NHÂN DỊP TÔN HUYNH FÉLICIEN HUỲNH CÔNG LƯƠNG TẠ THẾ
GIỚI THIỆU ĐÔI NÉT HỆ THỐNG GIÁO DỤC LA SAN TẠI VIỆT NAM


Nhất niên chi kế, mạc nhi thụ cốc,
Thập niên chi kế, mạc nhi thụ mộc,
Bách niên chi kế, mạc nhi thụ nhân.

Vì lợi ích một năm trồng lúa,
Vì lợi ích mười năm trồng cây,
Vì lợi ích trăm năm trồng người.


Dòng La San còn được gọi là Dòng Anh em Trường Kitô (Frères des Écoles Chrétiennes - Fratres Schollarum Christianarum - Brothers of the Christian Schools) được thành lập tại Reims (Pháp) vào năm 1680 do Cha Thánh Jean Baptiste de La Salle. Dòng đã tới Việt Nam từ năm 1866. Sau thời gian vắng mặt do chính sách chống Thiên Chúa giáo của Nhóm Tam Điểm thuộc Chính quyền Đệ Tam Cộng Hòa Pháp, Dòng đã trở lại Sàigòn và lãnh nhận trường Taberd do Cha Kerlan thuộc Hội Thừa Sai Paris (Les Missions Étrangères de Paris = MEP) thành lập và trao lại.

Trường lấy tên Đức cha Jean Louis Taberd MEP), tên Việt là Từ, Giám mục Đàng Trong (từ sông Gianh đến Cà Mâu, gồm cả Nam Vang, Campuchia).

Ngài sanh năm 1794. Được Toà Thánh bổ nhiệm Giám mục Đàng Trong, Hiệu Toà Isaupolis năm 1827. Tấn phong Giám mục năm 1830 tại Bangkok, Siam (Thái Lan). Năm 1838 được Toà Thánh bổ nhiệm Giám mục Giáo phận Bengale, Ấn Độ. Ngài qua đời ngày 31.7.1840 tại Calcutta, Ấn Độ.

Từ ngôi trường Taberd khiêm tốn lúc ban đầu (1874) - trải qua những thăng trầm - cho tới ngày 30.4.1975, Dòng La San điều hành cả một hệ thống gồm những trường Trung Tiểu học phổ thông và huấn nghệ. Đó là công trình Giáo dục của Dòng La San tại Việt Nam trên một thế kỉ qua:

CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC CỦA TỈNH DÒNG LA SAN VIỆT NAM (1866-1975)
Quí vị cựu Giáo chức & các bạn cựu học sinh Lasan Taberd có thể vào trang nhà LASAN TABERD.ORG, có đầy đủ hình ảnh, tên tuổi Quí vị và các bạn.

NHỮNG KỈ NIỆM MỘT THỜI TẠI NGÔI TRƯỜNG LASAN TABERD

Thắp nén hương kính nhớ các Tôn huynh Bruno, Jourdain, Adrien, Pierre, Aloysius, Casimir, Vincent, Sébastien, Félicien...

Khuya đêm 3 tháng 3, 2010, đang say giấc, bỗng tiếng chuông điện thoại reo. Chắc là thân nhân hoặc bạn hữu rất thân thiết mới đánh thức mình giờ này, tôi vội nhắc phone. Một Giáo sư, đồng thời cũng là Cựu Sư huynh La San báo tin buồn: Tôn Huynh nguyên Hiệu trưởng Lasan Taberd Sàigòn năm xưa: Félicien Huỳnh Công Lương vừa lìa trần lúc 3 giờ 30 sáng 2.3.2010 tại Nhà Hưu dưỡng La San Mai Thôn.

Nhận tin buồn, tôi không sao chợp mắt được nữa. Cả một khung trời kỉ niệm hiện lên trong tôi. Đã bao lần, gặp lại những đồng nghiệp cũ tại Hải ngoại cũng như những lần liên lạc về Việt Nam, các người bạn tâm giao thúc giục tôi phải viết lên những sự kiện xảy ra tại trường La San Taberd trong thời điểm 30 tháng Tư năm 1975, mở đầu những trang sử đen tối nhất của Đất Nước mà tôi là người trong cuộc, được các Frère tin tưởng và nhờ cậy.

Sau năm học 1968-1969, phụ trách môn Văn-Sử-Địa lớp Chín tại trường Trung học Dòng Đồng Công, Thủ Đức - Cha Đoàn Phú Xuân làm Hiệu trưởng và Thày Đồng Tiến làm Giám học - tôi quyết định về dạy tại Sàigòn để có cơ hội tiến thân và học hỏi nhiều hơn. Tôi nộp đơn xin dạy hai trường: La San Taberd và Thánh Mẫu (Bà Chiểu, Gia Định). Cả hai trường đều có sĩ số khoảng bảy ngàn học sinh.

Do sự giới thiệu của Frère Irénée, tôi gặp Frère Thanh Trung (cũng mới được Bề Trên chuyển về La San Taberd) làm Giám học Đệ Nhất cấp.

Còn trường Thánh Mẫu, không quen ai, may mắn, Cha cố tôi Fx. Đặng Đức Vượng là chỗ quen biết rất thân tình với gia đình Cha Phùng Quang Mạnh, Cha Sở Họ Gia Định kiêm Hiệu trưởng. Cha Aloisio Phạm Văn Nẫm là Giám học. Cha Aloisio sau này là Giám mục Phụ tá Tổng Giáo phận Sàigòn.

Tôi xin mở một dấu ngoặc: Thân phụ Cha Mạnh là ông cố Phùng Hiệp, một Bang trưởng Quảng Đông, giầu có nhất tại Mỹ Tho và mẹ là bà Hà Thị Mai, một phụ nữ Mỹ Tho, làm chủ nhiều cơ sở buôn bán, nhiều dãy phố tại tỉnh lỵ. Cả gia đình quyết tâm theo Công giáo nên bị gia tộc và đồng hương chia lìa vì bỏ Tổ tiên theo Đạo Chúa. Sau đó, phải đón nhận những cơn bão táp dồn dập xảy đến: Thân mẫu Cha Mạnh bị bạo bệnh qua đời khi mới 32 tuổi (1928), các hiệu buôn bị phá sản, các dãy phố lần lượt bị tịch thu, một tình trạng khánh kiệt, không lối thoát. Rồi thân phụ Cha Mạnh, bị khủng hoảng cũng qua đời năm 1932. Thiên Chúa gởi đến những thử thách quá lớn, vượt sức chịu đựng của con người...

Từ cảnh giầu sang rơi xuống cảnh bần cùng, 7 anh chị em trở nên côi cút, bơ vơ và cơ cực. Nhưng trong cảnh khốn cùng đó, Chúa đã gởi đến cho 7 trẻ mồ côi một người mẹ khác thật tuyệt vời: đó là Dì Ba, em gái của Bà Cố Hà Thị Mai. Chính Dì Ba là người tận tình nuôi dưỡng và nghiêm khắc dạy dỗ các cháu nên những người Kitô hữu tốt, giúp các cháu giữ vững niềm tin trong cơn thử thách và cũng chính Dì Ba đã vun trồng Ơn Gọi Linh mục cho các cháu trai của mình. Nhờ đó, 3 trong 4 cháu trai trở thành Linh mục nhiệt thành, đóng góp công sức nhiều cho Giáo hội Công giáo Việt Nam: Lm Antôn Phùng Quang Mạnh (Sàigòn), Lm Antôn Phùng Thành (Phú Cường), Lm Giuse Phùng Cảnh (Đà Lạt).

