hiểu và sống Mười Điều Răn Thiên Chúa (3)

Mười Điền Răn Thiên Chúa


(Sách Đệ Nhị Luật 5,1-22)

Ông Mô-sê triệu tập toàn thể Ít-ra-en và nói với họ: „Hỡi Ít-ra-en, hãy nghe những thánh chỉ và quyết định mà hôm nay tôi nói cho anh em nghe. Anh em hãy học cho biết những điều ấy và lo đem ra thực hành. Đức Chúa, Thiên Chúa của chúng ta, đã lập một Giao Ước với chúng ta tại núi Hô-rếp. Đức Chúa đã lập Giao Ước này không phải với cha ông chúng ta, mà là với chúng ta, những người hôm nay đang ở đây, tất cả còn đang sống. Thiên Chúa đã phán với anh em mặt đối mặt, trên núi, từ trong đám lửa. Còn tôi, thời ấy, tôi đứng giữa Đức Chúa và anh em để thông báo cho anh em lời của Đức Chúa, vì anh em thấy lửa thì sợ và không lên núi. Người phán:

„Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa, đã đưa ngươi ra khỏi Ai-cập, khỏi cảnh nô lệ.

• Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta.

• Ngươi không được tạc tượng vẽ hình bất cứ vật gì ở trên trời cao cũng như ở dưới đất thấp, hoặc ở trong nước phía dưới mặt đất, để thờ lạy. Ngươi không được phủ phục trước những thứ đó mà phụng thờ: vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, là một vị thần ghen tương. Đối với những kẻ ghét Ta, Ta phạt con cháu đến ba bốn đời vì tội lỗi của cha ông. Còn đối với những ai yêu mến Ta và tuân giữ các mệnh lệnh của Ta, thì Ta trọn bề nhân nghĩa đến ngàn đời.

• Ngươi không được dùng danh Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi một cách bất xứng, vì Thiên Chúa không dung thứ kẻ dùng danh Người một cách bất xứng.

• Ngươi hãy giữ ngày Sa-bát, mà coi đó là ngày thánh, như Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi đã truyền cho ngươi. Trong sáu ngày, ngươi sẽ lao động và làm mọi công việc của ngươi. Còn ngày thứ bảy là ngày Sa-bát kính Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi. Ngày đó, ngươi không được làm công việc nào, cả ngươi, cũng như con trai con gái, tôi tớ nam nữ, bò lừa và mọi gia súc của ngươi, và ngoại kiều ở trong thành của ngươi, để tôi tớ nam nữ của ngươi được nghỉ như ngươi. Ngươi hãy nhớ ngươi đã từng làm nô lệ tại đất Ai-cập, và Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã dang cánh tay mạnh mẽ uy quyền đưa ngươi ra khỏi đó. Bởi vậy, Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi đã truyền cho ngươi cử hành ngày Sa-bát.

• Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, như Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã truyền cho ngươi, để được sống lâu, và để được hạnh phúc trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi.

• Ngươi không được giết người.

• Ngươi không được ngoại tình.

• Ngươi không được trộm cắp.

• Ngươi không được làm chứng dối hại người.

• Ngươi không được ham muốn vợ người ta, ngươi không được thèm muốn nhà của người ta, đồng ruộng, tôi tớ nam nữ, con bò con lừa, hay bất cứ vật gì của người ta. Những lời ấy, Đức Chúa đã phán với toàn thể đại hội anh em, trên núi, từ trong đám lửa, giữa mây đen mù mịt, Người nói lớn tiếng và không thêm gì cả. Người đã viết những lời ấy trên hai bia đá và ban cho tôi.“

1. Tóm Lược Mười Điều Răn Thiên Chúa

Thứ nhất: Thờ phượng một Đức Chúa Trời và kính mến Người trên hết mọi sự.

Thứ hai: Chớ kêu tên Đức Chúa Trời vô cớ.

Thứ ba: Giữ ngày Chúa Nhật.

Thứ bốn: Thảo kính cha mẹ.

Thứ năm: Chớ giết người.

Thứ sáu: Chớ làm sự dâm dục.

Thứ bảy: Chớ lấy của người.

Thứ tám: Chớ làm chứng dối.

Thứ chín: Chớ muốn vợ chồng người.

Thứ mười: Chớ tham của người.

2. Diễn Giải

Điều Răn Thứ Nhất

Thứ nhất: Thờ phượng một Đức Chúa Trời và kính mến Người trên hết mọi sự!“

Điều đó có nghĩa là chúng ta phải thành tâm tôn thờ và biết ơn một mình Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa duy nhất đã tác tạo nên muôn vật hữu hình và vô hình, tức con người và các tạo vật thuộc vũ trụ vật chất này cũng như các Thiên thần và thế giới vô hình, trong đó phải kể đến linh hồn thiêng liêng bất tử của con người. Ngoài một mình Thiên Chúa ra, không còn có thần linh cứu độ nào cao trọng hơn nữa. Đối nghịch lại Thiên Chúa là các Thiên thần phản loạn, tức ma quỷ, và đã bị Thiên Chúa loại trừ ra khỏi hạnh phúc Thiên đàng và phải trầm luân trong hỏa ngục, trong chốn tối tăm đầy khổ ải.

