(II). Do Thái Giáo

Linh hứng của các tiên tri là một chuyện; linh hứng của Thánh Kinh (nghĩa là công trình viết) lại là một chuyện khác. Việc các trước tác chứa lời tiên tri được linh hứng chưa bao giờ được minh nhiên nói đến trong Thánh Kinh Do Thái, cho dù Thánh Kinh này không ngừng khẳng định rằng Chúa Thánh Thần can dự sâu xa vào các hoạt động và tuyên bố của các tiên tri (2Sm 23:2; Hs 1:1; Ge 3:1-2...).



Philo nhắc lại niềm tin truyền thống của Do Thái Giáo: “Tiên tri không có phát ngôn nào tự ý riêng, nhưng mọi phát ngôn của ông đều xuất phát từ nơi khác, là tiếng vang của một giọng nói khác. Kẻ dữ có thể không bao giờ là người phiên dịch của Thiên Chúa, đến nỗi không kẻ bất xứng nào được ‘Thiên Chúa linh hứng’ (enthousia) theo nghĩa đúng đắn của nó” (Quis Rerum 259; xem De praemiis 55). Giống tác giả 2Pr, Philo phân biệt tiên tri thật và được linh hứng với tiên tri giả. Ông gán hồng phúc tiên tri cho Môsê, Nôê, Isaác, và Giacóp, nhưng trên hết cho Môsê, người được “khắp nơi tưởng nhớ như một tiên tri” (Quis rerum 262).

Theo ý kiến Philo, lời lẽ của Môsê và của các tổ phụ đều được linh hứng, và mọi điều trong các sách thánh (hosa en tais hierais bibliois) đều là các sấm ngôn truyền qua cửa miệng Môsê. Thành thử, Tôra hay lề luật mà truyền thống vốn gán cho Môsê chứa các lời tiên tri được linh hứng. Sách Talmud Babylonia đi xa hơn khi nói đến Tôra như là “được Thiên Chúa mạc khải”. Thực vậy, các rabbis vốn dạy rằng lề luật ở Ds 15:31: “Vì nó đã khinh chê lời của Chúa, và phạm giới răn của Người, nên kẻ ấy sẽ bị tiêu diệt” áp dụng vào kẻ “chủ trương rằng Tôra không phải từ trời” (b. Sanh. 99a).

Rõ ràng, học lý linh hứng tiên tri nằm ở gốc rễ học lý Do Thái về sự linh hứng của Sách Thánh. Toàn bộ Těnāk (nghĩa là Tôra, các Tiên Tri và các Trước Tác) đều được coi là được linh hứng vì cả ba đơn vị đều được dẫn khởi từ phát ngôn tiên tri mà ra. Việc cả Tôra phát xuất từ Môsê, tiên tri tối hảo (xem Đnl 15:18), lẫn các sách tiên tri phát xuất từ các phát ngôn tiên tri là điều gần như không cần phải nói. Có những đoạn rải rác còn cho rằng ngay các phát ngôn của các hiền nhân (sages) cũng nên được giải thích theo đường hướng phát ngôn tiên tri được linh hứng (Is 11:2; Xh 15:20-21; 2Sb 15:1-5).

Chính dựa vào truyền thống Do Thái trên mà tác giả 2Pr đã khẳng định rằng ton prophētikon logon trở thành chắc chắn hơn, tức “lời tiên tri” theo lối dùng văn hóa Hy Lạp của người Do Thái, nơi nó chỉ toàn bộ Těnāk. Các Sách Thánh này sẽ đứng vững vì chúng bắt đầu được thể hiện nơi Chúa Giêsu Kitô. Như thế, Kitô Giáo buổi đầu đã chia sẻ với truyền thống Do Thái ý niệm coi Thánh Kinh Do Thái được linh hứng; chứng cớ cụ thể là việc dùng như nhau hai kiểu nói “có lời chép” (Cv 13:33) và “Người (Thiên Chúa) phán thế này” (13:34, 35).



