác tín lý do hai phía cùng đưa ra về chủ đề “sự công tác” của Đức Maria đã đưa lại một kết quả thoả đáng trong việc nói lên đức tin chung, dù sự minh xác ấy không giải quyết trọn vẹn vấn đề trong các áp dụng khác nhau của nó”.
a. Hai tín điều mới đây của Công Giáo
Trong lãnh vực tín lý, việc công bố tín điều Vô Nhiễm Thai và tín điều Mông Triệu là vấn đề chỉ liên quan đến Giáo Hội Công Giáo, là định chế đã đưa ra hai tín điều ấy. Vì giáo hội này tự coi mình bị trói buộc bởi chính lời tuyên bố của mình về nguyên tắc “phẩm trật các chân lý”, nên người ta phải nhìn nhận rằng hai tín điều này không thể trở thành bắt buộc đối với các Kitô hữu khác, vì chúng vốn không phải là thành phần của tuyên xưng đức tin chung vào lúc phân rẽ (6).
Nói cho ngay, việc khẳng định nguyên tắc “phẩm trật các chân lý” tại Công Đồng Vatican II đã làm người ta không thể duy trì một số chủ trương trước đó một cách cứng đơ được (7). Dĩ nhiên, đức tin luôn là một bao lâu nó đáp ứng lại thẩm quyền của Thiên Chúa như Người đã tự mặc khải. Nhưng, có những chủ trương chủ yếu đến nỗi được gắn liền với chính tuyên tín, dù khi chuyển giao, chúng chịu nhiều ảnh hưởng của lịch sử và con người. Các chủ trương khác phải phụ thuộc các chủ trương này. Các phát biểu đức tin tạo nên một toàn bộ phức tạp trong đó quả có một phẩm trật và người ta có thể nhận ra trong đó nhiều khai triển thực sự.
Giáo Hội Công Giáo ngày nay không thể coi người Chính Thống và người Thệ Phản như những người Công Giáo chống lại việc công bố các tín điều này, nên cần phải đưa ra những lời cảnh cáo nghiêm khắc (8). Trái lại, đối với các anh chị em Kitô hữu này, giáo hội ấy nên vun xới cùng một thái độ khôn ngoan và bác ái mà suốt trong 19 thế kỷ qua họ vốn biểu lộ đối với các cuộc tranh biện thần học về chủ đề này. Điều vốn không phải là vấn đề đức tin mà chỉ là ý kiến thần học trong giáo hội suốt 19 thế kỷ qua không thể bị coi là nguyên nhân gây chia rẽ trong thế kỷ 20. Ta đừng quên rằng các bậc thầy vĩ đại về linh đạo như Thánh Bernađô và Thánh Tôma Aquinô vẫn giữ trọn được thế giá của các vị trong Giáo Hội Công Giáo và luôn được coi là các chứng tá của đức tin trọn vẹn ngay cả sau định nghĩa năm 1854, dù các vị lên tiếng chống đối Vô Nhiễm Thai. Và ta đừng quên rằng năm 1661, trong đoản sắc Sollicitudo, Đức Giáo Hoàng Alexăng VIII cấm các phe phái ủng hộ và chống đối Vô Nhiễm Thai không được tấn công và tuyệt thông lẫn nhau. Há thái độ đó không nên là thái độ của người Công Giáo ngày nay đối với người Chính Thống và Thệ Phản hay sao? Nếu sự hiệp thông trọn vẹn được tái lập giữa các giáo hội, thì ta cần một cuộc đối thoại mới về chủ đề này.
Theo Nhóm Dombes, điều khôn ngoan nhất là nhất trí với nhau rằng: “Giáo Hội Công Giáo sẽ không đòi phải chấp nhận hai tín điều này làm điều kiện cho việc hiệp thông trọn vẹn giữa các giáo hội. Giáo hội này chỉ nên yêu cầu các đối tác mình muốn tái lập sự hiệp thông tôn trọng nội dung của các tín điều này và đừng phê phán chúng là trái với Tin Mừng hay trái với đức tin, trái lại phải coi chúng như các kết luận tự do và chính đáng phát sinh từ suy tư có ý thức của Công Giáo về đức tin và sự gắn bó nội tại của đức tin này”.
