GIŨ BỤI TRẦN AI SỐ 4

A. Trong lịch sử Giáo hội Việt Nam gặp một cơn khủng hoảng lớn lao đã từng làm chia rẽ hàng ngũ những người có tín ngưỡng trong xã hội Việt Nam, kể cả giáo hội sơ khai từ các cấp lãnh đạo tôn giáo - tới cộng đoàn giáo hữu trong những ngày đầu của đạo Công gíao đó là:

Vấn đề thờ cúng tổ tiên nhà sử học dòng tên Đỗ Quang Chính đã đặt tên là “vấn đề nóng bỏng tôn kính tổ tiên”.

Nói chung vấn đề này đã từng một thời gian làm khuấy động giáo hội Trung Hoa trong vấn đề này gọi là: “Lễ Phép Nước Ngô” gồm việc tôn kính tổ tiên, tôn kính các vị thần thánh, các vị có công với xã hội đất nước; nhất là lễ nghi tôn kính khổng tử, lão tử… Nhưng vấn đề nổi bật hơn cả được đặt ra là việc “tôn kính tổ tiên”. Việt Nam là một nước nhiều lần lệ thuộc phương Bắc, nên bị ảnh hưởng nhiều tới văn hoá nghi lễ, đặc biệt việc “tôn kính tổ tiên” theo ngôn ngữ Việt Nam là cúng, giỗ tổ tiên ông bà, ông vải…

Thực ra vấn đề này quan trọng này trước hết và trên hết là: do sự khác biệt về văn hóa Đông phương và Tây phương đó là do những người có liên hệ từ Tây phương mà đến, kể cả một số đấng tại giáo triều Rôma lúc đó và một số các dòng truyền giáo khác nhau (trừ dòng Tên)

Theo quan niệm phương Tây được thể hiện trong tín lý Công giáo, chỉ công nhận một Đấng Ba Ngôi là Đấng duy nhất được thờ phượng, mến yêu qua các nghi lễ Phụng vụ, còn các vị thần thánh khác từ Đức Maria, các vị thần thánh khác chỉ được tôn sùng, kính mến nhưng không được Thờ Lạy. Xuất phát từ quan điểm thần học căn bản đó, nên các vị Công giáo không cho phép những lễ nghi được tôn thờ bất kỳ thần thánh nào trên trời dưới đất… như là một Thiên Chúa

Vậy cho nên khi giảng dạy ở Á Châu, Phi Châu, Âu Châu… Các nhà truyền giáo đều coi các lễ nghi tôn giáo bản địa là mê tín, lạc hậu, là phản nghịch với tín điều Phụng thờ một Thiên Chúa Ba Ngôi… Riêng Trung Quốc là một nước lớn, có nền văn hóa lâu đời rất thâm sâu, cổ kính, các lễ nghi tiến hành phức tạp, đa dạng. Những người có đầu óc phương Tây ngay như các đấng truyền giáo, cũng không thể trong một thời gian ngắn có thể hiểu thấu, cho nên từng vơ đũa cả nắm cho là những lễ nghi thờ trời, đất các vị thần thánh… như là nghi lễ dành cho Thiên Chúa và đã báo cáo sự hiểu lầm sang Tòa Thánh. Xuất phát từ những hiểu lầm như vậy, liên tiếp trong nhiều năm tòa thánh công bố các chỉ thị các hiến chế… kết án lễ phép nước Ngô, và từ đó cũng kết án luôn việc thờ kính tổ tiên được thịnh hành tại xã hội Việt Nam lúc đó. Trong số các dòng, đa số các ngài đều tuân theo từng chi tiết các hiến tế sắc lệnh, chỉ thị; nhiều khi đối lập lần nhau tùy theo lối cắt nghĩa chủ quan của mỗi người. Chỉ có dòng Tên, đứng đầu là cha Mattheo Ricci đã vạch ra đường lối để giới thiệu tin mừng thích hợp riêng với văn hóa Trung Hoa. Ngài đã phải hy sinh công sức thời giờ và có thể nói tạm bỏ cả não trạng cùng lối suy tư kiểu Tây phương để miệt mài với chữ Hán, và với sách vở thánh hiền, hầu hiểu được nội dung ý nghĩa đích thực của các nghi lễ Trung Hoa.