(III). Các Giáo Phụ

Chứng tá Tân Ước mạnh đến nỗi các Giáo Phụ tiên khởi coi tính linh hứng của các Sách Thánh như điều tự nó gần như hiển nhiên, dùng lại ngôn từ truyền thống để mô tả nó. Tuy nhiên, trong các thế kỷ thứ 2 và thứ 3, “các Sách Thánh” (hai graphai) cũng được dùng để chỉ các trước tác Kitô Giáo có thế giá; các trước tác này, sau cùng, đã được lồng vào qui điển. Việc mở rộng hạn từ vốn được dùng cho các trước tác Do Thái này cho thấy nguồn gốc nơi Thiên Chúa. Trong trường phái Alexandria, Thánh Clêmentê (khoảng năm 150-215) viết về “các trước tác thánh thiêng” (hiera grammata) và “các sách thánh thiện” (hagiai biblioi), quả quyết rằng Sách Thánh là công trình của “các tác giả thần linh” (theiōn graphōn). Học trò của ngài là Origen (khoảng năm 185-254) viết về các sách thánh thiêng (hierai biblioi) được dẫn xuất “từ sự linh hứng” (ex epipnoias). Tại Antiôkia, cùng lúc ấy, Theophilus viết về “các Sách Thánh Thánh Thiện” (ha hagiai graphai) và trích dẫn các tác giả của chúng như người “mang thần khí” (pneumatophoroi).



Các quan điểm giáo phụ như trên làm nổi bật thế giá của Thánh Kinh Do Thái và Kitô Giáo.Thánh Clêmentê thành Alexandria, chẳng hạn, viết về khả thể trích dẫn man vàn các bản văn Thánh Kinh mà "một chấm một phết cũng sẽ không qua đi” (Mt 5:18), vì chúng đã được phát ngôn từ chính cửa miệng Thiên Chúa, Chúa Thánh Thần, “Đấng đã phát ngôn chúng” (Is 1:20; Protrepticus 9.82.1). Dù thừa nhận rằng Thánh Kinh không cung cấp mọi giải đáp cho mọi vấn đề của chúng ta, Thánh Irênê thành Lyons (khoảng năm 130-200) nhận định rằng Thánh Kinh hoàn hảo vì chúng đã được trao ban nhờ lời “Thiên Chúa và Thánh Thần” (Ad. Haer. 2.82.2). Trong số các Giáo Phụ miền Cappadocia, Thánh Grêgôriô thành Nazianzô (329-389) muốn ta lưu ý tới cả những bản văn Thánh Kinh ngắn nhất vì chúng được Chúa Thánh Thần chăm sóc (Oratio, 2.105; PG 35.504).

A.Các giải thích về linh hứng



Một vấn đề khác hẳn nữa là cách các Giáo Phủ hiểu sự linh hứng. Một số các Giáo Phụ tiên khởi coi nó là kết quả của một hiện tượng xuất thần. Theophilus ví tiên tri như bà đồng bà cốt, vì ngài “bị Thần Khí thánh thiện chiếm hữu (pneumatophoroi pneumatos hagiou) mà trở thành tiên tri [kai prophētai genomenoi) và được linh hứng và dạy dỗ bởi chính Thiên Chúa (hyp’auto tou theou empneusthentes kai sophisthentes) (Ad autolycum 2.9; PG 6.1064). Thánh Giustinô Tử Đạo (khoảng năm 100-165) viết: “khi nghe các lời tiên tri, nói nhân danh một ai đó, bạn đừng nghĩ chúng được nói bởi chính ý muốn các tiên tri được linh hứng, nhưng là do Lời Thiên Chúa thúc đẩy họ nói” (Apol. 1.36). Trên thực tế, Thánh Giustinô rất ít khi nêu tên một vị tiên tri cá thể nào, chỉ có trong Dial. 118, ngài nhắc tên các tiên tri Nathan, Êdêkien, và Isaia. Tiên đoán các biến cố tương lai là một hồng phúc đối với các tiên tri (Apol. 1.31; Dial. 7), và linh hứng gần như là vấn đề Thiên Chúa đọc chính tả. Các quan điểm tương tự phần nào cũng được Thánh Athenagoras, nhà hộ giáo thế kỷ thứ 2, chủ trương. Dựa vào nguyên gốc Hy Lạp pneu-(pnei, “thổi”; pneuma “thần khí”) và dự ứng học lý nguyên nhân tính có tính dụng cụ (instrumental causality) của kinh viện trong cuộc thảo luận về linh hứng, ngài đã viết về các giáo huấn của “Môsê hoặc của Isaia và Giêrêmia và các tiên tri khác, những vị lúc đang ngất trí trong suy nghĩ, như thể Thần Khí Thiên Chúa thúc đẩy, nói ra những điều họ được linh hứng để nói, Thần Khí dùng họ như người thổi kèn sáo thở vào ống sáo” (Legatio 9; GP 6.905-906).

