Chúa Nhật 3 Mùa Chay A

Ngày 22/3 vừa qua, tại Nam Phi đã diễn ra nhiều hoạt động quốc tế kỷ niệm Ngày Nước Thế Giới, với chủ đề “Nước cho phát triển đô thị”. Hiện nay, dân số sinh sống tại các đô thị trên thế giới đã đạt đến 3,3 tỉ người và quá trình đô thị hóa vẫn không ngừng phát triển. Nhu cầu cấp thoát nước cho các đô thị đã trở thành vấn đề cấp thiết do nguồn nước bị suy giảm, mực nước sông hạ thấp, nhiều hồ, ao, kênh, mương bị san lấp...đang là những vấn nạn đối với nhiều đô thị.

Tại Việt Nam, Bộ Tài nguyên - Môi trường cũng đã phối hợp với UBND tỉnh Ninh Thuận chính thức tổ chức Mít tinh và các hoạt động quốc gia hưởng ứng Ngày Nước Thế Giới, với các hoạt động nổi bật : hội thảo “Nước cho phát triển đô thị”, triển lãm, chiếu phim về tài nguyên nước...

Có thể nói chưa bao giờ vấn đề nước sạch được đặt ra nghiêm túc như ngày hôm nay. Cũng dễ hiểu, vì nước là yếu tố vô cùng cần thiết cho sự sống con người. Không có nhà cửa, áo quần người ta vẫn có thể sống. Không có ăn, người ta vẫn có thể tồn tại một thời gian dài 5,10 ngày, thậm chí là 15,20 ngày. Nhưng không có nước, sau dăm ba ngày người ta sẽ chết. Bởi vậy người ta nói rằng nếu có cuộc chiến tranh thế giới thứ 3 thì đó sẽ là cuộc chiến tranh vì nguồn nước chứ không phải vì một thứ tài nguyên nào khác. Nguồn năng lượng dầu hoả có thể thay thế bằng năng lượng hạt nhân, năng lượng mặt trời, gió, thuỷ triều hay năng lượng sinh học... Còn nước ngọt thì không thể thay thế được. Mọi vật có sự sống đều cần đến nước. Nước để ăn uống, tắm giặt, sinh hoạt… Nhiều nơi ở vùng Trung Đông hiện nay, nước ngọt vẫn mắc hơn xăng dầu. Trong khoảng thời gian 40 năm trong sa mạc, dân Do thái đã trải qua rất nhiều thử thách. Thiếu nước là một trong những thử thách khắc nghiệt hơn cả (x. Bài đọc I).

Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi hầu như mọi nền văn hoá, văn minh đều lấy nước làm biểu tượng chỉ những gì cần thiết cho tinh thần. Đặc biệt, khi nói về Thiên Chúa, Thánh Kinh rất thích dùng hình ảnh nước. Sách Sáng Thế mô tả vườn địa đàng có một con sông tỏa ra 4 nhánh mang nước đi nuôi sống các sinh vật từ 4 phương trời Tổ Tông loài người sống trong khu vườn dồi dào nước ấy đã rất hạnh phúc. Nhưng rồi khi nguyên tổ phạm tội và bị đuổi khỏi vườn địa đàng thì cuộc sống vô cùng vất vả trên đất đai sỏi đá cỗi cằn (x. St 2,10-16).

“Ngụ ý của tác giả đoạn sách Sáng Thế ấy là: khi con người sống trong thân tình với Thiên Chúa thì cũng giống như sống bên nguồn nước tươi mát; còn khi họ tách rời tình thân với Thiên Chúa thì phải khốn khó như đang ở trong sa mạc khô cằn. Vì thế sách Khải Huyền khi muốn diễn tả hạnh phúc thời cứu độ, đã vẽ lên hình ảnh một thành Giêrusalem mới, trong đó cũng có một dòng sông hằng sống, nước sông tưới mát một cây hằng sống làm cho nó trổ sinh hoa quả suốt 2 tháng quanh năm, trái cây cho người ta ăn, và lá cây dùng làm thuốc chữa hết mọi chứng bệnh” (Trích Sợi Chỉ Đỏ).

Chúa Giêsu trong câu chuyện đối thoại với người phụ nữ trong Tin Mừng cũng đi từ nước tự nhiên đến mạch nước sự sống vĩnh cửu; từ sự khát nước vật chất đã khơi lên niềm khát khao thiêng liêng để làm cho người phụ nữ và cả dân làng của chị tin vào Người.

“Người thiếu phụ xứ Samari mặc dù đang ở bên giếng nước nhưng cõi lòng vẫn khát khao. Nàng khao khát một tình nghĩa đậm đà thiết tha. Nàng tưởng rằng tình đời sẽ thỏa mãn được cơn khát ấy nên nàng đã lăn xả vào những cuộc phiêu lưu tình ái. Nhưng đã trải qua 5 đời chồng rồi, nay đã là đời chồng thứ 6 mà nàng vẫn còn khát. Chỉ sau khi gặp được Đức Giêsu, trò chuyện với ngài và được Ngài ban cho thứ nước siêu nhiên là tình nghĩa với Chúa thì nàng mới hết khát. Nàng còn chạy vào làng rủ thêm nhiều người đến với Đức Gíêsu, Nguồn Nước Hằng Sống đích thực”

“Ngày hôm nay có lẽ chúng ta cũng đang khao khát nhiều điều : khao khát chân lý vì cuộc sống nhiều gian dối. Khao khát tự do trong một xã hội nhiều trói buộc. Khao khát công bình trong một môi trường đầy dẫy bất công. Khao khát yêu thương trong cuộc đời nhiều thù hận. Khao khát hạnh phúc trong cảnh sống bất hạnh. Khao khát niềm tin giữa cảnh đời nhiều nghi nan ..v.v...” (Trích Sợi Chỉ Đỏ).

Tất cả những khao khát đó đều là biểu hiện của một khát vọng sâu xa: “Linh hồn con khao khát Chúa Trời Hằng Sống”.

“Như nai rừng mong mỏi, tìm về suối nước trong.
Hồn con cũng trông mong, tìm đến Ngài, lạy Chúa”.


Chúa chính là nguồn mạch Nước Hằng Sống mà Chúa Cha ban tặng cho ta. Ước gì tâm hồn ta khát khao yêu mến Chúa luôn, và chỉ khát khao một mình Chúa mà thôi, để được chìm ngập trong suối nguồn tình thương của Chúa. Xin Chúa cũng dạy ta biết ý thức rằng chỉ ở bên Chúa và trong Chúa, đời sống chúng ta mới luôn mãi tươi đẹp như hoa đồng nội bên nguồn suối ngát hương thơm. Amen.