Cha Mạnh thụ phong Linh mục ngày 21.9.1947 tại Nhà thờ Chính tòa Sàigòn với 6 anh em Linh mục khác, trong đó có Cố Tổng Giám mục P. Nguyễn Kim Điền.

Cứ mỗi lần 3 anh em Linh mục hẹn về thăm Dì Ba, thì Dì lại cho người vô Nhà xứ Long Định, Mỹ Tho mời Cha Cố Px. Vượng ra dùng cơm...

Người viết những dòng ngày còn nhớ: Khi Cha Cố Vượng đưa tôi (Nhị Long) giới thiệu với Cha Phùng Quang Mạnh tại Nhà xứ Gia Định – vừa trông thấy Cha con tôi, Ngài giơ hai tay, ôm Cha Cố tôi, niềm nở: Ô, Cha Phanxicô đi đâu đây? Và khi Cha Cố tôi giới thiệu…, Ngài nhận ngay...

Cũng như tại La San Taberd, tôi dạy tại trường Thánh Mẫu từ năm 1969 cho tới cuối tháng 4.1975.

Một điểm cũng nên biết: Cha Cố Vượng là người liên lạc thư từ giữa Đức cha Lê Hữu Từ và Chủ tịch Hồ Chí Minh (bấy giờ chưa lộ mặt thật Cộng sản) trong thời gian Kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1949). Cha Cố Vượng nói với người viết bài này như sau: Hồ Chí Minh là một tay đại gian hùng, mưu lược... mà không một nhân vật chính trị (phe Quốc gia) nào có thể qua mặt nổi...

Từ năm 1960, Cha Cố Vượng nghỉ hưu tại Dòng Đồng Công, Thủ Đức và qua đời tại Nhà Hưu dưỡng các Linh mục Phát Diệm (Xóm Mới, Gò Vấp, Sàigòn) ngày 20.9.1987 sau biến cố Dòng Đồng Công trước đấy mấy tháng.

Cha Phùng Quang Mạnh trong nhiều năm là Niên trưởng Linh mục đoàn Tổng Giáo phận Sàigòn và qua đời sáng sớm ngày 16.01.2004.

Đức Cha Aloisio Phạm Văn Nẫm, Giáo sư Toán Tiểu Chủng viện Sàigòn, Giám học trường Thánh Mẫu Gia Định là bạn đồng môn với nhóm Kháng chiến Nam Bộ như Tạ Bá Tòng, Nguyễn Hộ, Phùng Văn Cung, Lưu Hữu Phước, Huỳnh Văn Tiếng, Mai Văn Bộ, Cao Đăng Chiếm, Nguyễn Văn Trấn... nên là chiếc gạch nối giữa Đức Tổng Bình và Chính quyền mới. Ngài quyết liệt tranh đấu cho các Ca đoàn được tự do sinh hoạt không phải khai báo.

Người viết bài này còn nhớ lời Ngài kể khi gặp Tướng Trần Văn Trà, Chủ tịch Ủy ban Quân quản Sàigòn-Gia Định: Một đoàn hát phải tập tuồng trước khi diễn thì Ca đoàn Nhà thờ cũng vậy, phải tập hát thì mới hát được. Tiếng hát là yếu tố quan trọng trong Thánh Lễ...

Đức Cha Aloisio thánh thiện, nhiệt tình. Nhưng khi về Tòa Tổng Giám mục thì bị bó tay bởi Linh mục quốc doanh Huỳnh Công Minh, Huỳnh Hữu Đặng... Ngài qua đời ngày 30.6.2001.

NHỮNG KỈ NIỆM TẠI TRƯỜNG LA SAN TABERD

Tôi chính thức đóng góp sự nghiệp giáo dục tại ngôi trường La San Taberd vào ngày khai giảng năm học 3.9.1969, phụ trách môn Văn-Sử-Địa - Công dân Trung học Đệ Nhất cấp. Lúc đầu, Frère Thanh Trung xếp tôi dạy mỗi tuần 10 giờ. Hai tuần sau, tăng lên thành 20 giờ. Tất nhiên, phải sắp xếp lại Thời Khoá biểu. Tôi lại phải sang gặp Cha Giám học Aloisio, xin dạy các buổi chiều, thay các giờ buổi sáng. Tuy rất khó khăn nhưng rồi cuối cùng cũng xong.

Một dấu ấn đậm nét nhất trong niên học này là mấy ngày sau khai giảng, một Thánh lễ long trọng, tưởng niệm Cha Tuyên úy Bửu Đồng cùng 2 Sư huynh Agribert và Sylvestre bị Việt cộng sát hại tại Phú Vang, Huế. Mấy ngàn học sinh Trung học cùng với Thày Cô, các Sư huynh ngậm ngùi hòa mình trong tiếng kinh cầu với những dòng tâm tư thẩm sâu dẫn lễ của Sư huynh Mai Tâm.

Ngày 31.5.1970, Frère Félicien về lại La San Taberd làm Hiệu trưởng (Directeur) thay thế Frère Désiré về Phụ tá cho Tôn huynh Giám tỉnh Bruno.

Các niên học 1969-1970, 1970-1971, 1971-1972, 1972-1973, 1973-1974 êm đềm trôi qua. Học sinh Taberd đại đa số là con nhà giầu hoặc giữ những chức vị cao trong xã hội đương thời, nên việc giáo dục ít gặp những trở ngại. Cứ mỗi buổi sáng, dắt xe vào cổng trường với tên đề INSTITUTION TABERD là đã có cảm tưởng vào một khung cảnh giáo dục nghiêm chỉnh. Học sinh ngoan, có tác phong, y phục trang trọng, nên Ban Giám đốc yêu cầu các Giáo chức phải thắt Cravat để khỏi lẫn với học sinh. Phụ huynh luôn tiếp tay với Nhà trường trong việc giáo dục, nên kết quả tốt đẹp.

Từ năm 1969 đến năm 1976, dạy cả ngàn học sinh, không thể nhớ hết từng khuôn mặt. Ngày nay, sau hơn 35 năm xa cách, những biến chuyển của thời cuộc cùng với lớp bụi thời gian, tôi chỉ còn nhớ những học sinh mà tôi đặt làm Trưởng lớp, như: Phan Bình Duy, Huỳnh Ngọc Tiên, Ngô Khắc Bảo (con của Luật sư Ngô Khắc Tịnh, Tổng trưởng Tư pháp), Phạm Kim Tước (con của Giáo sư Tiến sĩ Phạm Kim Vinh) hai anh em Nguyễn Vạn Thọ (con của Bác sĩ Nguyễn Văn Thơ (Tổng trưởng Giáo dục và Nghị sĩ Phan Thị Nguyệt Minh), Nghiêm Quốc Anh (con của Phó Đề Đốc Nghiêm Văn Phú), Quách Cự (con của Đại tá Quách Huỳnh Hà, Tổng Ủy trưởng Công vụ) Hồ Tấn Phú Quốc (con của cố Đại Tá Hồ Tấn Quyền, nguyên Tư lệnh Hải quân), mấy người con của Nhạc sĩ Phạm Đình Chương, Lê Quang Minh (con của Nhạc sĩ Lê Quang Anh, em của Ca sĩ Connie Kim) rất có năng khiếu về Âm nhạc... Ở New Orleans cũng có mấy anh em học sinh cũ của tôi tại Taberd. Mỗi lần gặp, Thày trò đều tay bắt mặt mừng. Một điều chắc chắn rằng, đại đa số các học sinh của tôi đều đã thành danh.

