Như bản tin ngắn của Thông tấn xã CNS đã loan, và được VietCatholic dịch đăng: http://www.vietcatholic.net/News/Html/77409.htm), đến nay có hơn 17 ngàn người đã ký một thỉnh nguyện thư xin đem bản dịch tiếng Anh mới cuốn Sách lễ Roma, ra thử nghiệm trong thời gian một năm tại một số thí điểm trước khi đem áp dụng đồng loạt trong mọi giáo xứ, viện lẽ: “Chúng tôi tin rằng việc chấp nhận một bản dịch có nhiều chỗ hết sức mâu thuẫn, mà các vị lãnh đạo trong hàng ngũ các giám mục của chúng ta cũng như nhiều chuyên gia về phụng vụ và ngôn ngữ cho là có nhiều thiếu sót, sẽ là một sự sai lầm trầm trọng.”

Đáp lại những phản ứng nói trên, Giám mục Arthur J. Serratelli, Chủ tịch Ủy ban Phụng tự của Hội đồng giám mục Hoa kỳ đã viết bài tham luận sau đây:

Có thay đổi là chứng tỏ có sống động. Điều này áp dụng cho con người, cho các định chế, và cho cả ngôn ngữ nữa. Đó là một tiến triển tự nhiên, ngay cả khi nó gặp phải đối kháng, bởi vì chúng ta khi theo những đường lối cũ, cách thức quen thuộc, thường cảm thấy thoải mái. Người Công giáo nay đang đứng trước thách đố về đổi thay, khi giáo hội tại Hoa kỳ và tại các nước nói tiếng Anh đang chuẩn bị đón nhận những thay đổi đáng kể về phụng vụ kể từ sau khi áp dụng bản Lễ quy Thánh Lễ (Order of Mass) năm 1970.

Ngày 17 tháng 11 năm 2009, các giám mục Hoa kỳ đã hoàn tất việc duyệt xét và chấp thuận bản dịch sách Missale Romanum, editio typica tertia (Sách lễ Roma, ấn bản tiêu chuẩn thứ ba). Chúng tôi kết thúc công việc đã khởi sự từ năm 2004, năm mà những bản dịch phác thảo thứ nhất được ICEL (International Commission on English in the Liturgy, Ủy ban Quốc tế về Anh ngữ trong Phụng vụ) đệ trình cho chúng tôi. Trong lúc giáo hội trong thế giới nói tiếng Anh chờ đợi sự chuẩn nhận (recognitio) văn bản này từ Thánh bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích của Tòa thánh, nay là lúc chúng ta dùng thời giờ để chuẩn bị tiếp nhận và thực thi. Nhiều người đã nêu lên những câu hỏi, bày tỏ những mối quan tâm, hoặc đơn giản là chỉ muốn biết các lý do tại sao phải có bản dịch mới và những mục tiêu phải thi hành.

Tại sao có Văn bản Mới?

Cuốn Missale Romanum (Roman Missal, Sách lễ Roma) là bản văn phụng vụ dùng để cử hành Thánh lễ, đầu tiên được soạn thảo bằng tiếng Latinh, gọi là editio typica (“ấn bản tiêu chuẩn”). Trong Năm Thánh 2000, ĐGH Gioan Phaolô II tuyên bố phát hành một ấn bản thứ ba (editio typical tertia) của Missale Romanum. Một khi bản văn được phát hành, nó trở thành văn bản chính thức được dùng để cử hành Thánh lễ, và hội đồng các giám mục phải bắt đầu công việc chuẩn bị các bản dịch ra tiếng bản địa. Ấn bản thứ ba gồm một số những yếu tố mới: các kinh nguyện trong những lễ kính/lễ nhớ các vị thánh mới được tuyên phong, thêm các lời tiền tụng cho phần Lời nguyện Tiến lễ (Eucharistic Prayers), thêm các Thánh Lễ và Kinh nguyện cho những Nhu cầu và Ý chỉ khác nhau, cũng như một số thay đổi nhỏ về chỉ dẫn in bằng chữ đỏ (rubrics, tức là các huấn thị) khi cử hành Thánh lễ.
Bản dịch mới


