Người ta vẫn thường nói: « Trăm hay không bằng mắt thấy ». Quả thật, khi đặt chân đến Đan Mạch thì mới khám phá ra một bầu không khí thanh bình tràn ngập nơi thiên nhiên và con người. Những cánh đồng lúa mì và đồng cỏ phì nhiêu trải rộng tầm nhìn xa tít tận chân trời. Những phương tiện tham gia giao thông trên các trục đường thật nhịp nhàng không chút vội vã. Những người đi bộ trên các phố phường lộ rõ nét thư thái qua từng bước chân. Đời sống của dân chúng được chăm lo về mọi mặt. Đây cũng là quốc gia xếp hạng nhất trên thế giới về bình đẳng thu nhập. Mức lương giữa người thất nghiệp và người lao động chênh nhau không đáng kể.
Theo số liệu thống kê năm 2007, Đan Mạch có 5.443.084 người (xếp hạng 108), với diện tích rộng 43.094 km2 (hạng 131); mật độ 126/ km2 (hạng 62); thu nhập tính theo đầu người khoảng 37.000 USD (hạng 8).
Vài nét về Giáo Hội Công Giáo tại Đan Mạch
Đan Mạch đón nhận hạt giống Tin Mừng vào khoảng năm 800. Tuy nhiên, do gần với Đức nên quốc gia này chịu ảnh hưởng nặng của phong trào ly khai khỏi Giáo Hội Công Giáo do Luther đề xướng. Tại đây, vào năm 1536, Đạo Tin Lành đã trở thành quốc giáo. Hầu hết các nhà thờ Công Giáo bị trao lại cho Hội Thánh Tin Lành. Cho đến nay, số người theo đạo Tin Lành chiếm 83% dân số trên toàn quốc.
Đạo Công Giáo chỉ được khôi phục trở lại cách đây khoảng 150 năm. Hiện nay Giáo Hội Đan Mạch trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Bắc Âu (Na Uy, Thụy Điển, Đan Mạch và Phần Lan) và có duy nhất một giáo phận trên toàn quốc, với khoảng 37 ngàn giáo dân (0,05%), 75 linh mục Trong đó, khoảng 20 linh mục là người Đan Mạch, 4 linh mục Việt Nam.
Sự hình thành Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam tại Đan Mạch
« Đất lành chim đậu ». Sau biến cố 1975 nhiều thuyền nhân Việt Nam được quốc gia này tiếp nhận. Hạt giống đức tin của người tín hữu Việt Nam được gieo vào vùng đất màu mỡ đã không ngừng phát triển. Bước khởi xướng thực sự của nhóm người Công Giáo Việt Nam đến Đan Mạch là nhóm đầu tiên gồm 60 người đến định cư tại Kvaglund thuộc Esbjerg vào giữa tháng 12 năm 1979. Trước đó hai tháng, cũng tại Esbjerg có nhóm tị nạn người Việt Nam đến định cư ở vùng Gjessing nhưng trong đó chỉ có một vài người Công Giáo. Dần dần số giáo dân tăng lên trong những năm tiếp theo kéo theo nhu cầu khẩn thiết về việc thành lập các cộng đoàn khác. Cho đến nay trên toàn nước Đan Mạch đã có 12 cộng đoàn Việt Nam với tổng số hơn 3.500 người.
Cuộc gặp gỡ đầu tiên của Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam với Đấng Bản Quyền sở tại là Đức Cha Hans L. Martensen, s.j, được tổ chức tại Esbjerg, qua trung gian của sœur Anne-Marie người Đức thuộc dòng Thánh Giuse ở Vanløse vào tháng 3 năm 1980. Qua buổi gặp gỡ này các anh chị em Việt nam bày tỏ ước nguyện là có một linh mục người Việt coi sóc cộng đoàn. Sau đó mấy tháng, vị linh mục Việt Nam đầu tiên đã đến quan sát và gặp gỡ các cộng đoàn trong vòng hai tháng 9 và 10/1980.
Từ đó cho đến dịp lễ truyền thống năm nay, luôn luôn có một vị linh mục tuyên úy Việt Nam coi sóc Cộng Đồng. Tuy nhiên, do nhu cầu mục vụ tại các giáo xứ, đến nay tất cả các linh mục Việt Nam đều được bổ nhiệm để làm mục vụ cố định tại các giáo xứ. Một điều may mắn là tại mỗi vùng khác nhau trên toàn quốc đều có sự hiện diện của các cha Việt Nam. Do đó, cùng một lúc các ngài vẫn có thể tiếp tục giúp các cộng đoàn Việt nam trên địa bàn của mình.
Ngày đại lễ truyền thống
Lần đầu tiên, Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam tại Đan Mạch tổ chức mừng lễ các vị Chân Phước Tử Đạo Việt Nam trên cấp độ toàn quốc tại tu viện Dalum, Odense vào ngày 27 tháng 08 năm 1983. Kể từ đó, hàng năm cứ vào khoảng trung tuần tháng Tám, các cộng đoàn khắp nơi lại quy tụ với nhau để cùng mừng lễ truyền thống này.
Dịp lễ năm nay diễn ra trong ba ngày cuối tuần bắt đầu từ tối thứ sáu 13/8 cho đến trưa Chúa Nhật 15/08 tại Ømborg với khoảng 600 người tham dự. Có rất nhiều việc cần chuẩn bị trong dịp này, như dựng trang trí khuôn viên và lễ đài, dựng hai lều lớn tại khu vực cử hành thánh lễ, tập nghi thức cho đoàn lễ sinh, công việc làm bếp và đón tiếp những người tham dự…Đức Giám Mục giáo phận, Đức Cha Czeslaw Kozon người gốc Ba Lan, đồng hành cùng Cộng Đồng trọn vẹn ngày thứ Bảy. Buổi sáng ngài tham dự nghi thức khai mạc và lần chuỗi Mân Côi. Buổi chiều ngài cùng ngày, ngài chủ sự thánh lễ mừng kính các thánh Tử Đạo Việt Nam cùng với tám linh mục đồng tế. Ngoài ra dịp này cũng có một linh mục Việt Nam đến từ nước khác được mời để giúp cộng đoàn trong việc tĩnh tâm. Vị giảng thuyết năm nay là cha Vũ Thế Toàn, s.j. đến từ Hoa Kỳ. Sự chuẩn bị chu đáo của ban tổ chức và các đoàn thể cùng với sự nhiệt tình tham dự của mọi thành phần đã làm cho bầu khí ngày lễ trở nên sốt sắng và thêm phần long trọng.
Lời kết: Chiếm gần 10% trong tổng số người theo đạo Công Giáo, Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam tại đây có một vai trò quan trọng đối với đời sống Giáo Hội tại Đan Mạch. Kế thừa đức tin trung kiên của các vị tử đạo tiền nhân, thế hệ con cháu của các ngài đã mang đến cho Giáo Hội địa phương một sức sống mới. Như lời cám ơn ở phần cuối thánh lễ của Đức Cha Kozon, Giám Mục tại Đan Mạch, ngài cảm phục người tín hữu Việt Nam tại đây đã không ngừng dấn thân sống đức tin trong một quốc gia mà số người theo đạo Công Giáo còn chiếm tỉ lệ thật khiêm tốn.