Một điểm cũng cần lưu ý: Thành phần các Giáo chức và các học sinh La San Taberd không phải là Công giáo chiếm đến 2/3 sĩ số.

Từ năm 1970 đến năm 1975, Frère Ephrem rồi đến Frère An Phong lãnh trách nhiệm Tổng Linh Hoạt, rất năng động và thành công trong sinh hoạt và giới Trẻ.

Đại hội Nhạc Trẻ hằng năm do đầu đàn Trường Kỳ tổ chức rất tốt đẹp. Khoảng năm ngàn bạn trẻ Sinh viên và học sinh tràn ngập sân trường La San Taberd.

* Tháng 7.1972, Ủy ban Thánh Nhạc trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam do Cha Gioan Minh đứng đầu đã tổ chức rất thành công Buổi Trình diễn Thánh Ca tại Hội trường La San Taberd. Chương trình gồm 2 suất:

- Suất 10 giờ sáng do Đức Tổng Giám mục Nguyễn Văn Bình chủ tọa.

- Suất 5 giờ chiều do Đức Khâm sứ Tòa Thánh, Henri Lemaitre chủ tọa.

Ca đoàn Liên Tu sĩ gồm 500 ca viên Đại Chủng sinh Sàigòn và đại diện các Dòng tu nam nữ, do Nhạc sư Hải Linh điều khiển thật tuyệt vời. Ngoài ra, còn có Ca đoàn Hồn Nước, Ca đoàn Hương Nam của Linh mục Nhạc sĩ Hoàng Kim, Ban Dân ca của Nhạc sĩ Hùng Lân, Ca đoàn Đẹp Bình Minh của Cha Trần Học Hiệu..

Năm học 1974-1975 cũng vẫn diễn tiến bình thường. Năm 1974, Trường La San Taberd kỉ niệm 100 năm thành lập. Thánh lễ Tạ ơn, Hội họp các Cựu học sinh, Văn nghệ...được tổ chức trang trọng.

Nhân thời điểm này, Tỉnh Dòng La San Việt Nam quyết định thành lập VIỆN ĐẠI HỌC LA SAN và tạm thời dùng cơ sở VIỆN KHOA HỌC GIÁO DỤC THÀNH NHÂN do Frère Mai Tâm. Sau đó, sẽ kiến thiết thêm trường ốc.

Tất cả những Sư huynh có học vị Tiến sĩ tại Sorbonne ở Pháp về như Frère Bruno, Désiré, Pierre, Adrien, Mai Tâm, Casimir, Bernard... đều tích cực bắt tay vào công việc quan trọng này của Tỉnh Dòng.

Giữa năm 1974, Đại học La San với giấy phép của Bộ Giáo dục được mở ngay tại trường Taberd với những Phân khoa đầu tiên là Dầu khí, Nông nghiệp...

Chủ tịch Hội đồng Quản trị là Dược sĩ La Thành Nghệ (một cựu học sinh La San). Hai Sư huynh trong Hội đồng Cố vấn là Sh. Félicien Huỳnh Công Lương và Sh. Adrien Phạm Ngọc Hóa. Trường chỉ hoạt động được 1 năm thì ngưng vì biến cố 30.4.1975 xảy đến.

Do Sư huynh Hiệu trưởng Félicien nhờ, Frère Pierre Trần Văn Nghiêm, nguyên Khoa trưởng Đại học Sư phạm Đà Lạt mở khóa đào tạo các Giáo sư Hướng dẫn Khải đạo tại trường Lasan Taberd. Frère Giám học chọn mỗi cấp lớp 2 Giáo sư để tham dự chương trình này. Người viết bài này hân hạnh được tham dự và gần gũi Frère Pierre trọn vẹn khóa học một năm. Ngài đúng là một bậc Tôn sư đáng kính.

Năm học 1974-1975 vẫn êm ả trôi theo dòng thời gian và những dự tính cho Viện Đại học La San đang hình thành khả quan thì tình hình chiến sự đầu năm 1975 ập đến như vũ bão: Sau khi Phước Long thất thủ, rồi Quảng Đức, Buôn Mê Thuột, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Qui Nhơn, Nha Trang, Phan Thiết, Vũng Tầu, Long Khánh, Biên Hòa... và lúc 11 giờ sáng ngày 30.4.1975, khi Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng Việt cộng vô điều kiện thì Sàigòn và toàn miền Nam thất thủ. Nhìn hai nước láng giềng Cambodia và Lào:

- Lực lượng của Tướng Vang Pao tại Lào không đầu hàng Cộng sản.

- Ngày 17.4.1975, khi cộng quân tiến vào thủ đô Phnom Penh, Tổng thống Lon Nol tại Campuchia không đầu hàng Khmer Đỏ. Thủ tướng Sirik Matak từ chối đi tị nạn tại Mỹ, trốn vào Tòa Đại sứ Pháp tại Phnom Penh (Nam Vang) và mấy ngày sau, tự động ra nạp mạng. Khmer Đỏ xử tử hình ngay sau đó.

Sau này, Dương Văn Minh bào chữa rằng: Đầu hàng để tránh cho Sàigòn bị tàn phá và khỏi đổ máu vô ích. Điều này, hoàn toàn ngụy biện. Thà rằng bỏ ngỏ Sàigòn rút xuống vùng IV với Tướng Nguyễn Khoa Nam và Lê Văn Hưng rồi tính kế...

Con người Dương Văn Minh không đảm lược, không khí phách và cái nhục đầu hàng bọn cướp từ rừng rú vô là một vết nhơ muôn đời của người Việt Quốc gia.

Ngày 17.4.1975, Khmer Đỏ tràn vô thủ đô Nam Vang thì Sàigòn vẫn còn hi vọng “Chánh phủ 3 thành phần” và các Trường học vẫn sinh hoạt bình thường.

Nhưng sau ngày 20.4.1975, Sàigòn bắt đầu nao núng. Mỹ khởi sự chuyển nhân viên về nước. Người viết bài này có hỏi Linh mục Lê Trung Thịnh, Đại Tá, Giám đốc Nha Tuyên úy Công giáo: Tình hình biến chuyển từ Nam Vang lan tới Sàigòn như thế này, Mỹ có bỏ Việt Nam không Cha? Ngài trả lời: Chắc chắn Mỹ dứt khoát ra đi rồi con ạ. Một tuần nay, Mỹ bắt đầu rút các nhân viên về Nước là dấu hiệu rõ nhất.

Ấy thế, mà đêm 21.4.1975, Nguyễn Văn Thiệu còn đóng kịch lừa bịp mấy chục triệu dân quân miền Nam trong lúc loan báo từ chức. Tối 25.4.1975, gia đình Thiệu cùng Trần Thiện Khiêm và bộ hạ âm thầm ra phi trường Tân Sân Nhứt, lên máy bay chuồn êm qua Đài Bắc...

