Giũ Bụi Trần Ai

Như tôi đã nhiều lần đề cập trên mạng hoặc trong vài cuộc hội họp, trong chỗ riêng tư, đặc biệt với một số người bạn thân thiết đồng chí hướng rằng: có nên xem xét việc tổ chức các cuộc hội thảo nhằm trình bày, đánh giá phần đóng góp tích cực của Đạo Công Giáo nói riêng tại đất Thăng Long nghìn thủa. Chúng ta đã thấy ồn ào, đa dạng trong nhiều lĩnh vực trước sự kiện 1000 năm Thăng Long thành lập. Tôi đã được nhiều nhân vật đạo đời ủng hộ và cậy trông vào Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt, ngài rất sốt sắng ủng hộ và cho phép tích cực chuẩn bị, song thật đáng tiếc có nhiều biến cố xảy ra làm cho dự định nói trên hầu như tan biến: nào là sự kiện AFEC ở Hà Nội trùng vào dịp tổ chức hội thảo vai trò trí thức Công Giáo tại thủ đô, mà tôi có vinh dự được đọc tham luận khởi đầu…, nào là sự kiện khai mạc năm thánh 2010 tại Sở Kiện…, rồi đến Đức Tổng Giuse bị bệnh phải đi chữa trị tại Roma, rồi tin Đức Tổng Phó được điều từ toà giám mục Đà Lạt ra Hà Nội đã thành sự thật gây sáo trộn không ít trong dư luận. Dẫu vậy, một số anh em có thiện chí vẫn âm thầm chuẩn bị hoặc lên tiếng ủng hộ, hứa hẹn cộng tác viết bài khơi dậy ý thức, nhất là tiến sĩ ký giả Phạm Huy Thông, và một số tri thức, doanh nhân trong các cuộc hội họp vừa qua.

Ngày kỷ niệm 1000 năm Thăng Long sắp tới rồi, có lẽ chúng ta bỏ lỡ mất dịp để trước đó có những thiên khảo luận, đóng góp vào bộ mặt của Công Giáo tại thủ đô Hà Nội, ít ra cũng từ 500 năm nay, trong bối cảnh 1000 năm Thăng Long được thành lập. Sở dĩ tôi dám nói như vậy, vì thấy một số thiện cảm của nhiều độc giả trong Giáo hội cũng như các vị tri thức Công Giáo, ngoài đời đã manh nha đóng góp những bài viết đây đó trên mạng, báo chí hoặc bài giảng… phải kể đến hàng đầu là nhà văn, nhà thơ Lê Đình Bảng với tài liệu đồ sộ “ Ở Thượng Nguồn Thơ Ca Công Giáo Việt Nam” hoặc Tiến sĩ ký giả Phạm Huy Thông, như chúng ta đã trình bày ở trên với một số bài viết mới đây về sự đóng góp của văn chương Công Giáo, cách ứng sử đánh giá thiếu cơ sở gây chia rẽ trong cộng đoàn Công Giáo Việt Nam, sự biến đổi cách nhìn về Đạo Công Giáo trong xã hội ngày nay...đặc biệt là trong luận văn tốt nghiệp Tiến sĩ của ông.

Trong khi chờ đợi có những hoạt động tích cực mọi mặt để kỷ niệm 1000 năm Thăng Long về phía Công Giáo, nhằm nêu cao bộ mặt tươi sáng của Ông Cha cũng như chính chúng ta, đã góp phần vào việc nâng cao giá trị con người Việt Nam trong xã hội, cũng như nơi toàn thể thế giới. Tôi kêu gọi mọi người ở trong mỗi cương vị và khả năng có thể có đóng góp bằng nhiều thể, nhiều cách, tuỳ theo địa vị, khả năng, hoàn cảnh Việt Nam, có thể trao đổi ý kiến tổ chức với Tiến sĩ, ký giả Phạm Huy Thông trên Email: huythongjean@gmail.com hoặc gửi về Web. của giáo phận Thái Bình WWW.tgmtb.net để dựa vào đó chúng ta cùng nhau tìm cách thực hiện như lòng mong ước.

