"Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy,
Ta có thêm ngày mới để yêu thương!"
Phú Bình, Thái Nguyên - Có ai đó đã từng nói: "Hạnh phúc đôi khi không phải chỉ là những gì ta nhận được mà còn là những gì ta cho đi." Đúng vậy, nếu cuộc sống chỉ là những gì thu gọn cho riêng mình thì đó đâu còn là cuộc sống nữa đâu. Chuyến đi đến trại phong Phú Bình thuộc tỉnh Thái Nguyên vừa rồi đã giúp chúng tôi có thêm nhiều cảm nhận sâu sắc và những khám phá được một phần nào đó trong bức tranh mang tên CUỘC SỐNG!
Giữa chốn rừng núi Thái Nguyên có Trại Phong Phú Bình (thuộc xã Kim Tân, huyện Phú Bình). Thông thường các Trại Phong tại Việt Nam đều được xây dựng nằm trong vùng rất xâu xa, vì thế muốn vào Trại phong Phú Bình phải rẽ từ đường quốc lộ đi vào những con đường đất nhỏ khó đi, quanh co, khúc khuỷu, phải lâu lắm chiếc xe buýt của đoàn chúng tôi mới tới được cổng trại.
Trại Phong Phú Bình hiện tại có 103 bệnh nhân. Bệnh phong - còn gọi là bệnh hủi hay cùi, do vi khuẩn Hansen gây ra. Hậu quả của chứng bệnh này thường làm cho tứ chi mất dần cảm giác vì dây thần kinh bị nhiễm trùng. Sau đó các bắp thịt teo đi, gân cốt co lại thường làm cho hai bàn tay co quắp. Ở mức độ bệnh trạng phát triển nặng thì các ngón tay ngón chân cứ rụng dần đi. Nói chung bệnh tật này dày vò các bệnh nhân từng ngày, từng giờ và phải cách ly ra khỏi cuộc sống xã hội thường ngày. Tại vùng núi Thái Nguyên này dường như những người bệnh nhân như họ ít được người đời nhắc đến.
Xem hình thăm trại phong Phú Bình
Chuyến xe buýt 50 chỗ của chúng tôi bắt đầu chuyển bánh từ Hàng Bột, Hà Nội vào lúc 5h sáng, đoàn chúng tôi gồm 50 người ra đi mang theo bên mình là nước mắm và mì tôm là những quà tặng ủy lạo của Cộng Đoàn Bắc Đức do cha Paul Phạm Văn Tuấn chăm sóc và từ giáo xứ Khiết Tâm Mẹ tại Lincoln (USA) do cha Hilariô Nguyễn Hải Khánh làm chính xứ, cũng như một số bạn Thiện Nguyện ở Hà Nội qua anh Xuân Hòa, là người đại diện thường xuyên tổ chức cho các chuyến đi ủy lạo trong Mùa Chay 2012 này. Được biết cha Paul Tuấn ở bên Đức- người luôn thao thức cho những cuộc đời bất hạnh của bệnh nhân phong và giáo dân trong vùng Bắc Đức thường xuyên quyên góp đã gần 20 năm nay. Lúc còn đang di chuyển trên xe buýt cha Tuấn cũng đã gọi điện thoại trực tiếp từ bên Đức hỏi thăm và động viên đoàn chúng tôi. Vài năm nay Nhà Dòng Thánh Phaolô Hà Nội chúng tôi cộng tác ra công giúp vào công cuộc ủy lạo này. Các Sơ và hơn 100 em Đệ Tử luân phiên thay nhau để đi đến với người bệnh phong. Ai cũng háo hức chờ đến lân mình được đi. Cách đây 2 tuần Nhà Dòng chúng tôi đã làm theo cách thức này đi đến thăm các Bệnh Nhân Phong ở Văn Môn, Thái Bình.