Hằng trăm ngàn dân, quân, cán, chính VNCH tự nộp mạng trong các trại tù Cộng sản với điều kiện sống cực kỳ bi đát nhất của kiếp người, hàng triệu người chìm sâu dưới lòng biển trong những cái chết tức tưởi, oan nghiệt... mà tập đoàn Nguyễn Văn Thiệu - Trần Thiện Khiêm không mảy may xúc động. Lịch sử nguyền rủa muôn đời!!!

SÀIGÒN NGÀY ĐỨT PHIM 30.4.1975

Các cơ sở Giáo dục từ Đại học đến Trung Tiểu học đều được lệnh đóng cửa từ 20.4.1975 để theo dõi tình hình mỗi giờ phút một biến chuyển. Có thể biết trước khúc quanh của thời cuộc, Frère Directeur Félicien trao cho người viết bài này một giấy ATTESTATION để nếu có phương tiện qua Pháp, sẽ được Tỉnh Dòng ở Pháp hướng dẫn và giúp đỡ lúc ban đầu. Tôi muốn đi Pháp vì đã có gia đình người cháu ở Paris.

Liên tục ngày đêm 27, 28, 29 tháng 4, 1975, các Trực thăng Mỹ vần vũ trên bầu trời Sàigòn, vận chuyển những người may mắn ra Đệ Thất Hạm đội Hoa Kỳ đang túc trực ở ngoài khơi Vũng Tầu. Mấy người bạn rủ tôi ra Thương cảng để xuống tầu... nhưng tin tức nhận được, vẫn còn hi vọng một giải pháp Chính phủ 3 thành phần hoặc Việt Nam Cộng Hòa sẽ giữ được từ Khánh Hòa đến Cà Mâu.

Ngày 27.4.1975, Quốc hội Lưỡng viện VNCH họp tại Hội trường Diên Hồng để biểu quyết việc trao quyền Tổng thống cho Dương Văn Minh. Các khuôn mặt Chính trị, Quân đội còn hiện diện khá đầy đủ.

Lúc 5 giờ chiều 28.4.1975, bầu trời Sàigòn u ám, mưa vần vũ, Cụ già Trần Văn Hương bàn giao chức cụ Tổng thống cho Dương Văn Minh. Sau đó, phi công phản bội Nguyễn Thành Trung lái F 5E bỏ bom Dinh Độc Lập. Ai cũng nghĩ rằng Tướng Tầu bay Nguyễn Cao Kỳ đảo chánh...

Chiều ngày 28.4.1975, một số binh sĩ Sư Đoàn 18 Bộ binh từ Long Khánh, chạy về Biên Hòa, rồi cố thủ tại cầu Bình Triệu. Căn nhà người viết bài này cư ngụ cách cầu Bình Triệu 500 mét, có cổng sắt, nên tương đối kín đáo (ngày nay là mặt tiền của Xa cảng miền Đông).

Thấy bấm chuông cổng, ra mở, mấy Sĩ quan nói: Chúng tôi quá mệt mỏi chạy về đến đây, xin anh cho chúng tôi vô nghỉ một chút...

Không chút do dự, tôi trân trọng đón các anh vô nhà, lấy nước uống và nấu cơm để các anh dùng cầm hơi cho đỡ mệt. Tôi nhớ có một Đại Úy, 2 Trung Úy và hai, ba Thượng Sĩ… Tôi nhớ nhất là Trung Úy Hùng. Anh không đi trình diện học tập, có đến thăm tôi vài lần trong đêm tối. Mấy chục năm qua biệt vô âm tín. Nếu ở Hải ngoại, đọc được những dòng này, xin anh liên lạc qua Tờ báo.

Ngày 29.4.1975, miền Nam VN sống trong tình trạng vô Chánh phủ. Các viên chức Quân Cán Chính cao cấp đã tìm đường ra Hạm đội 7. Lãnh đạo guồng máy Quốc gia trong cảnh tan hoang này, ngoài Dương Văn Minh, chỉ có Luật sư Nguyễn Văn Huyền, Luật sư Vũ Văn Mẫu, Dân biểu Lý Quý Chung.

Dương Văn Minh vội cử Luật sư Nguyễn Văn Huyền cầm đầu phái đoàn vào gặp Võ Đông Giang (Trưởng đoàn Việt cộng trong Ủy ban Liên hợp Quân sự 4 bên) tại trại David, Tân Sơn Nhứt... nhưng thất bại. Cộng sản bắt Dương Văn Minh đầu hàng. Những con thoi liên lạc như Thượng tọa Trí Quang, Linh mục Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan cũng bó tay.

Ngay từ nửa đêm 29 rạng sáng 30.4.1975, dân chúng tràn vô Tòa Đại sứ Mỹ hốt vật dụng và thực phẩm đông lạnh.

Sáng ngày 30.4.1975, từ Bình Dương, Biên Hòa, Việt cộng pháo kích vào Sàigòn. Trung Úy Hùng giục tôi đưa gia đình vào Trung tâm thành phố để lánh nạn, nếu có bề gì, còn có Bệnh viện. Tôi đưa gia đình vào Nhà thờ Mạc-Ti-Nho, đường Hồng Thập Tự (Quận I).

Lúc 11 giờ, mở radio, Dương Văn Minh kêu gọi binh sĩ Cộng Hòa buông súng, chờ bàn giao Chính quyền cho phía bên kia. Chúng tôi chán nản tuyệt vọng... Sau đó, ngoài đường Hồng Thập Tự, xe Tank T54 đang cày nát mặt đường…

… 5 giờ chiều, tôi về lại nhà hy vọng nghỉ một chút nhưng không sao chợp mắt nổi. Lúc sau, thấy đoàn người chạy rần rần ngoài đường. Ra cổng nhìn, hàng mấy trăm binh sĩ Thủy quân Lục chiến từ trại Sóng Thần (xa lộ Đại Hàn, Linh Xuân Thôn gần Thủ Đức) cởi trần, mặc quần đùi chạy về nhà ở Sàigòn. Hỏi mấy anh mới biết: Việt cộng cho các anh từ căn cứ Sóng Thần về với gia đình... Lòng chúng tôi quặn thắt niềm đau...

Hai ngày sau, tôi gặp Linh mục Đại Tá Lê Trung Thịnh tại Nhà thờ Mạc-Ti-Nho, Ngài nói: Đức Tổng lo lắng lắm, suốt mấy ngày nay không ăn không ngủ được... Đức cha Thuận ở Nha Trang được Tòa thánh bổ nhiệm Tổng Giám mục Phó với quyền kế vị. Ngài đang trên đường vào Sàigòn.

Mấy ngày sau, nhóm chống đối Đức Khâm sứ Henri Lemaitre và Đức cha Thuận hình thành và bắt đầu hoạt động mạnh: Khoảng 20 Linh mục và giáo dân, trong đó có Trương Bá Cần, Vương Đình Bích, Huỳnh Công Minh, Nguyễn Văn Trinh, Phan Khắc Từ, Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan... Giáo dân có nhóm Nguyễn Đình Đầu. Anh PKP học Chủng viện Phanxicô Bùi Chu (Huyện Sĩ, Sàigòn), sau vô Dòng Tên, qua Pháp lấy Cử nhân (cùng Giáo xứ và là anh ruột bạn thân của tôi) hăng hái nhất trong nhóm. Sau 30.4.1975, anh đến Tu viện Yên Đổ, hỏi Cha Bề Trên: Bây giờ thì Dòng Tên còn chống Cộng sản nữa không? Ngài trả lời: Dòng Tên chống Cộng cho đến khi không còn một Tu sĩ nào trong Dòng.