Việc hiểu lầm nghi lễ Trung Hoa nói chung, như vậy đã làm nên sự ác cảm của người Trung Quốc với đạo Công giáo nhất là dưới thời vua Càn Long. Đã có nhiều cuộc bách hại, cấm đoán, trục xuất các nhà thừa sai ra khỏi biên giới, nhiều đấng đã bị chết rũ tù, hoặc bị xử tử vì lý do đó. Điều này làm chậm bước công việc truyền giáo nếu không phải là gây những khó khăn đến ngày nay cho công cuôc truyền giáo.

Những biến cố trên lây lan tới Hội Thánh ở Việt Nam, nhất là trong thời kỳ đầu làm cho việc truyền giáo bị cản trở, mà còn phá hoại tới sự đoàn kết hợp thông trong giáo hội gây sự tranh chấp giữa các dòng tu (dòng Tên bị giải tán, các thừa sai lên án tranh chấp lẫn nhau, các giáo hữu cũng bi lâm vào sự chia rẽ đó mà phân tán thành những công đồng đối nghịch lẫn nhau, gây ra những gương mù gương xấu đáng tiếc). Nguyên do cũng chỉ vì sự hiểu lầm nền văn hóa Phương Đông và Phương Tây.

Dưới đây tôi chỉ muốn phân tích việc “tôn kính tổ tiên” tại Việt Nam, và đưa ra một số nhận xét cụ thể làm yên lòng những người Công giáo còn vương mắc trong vấn đề quan trọng và tế nhị này.

Nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu trước thời thực dân Pháp đã thốt lên rằng:

Thà đui mà giữ đạo nhà

Còn hơn có mắt ông cha không thờ “Đạo nhà” theo cụ đồ Chiểu là thờ ông cha chăng, toàn dân Việt Nam từ Bắc chí Nam, mọi gia đình bất cứ giàu nghèo đều thờ ông bà, vậy có nghĩa là đều thờ tổ tiên.

Từ việc giỗ tổ như giỗ Hùng Vương, tới việc trong mỗi nhà đều có bàn thờ tôn kính tổ tiên.

Những ngày lễ tết, sum họp gia đình đều làm lễ cúng giỗ nhớ tới tổ tiên, ông bà, cha mẹ; ngày trữ tịch, đêm giao thừa, ngày mùng một, mùng hai, mùng ba tết đều có những lễ nghi cúng giỗ tổ tiên. Đằng khác trong những biến cố quan trọng của cuộc đời, từ khi mới sinh ra cho đến lúc qua đời, đều có những lễ nghi riêng để kính nhớ tổ tiên. Ví dụ: (cúng mộ cho trẻ sơ sinh, cúng đầy tháng, ghi tên vào gia phả,cúng đầy năm, cúng khai tên, cúng cắt tiền duyên, lễ chạm ngõ, lễ xin dâu… nhưng đặc biệt hơn cả là lễ “cúng giỗ tổ tiên”)

Tuy có nhiều ngày lễ quy về việc tôn kính tổ tiên như vậy, nhưng không thể xếp việc thờ cúng này vào ý nghĩa của từng tôn giáo, như một số người phương Tây trước đây đã hiểu nhầm, song chỉ là một tín ngưỡng phổ quát trong xã hội Việt Nam. Chúng ta không tôn thờ ông bà cha mẹ như một Thiên Chúa mà chỉ kính nhớ như những đấng sinh thành dưỡng dục có công với cuộc đời chúng ta, cũng như chúng ta cũng tôn kính các thần thánh những người có công với đất nước xã hội…