Lần thứ hai đặt chân đến mảnh đất này nên tôi cũng không còn lạ lẫm gì. Chúng tôi chia nhau ra 2-3 người vào một căn phòng nhỏ, mỗi phòng đó có 1-2 người. Mọi người ở đây hầu hết là những người già, không có gia đình, người nào có thì lâu dần cũng không được gia đình quan tâm đến. Căn bệnh quái ác này đã gây nên những vết thương trên thân thể lẫn tinh thần của họ. Những bàn tay, bàn chân không còn nguyên vẹn hay có người còn bị cụt đến cả 2 bàn chân. Hình ảnh bà cụ loay hoay dùn hai khuỷu tay kẹp chiếc thìa xúc cơm, một cụ ông cất bước những bước chậm chạp với đôi chân giả mà ông gọi đùa với chúng tôi rằng đó là "con ngựa sắt" thực dụng của ông. Tim tôi như thắt lại! So với bản thân tôi, chỉ đơn giản là việc ăn ở, sinh hoạt, đi lại thôi đã là khó biết bao trong cuộc sống thường ngày.
Chúng tôi hiểu đây là lúc chúng tôi cần phải mở lòng ra nhiều nhất. Chúng tôi hỏi thăm họ với những gì gọi là chân tình, chúng tôi giúp họ giặt quần áo, khâu áo, quét nhà, đấm lưng cho họ, chúng tôi cố gắng làm tất cả những gì có thể để giúp họ vui và cảm nhận được rằng họ không bị lãng quên, không bị bỏ rơi. Có lẽ chính từ nỗi đau cùng khổ như thế mà nhưng người ở đây luôn thương yêu và đùm bọc lẫn nhau.
Qua công lao của anh Xuân Hòa đã liên lạc với Cha xứ ở đây để cố gắng tổ chức cho chúng tôi có được một thánh lễ trọn vẹn với Bệnh Nhân Phong ngay tại vùng núi Thái Nguyên. Trong tình yêu của Thiên Chúa, chúng tôi được gắn kết với nhau trong sợi dây liên đới và cùng cầu nguyện cho nhau thật nhiều, nhiều bệnh nhân khác tôn giáo cũng đến tham dự thánh lễ với chúng tôi trong hội trường. Sau đó các Bệnh Nhân Phong hát tặng chúng tôi những bài hát, tuy rằng rất lủng củng, sai cả nhạc nhưng đã chứa đựng trong đó là tất cả niềm vui và sự biết ơn. Họ đưa những đôi bàn tay không còn lành lặn đón lấy những thùng mì tôm, những chai nước mắm với niềm vui, niềm phấn khởi hiện rõ trên từng khuôn mặt nhăn nheo, sạm đi theo năm tháng. Món quà cuối cùng mà chúng tôi mang đến cho họ đó là những tô cháo thịt bốc khói nghi ngút (một nhóm chúng tôi được chia ra làm việc hậu cần nấu nồi cháo này với các dụng cụ, gạo và thịt mang theo). Lòng tôi bỗng được hun nóng, ấm hẳn lên không phải vì những làn khói của nồi cháo mà đó chính là tình người, tình chia sẻ.
Riêng bản thân tôi tự hỏi rằng, động lực gì đã giúp anh Xuân Hòa, những ân nhân từ Đức, Hoa Kỳ để làm công việc bác ái giúp đỡ những bệnh nhân phong cùi, không chỉ một lần mà luôn liên tục trong nhiều năm như vậy? Những người như thế sẵn sàng bỏ thời gian, tiền của ra giúp đỡ bệnh nhân như vậy để rồi sẽ nhận lại được những gì cho chính mình? Hôm nay nhìn nụ cười rạng rỡ của anh Hòa, tôi biết rằng chỉ có anh mới là người biết rõ nhất. Liệu có khi nào chúng ta nghĩ rằng trong cuộc sống có nhiều người nghèo khổ, bất hạnh như vậy thì chắc hẳn sẽ được đền bù lại chút ít vì có nhiều người giàu lòng bác ái và tốt bụng sẵn sàng đến an ủi họ? Nếu được như vậy thì có lẽ bức tranh cuộc sống chúng ta sẽ luôn tràn ngập những màu sắc tươi thắm rực rỡ!
Bồ Câu Trắng Hàng Bột