Bài ca tình yêu ngân vang từ nơi xa xôi…
Gần tới đại lễ Giáng Sinh, khắp nơi nơi vang lên những khúc nhạc reo vui hạnh phúc. Tiếng đất trời chuyển mùa, tiếng âm thanh cuộc sống hồi sinh, tiếng trái tim rung lên những cung bậc yêu thương giờ đây ngân lên thành câu ca, tiếng nhạc. Mùa yêu thương, mùa chia sẻ đã ló rạng trong ngày đông lạnh giá. Để rồi từ đó, bình minh hé lên với ánh nắng ban mai nồng ấm từ những trái tim con người.
Xem hình GP Thanh Hóa thăm trại phong Cẩm Thủy
Hằng năm, khi Giáng sinh về, giáo phận Thanh Hóa cùng với ân nhân xa gần gom góp những món quà bé nhỏ, như một dấu chỉ của tình yêu chân thành, để cùng với những số phận không may mắn tại trại phong Cẩm Thủy có một bài ca Giáng sinh rạng rỡ.
Trại phong Cẩm Thủy nằm ở một vùng sâu thuộc xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa. Nơi đây có đại gia đình những con người có số phận hẩm hiu, mang trong mình căn bệnh đã một thời gây kinh hãi cho con người: bệnh phong hủi. Dù rằng quan niệm xã hội đã khác, căn bệnh phong (cùi, hủi) không còn là bệnh nan y nữa, nhưng dường như định kiến về người bị bệnh phong cùi vẫn còn đó. Vì thế ngoài nỗi đau bệnh tật giày vò, người bị bệnh phong còn mang trong mình nỗi đau của sự mặc cảm, của sự xa cách thế giới bên ngoài. Khi nói về bệnh phong, ta nhớ một nhà thơ nổi tiếng của phong trào thơ mới năm nào đã cất lên những tiếng đau xé lòng khi phải lánh xa cuộc đời vì mang mầm bệnh hủi. Đó là Hàn Mặc Tử, với nàng thơ u uất, đau thương, gào thét mong được quay lại với cuộc đời thực tế. Cách nhau đôi bờ, thậm chí chỉ một hàng cây thôi nhưng là cả một biển trời xa cách. Và còn hơn thế nữa, người đời coi những người bệnh hủi như những con người đáng sợ. Hủi vô tình trở thành một danh từ chỉ người không tốt, bị xa lánh. Nỗi đau về thể xác là quá lớn nhưng đáng sợ hơn chính là nỗi đau gặm nhấm tâm hồn con người.
Sự chung tay…
Đã trở thành truyền thống và được đưa vào lịch chung, cứ vào trước ngày lễ Giáng Sinh, Tết Nguyên Đán, Giáo phận Thanh Hóa lại chung tay cùng các ân nhân xa gần, trong và ngoài nước với tấm lòng nhân ái thường xuyên ghé thăm, động viên, giúp đỡ nhiều mặt với bệnh nhân của trại phong. Có nhiều ân nhân còn lặn lội từ nửa kia trái đất, từ Châu Âu xa xôi… về thăm trại phong, có nhiều người cũng chung tay lập ra những hội chuyên bảo trợ cho bệnh nhân phong…. Có lẽ vì thế mà căn bệnh đã không thể lấy đi sức sống của họ. Và con số bệnh nhân nơi đây cũng giảm dần theo năm tháng. Thêm vào đó, những số phận đen bạc đã trở nên quen thân với gương mặt với Đức Cha, với quí cha, và đại gia đình Công giáo xứ Thanh.
Những nụ cười vang mãi…
Sáng nay, Tòa Giám Mục Thanh Hóa rộn ràng hơn hẳn mọi ngày. Một phần vì Noel đã gõ cửa. Một phần vì có sự tụ hội của rất đông các bạn sinh viên, giới trẻ, các nữ tu Dòng Mến Thánh Giá…
7 giờ 30 sáng (18/12/2011), đoàn bắt đầu khởi hành đến với Cẩm Thủy. Đồng hành cùng chuyến đi là Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh – Giám Mục Giáo phận, cha Bề trên TCV Lê Bảo Tịnh Giuse Vũ Thanh Long, cha chủ tịch UB Bác Ái – Antôn Trịnh Đình Thiệu, bà Mỹ Danh – một ân nhân từ Mĩ trở về, quý thầy, quý sơ Dòng Mến Thánh Giá, quí chú TCV, và đông đảo các bạn sinh viên. Đức Cha Giuse cho biết, giáo phận thường xuyên tổ chức những chuyến viếng thăm, trao quà như thế này. Đó là nhờ vào tấm lòng hảo tâm của rất nhiều ân nhân trong và ngoài nước. Chuyến đi này có bà Mỹ Danh từ Nam Califonia (Mỹ) về cũng đồng hành với phái đoàn. Cùng rất nhiều tấm lòng khác đã gửi tiền về ủng hộ nhưng chưa có điều kiện về thăm. Những năm trước, vì có nhiều thời gian, các chú ứng sinh cùng một số bạn sinh viên sẽ ở lại giúp đỡ, san sẻ công việc với bệnh nhân trại phong. Nhưng lần này do lễ giáng sinh đã đến gần, nên thời gian đó đã bị rút ngắn lại.