Sau đây tôi có thể xin đóng góp một số bài vở nhằm chuẩn bị cho những cố gắng kể trên.

Trước khi tìm được bộ mặt thật về việc đóng góp của Công Giáo trong việc hình thành Thăng Long 1000 năm một thủa, mọi phương diện cần phải “Giũ Bụi Trần Ai” lau đi những gì làm che lấp hoặc biến dạng khuôn mặt khả ái nói trên.

Cục Ung Bướu?

Cách đây hơn 2 năm, nhân vụ đất đai của Toà Khâm sứ và Thái Ha,ø tôi có được đài phát thanh RAF phỏng vấn nhiều điều, về Đức Tổng Giuse Ngô Quang Kiệt, về kết quả cuộc viếng thăm của phái đoàn Toà Thánh tại Việt Nam nói chung và Thái Bình nói riêng. Tôi không trả lời trực tiếp nhưng đã có bài viết trên mạng nhân kể lại câu chuyện của cha chính Gioan Baotixita Nguyễn Văn Vinh vào đêm Noel 1973, nói về việc thuyên chuyển ngài ra khỏi Hà Nội như ý muốn của chính quyền lúc đó. Về sự kiện Toà Thánh đến thăm Thái Bình đã có nhiều bài viết được tập trung in lại trong một tập nhỏ nhan đề: “Phái đoàn Toà Thánh viếng thăm Giáo phận Thái Bình” Nhưng có một câu hỏi tôi chưa muốn trả lời ngay lúc đó, vì nó nhằm bóc đi một lớp bụi phủ trên dung nhan của Giáo hội Công Giáo một cách đáng tiếc, đó là câu hỏi được đặt ra của một giáo sư đại học như sau:

“Đạo Công Giáo như một ung bướu trên thân thể Việt Nam do đế quốc Pháp và Mỹ để lại….?”

Đài phát thanh lúc đó hỏi tôi có ý kiến gì? Sau nhiều lần trao đổi với tiến sĩ linh mục Nguyễn Thái Hợp, vì không được sự nhất trí đồng thuận của ngài nên tôi tạm gác bỏ, nay tôi xin lấy lại và phát biểu ý kiến như sau: không rõ tác giả câu nói trên ám chỉ cục ung bướu này là bướu lành hay bướu độc. Dù như đã là bướu mà ngày nay vẫn còn xuất hiện trên thân thể Việt Nam là điều không ai có thể chấp nhận về mọi phương diện, thế nhưng cục bướu đó vẫn còn tồn tại sung sức với những hoạt động sôi nổi về tinh thần, vật chất trong xã hội ngày nay như mọi người đều biết rõ; và tôi tự hỏi: Hiến pháp của nước Việt Nam chả nhẽ bảo đảm cho cục bướu đó tồn tại và phát triển sao. Lại còn lập ra một uỷ ban được gọi là Ban Tôn Giáo của Chính Phủ với các hoạt động từ trên xuống dưới, những hệ thống lề luật, pháp lệnh, hướng dẫn, nội quy… để giúp cho cục bướu đó tồn tại, cũng như thành lập các uỷ ban, giúp nó sống “tốt đời đẹp đạo” và thường đem giới thiệu một cách hãnh diện trước dư luận trong và ngoài nước, thế thì, đối với một con người có điên chăng, để cho cục bướu đó tồn tại? và như vậy chúng ta cũng lý luận về các hoạt động nói trên.

