LỄ CHÚA GIÁNG SINH B
+++
A. DẪN NHẬP

EMMANUEL hay NOEL có nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Hôm nay cả thế giới hân hoan mừng lễ Noel, là kỷ niệm ngày Thiên Chúa xuống thế làm người, là việc kỷ niệm Thiên Chúa hạ cố làm người để nâng con người lên làm Thiên Chúa. Hôm nay trời đất gặp nhau, hôn nhau âu yếm, tạo nên một chữ đồng. Chúa giáng trần để cứu rỗi loài người, đem con người trở lại làm con Thiên Chúa và ban cho con người tràn trề hy vọng trong cuộc sống mai hậu. Ta hãy hợp cùng Giáo hội long trọng mừng lễ đêm nay để cảm tạ Chúa về hồng ân Giáng sinh này, và xin Chúa ban cho mọi người được sự bình an hồn xác như các thiên thần ca hát :

Thượng vinh ư Thiên Chúa
Hạ hòa ư thiện nhân.
Vinh danh Thiên Chúa trên trời
Bình an dưới thế cho người thiện tâm.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1 : Is 9,1-6

Vì bất trung với Giao ước, dân Israel đã kéo cơn thịnh nộ của Chúa xuống trên mình : quân đội Assyria đã xâm chiếm vương quốc Israel và bắt một phần dân xứ đó đi lưu đầy ở Babylon. Họ trở thành “dân tộc bước đi trong u tối”, bị quân thù áp bức đủ bề.

Nhưng tiên tri Isaia đã tiên báo là họ sẽ được giải thoát :”Dân tộc bước đi trong u tối sẽ được thấy ánh sáng chứa chan”. Đó là một hài nhi sẽ sinh ra cho họ. Trước mắt, hài nhi này thời đó, là vua Ezechias, nhưng thực ra vua Ezechias không thực hiện được tất cả nội dung của lời tiên tri này. Nội dung đầy đủ của lời tiên tri này sẽ chỉ được thực hiện nơi Đức Giêsu Kitô mà thôi. Đây là Tin mừng mà tiên tri Isaia loan báo cho dân Israel khi họ còn sống trong “miền âm u của sự chết”.

+ Bài đọc 2 : Tt 2,11-14

Thánh Phaolô viết thư này cho ông Titô có lẽ vào khoảng năm 65 trước khi thánh nhân chịu tử đạo tại Rôma. Ngài nhấn mạnh về tính chất nhưng không của ân sủng mà Thiên Chúa ban cho ta qua Đức Giêsu Kitô. Kitô hữu hãy hướng lòng tới cuộc xuất hiện vinh quang của Đức Giêsu Kitô sau này. Niềm hy vọng vào ơn cứu độ của chúng ta không dựa trên những công việc tốt lành mà chúng ta thực hiện được, nhưng dựa vào lòng nhân từ thương xót của Thiên Chúa.

Trong lúc chờ đợi, Kitô hữu phải cố gắng từ bỏ sự gian tà và những dục vọng trần tục, để sống tiết độ, công minh và đạo đức.

3. Bài Tin mừng : Lc 2, 1-14

Thánh Luca thuật lại cho chúng ta bối cảnh ngày Chúa Giáng sinh. Bối cảnh này có thể chia thành hai phần đối chọi nhau :
* Phần đen tối : Lúc đó người Rôma đặt ách cai trị trên dân tộc Israel, dân chúng phải sống trong cảnh áp bức, đời sống tinh thần và vật chất gặp nhiều khó khăn, phải tuân hành mệnh lệnh của nhà cầm quyền đô hộ... Gia đình Thánh gia cũng là một gia đình nghèo nàn như nhiều gia đình khác, không tìm được chỗ trọ trong hàng quán nên phải sinh Đức Giêsu nơi hang đá Be lem, nằm trong máng cỏ.

* Phần sáng chói : Chính trong sự đơn sơ khó nghèo này mà quyền năng và nhất là lòng nhân từ của Thiên Chúa được tỏ rạng. Hài sinh mới sinh này là Con Thiên Chúa. Do đó, quang cảnh ngày Giáng sinh rất rực rỡ : đoàn thiên sứ báo tin vui, ánh hào quang của Thiên Chúa chiếu tỏa, tiếng ca hát của muôn thiên thần vang lên trên không trung :
Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời
Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương.