B.Origen

Ở Phương Đông, Origen, một trong các nhà văn Kitô Giáo tiên khởi đã tiếp nối ý niệm linh hứng một cách chi tiết, chứng tỏ muốn nghiêng về phía chống lại quan điểm cho rằng kinh nghiệm ngất trí hay xuất thần nằm ở nguồn cội việc nói tiên tri và linh hứng thánh kinh. Công trình lớn của ông, Về Các Nguyên Lý Đệ Nhất (Peri Archon; De pricipiis), có một chương tựa là “Linh Hứng của Thánh Kinh Thiên Chúa”. Ông nhắc đến các chứng từ “rút từ các Sách Thánh, mà chúng ta vốn coi là của Thiên Chúa, cả từ bộ gọi là Cựu Ước lẫn bộ gọi là Tân Ước” (4.1; PG 11.341). Nhắc đến “các trước tác thần linh” và đặc điểm thần linh” của các Sách Thánh, Origen cho rằng không thể chấp nhận việc một số tuyên bố trong Thánh Kinh “được phát ngôn bởi con người” (4.22;PG 11.391). “Ai tiếp cận các lời tiên tri một cách cẩn trọng và chú ý... sẽ được xác tín bởi chính các cảm quan của họ là những lời được chúng ta tin là phát xuất từ Thiên Chúa không do con người soạn tác” (4.6; PG 11.353). Chúa Thánh Thần “soi sáng” (tō phōtizontipneumati) người viết được linh hứng (4.14; PG 11.372) bằng hành động trực tiếp trên tâm trí, ý chí và ký ức nhân bản (Contra Celsum 7.3-4; PG 11. 1424-1425). Tuy nhiên, đối với Origen, các tiên tri trong Thánh Kinh “tự ý và đầy ý thức khi hợp tác với lời lẽ tỏ cùng các ngài” (Hom. In Ezech., Frg. 6.11; PG 13.709), và các soạn giả Tin Mừng thì có khả năng phát biểu ý kiến của họ. Thực vậy, ông phân biệt giữa lời mạc khải và lời nhận định về lởi mạc khải này; lời nhận định thì phát xuất từ tác giả nhân bản của Sách Thánh. Việc phân biệt này dẫn Origen tới chỗ công nhận có thể có sự sai lầm của cả tiên tri Cựu Ước lẫn tác giả Tân Ước.

Đóng góp lớn nhất của Origen có lẽ hệ ở việc ông nhấn mạnh tới sự linh hứng của bản văn chứ không như trước đây, thường nhấn mạnh tới sự linh hứng của tiên tri. Sự thay đổi về nhấn mạnh rằng chính bản văn là lời Thiên Chúa này, ít nhất một phần, do cuộc chiến đấu của Origen chống lại tàn dư của thuyết Montanô là thuyết quá nhấn mạnh đến các tiên tri được Thần Trí hướng dẫn. Origen cũng thừa nhận nhiều bình diện hay nhiều mức độ linh hứng, một chủ trương sau đó được thần học gia Theodore thành Mopsuestia người Antokia (khoảng năm 350-428) bước theo, nhưng không được các Giáo Phụ Đông Phương ủng hộ cách chung.