Đàng khác như đã trình bầy thực tế rành rành, trước mắt đã chứng minh một cách hùng hồn lớp bụi bị phủ trên khuôn mặt kia và sai lầm đáng trách chúng ta không muốn đi vào chi tiết, sẽ có những nghiên cứu đi vào mọi lĩnh vực một cách tích cực hơn, còn nói tới do đế quốc Pháp và Mỹ để lại, thì không đúng chút nào. Theo lịch sử Đạo Công Giáo đã có mặt tại Việt Nam từ năm 1533 và đã thành một tôn giáo vững mạnh, mặc dù bị bách hại khốc liệt lúc ban đầu, còn thực dân Pháp xâm lăng và có ảnh hưởng tới Việt Nam thì chỉ bắt đầu vào cuối thế kỷ XVIII, đế quốc Mỹ còn muộn hơn nhiều tất nhiên cũng như đế quốc Pháp có thể chăng một vài trường hợp, vài nhân vật lợi dụng tôn giáo trong ý đồ đen tối của mình, giống như trong các tôn giáo và các tổ chức khác có tiếng là trong sáng như Đạo Phật, Tin Lành, kể cả Đảng Cộng Sản Việt Nam. Còn đa số chúng ta là trung thành với tôn giáo, trong mọi hoạt động, đều có công đóng góp vào xã hội trong nhiều lĩnh vực như sau này chúng ta sẽ bàn tới, và đã được dư luận trong xã hội cũng như thế giới công nhận.

Vậy nên Đạo Công Giáo không thể là “Cục Ung Bướu” cũng không thể do đế quốc Pháp và Mỹ để lại có liên hệ, nên chăng việc đặt tượng cha Alexandre de Rhodes (A-l?c-x?ng ??-r?t) nhân dịp 1000 năm Thăng Long.Theo một vài tin tức thì chính Nguyên thủ tưởng Việt Nam Võ Văn Kiệt, đã gợi ý cho nghệ sĩ Phạm Văn Hạng điêu khắc gia làm công việc này nhân dịp 1000 năm Thăng Long, vì nguyên thủ tưởng Võ Văn Kiệt rất kính phục Cha Alexandre de Rhodes, ngài đã có công sáng tác chữ Quốc Ngữ có ảnh hưởng lớn tới nền văn hoá Việt Nam và Thăng Long nói riêng.

Nghệ sĩ Huy đã hoàn thành tác phẩm và đề nghị Thủ đô Hà Nội, đặt vào nơi xứng đáng. Song việc này khó mà thực hiện được vì vấp phải sự phản đối quyết liệt của từ nhiều phía, vì những lý do khác nhau, nhiều khi không đủ thuyết phục.

Ví dụ Cha Alexandre de Rhodes có tội là do “Rao giảng một Đức tin hoàn toàn khác biệt với tín ngưỡng truyền thống của người Việt, từ nhận định rằng người Việt vốn chỉ là một dân tộc mê tín...” “…ông dùng ngôn ngữ của ông tạo ra để phỉ báng đạo của người khác, khi ông gọi Phật Thích Ca là “mọi đen” và tuyên truyền Đạo Phật là Đạo Quỉ …”

Trả lời: Khi muốn đánh giá chính xác giá trị một người, không nên “lôi” họ ra khỏi môi trường, hoàn cảnh họ đang sống với những ý nghĩa, giá trị chủ quan mà lúc đó có khi rất khác với giá trị ngày nay. Trong một số bài viết của cha Alexandre de Rhodes có những đoạn xem ra không đánh giá đúng mức Tam giáo lúc đó, không phải nguyên Phật Giáo, thậm chí dùng những lý lẽ xúc phạm, là do nhận thức chủ quan, kém hiểu biết của một con người thời đại đó, nhất là người ngoại quốc.

Trong lịch sử quá khứ, cũng như trong thời đại ngày nay riêng Đạo Công Giáo, có biết bao nhiêu lần bị “chưởi bới” lên án còn tệ hại gấp nhiều lần, do sự thiếu hiểu biết nhiều hơn là ác ý trong Tam giáo (Phật, Lão, Nho) cũng có những kèn cựa, xúc phạm tới nhau mà lịch sử văn học, bác học và bình dân đều nói tới.

Từ lớp Sĩ Phu tới quần chúng bình dân đã có những ý kiến, mà chính nhà chép sử “Văn học Phật Giáo” có nhắc tới, trong các số báo gần đây, như một “điều tích cực” vì hiện trạng quần chúng lưu ý tới như một biến cố quan trọng dù tích cực hay tiêu cực.

Đôi khi tôi muốn trích ra đây những bản văn ca dao, ngạn ngữ nói đến vấn đề tiêu cực kể trên, nhưng vì không muốn làm mất bầu khí “đoàn kết tôn giáo” tốt đẹp của chúng ta ngày nay.

