Vâng phục để hoàn thiện

Năm nay, Đại Lễ Truyền Tin trùng với ngày Chúa Nhật thứ V Mùa Chay, và Hội Thánh long trọng mừng vào ngày thứ hai sau đó. Ngày Lễ áo trắng giữa mùa áo tím dường như có nhiều sự trùng hợp với Chúa Nhật này. Nếu đọc lại các bài đọc Chúa Nhật V Mùa Chay năm B, người ta nhận thấy những trùng hợp đặc biệt đó.

Khi suy ngắm Lễ Truyền Tin dưới khía cạnh đức vâng phục, người ta nhận thấy sự thành công của mầu nhiệm nhập thể gắn liền với tiếng Fiat, Xin Vâng, của Đức Trinh Nữ Maria. Lời Xin Vâng này đã làm cho ý định Cứu độ của Thiên Chúa qua mầu nhiệm Nhập Thể được thực hiện ngay tức khắc. Và từ ngày đó, lời Xin Vâng trở thành đối tượng của suy tư, nguồn hứng của nghệ thuật và định hướng cho muôn tâm hồn trên con đường đức tin.

Sự trùng hợp đặc biệt có thể nhìn thấy trước hết qua Bài đọc I của Chúa Nhật thứ V Mùa Chay, trích sách ngôn sứ Giêrêmia, nhắc lại việc tín trung trong giao ước, nghĩa là con người cần biết xin vâng: “Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng Lề Luật của Ta. Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, còn chúng sẽ là dân của Ta.” (Gr. 31, 33b)

Thư Do thái (Bài đọc II) nhấn mạnh sự vâng phục nơi Đức Kytô như mẫu gương cho toàn thể nhân loại: “Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục”.

Đức Maria vâng phục trong ngày Truyền Tin để làm gì vậy? Câu trả lời có sẵn: Để Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể, đi vào thế gian này, sống cuộc đời vâng phục như Mẹ của Người. Và mục đích của việc Đức Kytô vâng phục là “một khi được giương cao lên khỏi mặt đất”, Người sẽ kéo mọi người lên với Người (xem Ga. 12, 32).

Để cứu nhân loại khỏi kiếp nô lệ, Đấng Cứu thế lại không dạy họ cách tìm tự do, mà là dạy cách vâng phục trước. Lý do là vì con người quá kiêu căng muốn tự mình làm chủ, không biết vâng phục Đấng Tạo Thành, nên họ đã phải chịu sự suy sụp và mất mát.

Mùa Chay trong Hội Thánh Công Giáo kéo dài 40 ngày, để nhắc lại thời lữ hành 40 năm trong sa mạc của Dân thánh thời Cựu Ước và 40 ngày Chay tịnh trong sa mạc của Đức Giêsu Kytô. Con số 40 cũng là số ngày của lụt Đại Hồng thuỷ, là thời gian Môisê ở lại với Thiên Chúa trên núi Sinai, và đồng thời là số ngày mà dân thành Ninivê được ngôn sứ Giôna cho phép để thống hối. Chưa hết, tiên tri Êlia cũng phải đi trong sa mạc 40 đêm ngày trước khi đến núi Horeb.

Con số 40 trong Kinh Thánh như vậy rõ ràng là thời gian thuận lợi để đón nhận ơn Chúa, để con người thống hối và được nghe Lời Đức Kytô rao giảng. Và muốn đón nhận ơn Chúa, muốn nghe và hiểu Lời Chúa rao giảng, thì trước hết phải học vâng phục như Chúa Giêsu và Đức Maria Mẹ của Người.

Trong một xã hội mà mọi thứ dường như tan hoang vì con người tự phụ kiêu căng và luôn tìm cách loại trừ Đấng Tạo Hoá, đức vâng phục trở thành chiếc phao để con người ngoi lên mà tìm đến với Thiên Chúa.

Khi tôi hỏi học trò của mình: “Em tin vào ai?” thì nhiều người trả lời: “Em tin vào chính bản thân em, khả năng của em và sự cố gắng của em”. Có người còn bảo là tin vào ông nọ ông kia... Tự tin quả là đức tính đáng quí, nhưng khi sự tự tin biến thành tự phụ, coi mình là trung tâm, hay chọn ai đó làm trung tâm cuộc đời mình, gạt bỏ vai trò của Đấng Tạo Thành, thì niềm tin ấy sẽ dẫn con người đến chỗ sai lạc và thất vọng.

Xã hội duy vật dạy con người đặt niềm tin vào nơi không có gì bảo đảm. Và khi con người tin vào ai và cái gì, thì họ hành xử theo sự sai bảo của người ấy và điều ấy. Hoàn toàn tin vào chính mình và tin vào xã hội nhiều bất toàn, con người lấy gì bảo đảm mình sẽ hành xử đúng đắn và hiệu quả? Và điều quan trọng nhất: cuối cùng ai sẽ cứu họ, khi mà những người và những điều họ tin vào cũng sẽ qua đi?

Sống Mùa Chay không chỉ là hãm mình, ăn chay để kiềm hãm thân xác. Sống Mùa Chay còn một ý nghĩa sâu xa là chọn Đức Kytô làm chủ cuộc đời mình, đặt cuộc đời mình quy phục Người và cùng với Người vâng phục Thiên Chúa Cha như Người và Mẹ Thánh của Người.

Ai không vâng phục Thiên Chúa là chống đối Thiên Chúa, là loại trừ Thiên Chúa. Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong lần đầu tiên về quê hương Ba Lan của Ngài, Ngài nhắn nhủ: “Không thể loại Đức Kitô ra khỏi lịch sử nhân loại ở bất cứ nơi nào trên thế giới này… Loại trừ Đức Giêsu khỏi lịch sử nhân loại là một tội ác chống lại loài người”.

Ước chi không những con người không loại trừ Thiên Chúa, mà cùng nhau vâng phục Ngài. Mà để vâng phục Thiên Chúa, việc đầu tiên là cần tập sống đức tin một cách sâu sắc và cụ thể, như trong sách Đời Sống và Nội Qui của Dòng Thánh Phaolô thành Chartres viết: “Đức Vâng phục đâm rễ sâu trong Đức Tin. Được Thánh Linh soi sáng trong tâm hồn, người tín hữu biết khám phá ra ý Thiên Chúa qua mọi biến cố và nơi mọi người” (số 28).

Gioan Lê Quang Vinh