C. Thánh Augustinô

Trong số các Giáo Phụ Tây Phương, Thánh Augustinô (354-430) bàn sâu rộng nhất về ý nghĩa của Sách Thánh, nhất là trong cuốn Sự Hòa Hợp của Các Sách Tin Mừng và cuốn Về Tín Lý Kitô Giáo. Ngài nhấn mạnh đến ý nghĩa Thánh Kinh mà tác giả muốn có: “Mục tiêu của chúng ta không gì khác hơn là xác định đâu là tâm trí và ý định của người nói” (Sự Hòa Hợp 2.12; PL 34. 1092; xem Về Tín Lý 1.36; Pl 34.34). Nhìn chung, Thánh Augustinô chủ trương rằng Thánh Kinh được Chúa Thánh Thần đọc chính tả cho các tác giả nhân bản chép: “Tác giả (mà qua đó Chúa Thánh Thần đem Thánh Kinh vào hiện hữu)” và Thần Khí Thiên Chúa “Đấng tạo ra các lời này qua tác giả này” (Về Tín Lý 3.27; PL 34.80). Ngài dành cho các tác giả nhân bản một vai trò lớn; vị này sử dụng các hình thức phát biểu mà các nhà văn phạm Hy Lạp gọi là “tropes”(hình thái tu từ; Về Tín Lý 3.29; PL 34. 80). Soạn giả Tin Mừng có thể giới thiệu một chủ đề mà không khai triển đầy đủ chi tiết hoặc tự ý thêm vào “không phải là chính nội dung mà là các chữ để phát biểu nội dung này”. “Soạn giả này rất có thể không thành công hoàn toàn... trong việc nhắc lại hay đọc lại một cách chính xác từng chữ chính các lời lẽ ngài nghe được vào dịp đó” (Sự Hòa Hợp, 2.12; Pl 34.1091).

D. Các công thức quan trọng

Dù các Giáo Phụ cả Đông lẫn Tây Phương nói chung đều quả quyết tính linh hứng của Thánh Kinh, nhưng các ngài vẫn phải cố gắng đương đầu một cách thực tiễn với các vấn đề giải thích, nên 3 công thức có ý nghĩa đã xuất hiện trong các trước tác của các ngài; các công thức này sau đó rất nổi bật trong các cuộc tranh luận. Đó là hạ cố (condescension), đọc viết chính tả (dictation), và “Thiên Chúa là tác giả các Sách Thánh”.

(a) Hạ Cố

Từng có tiên phong trong chữ “thích ứng” (chữ Hy Lạp: symperihora) nơi Origen, ý niệm hạ cố (synkatabasis), phát xuất từ Thánh Gioan Kim Khẩu (khoảng năm 347-407) có giá trị lâu bền nhất trong cuộc thảo luận về linh hứng (Vawter, Biblical 40). Nó tiếp tục được trích dẫn trong các văn kiện của Giáo Hội như Divino Afflante Spiritu (EB 559; RSS tr.98) và Dei Verbum (3:13) của Vatican II. Văn kiện vừa nhắc trích tác phẩm của Thánh Gioan Kim Khẩu viết về Sáng Thế 3:8 (Bài Giảng 17.1; PG 53: 134) tuyên xưng sự hạ cố của đức khôn ngoan Thiên Chúa “nhờ thế, chúng ta có thể học biết lòng nhân từ dịu dàng của Thiên Chúa, lòng nhân từ mà không lời lẽ nào có thể diễn tả được, và Người đã đi xa biết bao nhiêu khi thích ứng ngôn ngữ của Người với một quan tâm đầy suy nghĩ đối với bản tính nhân loại yếu ớt của chúng ta”. Nó cũng coi điều này tương tự như việc nhập thể của Ngôi Lời Thiên Chúa, một loại suy thường được sử dụng để giải thích linh hứng và được chính Thánh Gioan Kim Khẩu gợi ý (Bài Giảng 15.3 về Gioan 1:18; PG 59.100). Thánh Gioan Kim Khẩu thường sử dụng chữ “hạ cố” để nói về Thánh Kinh như được viết bởi các tác giả phàm trần, đôi khi diễn tả suy nghĩ của mình bằng những ẩn dụ (metaphor) hay ngoa dụ (hyperbole) hay một cách để được các độc giả dễ tiếp nhận hơn (captatio benevolentiae) (Xem R.C. Hill, Compass Theological Review 14 [1980] 34-38).