Việc Đức Giêsu sinh ra đã làm đảo lộn cục diện thế giới : đen tối trở thành ánh sáng, tội lỗi sẽ được thay thế bằng ân sủng, buồn sầu sẽ trở thành mừng vui vì Đấng Cứu thể đã sinh ra.

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA

Thiên Chúa ở cùng chúng ta

I. CHÚNG TA MỪNG LỄ GIÁNG SINH

1. Ý nghĩa ngày lễ Giáng sinh

Hôm nay khắp nơi trên thế giới hoan hỉ mừng lễ Chúa Giáng sinh, đó là ngày lễ quốc tế chứ không phải của một dân tộc nào ; đối với Kitô hữu , hôm nay được gọi là lễ Chúa Giáng sinh. Nhiều người không muốn dùng từ lễ Giáng sinh mà chỉ dùng chữ Noel trên các tấm thiệp cũng như trong các đèn ông sao và nơi hang đá.

Tại sao gọi là Noel ? Chính ra phải gọi là lễ Nuel mới đúng, vì từ Nuel được rút ra từ chữ Emmanuel, có nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta. Sau này người ta đổi chữ Nuel thành Noel. Như vậy mừng lễ Noel là mừng ngày Thiên Chúa giáng trần và ở cùng chúng ta.

Ngược dòng lịch sử : khi Adong và Evà phạm tội bất trung, Thiên Chúa đã ra án phạt cho ông bà, nhưng đồng thời cũng hứa ban Đấng Cứu Thế đến cứu chuộc nhân loại bằng cách cho Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người và ở cùng chúng ta , và sẽ dùng cái chết của mình trên thập giá để xóa bỏ tội lỗi cho con người. Khi thời gian tới hồi viên mãn, Ngôi Hai Thiên Chúa đầu thai trong lòng Trinh Nữ Maria và đã được sinh ra tại hang đá Belem trong một đêm đông lạnh lẽo.

Hôm nay khắp thế giới kỷ niệm ngày Thiên Chúa giáng trần để ở cùng loài người. Loài người chúng ta hân hạnh quá vì được đồng hành với Thiên Chúa. Thiên Chúa đã hoá thân làm người như chúng ta, nhận lấy kiếp sống phàm trần như ta để chia sẻ buồn vui với loài người và nâng cao thân phận con người lên để xứng đáng làm con Thiên Chúa.

2. Mừng ngày Thiên Chúa ở cùng chúng ta

Hôm nay Con trẻ Giêsu được sinh ra tại hang đá Belem, mọi người đều hướng về Ngài. Vậy Ngài là ai mà quan trọng thế ? Ngài vừa là Con Thiên Chúa vừa là con của loài người. Ngài đến nối kết trời và đất, Ngài là Đấng Trung hòa. Trong Ngài trời và đất không còn xa nhau, không còn khoảng cách. Tất cả đều nên một cho nên phải nói :Ngài thực sự là Đấng “Chí Trung Hoà”, là Đấng “Thái Hoà” thực hiện đúng lý tưởng của văn hóa Đông phương hằng mong ước.

Ngài là Con Thiên Chúa , cho nên Ngài nên một với Thiên Chúa. Ngài là con người nên hoà đồng với con người, nhận lấy thân phận khốn khổ của loài người. Chính thánh Phaolô đã giải thích mầu nhiệm này :”Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất thiết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ trở nên giống phàm nhân, sống như người trần gian. Người lại còn hạ mình vâng lời bằng lòng chịu chết trên cây thập tự” (Pl 2,1-8).

Người đồng hóa như vậy đó :”Cho loài người tham dự với Người vào các mầu nhiệm Thiên Chúa. Biến đổi loài người nên giống hình ảnh Thiên Chúa. Cầu bầu cho nhân loại, và cứu rỗi họ bằng sự chết của mình” (Thân văn Tường, Kitô học, tr 136).

Theo Đông phương, Đức Giêsu Kitô là Đấng “Chí Trung Hoà”. Chữ Trung O gồm nét sổ thẳng chính giữa tâm hình tròn. Hình tròn biểu tượng thái cực là Trời, là Thiên Chúa. Hình tròn viết thành chữ thì biến thành hình vuông . Vuông chỉ đất là người. Nét sổ thẳng chính trung tâm vuông tròn không xê dịch, sai lệch một chút nào, đó là Chí Trung, dấu chỉ Đức Giêsu là trung tâm trời đất. Còn Chí Hoà, chữ Hoà gồm chữ hoà là lúa và chữ khẩu là miệng : *P* cơm bánh là thực phẩm hợp khẩu vị nhất, là đồ ăn hoà đến cùng cực để trở nên sự sống của loài người. Đức Kitô đã biến bánh miến và rượu nho trở nên Thịt Máu mình để trở nên của ăn của uống ban cho chúng ta sự sống muôn đời. Một sự hoà đồng cùng cực :Chí Hoà”. Thật Người là Đấng Chí Trung Chí Hoà để cho tất cả nên một. Thiên Chúa và con người không còn xa cách, không còn không gian, thời gian nào phân ly được nữa...(Vũ khắc Nghiêm, Xây nhà trên đá, năm B, tr 22).