Một điển hình gần đây về các tuyên tín Kitô học, được Đức Giáo Hoàng và các thượng phụ của các giáo hội cổ xưa vốn từ lâu được gọi dưới tên “không phải là Canxêđoan” ký nhận, cho thấy: các phát biểu có thẩm quyền nhất do các công đồng đề xướng có thể phát sinh ra sự nhất trí chân thực về đức tin miễn là người ta chịu đi quá bên kia ngôn ngữ lỗi thời vốn là chủ đề của nhiều tranh cãi vô bổ (9). Một lần nữa, vì mục tiêu phục hồi sự hợp nhất, ta nên có khả năng thực hiện được cùng một việc ấy với các quyết định của đức giáo hoàng về Vô Nhiễm Thai và Mông Triệu.
Để chuẩn bị cho một hòa giải như thế, há Giáo Hội Công Giáo lại không nên chú ý tới các dè dặt của các giáo hội và các tín phái Kitô Giáo khác và cố gắng đưa ra một nền giáo lý biết chú trọng hơn tới các chứng tá của Thánh Kinh hay sao? Phải sử dụng nền giáo lý này như một huấn giáo về đức tin đối với lòng sùng kính bình dân (10).
b. Sự đồng trinh trọn đời của Đức Maria
Liệu ta có thể nại cùng một nguyên tắc “phẩm trật các chân lý” cho sự đồng trinh trọn đời của Đức Maria không? Có thể lắm, chỉ cần ta xem sét sự đồng trinh này trong tương quan của nó với “nền tảng đức tin Kitô Giáo” và với một sự chứng thực rõ ràng và chắc chắn nơi Thánh Kinh. Đức tin của các anh chị em Thệ Phản vào thần tính của Chúa Giêsu Kitô “Đấng được tượng thai bởi Chúa Thánh Thần và được Đức Nữ Trinh Maria sinh ra” luôn là điểm cốt chính. Tuy thế, ở đây ta đang sử lý với niềm xác tín của giáo hội sơ khai, một xác tín vốn được phát biểu trong mọi nền phụng vụ của giáo hội này; tất cả các nền phụng vụ ấy đều dành cho Đức Maria tước hiệu “đồng trinh mãi mãi”, một tước hiệu được nhất tề chấp nhận bởi mọi giáo hội địa phương trước khi có cuộc ly khai trong thế kỷ 16, và chính các nhà Cải Cách nguyên thủy cũng chấp nhận (11). Truyền thống này, vì thế, ngăn ta không được đơn giản áp dụng cùng các nguyên tắc như đã được dùng để giải quyết hai tín điều Công Giáo mới đây.
Thành thử câu hỏi nêu ra là: nên hay không nên để sự kiện nhiều người Thệ Phản không chấp nhận sự đồng trinh trọn đời của Đức Maria tiếp tục là trở ngại để ta không trở thành chi thể của cùng một giáo hội rửa tội và thánh thể hay không. Dù Nhóm Dombes rất muốn nói không, nhưng họ cho rằng cần phải có một cuộc đối thoại liên phái sâu sắc và toàn diện hơn về chủ đề này.