(b) Đọc viết chính tả

Việc cho rằng các Sách Thánh “được đọc viết chính tả” (chữ Latinh: dictare) đã tìm thấy nơi các giáo phụ phương Tây như Thánh Augustinô (xem En. In Ps. 62.1; PL 36, 748) và Thánh Giêrônimô (Thư Rôma của Thánh Phaolô được Chúa Thánh Thần đọc cho viết chính tả; Epist. 120.10; PL 22.997). Cả trong các cuộc tranh luận của Phong Trào Cải Cách thế kỷ thứ 16, việc Chúa Thánh Thần đọc để viết ra các sách thánh đã được sử dụng để mô tả sự linh hứng từ cả hai phía. Đối với người Công Giáo, năm 1546, Công đồng Trent rõ ràng “đã cho rằng chân lý và qui luật này đã được chứa đựng cả trong các bản văn sách thánh lẫn trong truyền thống bất thành văn được truyền đến chúng ta, sau khi các tông đồ đã tiếp nhận từ chính môi miệng Chúa Kitô, hoặc từ các tông đồ qua việc Chúa Thánh Thần đọc chính tả (Spiritu Sancto dictante) [cho các ngài chép] và đã được lưu truyền như thế từ tay nọ tới tay kia” (DS 1501) – một đoạn đã được trích từng lời năm 1870 bởi Công đồng Vatican I (Dei Filius; DS 3006).

Trong cùng một đường hướng trên, “các nhà cải cách đã tiếp nhận không nghi vấn và không dè dặt câu tuyên bố về linh hứng, và cả chữ linh hứng nữa, của Thánh Kinh, như nó đã minh nhiên và mặc nhiên chứa đựng trong đoạn thư của Thánh Phaolô mà chúng ta đã lấy làm căn bản của chúng ta, thậm chí bao gồm luôn công thức nói rằng Thiên Chúa là tác giả của Thánh Kinh, và đôi khi sử dụng ý niệm đọc cho viết chính tả qua các người viết Thánh Kinh” (Karl Barth, Church Dogmatics 1.2.520). Về việc Thánh Kinh là lời Thiên Chúa đến mức nào, Barth thấy nơi các nhà Cải Cách “Thiên Chúa hay Chúa Thánh Thần là tác giả đệ nhất đẳng (auctor primarius) của nó; nội dung của nó ‘được ban cho’ các tiên tri và các tông đồ...; nó được mandata, inspirata, dictata (truyền lệnh, linh hứng, đọc để viết chính tả)... bởi ‘thúc đẩy’ (impulse) của Thiên Chúa; đến nỗi, trong việc biên soạn các trước tác của các ngài, các tiên tri và tông đồ hành động như các amanuenses (phụ tá viết)... hay librarii (người sao chép)... hoặc actuarii (thư ký)” (1.2.523).



John Calvin (1509-1564) thường dùng chữ “đọc viết chính tả” để mô tả quyền tác giả của Thiên Chúa đối với Thánh Kinh và “các thầy ghi chép” (scribes) để mô tả vai trò của các tác giả nhân bản. Bất cứ điều gì Đanien “nói ra đều được đọc chính tả bởi Chúa Thánh Thần” và các tác giả Tân Ước đều là “các phụ tá viết chắc chắn và chân chính của Chúa Thánh Thần” (Institutes, 4.8.9). Isaia và Môsê là “các dụng cụ của Thần Trí Thiên Chúa” không tự mình cung hiến được gì (Bài giảng thứ 24 về 2Tm; Corpus Reformatorum 54. 285-86). Tuy thế, khi Calvin nói đến Thánh Kinh như đã “được đọc chính tả” và “các thầy ghi chép”, thì việc đọc chính tả này, đối với ông, không phải chỉ là phép tốc ký (stenography). Chẳng hạn, ông nhìn nhận rằng các tác giả Sách Thánh chịu ảnh hưởng của sự tối tăm thời đại (Institutes 2.11.6) và ngay Thánh Phaolô cũng không trích dẫn Thánh Kinh một cách không lầm lẫn.