Tôi ghé Tòa Tổng Giám mục, đã thấy nhóm này căng 3 biển ngữ thật dài bằng vải đỏ tại sân trước:

- Khâm sứ Henri Lemaitre hãy về nước

- Nguyễn Văn Thuận, Giám mục của ai?

- Chánh phủ Cách mạng Lâm thời Cộng Hòa

miền Nam Việt Nam muôn năm

Mấy đứa em của PKP đang phân phát truyền đơn. Tôi hỏi: Ủa, mấy đứa làm gì ở đây? Chúng khựng lại và lỉnh đi...

Thời gian Đặc trách Văn phòng Liên đoàn Công giáo Việt Nam thời Đức ông Mai Thanh Lương (1982-1984), tôi được biết, PKP đã vượt biên qua Mỹ sống âm thầm. Có giúp cho Linh mục NHT một số công việc. Hy vọng PKP đã nghĩ lại?

Ngày 8.5.1975, Đức cha Thuận vào tới Sàigòn.

Trưa ngày 13.5.1975, trước sự hiện diện của Đức Khâm sứ Henri Lemaitre, Đức Tổng Bình, các Linh mục Hạt trưởng và Toà Giám mục… Đức cha Thuận chính thức nhậm chức Tổng Giám mục Phó với quyền kế vị. Buổi chiếu cùng ngày, Ngài cùng với các Cha Hạt trưởng dâng Lễ Tạ ơn tại trung tâm Fatima Bình Triệu.

Nhóm Cấp tiến làm dữ… tố cáo Đức cha Thuận lên dâng Lễ tại Trung tâm Đức Mẹ chống cộng. Vì Đức Mẹ Fatima có nói với 3 trẻ Giaxinta, Luxia và Phanxicô: Cuối cùng Nước Nga sẽ trở lại và Trái tim Mẹ toàn thắng…

Những ngày sau 30.4, tôi thường ghé trường La San Taberd gặp Frère Félicien và các Frère... tất cả trong tâm trạng hoang mang, lo lắng...

Tôi còn nhớ rõ: Vào một buổi trưa đầu tháng 5.1975, tôi gặp Ngô Khắc Bảo (con của Luật sư Ngô Khắc Tịnh) tại sân trường Taberd. Tôi hỏi: - Ủa Bảo, sao giờ này còn ở đây? Bảo nói: - Bị kẹt phút chót, Thầy ạ. Ba con và Bác Tỉnh (Dược Sĩ Ngô Khắc Tỉnh, Tổng trưởng Giáo dục) bị bắt đêm qua...

Vì Sư huynh Félicien quá hiền hòa, không thích ứng được với tình thế mới, Tỉnh Dòng đưa Sư huynh Casimir Phan Văn Chức (con Cụ Cố Phú tại Phú Vinh, Phát Diệm) về lãnh đạo La San Taberd. Ngài có Tiến sĩ Triết tại Sorbonne, Paris…

… Sở Giáo dục Thành phố thông báo các Giáo chức phải về nhiệm sở của mình, đăng ký, ghi lý lịch cũng những thủ tục cần thiết và nhận tài liệu học tập. Các học sinh cũng phải trở về Trường cũ để ghi danh.

Vì chỉ được chọn một nhiệm sở, tôi chọn trường La San Taberd, gần nhà, tiện di chuyển hơn.

Ngày 15.5.1975, các Giáo chức phải dẫn học sinh tập trung tại vườn hoa ông Thượng (có tượng học giả Trương Vĩnh Ký) trước Dinh Độc Lập để mừng Cách mạng chiến thắng (!) Hôm ấy, hàng ngàn người bắt buộc phải có mặt. Các Sư huynh và Giáo chức phải hướng dẫn học sinh tham dự. Bỗng một em học sinh người Nam hỏi tôi: Thầy ơi, nhà đái gái - nhà đái trái là gì hả thầy?

Thật bất ngờ, không thể hiểu nổi bọn cán bộ rừng rú có thể viết lên những chữ đó trước những tấm cót đan bằng nứa quây kín lại để những người đi biểu tình tiểu tiện, tôi bèn trả lời: Đấy là nhà tiểu nam và nữ đó em. Miền Bắc họ viết như thế để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt (!).

Trong tập tài liệu nhận được trước đó, có bài tham luận của Thủ tướng Phạm Văn Đồng kêu gọi giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt theo lời Bác Hồ dạy!!!

Tháng 7, 1975, các Giáo chức Trung học Đệ Nhất và Đệ Nhị cấp (cấp 2 & cấp 3) Sàigòn được lệnh phải tham dự Khóa Học tập Chính trị tại hội trường La San Taberd với sức chứa trên 2000 dự thính viên. Học từ 8 giờ sáng đến 12 giờ trưa. Nghỉ 2 tiếng để ăn trưa và xả hơi giây lát. Buổi chiều tiếp tục từ 2 giờ đến 6 giờ. Cả tháng trời như vậy. Vừa đói vừa lo âu vì tương lai mịt mù... Không biết Giáo chức Ngụy nào đã sáng tác ra câu nói bất hủ:

Tối ăn khoai đi ngủ, sáng ăn củ đi học…

Phan Văn Phổ, trình độ bổ túc văn hóa lớp Tám, nhiều tuổi Đảng, làm Giám đốc Sở Giáo dục thành phố Sàigòn-Gia Định điều hành chương trình.

Cả một hội trường trên hai ngàn Giáo chức Trung học của Sàigòn, Phan Văn Phổ nhiều khi ăn nói lỗ mãng, hạ cấp... khiến đại đa số Giáo chức lắc đầu, nhăn mặt. Frère Pierre và Casimir nhìn chúng tôi ngao ngán, thở dài. Gs N. ngồi bên tôi nói thật nhỏ:

Nó nói dai, nó nói dở, nó nói dối, nó nói ngu…

Ngụy ngồi, Ngụy nghe, Ngụy ngẫm,

Ngụy nghĩ, Ngụy ngán, Ngụy ngủ…

Sau thời gian học Chính trị, là những ngày gấp rút chuẩn bị khai trường. Các Giáo chức dạy Triết phải dạy Văn. Số học sinh cũ đăng ký còn tới 80%. Như vậy, không vượt thoát được bao nhiêu.

Ban Giám Hiệu giao cho Frère Bosco Bắc, tôi (Nhị Long), Cô Cao Thị Tuyết, Gs Đoạt... duyệt xét hồ sơ các Giáo chức mới xin dạy tại La San Taberd. Chúng tôi chỉ nhận các Giáo chức đã từng dạy ở các Trường lớn tại Sàigòn. Chúng tôi chia nhau đi thông báo cho các Giáo chức mới và mời họp vào tuần kế tiếp. Trong số đó, Sơ Nguyễn Thị Thơ (Tu viện Dòng Chúa Quan phòng, 20 Bà Huyện Thanh Quan). Vừa tới Tu viện, đụng đầu Linh mục Nguyễn Ngọc Lan cũng vừa từ cơ sở báo Đứng Dậy, ngay cạnh đó đi ra. Chào hỏi mấy câu, rồi vào gặp Sơ Thơ. Lúc bấy giờ, Cha Lan cũng đã chân trong chân ngoài rồi…

Một vấn đề gây phiền toái cho Ban Giám Hiệu là Sở Giáo dục bắt trường La San Taberd phải nhận một lớp con cán bộ tập kết, học xong lớp 9 ở Hà Nội (tương đương lớp 11 ở miền Nam). Xin hiểu rằng: Ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa, theo giáo trình hệ 10 năm là hết bậc Trung học, trong khi miền Nam tư bản theo hệ 12 năm.

