Chúa Nhật V Phục Sinh năm C
Cv 14,21b-27; Kh 21,1-5a; Ga 13,31-33a.34-35
Sứ điệp trung tâm của phụng vụ Lời Chúa tuần này là giới răn yêu thương: “Anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em.” Chúa Giêsu lặp lại ba lần những lời này. Điều đó cho thấy đây là mạc khải quan trọng, Người gọi là giới răn mới. Nên trong thánh lễ này, chúng ta tìm hiểu về ý nghĩa của giáo huấn này.
1- Giới răn mới
Thực ra, Cựu Ước đã nói về giới răn yêu thương rồi. Từ xa xưa, sách Lêvi đã dạy giới răn yêu thương: “Ngươi phải yêu thương đồng loại như chính mình” (Lv 19,18). Ở đây, Cựu Ước lấy việc “yêu mình” làm chuẩn mực, bởi theo một mức độ nào đó, nếu ta yêu người như yêu mình, thì tình yêu đó cũng là tốt lắm rồi. Vì ai cũng muốn điều tốt cho chính mình. Tuy nhiên, yêu người như yêu chính mình vẫn là tình yêu giới hạn, nhiều lúc nặng tính ích kỷ, có điều kiện, chưa phải là tình yêu hoàn hảo.
Chúa Giêsu đã đi xa hơn khi nói: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.” “Yêu như Thầy đã yêu” nghĩa là yêu thương theo cách thức của Chúa Giêsu. Đây chính là sự mới mẻ, là căn bản của Kitô Giáo. Quả vậy, Kinh Thánh Cựu Ước chỉ nói tới giới răn yêu thương mà không giới thiệu một khuôn mẫu cụ thể hoàn hảo nào của tình yêu. Ngược lại, trong Tân Ước, Chúa Giêsu tự giới thiệu mình như là khuôn mẫu tuyệt hảo và nguồn mạch của tình yêu.
Bởi lẽ, điều Chúa Giêsu nói và làm là một: Người là Thiên Chúa, nhưng đã trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân phận tôi đòi. Người cúi xuống rửa chân cho các môn đệ. Người chấp nhận chết trên thập giá để cứu độ chúng ta. Người sống lại và ban Thánh Thần cho chúng ta. Người đã lập bí tích Thánh Thể để ở lại với chúng ta mãi cho đến ngày tận thế.
Tình yêu Chúa là mới mẻ bởi vì tình yêu đó được thể hiện bằng những việc làm cụ thể, đó là phục vụ, cảm thương, dịu dàng, tha thứ, hy sinh vì chúng ta.
Tình yêu Chúa là mới mẻ bởi vì đó là một tình yêu hoàn toàn nhưng không, Người không tìm kiếm điều kiện để yêu, Người yêu cả những ai không xứng đáng, Người yêu cả những ai làm hại mình.
Tình yêu Chúa là mới mẻ bởi vì Chúa Giêsu không nói: “Thầy đã yêu thương anh em, nên anh em hãy yêu thương Thầy và hãy phục vụ Thầy…” Nhưng Chúa nói: Thầy đã yêu thương anh em. Giờ anh em hãy yêu thương nhau và phục vụ lẫn nhau.
2- Dấu chỉ người môn đệ Chúa Kitô
Như thế, tình yêu Chúa Giêsu ở dạng thức cao cả nhất– agape – tình yêu hiến dâng hoàn toàn mà không hề có bóng dáng ích kỷ và chiếm hữu. Tình yêu Chúa là phổ quát, không giới hạn và vô điều kiện. Người yêu chúng ta trước khi chúng ta còn là tội nhân. Tình yêu đó là lớn lao.
Vì thế, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta: “Anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em.” Tình yêu Chúa là mẫu gương tuyệt hảo cho chúng ta noi theo.
Chúa Giêsu còn nói thêm: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết anh em là môn đệ của Thầy là anh em yêu thương nhau” (Ga 13,35).