Bổn phận thờ phượng Thiên Chúa gồm có bề trong và bề ngoài:

Bề trong: hoàn toàn xác tín và tin thật chân lý khách quan này là chỉ có một mình Thiên Chúa là Đấng Tối Cao duy nhất nắm trong tay mọi quyền lực trên trời dưới đất, và hết lòng tôn thờ và yêu mến Người trên hết mọi sự.

Bề ngoài: thể hiện sự xác tín, lòng tôn thờ và yêu mến của chúng ta đối với Thiên Chúa bằng những hành động cụ thể trong cuộc sống hằng ngày, tức sốt sắng tham dự các giờ Kinh Nguyện theo lịch phụng vụ của Giáo Hội, như các Thánh Lễ ngày Chúa Nhật và các ngày Lễ Trọng, lãnh nhận các Bí tích, nhất là Bí tích Hòa giải và Bí tích Thánh Thể, các Giờ Chầu, các Giờ Đền Tạ, lần hạt Mân Côi, các Giờ Đọc Kinh chung hay riêng, v.v… Vì Kinh Thánh đã dạy: „Đức tin không có việc làm là một đức tin chết“ (Gc 2,17).

Để giúp chúng ta sống đức tin một cách dễ dàng và có hiệu quả hơn, Giáo Hội đã tổ chức hai Mùa Phụng vụ quan trọng nhất trong năm, đó là Mùa Giáng Sinh và Mùa Phục Sinh.

Mùa Giáng sinh: Để giúp các tín hữu chuẩn bị cử hành và sống Mùa Giáng Sinh một cách thiết thực và có hiệu quả thực tiễn cho cuộc sống tâm linh của họ, Giáo Hội đã tổ chức một thời gian trong vòng bốn tuần lễ trước đó, được gọi là Mùa Vọng. Mục đích chính của Mùa Giáng Sinh là nhằm giúp cho mọi tín hữu chiêm ngắm và sống Mầu nhiệm tình Yêu „Xuống Thế Làm Người“ của Đức Kitô, Ngôi Hai Thiên Chúa: Vì quá yêu thương loài người, Thiên Chúa đã sai Con Một của Người xuống trần mặc lấy xác phàm, được sinh hạ nơi chuồng chiên lừa trong cảnh cơ hàn tột bậc, hầu để chia sẻ thân phận nghèo hèn của họ, để cứu thoát họ ra khỏi ách nô lệ tội lỗi và ma quỷ, và để làm hòa họ lại với Thiên Chúa Cha, nhờ thế con đường dẫn đưa họ vào cuộc sống viên mãn, vào chốn hạnh phúc vĩnh cửu, đã được mở ra cho họ.

Trong Mùa Giáng Sinh gồm có các Lễ Trọng chính: Đại Lễ Giáng Sinh, Lễ Chúa Hiển Linh hay Lễ Ba Vua, và thường được chấm dứt sau Lễ Đức Mẹ Dâng Con vào Đền Thờ, cũng được gọi là Lễ Nến, vì trong Lễ này Giáo Hội thường có lễ nghi làm phép các cây nến to nhỏ được sử dụng suốt năm trong nhà thờ và nhất là có tổ chức Rước Nến, để công khai tuyên dương Đức Kitô là ánh sáng thế gian và Người xuống thế gian là để soi sáng thế gian u tối bằng ánh sáng chân lý của Người.

Mùa Phục Sinh: Mục đích Mùa Phục Sinh là nhằm giúp cho các tín hữu sống Mầu nhiệm Cứu Chuộc của Đức Kitô bằng sự cử hành long trọng cuộc Khổ Nạn và sự Sống Lại hiển vinh của Người: Vì vâng lời Chúa Cha và để cứu thoát toàn thể nhân loại ra khỏi gông cùm tội lỗi và khỏi hố diệt vong, Ðức Kitô đã tự nguyện chịu mọi cực hình và cả cái chết đau thương tủi nhục trên thập giá, và đã được an táng trong mồ. Nhưng Thiên Chúa Cha đã không muốn để cho Con Một của Người phải chịu cảnh hư nát và tan rữa vào lòng đất như kiếp phàm nhân đầy tội lỗi, nên Người đã cho Đức Kitô sống lại vinh quang từ cõi chết và lên trời ngự bên hữu Người để làm Vua Vũ Trụ xét xử những ai đã từ chối tình yêu của Người, những ai chỉ biết sống ích kỷ, cư xử bất công và thiếu bác ái đối với các anh chị em đồng loại của mình (x. Mt 25, 31-46).