3. Cuộc hồi tâm về lòng sùng kính thánh mẫu
Trong phạm vi này, người Công Giáo khó hồi tâm là do sự kiện này: giáo huấn chính thức đáng lý ra nên tránh các thái quá của lòng sùng kính thánh mẫu, nhưng thực tế, họ đã không làm như thế. Công Đồng Vatican II trình bày lòng sùng kính này như là hoa trái của đức tin, chứ không ngược lại: “Các tín hữu hãy nhớ rằng… lòng sùng kính đích thực không hệ ở cảm tình vô bổ và mau qua, cũng không hệ ở một tâm tính dễ tin phù phiếm, mà phát xuất từ đức tin chân thực, qua đó, ta được hướng dẫn tới chỗ biết nhìn nhận sự trổi vượt của Mẹ Thiên Chúa, và được đánh động hướng tới một tình yêu con thảo với mẹ chúng ta và bắt chước các nhân đức của ngài” (Lumen Gentium 67).
a. Các hướng dẫn cần được tiếp nhận
Ít năm sau Công Đồng, trong một tông huấn, Đức Phaolô VI quyết định suy tư sâu xa hơn về vị trí của Đức Maria trong lòng sùng kính công cộng của giáo hội và trong lòng sùng kính tư riêng của các tín hữu (12). Trong bối cảnh vạch ra một đường hướng hồi tâm cho người Công Giáo này, ngài thúc giục họ hãy biện phân hơn nữa trong việc thực hành lòng sùng kính thánh mẫu.
Yếu tố Kitô học trong lòng sùng kính thánh mẫu phải giữ vị trí trước nhất: “Chỉ có … một Đấng Trung Gian giữa Thiên Chúa và nhân loại, là Chúa Giêsu Kitô, Đấng làm người” (1Tm 2:5). “Nơi Trinh Nữ Maria, mọi sự đều liên quan với Chúa Giêsu và tùy thuộc Người” (số 24). Mối tương quan của Đức Maria với ngôi vị và công việc của Chúa Thánh Thần làm nổi bật chiều kích giáo hội cần phải có trong lòng sùng kính Đức Maria, vì Đức Trinh Nữ là người đầu tiên được cứu chuộc, là Kitô hữu trước nhất. Mối liên kết của Đức Maria với Thiên Chúa Ba Ngôi là Cha, Con và Thánh Thần, và vị trí của ngài trong Giáo Hội, do đó, được đặt ngay bên trong nhiệm cục cứu chuộc.
Sau đây là 4 chiều kích cần phải có, theo Đức Phaolô VI, đối với lòng sùng kính Đức Maria:
- Chiều kích Thánh Kinh: Lòng sùng kính Đức Maria phải tập chú vào các chủ đề căn bản của sứ điệp Kitô Giáo;
- Chiều kích phụng vụ: Các thực hành sùng kính phải hoà hợp với phụng vụ trong khi không được lẫn lộn với nó;
- Chiều kích đại kết: Lòng sùng kính Mẹ Thiên Chúa phải có “khía cạnh đại kết… được tỏ rõ trong việc người Công Giáo mong muốn rằng tuy không hề sao lãng đặc tính chuyên biệt của lòng sùng kính này, nhưng cần phải thận trọng hết sức để tránh bất cứ thái quá nào khiến các anh em Kitô hữu khác hiểu sai về tín lý đích thực của Giáo Hội Công Giáo. Cũng thế, Giáo Hội mong ước rằng bất cứ sự biểu lộ lòng sùng kính nào đi ngược lại thực hành đúng đắn của Công Giáo cũng cần được loại bỏ” (Số 32);
- Chiều kích nhân học: Đức Maria là mẫu mực không chỉ trong cách sống mà ngày nay đã lỗi thời của ngài, nhưng còn trong đức tin can trường của ngài và trong đức mến hết sức tích cực của ngài: “Đức Maria thành Nadarét, tuy hoàn toàn tuân phục thánh ý Thiên Chúa, nhưng không hề là một người đàn bà tùng phục một cách nhát đảm hay có lòng đạo đức khiến người khác khó chịu; ngược lại, ngài là người đàn bà không do dự tuyên xưng rằng Thiên Chúa xác minh cho người khiêm nhường và bị áp bức, và loại bỏ người quyền thế khỏi các địa vị ưu tuyển của họ (xem Lc 1:51-53)” (số 37).
b. Lời cầu nguyện
Việc đọc kinh Truyền Tin và mân côi nên tuân theo các qui định sau đây:
Kinh Truyền Tin (13) có giá trị ở kết cấu đơn giản, tính chất Thánh Kinh, nguồn gốc lịch sử vốn liên kết với lời kêu gọi duy trì hòa bình của nó, nhịp điệu gần như phụng vụ của nó, và tính cởi mở của nó giúp ta bước vào mầu nhiệm vượt qua.