Đằng khác, ngoại trừ một vài câu nói do sự hiểu biết hạn chế trong các bản văn khác nhau của Cha Alexandre de Rhodes theo Linh mục Đỗ Quang Chính Dòng Tên có viết trong cuốn “ Dòng Tên Trong Xã Hội Đại Việt”

“Khi thuyết giảng, Rhodes cố gắng tránh lối trình bày tiêu cực, không chê bai Tam giáo, giảng giải thế nào để ngay từ đầu, nhờ lý luận tự nhiên, hợp với văn hoá Việt Nam, người nghe hiểu được dễ dàng. Vì thế, bước đầu giảng về việc đấng Tạo hoá tác thành muôn vật, đặc biệt con người, nên con người phải có lòng hiếu thảo với Đấng tạo hoá … từ đó dần dần mới đi vào các mầu nhiệm trong đạo. Về phương pháp và thứ tự các bài giáo lý mà Rhodes giảng dạy, cũng như cuốn giáo lý bằng chữ Hán do một ông Từ (giữ từ đường Vương thái hậu của chúa Trịnh Tráng) đem tới hai cha. Ông Từ nói rằng, đó là cuốn sách của thân phụ khi theo Sứ bộ Việt Nam đi Bắc Kinh đã đem về (lúc đó ông Từ mới được 12 tuổi), ông đã giữ kỹ làm bảo vật từ gần 30 năm nay. Có thể đó là cuốn giáo do cha Michele Ruggieri, SJ.soạn: Thiên Chủ thực lục chính văn in tại Phúc Kiến năm 1584; cũng có thể là cuốn Thiên Chủ thực nghĩa do cha Matteo Ricci, SJ.soạn, in tại Bắc Kinh lần đầu năm 1603.”

“Và những bản văn Ngài khen tặng người Việt Nam, nói chung về lịch sử theo người Việt Nam riêng trong thời đại đó làm chứng Ngài không khinh thị rẻ rúng dân tộc Việt Nam. “Cả Phương Đông và tôi dám nói bất cứ phần đất nào ở Tân thế giới, cả ở miền Đông Ấn đã được các cha chúng ta truyền giảng, kể từ 120 năm nay, các con cái thánh Inhaxiô đã tận tuỵ làm việc, không thấy một giáo đoàn nào phồn thịnh hơn, không kết quả nào tốt đẹp hơn, không nền thánh thiện nào đâm rễ sâu hơn, không một dân tộc nào thánh hơn, không khó nhọc nào được trả công bội hậu hơn đem sánh với giáo đoàn mà chúng tôi đã đổ bao công lao ở Bắc kỳ. Ở đây chúng tôi đã gặp được những hoa quả phong phú hơn là bị mất ở Nhật” (trích Marini xứ truyền giáo, bản tiếng Ý)

Một linh mục soạn quốc vào thế kỷ XVI, trong hoàn cảnh xã hội Việt Nam lúc trước Công Đồng Vaticanô II hàng bốn thế kỷ, có một vài sai lệch về tôn giáo thì không lấy gì làm ngạc nhiên và đáng kết án. Ngay bản thân các tôn giáo ngoài đạo Công Giáo, ngay bản thân mỗi người chúng ta trước Công đồng chung Vaticanô II, không khỏi có những phán đoán lệch lạc, hoặc kỳ thị tôn giáo. Ngay bản thân tôi ở tuổi thiếu niên đang học trong các trường Công Giáo cũng bị các tư tưởng kỳ thị gieo vào đầu óc. Do đó, chúng tôi thường tới các chùa chiền gây rối, đi qua các cửa hàng Aán Độ bán vải ở phố Hàng Đào, Hàng Ngang, túm áo làm giả các tai heo để trêu chọc các vị đó (nghĩ họ là các tín đồ Hồi giáo kiêng ăn thịt heo).

Công đồng chung Vaticanô II đã soi sáng cho Giáo Hội Công Giáo, và có thể phần nào cho các tôn giáo khác, về sự tôn kính, hài hoà, đối thoại chân thành với các tôn giáo khác, làm cho chúng ta “đỡ bớt” các thành kiến, kỳ thị…song không phải không còn những hiểu lầm, đừng nên coi khinh những người tiền Công đồng vào thế kỷ XVI.