Qua hơn hai tiếng đồng hồ ngồi trên xe ô tô, qua những đoạn đường ngoằn nghèo, đoàn chạm đất Cẩm Thủy. Những núi đã dần hiện ra, những cánh đồng ngô xanh ngát. Đường vào xã Cẩm Bình sâu hun hút. Con đường nhỏ bé, mỏng manh và nghèo nàn như chính cuộc đời những người bệnh ở sâu cùng con đường ấy.
“Chín mươi cây số xa xôi
Tính từ Thị xã mất trôi ba giờ.
Quyết tâm không được chần chờ
Cứ đi muốn tới bao giờ thì bao !
Chờ phà rồi lại dốc cao,
ổ gà, bùn bết, đường vào quanh co.
Càng gần càng tối, càng lo,
ánh đèn chết lặng, ai cho mà chờ ?
Câu thơ năm nào của linh mục “Hồng Phúc” thật hợp với không khí ngày hôm nay. Sau khi chào và hỏi thăm quí ban giám đốc, đoàn gặp và phát quà cho bệnh nhân. Những khuôn mặt nhăn nheo vì chống đỡ bệnh tật, những đôi tay, đôi chân không còn lành lặn, những nụ cười móm mém… Đằng sau tất cả có lẽ chính là giọt nước mắt. Nước mắt cảm thông của đoàn chúng tôi với những số phận bất hạnh, nước mắt hạnh phúc chứa chan của bệnh nhân khi thấy được ánh sáng tin yêu của cộng đồng.
Và tôi biết đó sẽ là một ngày vô cùng ý nghĩa với tất cả.
Sau nhận quà, Đức cha, quí cha, quí thầy, quí sơ, quí khách, quí chú và sinh viên… cùng các bệnh nhân phong ăn bữa trưa chung với nhau. Không còn khoảng cách, không còn mặc cảm, chỉ có tình người in đậm cùng những nụ cười giòn tan.
Không khí được hâm nóng bằng những tiết mục văn nghệ sinh động từ các bạn sinh viên, từ các chú ứng sinh. Thật vui và hạnh phúc vì được sống hết mình, hò reo hết mình, và nhìn thấy những gương mặt đau khổ rạng rỡ trong niềm vui mênh mang…
Cuộc vui nào rồi cũng đến lúc tàn, cuộc gặp gỡ nào rồi cũng phải chia ly. Đã đến lúc đoàn phải nói lời tạm biệt với nơi đây – trại phong Cẩm Thủy. Tưởng rằng sẽ kết lại với những nụ cười nhưng chỉ đôi lời chia sẻ của một bệnh nhân đã khiến đoàn nghẹn ngào. Ông đã 62 tuổi, bị khiếm thị từ lúc 3 tuổi. Ông tuy không phải là người công giáo nhưng có con cái đều là con chiên của Chúa. Tại nhà ông cũng có treo hai tấm ảnh Chúa. Những bộ quần áo trên người ông cũng là do người công giáo cho. Cả không gian như đông lại bởi lời cảm ơn chân thành, đôi khi đứt đoạn vì xúc động. Ai cũng cố kìm cho giọt lệ khỏi chảy qua gò má, để niềm vui được trọn vẹn.
Hãy để lại nụ cười còn nguyên trên những gương mặt thơ ngây nơi các em nhỏ, hãy để nụ cười giãn đi những nếp nhăn in hằn vì thời gian và bệnh tật… Xin dành tất cả những lời chúc tốt đẹp nhất từ “đại gia đình công giáo Thanh Hóa” tới các bệnh nhân. Hãy sống vui vẻ, mạnh khỏe mỗi ngày và đừng quên rằng, “chúng tôi dù ở nơi xa xôi vẫn hướng về mọi người, và sẽ đến hẹn lại lên với trại phong Cẩm Thủy. Mọi người không bao giờ bị bỏ rơi dù cho thời thế có thế nào…” (Lời Đức Cha).
Tạm biệt mảnh đất xa xôi này, tạm biệt những con người đã gánh vác phần đau khổ nhất của cuộc đời cho chúng tôi – những người may mắn vì không bị bệnh phong hành hạ. Xin cảm ơn những tấm lòng cao cả của các ân nhân xa gần, vì có những tấm lòng như thế mà chúng tôi có thể đem đến thêm nụ cười, thêm khúc nhạc hạnh phúc cho những con người nơi đây. Cuối cùng xin mượn câu thơ của linh mục Hồng Phúc thay lời chào và hẹn gặp lại:
“Xe về trong bóng đêm trường
Người về trong nỗi xót thương trại Cùi
Vẳng nghe tiếng gọi Chúa ơi:
“Nếu Thầy mà muốn, chúng tôi khỏi liền”(Mc 2,40)
Chỉ mình Chúa có uy quyền
Thấu căn nguyên của ưu phiền khổ đau
Bóng đêm lùi lại phía sau
Bình minh sẽ tới ta mau nguyện cầu”…