Truyện : Hoàng tử và cậu bé nghèo.
Văn hào Mark Twain cách đây ba thế kỷ, có viết một cuốn sách tiểu thuyết nổi tiếng tựa đề “Hoàng tử và cậu bé nghèo”. Chuyện kể lại tình bạn của hai cậu bé giống hệt nhau khiến người ta tưởng là sinh đôi. Một trong hai cậu bé tên là Edward, hoàng tử xứ Galles. Còn Tom Canty, người bạn của vị hoàng tử, lại là một cậu bé con nhà nghèo.

Một ngày kia, hai cậu bé có một ý nghĩ ngộ nghĩnh là thay đổi địa vị xã hội. Tom vào thế chỗ của vị hoàng tử Edward trong triều đình, còn Edward thì khoác lên mình một mảnh áo rách rưới và bắt đầu cuộc phiêu lưu. Cậu lang thang đầu đường xó chợ bên cạnh những người cùng cực nhất trong xã hội.

Thế nhưng một lúc nào đó, hai cậu cũng cảm thấy mệt mỏi với trò chơi đầy phiêu lưu này. Edward mới sực tỉnh về ngôi vị hoàng tử của mình. Trong bộ áo rách rưới nhơ bẩn, cậu tìm đủ mọi cách để chứng minh rằng mình là hoàng tử nối ngôi của xứ Galles. Nhưng cảnh sát đã không tin... Thế là hoàng tử Edward đành phải lặng lẽ bước vào tù vì tội giả mạo.

Giữa lúc Tom cậu bé nghèo sắp sửa được tấn phong làm vua, thì hoàng tử Edward xuất hiện... Không mấy chốc cậu đã được phục hồi trong ngôi vị hoàng tử của cậu. Chính nhờ kinh nghiệm của những tháng ngày làm người ăn xin, lang thang đầu đường xó chợ với những người cùng khổ, mà Edward đã trở thành một vị vua đạo đức và giầu lòng thương người (Lẽ sống,447).

Cũng giống như câu chuyện trên đây, Thiên Chúa đã đến giữa loài người để hoán đổi vị thế với chúng ta. Người mặc lấy thân xác nghèo hèn của chúng ta để chúng ta được mang lấy tước hiệu làm con Thiên Chúa. Nhờ ân sủng của Ngài, Ngài chia sẻ với chúng ta sự sống thần linh và đón nhận trong thân xác Ngài tất cả những hệ lụy của kiếp sống khổ đau của con người.

3. Những Đấng Kitô ngày nay !

Chúa Giêsu đã xuống thế lần thứ nhất vào ngày Ngài giáng sinh. Ngài hứa sẽ trở lại lần thứ hai trong vinh quang của Ngài để phán xét kẻ sống và kẻ chết. Trong khi chờ đợi Ngài đến lần thứ hai, ngày nay ta thấy xuất hiện nhiều người tự xưng là Đấng Kitô, Chúa Cứu thế. Cho đến nay, đã xuất hiện 18 tân Kitô tại Ấn độ, Nga, Mỹ và Pháp và tự xưng mình là Chúa, trong đó có một nữ Chúa Cứu thế với 15 triệu tín đồ. Điên khùng hay bịp bợm, các nhà tiên tri ấy hứa hẹn với các tín đồ một thiên đàng dưới đất chăng ?

Cách đây 1000 năm, loan báo ngày tận thế sẽ vào năm 1000, phải chăng nay lại tái diễn? Trong số các Đấng Cứu thế này có Sathya Sai Baba là nổi tiếng nhất trong số các Messie hiện tại. Ông ở tuổi 68, ông Kitô Ấn độ này với kiểu tóc bờm ngựa, đã chiêu tập được 10 triệu tín đồ. Xuất hiện trước công chúng, ông ta luôn mặc cái áo dài màu cam, ngồi trên ngai và để chân lên đệm. Ông cũng làm được một vài điều lạ như đẻ ra trứng trước mặt nhiều người, chữa bệnh bằng thần giao cách cảm. Có một cặp vợ chồng người Tây phương hỏi ông có phải là Đấng Kitô đăng quang lần thứ hai không, ông ta chỉ mỉm cười.