Tranh luận quá gay go. Cuối cùng, Ban Giáo chức quyết định cho thi thử để biết trình độ xếp lớp. Thi thử 3 môn Toán-Lý-Hóa do Giáo sư Nguyễn Đình Chung Tú chịu trách nhiệm.

Thi xong, hai ngày sau, Giáo sư Tú cho biết kết quả: Phải học lại chương trình Toán-Lý-Hóa lớp Mười của miền Nam.

Sở Giáo dục thành phố không chịu và cho biết: Lệnh của Bộ Giáo dục từ Hà Nội quyết định phải xếp các em trường Tập Kết học chương trình lớp 12 ở miền Nam.

Ban Giám hiệu và các Giáo chức La San Taberd ngao ngán đầu hàng…

Ban Giám hiệu do Sư huynh Casimir triệu tập buổi họp các Giáo chức Trung học (trên 150 vị) trước ngày khai giảng một tuần.

Frère Casimir gọi tôi vào Văn phòng Hiệu trưởng đóng kín cửa, Ngài nói: Frère được nguồn tin mật cho biết, Gs Ngô Văn Ân cùng với mấy vị khác sẽ khởi động, gây náo loạn trong buổi họp và đòi bầu Ban Giám hiệu mới. Thầy liên hệ với các Giáo sư có tâm huyết, dạy Taberd lâu năm, phản ứng lại, được không?

Tôi thưa: Vâng, để con liên lạc ngay…

Giáo sư Ngô Văn Ân hoạt động trong nhóm Thanh Lao Công (Thanh niên Lao động Công giáo) của Gs Nguyễn Đình Đầu và Nguyễn Đức Phong. Nhóm này cùng với nhóm Linh mục cấp tiến thiên tả như Trần Viết Thọ, Phan Khắc Từ, Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan, Trương Bá Cần, Vương Đình Bích... luôn gây xáo trộn tại thủ đô Sàigòn trước 1975.

Chính Ngô Văn Ân sách động học sinh Hưng Đạo nổi lên đập phá các lớp học, thiệt hại vật chất khá nặng, khiến Linh mục Trần Đức Huynh điên đầu.

Sau 30.4.1975, lợi dụng thời điểm tranh tối tranh sáng, Sàigòn mọc lên rất nhiều nhóm “30.4”. Trường nào cũng có những tên Cách mạng giờ thứ 25. Ngô Văn Ân là một thí dụ điển hình...

Giáo sư Nguyễn Đình Đầu gốc Hà Nội, du học Pháp cùng thời với ông Nguyễn Mạnh Hà (Bộ trưởng Kinh tế Chính phủ Hồ Chí Minh 2.9.1945), thiên tả. Về Sàigòn lập Thanh Lao Công. Tôi gặp ông rất nhiều lần tại nhà riêng của ông trên đường Thủ Khoa Huân, Quận I, Sàigòn, liên quan đến “Triển lãm Hình ảnh Công đồng Vaticano II” tại các Giáo xứ và học đường...

Ông trầm tĩnh, đôn hậu, luôn lắng nghe người đối thoại, đắc nhân tâm. Mặc dù thuộc nhóm Cấp tiến, nhưng ông luôn bênh vực Giáo hội, không như Phan Khắc Từ,Trương Bá Cần, Vương Đình Bích...

Sau đây là một vài nét do Viện Sử học Việt Nam viết về ông: NGƯỜI CÓ 3000 BẢN ĐỒ CỔ VIỆT NAM

“Trong căn phòng của nhà Sử học Nguyễn Đình Đầu trên gác 2, đường Thủ Khoa Huân Saigon, giữa bộn bề sách là rất nhiều tấm bản đồ cổ treo trên vách như: Đại Việt năm 1590, Đại Nam nhất thống toàn đồ năm 1840, Nam Ấn quốc đồ, Đại Việt trong vùng Đông Ấn…

Ông cho biết, trong tổng số 3.000 chiếc bản đồ lưu giữ, chiếc to nhất cở 1,3m x 3m và hầu hết là bản đồ Việt Nam do người ngoại quốc vẽ. Chiếc cổ nhất do người Ai Cập vẽ vào thế kỷ thứ V khi đi thuyền buồm trên biển. Để có chiếc bản đồ này, ông Đầu đã vào kho lưu trữ của Paris, photo thành nhiều mảnh rồi ghép lại.

Sưu tập các loại bản đồ cổ là thú vui của nhà Sử học Nguyễn Đình Đầu. Lúc nào rảnh rỗi, ông lại giở ra xem. Ông nói: Không chỉ có các đường biển, sông, núi, hồ..., xem bản đồ tôi còn thấy được từng bước đi của người Việt cổ, hiểu lối sống, tâm hồn văn hoá của cha ông. Qua từng niên đại, tôi nhận ra sự phát triển, sức sống của dân tộc ta. Ông Đầu “sành” bản đồ VN đến nỗi, chỉ cần nhìn nét vẽ, tên các địa danh trong đó là ông biết nó được vẽ ở thế kỷ nào.

Kho bản đồ cổ của nhà Sử học Nguyễn Đình Đầu đã cung cấp nhiều cơ sở pháp lý cho Bộ Ngoại giao trong việc bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của nước ta.”

*

Phiên họp toàn thể Giáo chức La San Taberd bắt đầu. Sư huynh Casimir ngỏ lời chào mừng và hy vọng năm học mới sẽ diễn tiến tốt đẹp.

Sư huynh Hiệu trưởng vừa ngừng thì Ngô Văn Ân tự động đứng lên phát biểu: Thưa quí vị, tôi nghĩ trong tình hình mới của đất nước và hợp với khí thế mới, chúng ta nên đổi tên trường, bầu Ban Giám Hiệu mới để xóa bỏ tàn tích thực dân “người bóc lột người”... trong hàng thế kỉ qua.

Sư huynh Casimir lên tiếng: Việc đổi tên trường hay bầu Ban Giám Hiệu mới phải do Sở Giáo dục quyết định và chúng ta thi hành. Chúng ta không thể tự động làm một việc mà trên chưa chỉ thị.

Tất cả Giáo chức vỗ tay đồng quan điểm. Ngô Văn Ân quê quá, cùng với ba người khác tự động ra khỏi phòng họp và không trở lại dậy tại La San Taberd nữa...

Biết trước thế nào cũng phải giao lại Trường cho Nhà Cầm quyền Cộng sản, các Frère bắt đầu thu dọn đồ đạc trong Trường. Frère Aloysius (Gs Tân Toán học) gọi tôi vào phòng Đại lý, nói: Sớm muộn gì, Trường cũng sẽ bị giao lại cho Cách mạng, chúng tôi tin tưởng và nhờ Thày bán dùm các thứ có thể bán. Nhưng trước nhất là các bàn ghế tủ...

