Chúa Nhật XIV Thường Niên C
Is 66,10-14c; Gl 6,14-18; Lc 10,1-12.17-20
Nước Thiên Chúa, Nước Trời hay Triều Đại Thiên Chúa là những thành ngữ mà chúng ta đã được nghe nhiều lần, nên chúng không xa lạ với chúng ta. Tuy nhiên, để hiểu đúng ý nghĩa của nó như thế nào thì không phải là chuyện dễ dàng. Vì thế, trong thánh lễ hôm nay, chúng ta cần tìm hiểu về ý nghĩa lời loan báo của Chúa Giêsu: “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần.”
1- Ý nghĩa của Nước Thiên Chúa
Thuật ngữ “Triều Đại Thiên Chúa” xuất hiện trong Tân Ước tất cả 122 lần, mà 99 lần nằm trong ba Tin Mừng Nhất Lãm, trong đó có 90 lần do chính miệng Đức Giêsu nói ra. Cũng cần biết rằng trước Phục sinh, trọng tâm của sứ vụ rao giảng là xoay quanh Tin Mừng về Nước Thiên Chúa (x. Mc 1,15). Sau Phục sinh, trọng tâm sứ vụ rao giảng là Đức Kitô Phục Sinh. Bởi vậy, Nước Thiên Chúa là cốt lõi của lời giảng của Chúa Giêsu, có giá trị cao nhất và là mục đích lịch sử hướng tới.
Theo các Giáo Phụ, chúng ta có thể phân biệt ba chiều kích trong việc giải thích thuật ngữ mấu chốt này.
Ý nghĩa thứ nhất thuộc Kitô học. Khi đọc lời của Đức Giêsu, Origênê đã gọi Đức Giêsu là Autobasileia, có nghĩa là Nước Trời ở trong chính con người Đức Giêsu. Đức Giêsu chính là vương quốc; vương quốc không phải là một đối tượng, một không gian quyền lực như các vương quốc trần gian, nhưng đó là một con người: Người chính là vương quốc. Đức Giêsu hướng dẫn con người đón nhận sự kiện vĩ đại: Thiên Chúa hiện diện trong Người giữa nhân loại, Người là sự hiện diện của Thiên Chúa. Nước Thiên Chúa ngay bây giờ hiện diện trong Người và qua Người. Theo nghĩa này, Công Đồng Vaticanô II định nghĩa: “Nước Trời được bày tỏ trước hết trong con người của Chúa Giêsu” (LG, số 5). Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II quả quyết: “Nước Trời không phải là một khái niệm, một học thuyết, một chương trình để tự do xây dựng, nhưng trên hết là một con người có khuôn mặt và tên gọi là Giêsu thành Nadarét, hình ảnh của Thiên Chúa vô hình” (RM. 20).
Ý nghĩa thứ hai là ý nghĩa “lý tưởng” hay “thần bí.” Nước Thiên Chúa ngự trị cách cơ bản trong nội tâm con người. Chính Origênê khai mở lối chú giải này. Nước Thiên Chúa không được đồng hóa với một vương quốc trần thế nào cả, không hiện diện trên bất cứ bản đồ thế giới nào cả. Nước đó không phải là vương quốc theo cách thức vương quốc trần gian; vị trí của nó là tâm hồn con người, nơi những người thánh thiện. Chỉ nơi đó, Nước Thiên Chúa phát triển và tác động. Chúa Giêsu có lần giải thích: “Triều Đại Thiên Chúa không đến như một điều có thể quan sát được. Và người ta sẽ không nói: ‘Ở đây này! Hay ở kia kìa!’, vì này Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông” (Lc 17,20-21).
Theo nghĩa này, thánh Phaolô quả quyết: “Nước Thiên Chúa không phải là chuyện ăn chuyện uống, nhưng là sự công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần” (Rm 14,17). Như thế, Nước Trời chính là Quà Tặng Thánh Thần mà Thiên Chúa Cha đổ vào lòng chúng ta như thánh Phaolô nói: “Thiên Chúa đã đổ Tình Yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta” (Rm 5,5). Nhờ Thánh Thần, chúng ta được trở thành dưỡng tử của Thiên Chúa, thuộc về Thành Thánh là thuộc về Nước Thiên Chúa. Ai sống theo Chúa Thánh Thần là công dân Nước ấy.
Ý nghĩa thứ ba của Nước Thiên Chúa mang ý nghĩa Giáo Hội học: Nước Thiên Chúa và Hội Thánh liên hệ với nhau, liên kết gần hay xa với nhau. Giáo Hội được xem như sự hiện thực Nước Trời ngay trong lịch sử. Nước Trời hiện diện trong Giáo Hội, nhưng không đồng hóa Nước đó với Giáo Hội Công Giáo.