Kinh mân côi hay chuỗi mân côi là hình thức ca ngợi và kêu cầu theo lối lặp đi lặp lại (litanic) tập chú vào việc nhập thể đầy tính cứu chuộc của Chúa Kitô. Đây là cách suy niệm cuộc đời Chúa Cứu Thế (14). Trước đây, có 150 kinh Kính Mừng, giống như con số 150 Thánh Vịnh vậy. Nhưng con số ấy đã được tăng lên 200 từ đời Đức Gioan Phaolô II. Kinh này có nguồn gốc từ phụng vụ, nên cần trở về với nguồn gốc ấy. Tuy nhiên, có một “khác biệt về bản thể” (số 48) giữa phụng vụ và việc đọc kinh mân côi.
c. Các cuộc hiện ra
Ta phải nói gì về các cuộc Đức Maria hiện ra, như tại Lộ Đức và Fatima? Điều đáng lưu ý là tông huấn của Đức Phaolô VI không hề nói một lời nào về các cuộc hiện ra này. Các nhà tâm lý vốn mô tả chúng như các cảm nghiệm cá thể, không bệnh lý, được con mắt đức tin giải thích như các cảm nghiệm về một sự hiện diện. Giáo Hội Công Giáo coi chúng như “các mạc khải tư” (15), không thể so sánh với mạc khải trong Thánh Kinh. Chúng không phải là thành phần của đức tin; nghĩa là, mỗi người Công Giáo được tự do thẩm định chúng cho riêng mình.
Thái độ chính thức của Giáo Hội Công Giáo đối với chúng là thái độ hết sức thận trọng. Thánh Gioan Thánh Giá yêu cầu ta “chống lại” các mặc khải đặc biệt, coi chúng như những cám dỗ nguy hiểm (16). Trong thế kỷ 18, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XIV đã ấn định một đường hướng hành động mà các vị kế nhiệm ngài chưa hề đi trệch ra ngoài: “Việc Giáo Hội chuẩn nhận một cuộc mạc khải đặc biệt, sau khi điều tra kỹ lưỡng, chỉ có nghĩa là cho phép công bố cuộc mạc khải này để giáo huấn và xây dựng tín hữu. Người ta có quyền không đồng thuận với… cuộc mặc khải ấy, dù nó được Giáo Hội chuẩn nhận… miễn là họ làm thế vì những lý do tốt, không có bất cứ tinh thần khinh mạn nào” (17).
Huấn quyền giáo hội chỉ chuẩn nhận rất ít việc thờ phượng tại các nơi hiện ra ấy, sau một thời gian dài điều tra về tính trong sáng của các hiện tượng này. Giáo Hội đưa ra hai tiêu chuẩn để biện phân chúng: sứ điệp của chúng phải phù hợp với sứ điệp của Thánh Kinh và với đức tin của Giáo Hội; trong các dịp hành hương tại đó, phải có các hoa trái thiêng liêng giúp người ta hồi tâm.