Vài vấn đề Đạo Công Giáo được truyền vào Việt Nam do cha Alexandre de Rhodes về Đức Tin “khác biết với tín ngưỡng truyền thống của người Việt Nam” đó đâu phải là một Tội. Đạo Công Giáo cũng như các đạo khác, nói chung ở Việt Nam đều có nguồn gốc, và là sản phẩm ngoại lại từ Dothái, Aán Độ, Trung Hoa, nên không thể nói được tôn giáo nào là có đức tin truyền thống của người Việt, hoặc giả cái mới do Đạo Công Giáo đem lại so sánh với đức tin truyền thống, cũng phải lấy Giáo lý ra mà so sánh cái đúng cai sai, chứ không thể dựa vào sự “khác biệt” mà đã kết án.

Hiện nay trên thế giới, ngay cả đất nước chúng ta, cũng tồn tại và chung sống các tôn giáo mà những đạo thuyết khác biệt lẫn, vẫn được người “rao giảng”, trong sự tôn trọng lẫn nhau mà có ai kết án? (trừ những ông chính quyền các xã huyện miền Lai Châu, Hoà Bình cho rằng các tôn giáo là trái lại phong tục, tập quán truyền thống dân tộc địa phương...nên không được rao giảng và theo đạo đó).

Vấn đề bài trừ mê tín dị đoan của dân tộc là trong thời gian dài, có bài viết của Tiến sĩ Huy Thông tuy chưa sâu sắc bao quát nhưng cũng đủ để rõ thái độ và cách sử lý của Đạo Công Giáo trước vấn đề mê tín.

Vả lại ai có thể dám chắc trong tôn giáo và đám quần chúng nào đó không có gì là mê tín dị đoan, mà đều tràn đầy trong đạo thuyết cũng như thực hành, theo các nhà sử học đều cho là mê tín. Kể cả lãnh đạo ngày hôm nay, lợi dụng sự đổi mới trong xã hội Việt Nam, sự mê tín dị đoan tràn ngập các đình chùa miếu mạo, kể cả số ít trong các nhà thờ, nhất là vào các dịp lễ hội Mùa Xuân, mà các báo chí “phanh phui” nó len lỏi như một quốc nạn trong xã hội chúng ta. Chúng tôi có dịp đề cập tới sau này.

a. Vấn đề “luận tội” cha Alexandre de Rhodes cũng như Đạo Công Giáo đã dùng chữ Quốc ngữ để truyền bá đạo đó cho đến ngày nay làm biến đi nền văn hoá chữ Hán và chữ Nôm. Tôi tán thành bài viết của tác giả nhất là Tiến sĩ Huy Thông, đã làm rõ hơn trên báo chí chẳng những là không có tội, mà còn có công rất lớn trong việc hình thành và phát triển văn hoá Việt Nam.

b. Vấn đề Cha Alexandre de Rhodes với “vai trò xâm lược các nước đế quốc thời đó” đã được giải quyết trong các cuộc hội thảo về lịch sử mới đây, nhất là các bài viết của giáo sư Nguyễn Đình Đầu trong các báo chí, tham luận, cho rằng các bản văn đã được dịch ra là do hiểu lầm về ngôn ngữ “nhà đạo” nên dẫn tới cách đánh giá sai lệch oan ức cho Cha Alexandre de Rhodes và người Công Giáo. Ví du,ï hôm nay, trong đạo vẫn còn có những hiệp hội như: Nghĩa Binh Thánh Thể, Đạo Binh Đức Mẹ, Đạo Binh Xanh vv… là những hiệp hội đạo đức, chứ không phải luôn theo danh hiệu là các binh đoàn gây chiến tranh theo nghĩa quân sự.