Mùa Phục Sinh cũng được chuẩn bị bằng một thời gian trước đó vào khoảng hơn kém năm tuần lễ, được gọi là Mùa Chay và được kết thúc với Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Trong Mùa Phục Sinh gồm có các ngày đại lễ: Lễ Phục Sinh, Lễ Chúa Giêsu Lên Trời, Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Dĩ nhiên, trước khi mừng Đại Lễ Phục Sinh, mừng ngày Chúa sống lại, các tín hữu cử hành long trọng Tuần Thánh, hay cũng được gọi là Tuần Thương Khó, để thành kính tưởng nhớ tấm bi kịch đầy đau thương nhất của cuộc đời Chúa Cứu Thế – vì chỉ muốn cho nhân loại được hạnh phúc và được cứu rỗi, mà Người đã tự nguyện hy sinh chấp nhận bị phản bội, bị ghép vào hàng ngũ những kẻ tội lỗi, bị tra tấn đánh đập cực kỳ dã man, bị kết án bất công và bị đóng đinh vào thập giá – và được khởi đầu bằng Lễ Lá, kỷ niệm biến cố dân Do-thái xưa kia đã cầm lá trong tay long trọng đón rước Chúa Cứu thế vào thành thánh Giê-ru-sa-lem. Trong Mùa Phục Sinh, mỗi tín hữu Công Giáo có bổn phận phải dọn mình chịu Bí tích Hòa Giải, tức phải xưng tội và rước lễ sốt sắng.

Ngoài hai Mùa Giánh Sinh và Mùa Phục Sinh, những ngày tháng còn lại trong năm được gọi là Mùa Thường Niên. Trong suốt Năm Phụng Vụ Giáo Hội còn cử hành các Lễ kính Mẹ Maria và các Thánh, hầu để động viên, khuyến khích các tín hữu hăng say và sốt sắng tôn thờ Thiên Chúa và sống Sứ Điệp Phúc Âm của Người qua đời sống nhân đức thánh thiện gương mẫu của Mẹ Maria và của các Thánh, như của những người anh chị em đã sống và nêu gương sáng trước cho chúng ta.

Các xúc phạm đến Điều Răn Thứ Nhất:

1) Khi người ta đem lòng tôn thờ các loài thụ tạo, như: người, loài vật, cây cối, đồ vật, v.v… và công khai long trọng hương khói và khấn vái trước bàn thờ các tạo vật hư hèn chóng qua ấy như một tác động thờ phượng.

2) Khi có những thái độ và cách sống mê tín dị đoan, nghĩa là khi người ta tin tưởng, trông cậy và đặt hết hy vọng vào các loài thụ tạo – như các phù thủy, các thầy bói, các cô đồng bóng, v.v…, – như thể chúng toàn năng và có quyền lực tuyệt đối để có thể làm thỏa mãn được mọi ước vọng và trông chờ của họ, một điều mà ngoài một mình Thiên Chúa ra, không một quyền lực hay một ai khác có thể ban cho con người (x. Đnl 18, 9-14).

3) Khi phạm thánh, tức khi chủ ý và khinh thường xúc phạm đến những người cũng như những nơi chốn hay những sự vật đã được Giáo Hội công khai thánh hiến cho Thiên Chúa, như các vị có Chức Thánh, các Nhà Thờ, Nhà Nguyện, các tượng Ảnh Chúa và các tượng ảnh các Thánh, trộm cắp, cắt xén hay lạm dụng tiền bạc của Giáo Hội.

Trong việc tôn thờ Thiên Chúa, người ta có thể nói được rằng việc đọc kinh cầu nguyện là thái độ và tác động đầu tiên con người làm khi đối diện với Thiên Chúa. Ở đây, tiếng Việt Nam nói rất đúng: Đọc kinh cầu nguyện, đọc kinh và cầu nguyện. Trong đó, đọc kinh tương đối dễ dàng hơn, còn ngược lại, cầu nguyện lại tương đối khó hơn. Và bằng một cách nào đó, người ta có thể so sánh được rằng: đọc kinh là phần hình thức, còn cầu nguyện là phần nội dung. Bởi vậy, nhiều khi người ta đã đọc kinh mà không cầu nguyện thực sự, đó là khi người ta chỉ đọc kinh và ca hát ngoài miệng, chứ lòng trí họ lại không để ý đến các lời kinh mình đọc và không suy niệm theo ý nghĩa của các lời kinh ấy, nhất là không đem ra áp dụng ý nghĩa các lời kinh ấy vào cuộc sống cụ thể hằng ngày của mình. Đây chính là trường hợp mà chính Chúa đã từng phiền trách: „Dân này chỉ tôn thờ Ta bằng môi miệng, chứ lòng chúng lại xa Ta“ (Mt 15,8).

(Còn tiếp)