Mục đích của các cuộc hiện ra không phải là đặt cơ sở cho đức tin mà chỉ để phục vụ đức tin. Chúng không thêm được gì cho mạc khải duy nhất, nhưng có thể là một nhắc nhớ khiêm nhường đối với mạc khải duy nhất này. Chúng là những dấu chỉ khả giác trong đó, Thiên Chúa tự tỏ mình ra tùy theo khả năng những người tiếp nhận các dấu chỉ này. Có thể ví chúng như một thứ ảnh tượng mà theo thần học Phương Đông, chính là việc “đối tượng hóa thực sự, do Chúa Thánh Thần linh hứng… phát sinh ra và chính là phương tiện của một hiện diện” (18). Chúng thuộc lãnh vực đặc sủng, nghĩa là, các ơn lành Chúa ban cho một chi thể của nhiệm thể để mưu ích cho toàn thể nhiệm thể. Giống mọi đặc sủng khác, ta không nên tìm kiếm chúng, nhưng tiếp nhận chúng với lòng cảm tạ, biện phân và khôn ngoan.
Tuy nhiên, lòng sùng kính bộc phát của tín hữu thường hay đi quá sự khôn ngoan nói trên và đôi khi dẫn tới những tò mò không lành mạnh liên quan tới các địa điểm hiện ra mới đây nhất và nhiều biểu hiện khác thường xẩy ra tại các nơi ấy; như thể đức tin của họ cần một củng cố không thể không có. Cần phải đưa ra một diễn trình huấn giáo có tính mục vụ, như một vài địa điểm hành hương vốn đã áp dụng. Mục đích việc huấn giáo này là hướng dẫn người hành hương hướng tới một sự hồi tâm chân chính, giúp họ từ bỏ thái độ dễ tin để thành thực tin vào sứ điệp của Chúa Kitô.
d. Giảng thuyết và dạy giáo lý
Nhìn nhận các thái quá và lệch lạc của thời quá khứ gần đây chưa đủ. Ta cũng cần loại bỏ các lạm dụng về ngôn ngữ trong các trình bày thần học và mục vụ nữa. Thí dụ, trong các thánh ca về Đức Maria, điều đáng ước mong là các công thức “thổi phồng” (19) dùng để gán cho ngài điều thực sự chỉ thuộc thẩm quyền Thiên Chúa, như tha thứ chẳng hạn, nên được sửa lại. Há việc tạc tượng lại không nên được hạn chế ở chỗ chỉ mô tả Đức Trinh Nữ cùng với Con của ngài hay sao? Một số thực hành của địa phương cần được nghiêm chỉnh phê phán, thậm chí loại bỏ hẳn.
Việc giảng thuyết cũng thế, có nhiều điều khẩn trương không nên coi nhẹ. Việc này không nên tìm cách cường điệu hóa lòng sùng kính Đức Maria. Lòng sùng kính này phải luôn trung thành với nguyên tắc sau đây của Thánh Irênê: một cái hiểu thích đáng về Chúa Kitô nhất thiết sẽ đem Đức Maria vào bức chân dung. Nếu sự hồi tưởng (evocation) có trở thành sự kêu cầu (invocation), như trên thực tế đã xẩy ra, thì sự kêu cầu này không bao giờ được đi ra ngoài qui luật của đức tin (regula fidei). Như chỉ có một đức tin khiến cho việc rửa tội trở thành cần thiết thế nào, thì cũng chỉ có một Chúa mới đòi có thái độ sùng kính đối với mẹ của Người như thế.
Ghi chú
(1) Mary in the Churches, H. Kung và J. Moltmann chủ biên (Concilium 168; New York, 1983) xii.
(2) Encyclopédie du protestantisme (Paris: Cerf et Genève: Labor et Fides, 1995) 950.
(3) Xem Tuyên Ngôn Đại Kết Malta trong Unité des chrétiens, số 69 (Tháng 1, 1988) 18.
(4) Xem tài liệu đã tích dẫn nhiều lần: The One Mediator, and the Saints, and Mary. Lutherans and Catholics in Dialogue VIII.
(5) Nghĩa là, không thể chủ trương có một sự “thông truyền bản vị” (hypostatic communication) của Chúa Thánh Thần cho Đức Maria như L. Boff từng chủ trương trong cuốn Trinité et société (Paris: Cerf, 1990) 247.
