Baghdad, Iraq (CNA) - Hôm 31 tháng 10 vừa qua, những người vũ trang thuộc nhóm al Qaeda bắt giữ 120 giáo hữu làm con tin đang lúc họ tham dự thánh lễ tại Nhà thờ Công giáo Nữ Vương Cứu chuộc, để đòi thả các tù nhân al Qaeda ở Iraq và Ai cập.

Giới quân sự Iraq tấn công vào nhà thờ để giải cứu các con tin, gây ra cái chết cho hơn 50 người, trong đó có 3 linh mục. Đài phát thanh Vatican cho biết trong cuộc tấn công này có từ 70 đến 80 người khác bị thương nặng, đa số là đàn bà và trẻ em.
Bên trong nhà thờ chính tòa Baghdad


Đức giáo hoàng Benedict trong buổi đọc kinh Truyền tin hôm 1 tháng 11 đã kết án cuộc tấn tông “man rợ” này và dâng lời cầu nguyện cho các nạn nhân:

“Tôi cầu nguyện cho các nạn nhân của bạo lực vô lý này, và nó càng tàn bạo vì đánh vào những người vô tội, tụ họp trong Nhà Chúa, là nhà tình thương và hòa giải.”

“Ngoài ra tôi cũng bày tỏ sự gần gũi quí mến với cộng đoàn Kitô, lại bị tổn thương, và tôi khuyến khích các vị mục tử và tất cả các tín hữu hãy can đảm và kiên vững trong niềm hy vọng.”

“Sau cùng, đứng trước những vụ bạo lực tàn ác tiếp tục xâu xé các dân tộc ở Trung Đông, tôi muốn lập lại lời kêu gọi khẩn thiết cho hòa bình: hòa bình là hồng ân của Thiên Chúa, nhưng cũng là kết quả cố gắng của những người thiện chí, của các tổ chức quốc gia và quốc tế.”

“Tất cả hãy kết hiệp để chấm dứt mọi bạo lực!”

Đài phát thanh Vatican cho biết rằng vì quốc gia này không thể thành lập được một chính phủ vững chắc sau các cuộc bầu cử hồi tháng 3 vừa qua nên đã tạo cơ hội cho các nhóm cực đoan giành được ảnh hưởng, hậu quả là những cuộc tấn công vào người Kitô giáo của các nhóm dân quân Hồi giáo.

Tổng giám mục Georges Casmoussa, cai quản tổng giáo phận Công giáo Siri ở Mosul nhấn mạnh rằng: “Điều chúng tôi đòi hỏi, và chúng tôi lặp lại lời kêu gọi này, là chính quyền của chúng tôi và cộng đồng quốc tế, phải thúc đẩy việc mang lại hòa bình cho Iraq, thúc đẩy việc thành lập một chính phủ có trách nhiệm, nhằm có được thẩm quyền tại đây.”

Shlemon Warduni, Giám mục Phụ tá giáo phận Canđê ở Baghdad, nói thêm rằng “cộng đồng Kitô giáo không còn cảm thấy được an toàn nữa, ngay cả khi ở trong Ngôi nhà Chúa; cuộc tấn công này tạo ra một ảnh hưởng rất tiêu cực trên những người cho đến nay đã chọn ở lại Baghdad, có nhiều người nói họ sẵn sàng bỏ xứ sở mà đi.”