Như thế, qua câu nói trên, Chúa Giêsu muốn quả quyết rằng: Dấu chỉ mà người ta nhận biết chúng ta là môn đệ Chúa Kitô không phải vì chúng ta có chức vụ trong Giáo Hội, không phải vì chúng ta đeo thánh giá, tràng hạt, mặc áo tu, hay phẩm phục tôn giáo, đọc kinh nhiều, nhưng là tình yêu thương nhau.
Người môn đệ Chúa Kitô là người theo sát dấu chân của Người, học theo cung cách sống của Người để trở nên đồng hình đồng dạng với Người (sequela Christi). Như thế, dấu chỉ của người môn đệ đích thực yêu thương như Chúa đã yêu thương. Tình yêu và lòng bác ái mà chúng ta dành cho nhau là bằng chứng hùng hồn chúng ta thực sự là môn đệ Chúa Kitô. Yêu thương là dấu chỉ người môn đệ chân chính của Đức Kitô. Như thế, rõ ràng theo logic này: Nếu chúng ta không sống yêu thương nhau thì chúng ta không phải là môn đệ Chúa. Nếu chúng ta làm cho người khác phải đau khổ, chúng ta không phải là môn đệ Người. Chúng ta thử hỏi: chúng ta có yêu thương nhau như Chúa dạy không?
3- Mọi sự sẽ thay đổi nhờ tình yêu
Câu chuyện sau đây diễn tả về đời sống cộng đoàn thay đổi khi họ biết yêu thương nhau:
Bề trên một tu viện Công Giáo đến tìm vị ẩn sĩ trên vùng núi Hi Mã Lạp Sơn để trình bày về tình trạng bi đát của tu viện.
Trước kia, tu viện này là một trung tâm sầm uất. Khách hành hương tấp nập. Nhà thờ lúc nào cũng vang lừng lời ca tiếng hát cầu nguyện. Tu viện không còn chỗ nhận thêm người vào tu. Vậy mà giờ đây, tu viện chẳng khác một ngôi nhà hoang phế. Nhà thờ vắng lặng. Tu sĩ thưa thớt già nua. Cuộc sống buồn tẻ.
Cha bề trên hỏi vị ẩn sĩ nguyên nhân nào hay lỗi lầm nào đã khiến tu viện rơi vào tình trạng suy sụp như hiện nay. Vị ẩn sĩ ôn tồn bảo: “Các tội đã và đang xảy ra trong cộng đoàn đó là tội vô tình.” Ông giải thích thêm: “Đấng Cứu Thế đã cải trang thành một người trong quý vị, nhưng quý vị không nhận ra Người.”
Nhận được lời giải đáp, cha bề trên hớn hở ra về. Cha tập họp các tu sĩ lại và loan báo cho họ biết Đấng Cứu Thế đang ẩn mình giữa cộng đoàn. Nghe nói thế, mọi người mở to mắt và quan sát nhau. Ai là Đấng Cứu Thế cải trang? Nhưng chắc chắn nếu Đấng Cứu Thế đã cải trang thì chẳng ai có thể nhận ra Người. Mỗi người sống chung với ta đều có thể là hiện thân “Đấng Cứu Thế.”
Từ ngày ấy, mọi người kính trọng nhau như với Đấng Cứu Thế. Mọi người quan tâm và phục vụ nhau. Chẳng bao lâu, bầu khí yêu thương huynh đệ, sức sống và niềm vui trở lại với tu viện. Khách hành hương bốn phương lại tấp nập tuôn về. Lời kinh tiếng hát lại vang lừng trong tu viện. Bị cuốn hút bởi bầu khí vui tươi thánh thiện, nhiều thanh niên đến xin gia nhập cộng đoàn.
Ước gì Lời Chúa hôm nay giúp mỗi người chúng ta luôn ý thức rằng, được làm môn đệ Chúa Kitô là một niềm vui lớn lao; đồng thời chúng ta biết sống yêu thương anh em như Chúa Giêsu đã nêu gương. Amen!