(c) “Thiên Chúa là tác giả”

Được một nhà Cải Cách như Calvin sử dụng, hạn từ này đã được chứng thực đầy đủ trong các tuyên bố của Giáo Hội Công Giáo về đức tin và tín lý, như trong thế kỷ 13, trong phái Walđensiô (DS 790) và nơi Hoàng Đế Michael Palaeologus (DS 854), trong các Công đồng Trent, Vatican I và Vatican II (DS 1501, 3006; Dei Verbum 3:11). Giáo hội chính thức sử dụng kiểu nói này lần đầu tiên là trong một lời tuyên xưng đức tin của các tân giám mục trong điều gọi là Các Quy Chế Xưa của Giáo Hội (Ancient Statutes of the Church) (năm 450-500) “Có một tác giả duy nhất và như nhau và là Thiên Chúa của cả Tân Ước lẫn Cựu Ước, nghĩa là, của Lề Luật, Các Tiên Tri và Các Tông Đồ” (DS 325). Công thức này dường như phát sinh từ các cuộc tranh cãi ở Châu Phi thế kỷ thứ 5 với phái Manikêô, bút chiến phản công lại phái lưỡng vị (dualism, chủ trương Chúa Kitô có 2 ngôi vị). Do đó, Thánh Augustinô đã nói đến “việc tôn thờ Thiên Chúa như là tác giả của cả hai giao ước” (Contra Adimantum 16.3; PL 42.157). Tương tự như thế, Thánh Ambrôsiô, khi chứng minh sự liên hệ qua lại giữa Cựu Ước và Tân Ước đã nói đến một tác giả duy nhất của nhận thức (Exp. In Ps. 118.8; PL 15.1320). Những nguồn gốc có tính bút chiến này đã được nhắc lại trong Sắc Lệnh cho Những Người Giacôbita (chủ trương nhất tính), một sắc lệnh đã minh nhiên nối kết Thiên Chúa với Thánh Kinh như tác giả. Giáo hội Rôma “tuyên xưng Thiên Chúa duy nhất và cùng một Thiên Chúa là tác giả của cả Cựu Ước lẫn Tân Ước... vì các thánh của cả hai giao ước đều cùng nói bằng sự linh hứng của cùng một Chúa Thánh Thần... Nó phạt tuyệt thông sự điên khùng của phái Manikêô vì đã thiết lập ra hai nguyên lý đầu hết, một nguyên lý hữu hình, một nguyên lý vô hình; và họ còn cho rằng có một Thiên Chúa cho Tân Ước và một Thiên Chúa cho Cựu Ước” (DS 1334).

Công thức “tác giả” cho thấy: Thiên Chúa là nguồn tối hậu của cả hai giao ước nhưng không nhất thiết gán quyền tác giả viết lách (literary authorship) cho Người. Chữ Latin auctor có một loạt ý nghĩa rộng hơn là chữ “author” của chữ Anh chẳng hạn, để chỉ một người sản xuất ra một điều gì, bất luận một tòa nhà, một cây cầu, hay một công trình viết văn. Trong truyền thống của Giáo Hội về quyền tác giả Thánh Kinh của Thiên Chúa, auctor có một nghĩa chung hơn chỉ người sản xuất hay nguồn, chẳng hạn, trong lời tuyên xưng đức tin dành cho Michael Palaeologos, chữ Latinh auctor đã được dịch sang chữ Hyalạp là archēgos nghĩa là “khởi thủy, người sáng lập, người khởi nguyên”.

Kỳ sau: III. Mô hình tiên tri của linh hứng