Trong hoàn cảnh xã hội Trung Hoa và Việt Nam thế kỷ XVII việc hiểu nhầm và kết án như đã nói ở trên do không biệt rõ lễ nghi và cùng đích của lễ nghi đó là dành cho Thiên Chúa độc tôn, duy nhất tuyệt đối…thì khác, còn các nghi lễ cũng như mục đích chỉ dành để tôn kính các vị thần thánh là việc khác. Do đó trong thế kỷ XVII bằng một số sắc lệnh đã kết án phong tục nước Ngô gồm cả việc tôn thờ tổ tiên là do sự hiểu nhầm nói trên, mãi tới sau 187 năm tức tới ngày 08/ 12/ 1939 huấn thị Plane Compertum Est của Thánh Bộ Truyền giáo mới cho phép Giáo hội Trung Hoa và các nước khác đước cúng giỗ theo phong tuc địa phương.

Riêng ở Việt Nam ngày 14/06/1965 hội đồng giám mục Việt Nam thông cáo cho phép cúng giỗ.

B. Thờ kính tổ tiên tại Việt Nam

Như đã nói ở trên: việc thờ cúng này chỉ có tính cách là một tín ngưỡng hơn là một tôn giáo, nên gồm rất nhiều nghi lễ phức tạp, có phần chính đáng, cũng như ít nhiều mê tín dị đoan. Những nhân vật được tôn kính là những đấng bậc tổ tiên đã qua đời hoặc ông bà, cha mẹ còn sống trong gia đình cũng như ngoài xã hội, bao gồm vào đó là những thánh nhân, quân tử, các vị có công với đất nước làng xóm xã hội … kể cả các thành hoàng, các đền thờ miếu mạo. và cũng như đã nói ở trên sự hiểu nhầm việc tôn kính tổ tiên không được hiểu như là tôn thờ một Thiên Chúa nhưng chỉ là tôn kính những người có công như đã kể.

Vì thế cho nên việc thờ kính tổ tiên ở Việt Nam đã bị ảnh hưởng từ nền văn hóa Trung Quốc với những hệ lụy của nó và đã bị kết án cùng với lễ phép nước Ngô.

Vậy trước năm 1939 tức là trước năm Công Đồng chung Vaticano2, việc thờ cúng việc thờ cúng tổ tiên đã bị cấm đoán gây rất nhiều khó khăn cho việc truyền giáo. Người muốn theo đạo phải đoạn tuyệt với truyền thống thừa kế từ nền văn hóa, xây dựng trên nền tảng “Khổng giáo” vốn lấy đạo gốc làm hiếu. Việc thờ cúng tiền nhân là quan trọng nhất, những bậc làm cha mẹ trong các gia đình Việt Nam không muốn cho con cái theo đạo, vì sợ chúng không còn cúng giỗ chính mình, con trưởng trong gia đình cũng không thể theo đạo vì còn đảm đang việc cúng giỗ, con gái đi làm dâu trong các gia đình lương dân đều phải kiêng lánh việc cúng giỗ gây sư rạn nứt trong hôn nhân… Và đạo Công giáo tuy rất được nhiều người mến phục nhưng cũng vig vấn đề thờ cúng này mà bị hiểu lầm đánh giá thấp, ít nhiều trong xã hội. Chúng ta có thể thấy gương trong các vị có danh tiếng khi tồng giáo đã gặp phải khó khăn như thế nào ví dụ: (các quan to trong triều đình, các văn nhân sĩ phu trong xã hội, các nhà trí thức, khoa học hàng đầu trong đất nước…, có thể lấy ví dụ sống động mà tên tuổi đã đi vào lịch sử như thượng thư Nguyễn Trọng Bài, Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Trường Tộ… và mới đây như cụ Nguyễn khắc Dương em ruột nhà văn mác xít, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện hoặc nữ tu Mai Thành. Các vị đó tuy là một lòng một dạ tin theo giáo hội nhưng cũng gặp nhiều khó khăn khi phải đương đầu với việc thờ cúng tổ tiên trong gia đình và ngoài xã hội.