Còn Đấng Kitô đáng chú ý nữa là Mary Davy Christ, Kitô đàn bà, người Do thái. Theo truyền thống Do thái, lại không nhận có Kitô đàn bà. Nhưng các đệ tử của Mary Davy Christ lại lý giải thật đơn giản : đăng quang lần đầu tiên Kitô là đàn ông, thì lần thứ hai để loan báo ngày tận thế, Kitô sẽ là đàn bà : chuyện đó rất đơn giản.

Đấng Cứu thế đã đến rồi và Ngài sẽ trở lại mà chưa biết ngày nào, chúng ta hãy chờ đợi. Còn những Kitô giả hiệu không được có chỗ đứng trong suy nghĩ của chúng ta : Chúng ta chỉ có một Chúa Kitô là Đức Giêsu.

II. CẢM NGHĨ VỀ LỄ GIÁNG SINH

Thiên Chúa đã ban cho chúng ta Người Con yêu qúi của Ngài là Đức Giêsu. Trong ngày kỷ niệm ngày Ngài giáng sinh, chúng ta phải có những tâm tình nào đây ? Không lẽ chúng ta chỉ coi lễ Giáng sinh như là một ngày vui chơi sao ? Như thế lễ Giáng sinh không còn có ý nghĩa thiêng liêng nữa.

1. Ngày lễ của Tình yêu

Hôm nay chúng ta kỷ niệm ngày Đức Giêsu ra đời. Ngày đáng ghi nhớ. Ngày trời đất gặp nhau hôn nhau âu yếm. Ngày trời đất se chữ đồng. Ngày Thiên Chúa hạ xuống làm người để con người được làm Thiên Chúa. Lễ hôm nay phải được gọi là lễ của Tình yêu, tình yêu cao vời của Thiên Chúa đối với loài người. Thiên Chúa đã bỏ mọi vinh quang trên trời, hạ mình xuống làm con người hèn hạ. Nhìn vào hang đá, ta thấy một hài nhi bé bỏng nằm trong nôi, ngoài Đức Maria và thánh Giuse chỉ có mấy con bò lừa thở hơi ấm cho Chúa Hài nhi, và trên không trung chỉ có tiếng ca hát của các thiên thần. Sau đó, các thiên thần báo tin cho mục đồng đến chiêm bái Chúa Hài đồng.

Người ta ai cũng có quan niệm rằng : Đấng Cứu thế phải là con vua con chúa, phải sinh ra nơi lầu son gác tía, được mọi người tung hô chúc tụng ; nhưng thực tế lại khác hẳn, Ngôi Hai Thiên Chúa sinh ra trong một hoàn cảnh bi đát : không nhà không cửa, không giường không chiếu, không lấy một mảnh chăn êm, không ai đến thăm hỏi. Thật là cám cảnh. Có ai trong chúng ta đi lễ đây đã bao giờ sinh con trong hoàn cảnh như vậy chưa ? Chắc chắn là không. Thế mà Ngôi Hai Thiên Chúa đã sinh ra trong hoàn cảnh như vậy đó. Vậy lý do nào đã khiến Thiên Chúa hành động như vậy ? Không còn lý do nào khác ngoài tình yêu đối với chúng ta, vì đã yêu thì không có tính toán hơn thiệt.

Truyện : Hoàng đế Sabat.
Hồi đó, Hoàng đế Sabat cai trị vương quốc Ba tư và rất được toàn dân mến phục. Nhà vua thường cải trang như một thường dân để dễ tiếp xúc với dân chúng. Một hôm, nhà vua cải trang như một công nhân nghèo khổ lần mò các bậc thang để xuống tận hầm tối của lâu đài là nơi cư ngụ của một cụ già chuyên lo việc củi lửa sưởi ấm cho cả lâu đài. Giường ngủ của cụ là đống tro tàn và lương thực hằng ngày là mẩu bánh mì đen với ly nước lã. Nhà vua đến ngồi bên cạnh cụ già và bắt đầu gợi chuyện. Đến bữa ăn, cụ già mời nhà vua chia sẻ mẩu bánh mì khô cứng thấm mềm trong ly nước lã. Cả hai cùng ăn và tiếp tục chuyện trò thân mật.