Cv 14,21b-27; Kh 21,1-5a; Ga 13,31-33a.34-35
Sứ điệp trung tâm của phụng vụ Lời Chúa tuần này là giới răn yêu thương: “Anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em.” Chúa Giêsu lặp lại ba lần những lời này. Điều đó cho thấy đây là mạc khải quan trọng, Người gọi là giới răn mới. Nên trong thánh lễ này, chúng ta tìm hiểu về ý nghĩa của giáo huấn này.
1- Giới răn mới
Thực ra, Cựu Ước đã nói về giới răn yêu thương rồi. Từ xa xưa, sách Lêvi đã dạy giới răn yêu thương: “Ngươi phải yêu thương đồng loại như chính mình” (Lv 19,18). Ở đây, Cựu Ước lấy việc “yêu mình” làm chuẩn mực, bởi theo một mức độ nào đó, nếu ta yêu người như yêu mình, thì tình yêu đó cũng là tốt lắm rồi. Vì ai cũng muốn điều tốt cho chính mình. Tuy nhiên, yêu người như yêu chính mình vẫn là tình yêu giới hạn, nhiều lúc nặng tính ích kỷ, có điều kiện, chưa phải là tình yêu hoàn hảo.
Chúa Giêsu đã đi xa hơn khi nói: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.” “Yêu như Thầy đã yêu” nghĩa là yêu thương theo cách thức của Chúa Giêsu. Đây chính là sự mới mẻ, là căn bản của Kitô Giáo. Quả vậy, Kinh Thánh Cựu Ước chỉ nói tới giới răn yêu thương mà không giới thiệu một khuôn mẫu cụ thể hoàn hảo nào của tình yêu. Ngược lại, trong Tân Ước, Chúa Giêsu tự giới thiệu mình như là khuôn mẫu tuyệt hảo và nguồn mạch của tình yêu.
Bởi lẽ, điều Chúa Giêsu nói và làm là một: Người là Thiên Chúa, nhưng đã trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân phận tôi đòi. Người cúi xuống rửa chân cho các môn đệ. Người chấp nhận chết trên thập giá để cứu độ chúng ta. Người sống lại và ban Thánh Thần cho chúng ta. Người đã lập bí tích Thánh Thể để ở lại với chúng ta mãi cho đến ngày tận thế.
Tình yêu Chúa là mới mẻ bởi vì tình yêu đó được thể hiện bằng những việc làm cụ thể, đó là phục vụ, cảm thương, dịu dàng, tha thứ, hy sinh vì chúng ta.
Tình yêu Chúa là mới mẻ bởi vì đó là một tình yêu hoàn toàn nhưng không, Người không tìm kiếm điều kiện để yêu, Người yêu cả những ai không xứng đáng, Người yêu cả những ai làm hại mình.
Tình yêu Chúa là mới mẻ bởi vì Chúa Giêsu không nói: “Thầy đã yêu thương anh em, nên anh em hãy yêu thương Thầy và hãy phục vụ Thầy…” Nhưng Chúa nói: Thầy đã yêu thương anh em. Giờ anh em hãy yêu thương nhau và phục vụ lẫn nhau.
2- Dấu chỉ người môn đệ Chúa Kitô
Như thế, tình yêu Chúa Giêsu ở dạng thức cao cả nhất– agape – tình yêu hiến dâng hoàn toàn mà không hề có bóng dáng ích kỷ và chiếm hữu. Tình yêu Chúa là phổ quát, không giới hạn và vô điều kiện. Người yêu chúng ta trước khi chúng ta còn là tội nhân. Tình yêu đó là lớn lao.
Vì thế, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta: “Anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em.” Tình yêu Chúa là mẫu gương tuyệt hảo cho chúng ta noi theo.
Chúa Giêsu còn nói thêm: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết anh em là môn đệ của Thầy là anh em yêu thương nhau” (Ga 13,35).