(6) Đức Bênêđíctô XVI, lúc còn là Hồng Y Ratzinger nhiều lần áp dụng chính nguyên tắc này vào cuộc đối thoại với Phương Đông về quyền tối thượng của đức giáo hoàng: “Khi nói tới học thuyết tối thượng, Rôma không cần phải hỏi Phương Đông ngoài những điều đã được công bố và thực hành trong thiên niên kỷ thứ nhất” (Les principes de la théologie catholique[Paris: Téqui, 1985] 222). Ngài cho biết tiếp: do đó, một đồng thuận có thể đạt tới, trên căn bản hỗ tương nhìn nhận quan điểm liên hệ của nhau là “chính đáng và chính thống”
(7) Thí dụ, há đoạn sau đây của thông điệp Mortalium animos công bố năm 1928 không đúng hay sao? “Trong các vấn đề thuộc đức tin, người ta không được phép phân biệt một bên là các điều căn bản và bên kia là những điều được mệnh danh là không căn bản, như thể những điều đầu phải được mọi người tin, còn những điều sau thì tín hữu có tin hay không là tùy ở họ… Bởi thế, tất cả những ai thực sự thuộc về Chúa Kitô đều tin tín điều Vô Nhiễm Thai bằng cùng một đức tin như họ tin mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi” (Bản tiếng Anh của R.A. McGowan trong Sixteen Encyclicals of His Holiness Pius XI (1926-37) (Washington, D.C.: National Catholic Welfare Conference, không niên hiệu) 13.
(8) Xem tuyên bố của Đức GH Piô IX trong lời công bố tín điều Vô Nhiễm Thai năm 1854: “Bởi thế, nếu bất cứ ai dám nghĩ, xin Chúa đừng để họ nghĩ như thế, khác với điều được ta xác định, thì họ nên biết rõ rằng họ bị chính phán xét của họ lên án, họ đánh đắm đức tin của mình và tách mình ra khỏi sự hợp nhất của Giáo Hội” (DS 2804; ND 2804). Những tuyên bố như thế không thể ngỏ với các Kitô hữu Chính Thống hay Thệ Phản.
(9) Xem Nhóm Dombes, Pour la conversion des Églises (Paris: Centurion, 1991) số 59 và chu thích 1 (tr.41).
(10) Lòng sùng kính bình dân thường lẫn lộn việc tượng thai đồng trinh Chúa Giêsu và sự Vô Nhiễm Thai của Đức Maria.
(11) Xem Chương 1, phần về Cải Cách Thệ Phản Và Đức Maria (quan điểm Luther).
(12) Đức GH Phaolô VI, Tông Huấn Marialis Cultus về Lòng Sùng Kính Trinh Nữ Diễm Phúc Maria (2 tháng 2, 1974).
(13) Lời kinh như sau:
Đức Chúa Trời sai thánh thiên thần truyền tin cho Rất Thánh Đức Bà Maria.
Đáp: Và Rất Thánh Đức Bà chịu thai bởi phép Đức Chúa Thánh Thần.
Kính mừng Maria….
Này tôi là tôi tá Đức Chúa Trời.
Đáp: Tôi xin vâng như lời Thánh Thiên Thần truyền.
Kính mừng Maria…
Chốc ấy Ngôi Thứ Hai xuống thế làm người.
Đáp: Và ở cùng chúng con.
Kính mừng Maria…
Lạy Rất Thánh Đức Mẹ Chúa Trời, xin cầu cho chúng con.
Đáp: Đáng chịu lấy những sự Chúa Giêsu đã hứa.