Nhà vua động lòng thương cụ già và từ ngày đó, nhà vua nhiều lần cải trang để đến thăm cụ. Riêng cụ già, tuy không biết lý lịch của người đến thăm mình là ai, nhưng vẫn tiếp tục đáp trả cử chỉ nhân đạo của nhà vua. Sau cùng, nhà vua tự nhủ : ta sẽ tỏ lộ cho cụ già này biết ta là ai, để xem ông ta sẽ xin ta sự gì. Ít hôm sau, nhà vua xuống hầm tối thăm cụ già trong y phục sang trọng và nói :
- Bấy lâu nay có lẽ ông tưởng ta chỉ là một công nhân nghèo khổ như ông, nhưng nay ta nói thật ta là vua, ta rất mến tình bạn của ông, vậy ông muốn gì, cứ nói, ta sẽ ban cho.
Nhà vua tưởng cụ già sẽ xin tiền bạc hoặc ân huệ, nhưng ông chỉ ngồi yên lặng. Tưởng cụ già không hiểu mình nói gì, nhà vua cắt nghĩa thêm :
- Có lẽ ông chưa hiểu rằng ta là vua, ta có thể làm cho ông nên giầu sang, danh vọng.
Cụ già cúi đầu đáp :
- Tâu Hoàng thượng, con đã hiểu tấm lòng của Hoàng thượng trong những lần đến hầm tối này để thăm con và không ngần ngại chia sẻ với con mẩu bánh mì đen và ly nước lạnh. Đó là món quà cao qúi nhất rồi, con không muốn gì hơn nữa, con chỉ xin một điều là Hoàng thượng đừng bao giờ lấy lại món quà quí giá ấy bao lâu con còn sống trong cảnh cô đơn nghèo khổ này.

2. Tâm tình trong ngày lễ

Hôm nay mọi người đều nô nức đi dự lễ, kể cả những người ngoài công giáo. Mỗi người có một cái nhìn về lễ Giáng sinh : họ cũng mừng lễ, chúng ta cũng mừng lễ, nhưng tâm tình về ngày lễ thì khác nhau. Vậy chúng ta có tâm tình nào ? Với ý tưởng gì ? Ta có những ý tưởng tốt đẹp và cao qúi trong ngày lễ Giáng sinh không ? Hay chỉ nghĩ rằng hôm nay là ngày lễ để vui chơi, để có dịp gặp gỡ nhau hoặc có dịp khoe thời trang ?
Truyện : Ý tưởng về Lễ Giáng sinh.
Một giáo sư tâm lý của trường đại học tại Hoa kỳ ra một bài thi để dò xem ý tưởng của 40 sinh viên trong lớp của mình. Trước hết ông bảo họ lấy giấy bút ra viết chữ “Lễ Giáng sinh”, rồi ông nói :”Bây giờ các anh chị hãy viết vào sau chữ ấy ý nghĩ đầu tiên mà các anh chị liên tưởng đến về ngày lễ ấy”.
Khi họ nộp quyển, ông coi lại thì thấy có những chữ sau đây : cây giáng sinh, dây kim tuyến, tặng phẩm, gà tây, bài ca giáng sinh và ông già Noel, không có một ai viết “Ngày Chúa Giêsu ra đời”.

Ngày này lễ Giáng sinh không còn ý nghĩa cao qúi ấy nữa, người ta đã tục hóa lễ Giáng sinh, người ta chỉ coi lễ Giáng sinh là một ngày vui chơi cho mọi người, thậm chí có những người lợi dụng lễ Giáng sinh để kinh doanh.

Tôi xin nhắc lại câu hỏi : hôm nay anh chị em nghĩ gì về lễ Giáng sinh ? Nếu anh chị em quên hay không biết, tôi xin được phép nhắc lại : Hôm nay chúng ta mừng lễ Giáng sinh là có ý kỷ niệm ngày Thiên Chúa giáng trần, ngày Thiên Chúa làm người và ở cùng chúng ta. Anh chị em hãy nhìn vào chữ Emmanuel hay chữ Noel để nhớ đến ý nghĩa của ngày lễ. Emmanuel hay Noel có nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Chúng ta hãy dâng lời cảm tạ Chúa.

Trong dịp lễ Giáng sinh hôm nay, tôi xin gửi đến mỗi người một tấm thiệp Noel với hàng chữ ghi trong tấm thiệp mà tôi mới nhận được từ bên Mỹ :

Every day is Christmas for me
because I love you.