Thực ra người Công giáo không phải là không tôn kính tổ tiên, nhưng tôn kính không có nghĩa là tôn thờ. Trong Cựu ước cũng như trong Tân ước có rất nhiều đoạn khuyên bảo tín hữu phải tôn kính các bậc tổ tiên, cha mẹ, có cả một điều răn thứ tư trong mười điều răn, dạy phải tôn kính cha mẹ. Trong thực hành người Công giáo cầu nguyện cho cha mẹ mình mọi nơi, mọi lúc, trong thánh lễ hàng ngày được cầu nguyện cách trọng nhất trong thánh lễ phần nhớ người chết. Trong đạo cũng có những lễ nghi nói đến long hiếu thảo, chân thành sâu thẳm như lễ nghi an tang, lễ ba ngày, lễ trăm ngày, lễ giỗ đầu, lễ giỗ cuối và những ngày lễ giỗ trong năm… Nhưng cụ thể sau Công Đồng Vaticanô2 nói chung cho phép thờ cúng gia tiên mà không nêu từng chi tiết những lễ nghi phúc tạp của việc thờ cúng này. Sau đây chúng tôi cố gắng kể ra vài nết chính để định rõ trường hơp đúng đắn của người Công giáo trong những thực tế ngày nay.

Người Công giáo được phép lập bàn thờ tôn kính cha mẹ đã mất, thường thường trong những gia đình Công giáo bàn thờ thì kính Chúa, Đức Mẹ phải để ở nơi cao nhất xứng đáng nhất, rồi đến bàn thờ tổ tiên gồm có hình ảnh ông bà, người thân, được phép đặt bình hoa, bát hương, chân nến và bầy hoa quả, không được phép đặt bài chủ hoặc thần chủ (là nơi theo niền tin của anh chị em lương dân thì hồn của người đã khuất được thu nạp vào đó và được tôn thờ), được phép dùng hương để bái hoặc lạy (khấu đầu hoặc phủ phục trước vong linh người đã khuất, cũng như thi hài của các đấng quá cố, cũng cho phép được lạy ông bà cha mẹ còn đang sống) nhưng không đươc để rượu, thit, xôi trên bàn thờ. Đến ngày cúng giỗ thường người con trưởng trong gia đình đứng ra tụ họp các thành phần trên dưới khác nhau để làm cỗ to, nhỏ, chay, mặn… và cùng nhau chia sẻ lễ nghi cúng vái tổ tiên mà trước đây vốn cấm (hay ít ra có dư luận kiêng kị đến ăn cỗ ở các nhà lương dân hay có đạo tuy có người lương tâm rộng mở của môt số chức sắc trong Giáo hội thì đươc ăn cỗ nếu không có gương mù hay gương xấu, hoặc phân phô với mọi người rằng tôi không tin các điều mà lương dân, vốn tin nhưng đến để chia sẻ tình cảm tri ân với mọi người có thể tham khảo lập trường Thánh Phaolô về vấn đề ăn thịt cúng (ICor.8). Theo quan niệm của những anh chị em lương dân thì ông bà cha mẹ hiện diện lúc đó với gia đình và cùng hưởng cỗ với họ cho nên họ thường làm một mâm cỗ thịnh soạng gồm cả xôi, gà đặt trên bàn thờ và sau đó hạ xuống để mọi người được cùng thừa hưởng lộc, nghĩa là sau khi ông bà đã hưởng lộc trước, theo giáo lý Công giáo người đã qua đời không ăn không uống giống như những người ở trên dương gian (có lẽ môt bộ phận bên phật giáo cũng tin như vậy nên không để xôi thịt được cúng trên bàn thờ phât giáo), vì coi đó là nhưng điều mê tín, còn một số cấm kị khác như dùng tiền giả, đốt vàng mã mà nhiều người ngày nay vẫn còn thị hành ví dụ: (đốt hình nhân mỹ nữ cho ông, cho chồng đốt xe hơi đời mới, honda, xe đạp) các dụng cụ vẫn dùng ở trần thế là điều vừa mê tín vừa xa sỉ, điều này vẫn bị cấm đoán mặc dù có những người có chủ chương “âm sao dương vậy”, lúc còn sống ở đời cuộc sống diễn ra thế nào thì dưới âm phủ cũng là như vậy. Nhưng lý thuyết này đã bị bài bác vì nói đại khái thì dễ nhưng đi vào chi tiết thì quá rắc rối như đốt xe hơi, đốt honda mà không đốt xăng thì làm sao vận hành được, người đã chết rồi không còn thân xác nữa thì còn miệng đâu mà ăn, dạ dầy đâu mà tiêu hóa, mà nếu cần ăn thì mỗi năm một lần sao đủ được. Vậy nên để đảm bảo những phương án tốt nhất duy trì lòng hiếu thảo của chúng ta với tổ tiên nhất là trong thế kỷ văn minh tiến bộ này, căn bản việc thờ cúng tổ tiên trong đạo Công giáo vẫn duy trì bảo đảm tính cách hợp lý song cũng cần phải đổi mới cho thích hợp với giáo dân ngày nay, xóa bỏ đi hoàn toàn làm cái mới hoàn toàn, không chép lại cái cũ hoàn toàn… Cần phải sáng tạo những nghi thức thích hợp đầy đủ, tránh cái nhố nhăng, chiều sâu tâm linh (như các đền chùa, miếu mạo hiện nay như nhiều báo chí đã viết) chính Công Đồng Vaticano2 cũng muốn các giáo hội địa phương biết sáng tạo những cái mới, mà vẫn trung thành với giáo lý đạo Chúa Kitô.