Lời nguyện: Lạy Chúa chúng con, xin Chúa ban ơn xuống trong linh hồn chúng con, là kẻ đã nhờ lời Thánh Thiên Thần truyền, mà biết thật Chúa Kitô đã xuống thế làm người, thì xin vì công ơn Chúa chịu nạn chịu chết trên cây Thánh Giá, cho chúng con ngày sau khi sống lại được đến nơi vinh hiển, cũng vì công nghiệp Chúa Kitô là Chúa chúng con.
Đáp: Amen.
(14) Kinh Mân Côi gồm 5 chục kinh, mỗi chục gồm 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh. Vừa đọc mỗi chục, người ta vừa suy niệm một trong các mầu nhiệm của Chúa Kitô. Các mầu nhiệm này được gom thành 4 loại: các mầu nhiệm vui (truyền tin, thăm viếng, sinh nhật, dâng Con vào Đền Thờ, tìm thấy Chúa Giêsu trong đền thờ); các mầu nhiệm sáng (chịu phép rửa, phép lạ Cana, công bố Nước Trời, biến hình, lập Thánh Thể); các mầu nhiệm buồn (thương) (hấp hối, bị đánh, đội mão gai, vác thập giá, chịu đóng đinh); các mầu nhiệm vui (sống lại, lên trời, Chúa Thánh Thần hiện xuông, Đức Maria lên trời, Đức Maria được thưởng)
(15) Xem Vatican II, Dei Verbum 4.
(16) Thánh Gioan Thánh Giá, Ascent of Mount Carmel II, 20: “Sau khi đã ban cho ta Con của Người, vốn là Lời của Người, Người không còn lời nào khác để ban cho ta nữa. Người đã nói hết mọi sự, một lần cho tất cả, trong chính một Lời này; như thế, Người đâu còn gì để nói với ta nữa… Điều chỉ nói một phần với các tiên tri, Người đã nói trọn vẹn trong Con của Người bằng cách ban cho ta trọn Con của Người. Đó chính là lý do tại sao lúc này đây, bất cứ ai muốn chất vấn Người hay muốn có một thị kiến hay mạc khải không những điên rồ mà còn xúc phạm đến Chúa nữa vì đã không chịu chăm nhìn vào một mình Chúa Kitô mà thôi, không cần tìm điều gì khác hay điều gì mới lạ ở nơi khác nữa” (trích trong Phụng Vụ Các Giờ Kinh, vol.I, tr.212).
(17) Đức GH Bênêđíctô XIV, De servorum Dei beatificatione II, 32, 11.
(18) B. Bobrinskoy, trong tuyền tập Vraies et fausses apparitions dans l’Église (Paris: Lethielleux-Bellarmin, 1976) 109.
(19) Há Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu đã chẳng phản đối rằng: “Ta không được nói (về Đức Maria) những điều không chắc có thật (improbable) hoặc ta không biết… Một bài giảng muốn làm tôi vui và sinh ích cho tôi, thì phải cho tôi thấy đời sống đích thực của ngài, chứ không phải một đời sống giả tưởng; và tôi chắc chắn rằng đời sống đích thực của ngài hết sứ đơn giản. Các vị giảng thuyết trình bày ngài như đấng chót vót không ai tới gần được; các vị ấy nên nói về ngài như người dễ bắt chước, làm nổi bật các nhân đức của ngài, cho ta hay ngài sống bằng đức tin như chính chúng ta, và chứng minh điều đó bằng tin mừng, trong đó, ta đọc thấy ‘các ngài không hiểu điều Người nói với các ngài’… Ta thực sự biết rằng Trinh Nữ rất thánh là Nữ Vương trời và đất, nhưng ngài là mẹ hơn là nữ vương, và ta không nên nói rằng vì các đặc ân của mình, ngài che mất hết vinh quang của các thánh, như thể mặt trời mọc làm các ngôi sao phải biến đi. Lạy Chúa quí yêu! Con quả nói điều kỳ dị thay!” (J’entre dans la vie. Derniers entretiens [Paris: Cerf/Desclée De Brouwer, 1973) 140-41.