Cuối cùng, chúng ta còn phải lưu ý đến ý nghĩa cánh chung của thực tại Nước Thiên Chúa. Lời rao giảng Nước Thiên Chúa phải được hiểu cách triệt để theo hướng cánh chung. Đây là lời loan báo về việc tận thế cận kề, việc xuất hiện một thế giới mới của Thiên Chúa, cũng là vương quyền của Người (x. dụ ngôn người gieo giống (Mc 4,3-9); về hạt cải (Mc 4,30-32); về nắm men (Mt 13,33; Lc 13,20). Theo ý nghĩa này, Nước đó đã đến nhưng vẫn chưa đến cách hoàn toàn. Phải đợi đến thời đại cánh chung. Nước Thiên Chúa chính là trời mới đất mới.
2- Vì Nước Trời
Nước Thiên Chúa là trọng tâm lời rao giảng của Chúa Giêsu. Vì thế, Người đã sai 72 hai môn đệ đi rao giảng Nước Thiên Chúa cho mọi người. Con số 72 (hay 70) là con số rất ý nghĩa, biểu trưng 72 thành phần của dân Ítraen xưa và nay biểu trưng cho các dân tộc trên thế giới. Sứ vụ này được trao cho nhóm 72 này vì Tin Mừng của Chúa Giêsu được nhắm đến muôn dân trên trái đất. Hôm nay, Người cũng sai chúng ta đi loan báo “Nước Thiên Chúa đã đến gần... Vì lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt thì ít.” Đức Giêsu còn mời gọi chúng ta: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6,33). Lời này tạo một trật tự ưu tiên cho hành động và cho thái độ hằng ngày của chúng ta. Chúa Giêsu cũng dạy chúng ta cầu nguyện mỗi ngày xin cho Nước Cha ngự đến. Chúng ta hãy cầu nguyện không ngừng để tâm hồn chúng ta luôn biết lắng nghe Thiên Chúa. Chỉ nhờ việc gặp gỡ và hiệp thông với Đức Giêsu, chúng ta mới có thể bước vào Nước Thiên Chúa, vì nơi nào Người hiện diện, nơi đó có Nước Trời. Nếu chúng ta để cho mình được bồi dưỡng bằng chính sức mạnh của Đức Kitô, thì vương quốc này bắt đầu và đâm rễ sâu trong tâm hồn chúng ta.
Khi cầu xin cho “Nước Cha trị đến,” chúng ta hãy thưa với Đức Giêsu: “Lạy Chúa, xin cho chúng con thuộc về Ngài! Xin Ngài trở nên một với chúng con và sống trong chúng con; xin quy tụ nhân loại đang rải rác khắp nơi về trong thân thể của Ngài; để trong Ngài, mọi người đều tùng phục Thiên Chúa.” Amen!
ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An
Is 66,10-14c; Gl 6,14-18; Lc 10,1-12.17-20
Nước Thiên Chúa, Nước Trời hay Triều Đại Thiên Chúa là những thành ngữ mà chúng ta đã được nghe nhiều lần, nên chúng không xa lạ với chúng ta. Tuy nhiên, để hiểu đúng ý nghĩa của nó như thế nào thì không phải là chuyện dễ dàng. Vì thế, trong thánh lễ hôm nay, chúng ta cần tìm hiểu về ý nghĩa lời loan báo của Chúa Giêsu: “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần.”
1- Ý nghĩa của Nước Thiên Chúa
Thuật ngữ “Triều Đại Thiên Chúa” xuất hiện trong Tân Ước tất cả 122 lần, mà 99 lần nằm trong ba Tin Mừng Nhất Lãm, trong đó có 90 lần do chính miệng Đức Giêsu nói ra. Cũng cần biết rằng trước Phục sinh, trọng tâm của sứ vụ rao giảng là xoay quanh Tin Mừng về Nước Thiên Chúa (x. Mc 1,15). Sau Phục sinh, trọng tâm sứ vụ rao giảng là Đức Kitô Phục Sinh. Bởi vậy, Nước Thiên Chúa là cốt lõi của lời giảng của Chúa Giêsu, có giá trị cao nhất và là mục đích lịch sử hướng tới.
Theo các Giáo Phụ, chúng ta có thể phân biệt ba chiều kích trong việc giải thích thuật ngữ mấu chốt này.
Ý nghĩa thứ nhất thuộc Kitô học. Khi đọc lời của Đức Giêsu, Origênê đã gọi Đức Giêsu là Autobasileia, có nghĩa là Nước Trời ở trong chính con người Đức Giêsu. Đức Giêsu chính là vương quốc; vương quốc không phải là một đối tượng, một không gian quyền lực như các vương quốc trần gian, nhưng đó là một con người: Người chính là vương quốc. Đức Giêsu hướng dẫn con người đón nhận sự kiện vĩ đại: Thiên Chúa hiện diện trong Người giữa nhân loại, Người là sự hiện diện của Thiên Chúa. Nước Thiên Chúa ngay bây giờ hiện diện trong Người và qua Người. Theo nghĩa này, Công Đồng Vaticanô II định nghĩa: “Nước Trời được bày tỏ trước hết trong con người của Chúa Giêsu” (LG, số 5). Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II quả quyết: “Nước Trời không phải là một khái niệm, một học thuyết, một chương trình để tự do xây dựng, nhưng trên hết là một con người có khuôn mặt và tên gọi là Giêsu thành Nadarét, hình ảnh của Thiên Chúa vô hình” (RM. 20).