Như thế, qua câu nói trên, Chúa Giêsu muốn quả quyết rằng: Dấu chỉ mà người ta nhận biết chúng ta là môn đệ Chúa Kitô không phải vì chúng ta có chức vụ trong Giáo Hội, không phải vì chúng ta đeo thánh giá, tràng hạt, mặc áo tu, hay phẩm phục tôn giáo, đọc kinh nhiều, nhưng là tình yêu thương nhau.
Người môn đệ Chúa Kitô là người theo sát dấu chân của Người, học theo cung cách sống của Người để trở nên đồng hình đồng dạng với Người (sequela Christi). Như thế, dấu chỉ của người môn đệ đích thực yêu thương như Chúa đã yêu thương. Tình yêu và lòng bác ái mà chúng ta dành cho nhau là bằng chứng hùng hồn chúng ta thực sự là môn đệ Chúa Kitô. Yêu thương là dấu chỉ người môn đệ chân chính của Đức Kitô. Như thế, rõ ràng theo logic này: Nếu chúng ta không sống yêu thương nhau thì chúng ta không phải là môn đệ Chúa. Nếu chúng ta làm cho người khác phải đau khổ, chúng ta không phải là môn đệ Người. Chúng ta thử hỏi: chúng ta có yêu thương nhau như Chúa dạy không?
3- Mọi sự sẽ thay đổi nhờ tình yêu
Câu chuyện sau đây diễn tả về đời sống cộng đoàn thay đổi khi họ biết yêu thương nhau:
Bề trên một tu viện Công Giáo đến tìm vị ẩn sĩ trên vùng núi Hi Mã Lạp Sơn để trình bày về tình trạng bi đát của tu viện.
Trước kia, tu viện này là một trung tâm sầm uất. Khách hành hương tấp nập. Nhà thờ lúc nào cũng vang lừng lời ca tiếng hát cầu nguyện. Tu viện không còn chỗ nhận thêm người vào tu. Vậy mà giờ đây, tu viện chẳng khác một ngôi nhà hoang phế. Nhà thờ vắng lặng. Tu sĩ thưa thớt già nua. Cuộc sống buồn tẻ.
Cha bề trên hỏi vị ẩn sĩ nguyên nhân nào hay lỗi lầm nào đã khiến tu viện rơi vào tình trạng suy sụp như hiện nay. Vị ẩn sĩ ôn tồn bảo: “Các tội đã và đang xảy ra trong cộng đoàn đó là tội vô tình.” Ông giải thích thêm: “Đấng Cứu Thế đã cải trang thành một người trong quý vị, nhưng quý vị không nhận ra Người.”
Nhận được lời giải đáp, cha bề trên hớn hở ra về. Cha tập họp các tu sĩ lại và loan báo cho họ biết Đấng Cứu Thế đang ẩn mình giữa cộng đoàn. Nghe nói thế, mọi người mở to mắt và quan sát nhau. Ai là Đấng Cứu Thế cải trang? Nhưng chắc chắn nếu Đấng Cứu Thế đã cải trang thì chẳng ai có thể nhận ra Người. Mỗi người sống chung với ta đều có thể là hiện thân “Đấng Cứu Thế.”
Từ ngày ấy, mọi người kính trọng nhau như với Đấng Cứu Thế. Mọi người quan tâm và phục vụ nhau. Chẳng bao lâu, bầu khí yêu thương huynh đệ, sức sống và niềm vui trở lại với tu viện. Khách hành hương bốn phương lại tấp nập tuôn về. Lời kinh tiếng hát lại vang lừng trong tu viện. Bị cuốn hút bởi bầu khí vui tươi thánh thiện, nhiều thanh niên đến xin gia nhập cộng đoàn.
Ước gì Lời Chúa hôm nay giúp mỗi người chúng ta luôn ý thức rằng, được làm môn đệ Chúa Kitô là một niềm vui lớn lao; đồng thời chúng ta biết sống yêu thương anh em như Chúa Giêsu đã nêu gương. Amen!