Nói tóm lại việc đặt tượng cha Alexandre de Rhodes ở thủ đô Hà Nội nhân dịp Thăng Long ngàn năm là do quyết định sáng suốt của các vị trách nhiệm đất nước, sự thật và công ích cho toàn dân, không nên bị ảnh hưởng phe nhóm tôn giáo nào khác. Riêng tôi và có lẽ một số người Công Giáo, cũng có thể một số người khác cũng không quá quan tâm tha thiết vì tin rằng mọi sự đời này chóng qua mau hết, “Phù vân trên mọi Phù vân” như lời sách Thánh dạy “Mọi sự đều có thời gian của chúng…Có thời chiến tranh, có thời Hoà Bình, có thời yêu thương, có thời oán ghét, có thời xây dựng, có thời Đạp Bỏ vv…” xã hội này dựng tượng, xã hội sau có thể dỡ bỏ. Câu truyện hài ước đã xảy ra ở một nước Đông Âu khi Liên Xô sụp đổ. Một bức tượng đồ sộ vĩ đại nằm trong công viên ở Thủ đô, sau mấy ngày chính quyền mới muốn phá bỏ dựng một tượng mới của một nhân vật mới. Công trình cũ to lớn đồ sộ quá phải mất nhiều công sức và thời gian mới phá được hoàn toàn. Có người đề nghị một giải pháp xem ra rất ý nghĩa cho rằng: Các vị ấy cũng là con người thì từ vai tới chân đều giống nhau, chỉ có cái đầu trên cổ là khác nhau, vậy chỉ cần phá bỏ cái đầu cũ mà mang thay vào đó cái đầu (bộ mặt) mới, cho hợp lý, và vì “Phù vân trên mọi Phù vân” đến đời sau, có gì trái nghich, cũng chỉ cần thay Đầu là xong”.

Thực sự chỉ có thần tượng trong lòng người là có giá trị vĩnh cửu, tôi rất tâm đắc mấy bài thơ của Bạch Lạp.

Tạc Tượng

Ta không biết tạc Tượng

Nhưng muốn đúc Người vào lòng

Để khi nhớ, khi mong

Có tình yêu chung hưởng.

Ta không có thạch cao

Bạc vàng hay đá quí,

Cũng không búa không dao,

Để đào sâu, đục khoét.

Ta không biết lý thuyết

Cân xứng trên hình người

Cũng không mẫu xinh tươi

Để thuê trong cuộc sống

Nhưng hồn ta nóng bỏng

Bưng trái tim đỏ hồng

Dòng máu thắm tươi trong

Trộn thịt da làm vữa.

Lời nói sẽ là dao

Bàn tay ta là búa

Hình Người trong khoé mắt

Tạc tượng Ngươi vào lòng…

Quên… Nhớ

Muốn định nghĩa là Quên là Nhớ

Cần phải hiểu cái gì như hơi thở

Một cái gì như máu huyết sục sôi

Một cái gì như xương thịt trong tôi

Tạo nhiều đắng cay chảy ra nước mắt

Một cái gì lồng lên như bão giật

Trút vào lòng như những trận mưa sa

Tình yêu không cần hoa

Nên không Quên, chỉ Nhớ

Tình yêu chân chính là tình yêu hơi thở

Là máu chan hoà xương thịt kết tinh

Nước mắt long lanh là Kim cương chẳng vỡ

Dù bão về hùa, gió lạnh mưa sa

Tình trong ta mang muôn sắc muôn hoa

Nói làm chi câu nói: Hãy Quên đi!

Thương làm chi, Nhớ nữa làm chi

Nêu như ta biết tạc tượng…

Mong sao việc kỷ niệm Thăng Long ngàn năm cái quan trọng như lời Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt nói với tôi “ Sự đóng góp của giới Công Giáo, trong lễ kỷ niệm này, qua 500 năm hiện diện, là việc Đào tạo con người đạo đức”. Thần tượng trong lòng ta là Đức Kitô hay Đức Phật, với những đạo thuyết của các Ngài cần phải được tôn thờ trong lòng người và sẽ soi sáng cho chúng ta con đường Đạo Đức chân chính cho tới muôn đời.

Thái Bình, ngày 01 thánh 05 năm 2010

F.X. Nguyen Van Sang

Nguyên Giam muc Gp Thai Binh