Trong vòng một tháng, cứ mỗi tối khuya, người tài xế trung thành của các Frère và tôi (Nhị Long) chở các bộ bàn ghế, bàn ăn, tủ... toàn bằng gỗ Cẩm Lai sang Nhà thờ Mạc-Ti-Nho (ngã tư Hồng Thập Tự và Đinh Tiên Hoàng) để trong kho. Đến trưa, tôi ra Chợ Cũ bắt mối chào hàng…

Thanh toán số hàng được đến đâu, tôi trao tiền lại cho Frère Aloysius đến đó. Ngài cho lại một chút uống nước.

Frère Sébastien có lần tâm sự: Sau ngày 30.4.1975, Nhà Mẹ bên Roma liên lạc qua Tòa Đại sứ Pháp tại Sàigòn, hỏi xem Tỉnh Dòng có cần giúp đỡ gì không. Nhưng chẳng lẽ, vừa mới gặp cơn nguy biến, mình đã ngửa tay xin viện trợ, kỳ lắm...

Được biết, Tỉnh Dòng La San chỉ toàn bất động sản gồm các cơ sở Giáo dục. Có một số lớn cổ phần trong Đại Nam Ngân hàng, tương tự như khách sạn Caravelle của Tổng Giáo phận Sàigòn, thương xá Tax của Đại học Đà Lạt... tất cả đều trắng tay sau ngày 30.4.1975.

Cả một Tỉnh Dòng trên một trăm năm hiện diện tại Việt Nam với trên 300 Tu sĩ với những cơ sở giáo dục bề thế, đã đào tạo nhiều thế hệ lãnh đạo cao cấp cho Giáo hội Công giáo và Dân tộc Việt Nam... nhưng nay, bỗng bị phá sản cả tinh thần lẫn vật chất.

Lý tưởng của Dòng là Giáo dục thì nay, Cộng sản nắm độc quyền và tịch thu tất cả các trường sở... Các Sư huynh trẻ hoang mang, hụt hẫng, chao đảo. Trong một thời gian ngắn, Tỉnh Dòng mất 2/3 số Tu huynh. Số đơn xin tháo lời khấn Dòng nhiều đến nỗi Đức Tổng Bình không kịp xét...

Niên học khai giảng êm ả cho đến Tết Bính Thìn 1976. Sau mấy ngày nghỉ Tết, học sinh trở lại trường trong ngày đầu Xuân. Sáng hôm ấy, sau giờ chào cờ, Sư huynh Casimir tuyên bố: Hôm nay, Frère trân trọng giới thiệu với Thầy Cô giáo và tất cả các em học sinh: Sở Giáo Dục thành phố đã gởi đến trường chúng ta một Hiệu trưởng mới thay thế Frère: Đây là Thầy Lê Ngọc Tố, tân Hiệu trưởng...

Ông Lê Ngọc Tố mặc một chiếc quần kaki xanh của nhà máy dệt Nam Định. Áo sơ-mi cháo lòng bỏ ngoài thùng... nhưng chỉ có một tay giơ lên chào, còn tay kia không có, ống tay áo vắt vẻo đu đưa trong gió. Thì ra, tân Hiệu trưởng là Thượng Tá, bị thương cụt mất một tay.

Ngay tức khắc, không biết từ động lực nào, cả mấy ngàn học sinh đều tự động rút một ống tay áo ra, đu đưa như ống tay ông Lê Ngọc Tố. Nhiều em còn cầm ống tay áo nhau giật giật, cười cười... khiến các Giáo chức chúng tôi bị một phen hú hồn!

Sự kiện trên đây biểu hiện sự uất ức bị dồn nén lâu ngày khi ba má các học sinh bị tịch thu tài sản, cha anh đi học tập không thấy ngày về…

Chưa hết, bức tường của các building cũ mầu vàng, các học sinh đều mua phấn đỏ, xanh viết đầy nơi các cầu thang: Hồ Chí Minh ăn l..., Đảng Cộng sản ăn c... Các lao công phải rửa mệt nghỉ.

Trường La San Taberd tọa lạc trên một block đường vuông vắn. Cổng chính trên đường Nguyễn Du, các building phía trái trên đường Hai Bà Trưng, các building bên phải sát Bộ Nội Vụ, cổng phía sau trên đường Gia Long (có hội trường).

Sau 30.4.1975, Ủy ban Quân Quản của Trần Văn Trà lấy Bộ Nội vụ làm Sở An ninh thành phố. Mở các cửa sổ trên lầu của Trường Taberd là nhìn thấy hết sân Sở An ninh.

Một số học sinh Cấp 3 (đệ Nhị cấp) xin ra đi tiểu trong giờ học, rồi thủ sẵn cục đá, gạch... nhắm cán bộ đi dưới sân Sở An ninh… bèn ném trúng phóc. Nhiều cán bộ chảy máu đầu. Việc này, gây khó khăn cho La San Taberd không ít. Ông Lê Ngọc Tố ra lệnh không cho học sinh ra khỏi lớp trong giờ học.

Vì những yếu tố trên, Sở Giáo dục quyết định đóng cửa trường La San Taberd, đổi thành trường Sư Phạm Bồi Dưỡng và ngày nay là trường Trung học Trần Đại Nghĩa.

Cũng cần biết, ông Lê Ngọc Tố thú nhận với chúng tôi: ông chỉ mới học bổ túc văn hóa lớp Tám. Nay về điều khiển trường La San Taberd. “Hồng hơn chuyên” mà!

Còn nhớ, Thứ Năm Tuần Thánh (Holy Thursday) tháng 3, 1976, vì biết rõ các Sư huynh và Giáo chức Công giáo cần phải tham dự Thánh lễ quan trọng này, Ban Giám Hiệu của Lê Ngọc Tố thông báo, bắt buộc các Giáo chức phải tham dự buổi họp vào 5 giờ chiều. Gần một trăm Giáo chức lên yêu cầu Lê Ngọc Tố cho hoãn buổi họp vào ngày khác... nhưng không kết quả.

Tất cả các Giáo chức Công giáo quyết tâm bỏ họp, ra Nhà thờ Đức Bà dự lễ. Sáng hôm sau, từng người phải lên gặp Lê Ngọc Tố nhận bản khiển trách. Không một ai sợ...

Cũng vào tháng 3.1976, trường La San Taberd phải chọn một Giáo chức dạy Văn lớp 9 thay cho các Trường Quận I (gồm trường Võ Trường Toản, Trưng Vương, Saint Paul, Thiên Phước, Lasan Đức Minh, Văn Lang, Huiỳng Khương Ninh, huỳnh Thị Ngà... để “dạy mẫu”. Ngoài học sinh, còn có sự hiện diện của Cán bộ Sở Giáo dục thành phố và các Giáo chức dạy Văn lớp 9 của các Trường Quận I.

Các Giáo chức đè cổ tôi ra bắt tôi phải nhận. Mà không nhận thì kẹt, bị ghép vào tội bất mãn, phản động...

Đề bài gồm 4 câu thơ do Hồ Chí Minh sáng tác khi bị Quốc quân Trung Hoa bắt giải đi:

Đi đường mới biết gian lao,

Núi cao rồi lại núi cao trập trùng.

Núi cao lên đến tận cùng,

Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non.