Ngoài việc thờ cúng tổ tiên cũng đặt ra việc thờ cúng các vị phúc thần, hiển thánh, tiền nhân có công đức lớn lao với địa phương đất nước mà trước đây vẫn cho là thờ ngẫu thần. Thực ra việc thờ phượng ấy bao hàm một số niềm tin sau đây: người chết vẫn tồn tại và vẫn có sự tương ứng với người sống một cách nhiệm màu.

Những người quá cố ấy đức cao quyền trọng được Thiên Chúa giao cho phù hợp các con cháu đồng bào … Vậy nên ngày nay giáo hội cũng ban cho được phép tôn kính các đền thờ miếu mạo… cụ thể được tôn kính đức Phật ThíchCa như là một vị thần, các vị Quan Âm Bồtát, thánh nhân (Trần Hưng Đạo, Lý Công Uẩn, Ngô Quyền) chỉ trừ những người có nguồn gốc mê tín dị đoan chưa được xác định rõ rệt. Đứng trước những vị ấy người Công Giáo được xá hương vái lay, khấn niệm bày tỏ lòng tôn kính tri ân. Nhưng theo bài kinh năm thánh năm 2000 của Đức giáo Hoàng Phao lô II có ghi “nhờ lời cầu xin của mọi người công chính thuộc mọi nơi, mọi thời, phải chăng ngài đã mặc nhiên công nhận các vị đó có khả năng chuyển cầu (phù hộ cho nhân thế, đất nước, mọi loài, mọi vật.)

Để kết luận việc thờ kính tổ tiên còn nhiều điều phức tạp, nhiều điều chưa rõ ràng mà chúng ta còn phải chờ Ban Phụng Tự Việt Nam xác định chi tiết dẫu sao trong việc thờ kính tổ tiên Công Đồng chung Vaticanô II đã đánh tan đi mọi nỗi nghi kỵ của đồng bào trong nước và ngoài nước với Giáo hội hiện tại và mở đường cho công việc Truyền Bá Tin mừmg gặt hái được nhiều thành quả góp phần xây dựng sự đoàn kết hiệp thông giữa các thành phần trong nước Việt Nam.

Mong thay, Bụi trần ai sẽ được giũ sạch khỏi khuôn mặt của Giáo Hội Việt Nam, trong vấn đề trên.

Thái Bình, ngày 14 tháng 05 năm 2010

+ Fx. Nguyễn Văn Sang

Nguyên Giám mục Thái Bình