Ý nghĩa thứ hai là ý nghĩa “lý tưởng” hay “thần bí.” Nước Thiên Chúa ngự trị cách cơ bản trong nội tâm con người. Chính Origênê khai mở lối chú giải này. Nước Thiên Chúa không được đồng hóa với một vương quốc trần thế nào cả, không hiện diện trên bất cứ bản đồ thế giới nào cả. Nước đó không phải là vương quốc theo cách thức vương quốc trần gian; vị trí của nó là tâm hồn con người, nơi những người thánh thiện. Chỉ nơi đó, Nước Thiên Chúa phát triển và tác động. Chúa Giêsu có lần giải thích: “Triều Đại Thiên Chúa không đến như một điều có thể quan sát được. Và người ta sẽ không nói: ‘Ở đây này! Hay ở kia kìa!’, vì này Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông” (Lc 17,20-21).
Theo nghĩa này, thánh Phaolô quả quyết: “Nước Thiên Chúa không phải là chuyện ăn chuyện uống, nhưng là sự công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần” (Rm 14,17). Như thế, Nước Trời chính là Quà Tặng Thánh Thần mà Thiên Chúa Cha đổ vào lòng chúng ta như thánh Phaolô nói: “Thiên Chúa đã đổ Tình Yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta” (Rm 5,5). Nhờ Thánh Thần, chúng ta được trở thành dưỡng tử của Thiên Chúa, thuộc về Thành Thánh là thuộc về Nước Thiên Chúa. Ai sống theo Chúa Thánh Thần là công dân Nước ấy.
Ý nghĩa thứ ba của Nước Thiên Chúa mang ý nghĩa Giáo Hội học: Nước Thiên Chúa và Hội Thánh liên hệ với nhau, liên kết gần hay xa với nhau. Giáo Hội được xem như sự hiện thực Nước Trời ngay trong lịch sử. Nước Trời hiện diện trong Giáo Hội, nhưng không đồng hóa Nước đó với Giáo Hội Công Giáo.
Cuối cùng, chúng ta còn phải lưu ý đến ý nghĩa cánh chung của thực tại Nước Thiên Chúa. Lời rao giảng Nước Thiên Chúa phải được hiểu cách triệt để theo hướng cánh chung. Đây là lời loan báo về việc tận thế cận kề, việc xuất hiện một thế giới mới của Thiên Chúa, cũng là vương quyền của Người (x. dụ ngôn người gieo giống (Mc 4,3-9); về hạt cải (Mc 4,30-32); về nắm men (Mt 13,33; Lc 13,20). Theo ý nghĩa này, Nước đó đã đến nhưng vẫn chưa đến cách hoàn toàn. Phải đợi đến thời đại cánh chung. Nước Thiên Chúa chính là trời mới đất mới.
2- Vì Nước Trời
Nước Thiên Chúa là trọng tâm lời rao giảng của Chúa Giêsu. Vì thế, Người đã sai 72 hai môn đệ đi rao giảng Nước Thiên Chúa cho mọi người. Con số 72 (hay 70) là con số rất ý nghĩa, biểu trưng 72 thành phần của dân Ítraen xưa và nay biểu trưng cho các dân tộc trên thế giới. Sứ vụ này được trao cho nhóm 72 này vì Tin Mừng của Chúa Giêsu được nhắm đến muôn dân trên trái đất. Hôm nay, Người cũng sai chúng ta đi loan báo “Nước Thiên Chúa đã đến gần... Vì lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt thì ít.” Đức Giêsu còn mời gọi chúng ta: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6,33). Lời này tạo một trật tự ưu tiên cho hành động và cho thái độ hằng ngày của chúng ta. Chúa Giêsu cũng dạy chúng ta cầu nguyện mỗi ngày xin cho Nước Cha ngự đến. Chúng ta hãy cầu nguyện không ngừng để tâm hồn chúng ta luôn biết lắng nghe Thiên Chúa. Chỉ nhờ việc gặp gỡ và hiệp thông với Đức Giêsu, chúng ta mới có thể bước vào Nước Thiên Chúa, vì nơi nào Người hiện diện, nơi đó có Nước Trời. Nếu chúng ta để cho mình được bồi dưỡng bằng chính sức mạnh của Đức Kitô, thì vương quốc này bắt đầu và đâm rễ sâu trong tâm hồn chúng ta.
Khi cầu xin cho “Nước Cha trị đến,” chúng ta hãy thưa với Đức Giêsu: “Lạy Chúa, xin cho chúng con thuộc về Ngài! Xin Ngài trở nên một với chúng con và sống trong chúng con; xin quy tụ nhân loại đang rải rác khắp nơi về trong thân thể của Ngài; để trong Ngài, mọi người đều tùng phục Thiên Chúa.” Amen!
ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An