4 câu thơ này liên hệ trong tập Ngục Trung Nhật ký của Hồ. Những năm sau này ở Hải ngoại, Gs Lê Hữu Mục đã phản biện, chứng minh Hồ không phải là tác giả.

Sau khi nhận và soạn Giáo án, Sở Giáo dục còn bắt tôi phải đến gặp nhà phê bình Văn học Hoài Thanh mới ở Bắc vào ít ngày. Gặp ông để lấy tư tưởng chính trị chính xác trong khi giảng dạy. Các đồng nghiệp La San Taberd mong tôi đừng làm mất mặt anh em. Tôi trấn an: Đừng lo, mình sẽ làm tròn bổn phận mà...

Trong những năm trước đây tôi chỉ đọc THI NHÂN VIỆT NAM của ông, nhưng nay gặp nhà biên khảo Hoài Thanh tận mặt xem sao? Cầm giấy giới thiệu của Sở, tôi đến địa chỉ ghi sẵn ở khu Tân Định, gần đường Trần Quang Khải và Bà Lên Chân.

Nhận xét đầu tiên khi gặp là ông đã xấp xỉ ở cái tuổi thất thập cổ lai hi. Người cao, ốm. Tiếng nói nhỏ nhẹ, chậm rãi nhưng ôn tồn. Cái tác phong Văn học vẫn còn, mặc dù được Đảng ưu đãi, nhưng ông không phải là tay sát thủ Văn Nghệ sĩ như Tố Hữu.

Gặp ông trên 2 tiếng, tôi hỏi nhiều về các Văn Nghệ sĩ miền Bắc hơn là 4 câu thơ sẽ phải giảng dạy...

Ngày giảng dạy mẫu đã tới. Cán bộ Giáo dục Cao cấp, Giáo chức dạy Văn lớp 9 các Trường tới đầy đủ và 60 học sinh của lớp tôi. Trong 2 tiếng, tôi làm tròn phận sự.

Sau đó, tất cả Giáo chức di chuyển đến phòng họp riêng để góp ý. Tất cả các ý kiến đều nhất trí giờ đứng lớp của tôi “đạt yêu cầu”. Cuối cùng thì Cán bộ Cao cấp ở Hà Nội phát biểu: “… phải thành thật nhận định rằng, các Giáo chức miền Nam có một trình độ nhận thức rất cao. Chúng tôi ở miền Bắc, vì hoàn cảnh chiến tranh, không được như các đồng chí..”.

Cũng nên ghi ở đây một yếu tố chính góp phần cho con đường tương lai của tôi: Trong những năm mài đũng quần trên ghế Trung học, ngoài những giờ học chính thức, nghe bạn bè giới thiệu, tôi đều đi “dự thính” các giờ Văn của các Giáo sư tên tuổi nhất lúc bấy giờ tại Sàigòn như: Lữ Hồ, Nguyễn Duy Diễn, Vũ Hoàng Chương, Bùi Xuân Uyên, Phạm Thế Ngũ, Ma Xuân Đạo, Võ Thu Tịnh, Bằng Phong… Mỗi Giáo sư thấm sâu trong huyết quản tôi những cung cách diễn giảng đặc biệt mà sau này là hành trang lên đường của tôi.

*

Quyết định giải thể trường Lasan Taberd được chính thức công bố. Các Giáo chức được làm đơn xin về Trường mình muốn. Tuy nhiên, Sở Giáo dục còn cứu xét.

Các Sư huynh và các Giáo chức độc thân về Trường Quận Bình Chánh. Xa quá, bất tiện cho đời sống tu trì, các Sư huynh xin nghỉ dạy luôn...

Tôi lấy lý do: có mẹ già, con dại, nên Sở đổi về trường Bình Hòa, Gia Định (thuộc Quận Bình Thạnh). Nhớ mãi khi đến gặp Hiệu trưởng Trần Thanh Sao để xếp lớp, mấy Giáo chức xì xào với nhau: Dân Taberd đấy... Taberd là Tư Bản mà... làm tôi hơi chột dạ.

Về trường Bình Hòa, cũng dạy Văn lớp 9 và làm Chủ nhiệm một lớp. Suốt sáu, bảy năm dạy toàn nam sinh, nay phải đụng độ nữ sinh, nhiều lúc vừa vui vừa mệt...

Nhớ mãi cô học trò trưởng lớp Nguyễn Từ Thiện, người Nam, vừa đẹp vừa nhõng nhẽo, lại con nhà giầu, bước vào tuổi dậy thì. Cha mẹ là chủ vựa cây lớn tại Ngã Năm Bình Hoà, Gia Định và có mời tôi đến dùng cơm mấy lần.

Hai năm sau, tôi xin đổi về trường Hồng Hà (Thị Nghè). Trường cũ của các Sơ Saint Paul. Cũng dạy Văn lớp 9 chung cho nam nữ sinh...

Hè năm 1979 tôi quyết định vượt biên vì: - Một anh bạn làm việc tại Sở Giáo dục, thương tình khuyên: Một là cậu dzọt được thì dzọt lẹ đi. Hai là về miền quê thật xa trồng cây làm rẫy... vì hồ sơ đen của cậu đã có ở trên Sở rồi:

- Hồ sơ ghi tôi thuộc thành phần Công giáo di cư 1954. - Dạy tại trường Taberd, tàn tích của thực dân.

- Sinh hoạt Ca đoàn tại Nhà thờ Mông Triệu (Thị Nghè).

- Hay phát biểu linh tinh trong những buổi họp tập Chính trị...

Nhớ Mùa Giáng Sinh 1980, biến cố Dòng Tên tại Trung tâm Yên Đổ xảy đến, các Ca đoàn cùng chung số phận và ngưng hoạt động. Một số Ca trưởng và ca viên bị bắt.

Thân mẫu tôi ngày nào cũng đi Lễ tại Nhà thờ Fatima Bình Triệu. Cứ hai tuần, Frère Sébastien Lê Trung Huyến và tôi đưa Ca đoàn lên hát chiều Thứ Bảy tại Fatima Bình Triệu để khấn xin...

Một ông bạn vong niên, trước là Giáo sư Triết - nổi tiếng về khoa Tử vi và xem chỉ tay, nay dạy Văn - một hôm vô tình cầm bày tay tôi, ông nói: Cậu đưa tay, tôi coi thử xem sao. Cầm một lúc, ông nói: Cậu có số vượt biên may mắn. Nếu đi được thì đi đi...

Trước ngày lên đường khoảng hai tuần, tôi có mời Cha Hoàng Kim, Thầy Hải Linh, Frère Sébastien, Frère Casimir tới nhà dùng cơm và chào tạm biệt...

Ghi lại những dòng này để:

* Kính nhớ Đức cha Aloisio, các Cha Đặng Đức Vượng,

Phùng Quang Mạnh, Các Sư Huynh LaSan.

* Kính nhớ Mẹ Anna, suốt đời tận tụy cho con nên người.

* Mến gởi các học sinh thân yêu của tôi tại Đồng Công,

Lasan Taberd, Thánh Mẫu, Bình Hòa, Hồng Hà...

* Trao về các con Phương Anh-Phong Trang, Phương

Trình-Lệ Hằng và các cháu Phương Thy, Phương Vy...

Châu thành Ngọc Lân, Mùa Tưởng niệm 30.4.2010

Nhị Long - Nhị Lang Sơn