Nhằm trợ giúp cho tiến trình dịch thuật sách Missale Romanum, editio typica tertia, năm 2001 Thánh bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích đã phổ biến Liturgiam Authenticam, đó là huấn thị thứ 5 về việc dịch thuật phụng vụ Roma ra tiếng bản địa, tóm tắt các nguyên tắc và quy luật khi dịch thuật. Những nguyên tắc này đã phát sinh và thay đổi sắc thái trong những năm sau Công đồng Vatican II khi giáo hội phát triển việc sử dụng các ngôn ngữ bản địa của thời đại mới trong khi cử hành phụng vụ. Những nguyên tắc chỉ đạo này được áp dụng trong công việc đã đem tới kết quả là bản dịch (tiếng Anh) mới của Missale Romanum

Bản dịch

Trong cuốn sách hướng dẫn tu từ phổ thông nhan đề De duplici copia verborum ac rerum, nhà thần học và nhân bản người Hòa lan ở thế kỷ 16 là Eramus đã chỉ cho các học sinh 150 kiểu cách khác nhau họ có thể dùng để ngắt câu tiếng Latinh Tuae literae me magnopere delectarunt (“Lá thư của ngài đã làm tôi rất mực thích thú). Ông chứng minh đầy đủ rằng không có một bản dịch nào có thể làm mọi người hoàn toàn thỏa mãn.

Ngôn ngữ phụng vụ quan trọng cho cuộc sống của giáo hội. Câu châm ngôn được nhiều người biết Lex orandi, lex credendi (quy luật cầu nguyện [xác định] quy luật đức tin), nhắc nhở chúng ta rằng những điều chúng ta cầu nguyện không chỉ là sự thể hiện tình cảm và lòng tôn kính của chúng ta hướng lên Thiên Chúa, mà những điều chúng ta cầu nguyện cũng còn nói lên với chúng ta, nói lên cho chúng ta, về đức tin của giáo hội. Những từ ngữ chúng ta dùng trong phụng vụ không chỉ là những lời phát biểu của một cá nhân trong một nơi chốn đặc biệt trong một thời gian nào trong lịch sử. Mà những từ ngữ đó truyền đạt đức tin của giáo hội từ thế hệ này sáng thế hệ kế tiếp. Vì lý do này, các giám mục chúng tôi coi nhiệm vụ là quan trọng khi thực hiện việc dịch thuật các văn bản phụng vụ sao cho đồng thời vừa chính xác vừa linh hứng, do đó, mà đôi lúc còn thảo luận say sưa về từ ngữ, cú pháp và thành ngữ. Bản dịch mới cung cấp cho chúng ta những kinh nguyện chính xác về thần học, bằng một ngôn ngữ trang trọng và đẹp đẽ, dễ hiểu, như được kêu gọi trong Liturgiam Authenticam:

25. Để cho nội dung của các văn bản nguyên thủy được rõ ràng và dễ hiểu, ngay cả với những tín hữu thiếu sự đào tạo về kiến thức đặc biệt, các bản dịch phải có đặc tính dùng một thứ ngôn ngữ dễ hiểu, nhưng đồng thời vẫn duy trì được phong cách trang trọng, vẻ đẹp và sự chính xác về tín lý của các văn bản này. Bằng phương tiện của những từ ngữ ngợi khen và thờ lạy, nuôi dưỡng được lòng tôn kính và tri ân trước vẻ uy nghi của Thiên Chúa, quyền năng, lòng thương xót và tính chất siêu việt của Người, các bản dịch sẽ đáp ứng lại được sự khao khát Đấng Thiên Chúa hằng sống mà dân chúng của thời đại chúng ta cảm nghiệm được, đồng thời cũng đóng góp vào phong cách và vẻ đẹp của chính việc cử hành phụng vụ.

Nói với một nhóm các dịch giả qui tụ tại Rome năm 1965 về công việc của họ liên quan đến các văn bản phụng vụ, Đức giáo hoàng Phaolô VI đã trưng dẫn lời thánh Jerome – thánh nhân này cũng là một dịch giả -- nói về vẻ cao quý của công tác dịch thuật: “ Nếu tôi dịch từng từ ngữ một, nghe thật ngốc nghếch; nếu tôi bó buộc phải thay đổi điều gì trong thứ tự từ ngữ hoặc văn phong, tôi dường như không còn là một người dịch nữa.” Đức giáo hoàng Phaolô nói tiếp: “Ngôn ngữ bản địa, nay đang chiếm được chỗ đứng trong phụng vụ, phải nằm trong tầm hiểu biết của mọi người, ngay cả trẻ em và người thất học. Nhưng, như quý vị đã biết rõ, ngôn ngữ phải luôn luôn xứng đáng với những thực thể cao quý mà nó biểu hiện, tránh xa loại ngôn từ thường ngày trên hè phố hoặc ngoài chợ búa, hầu để sẽ ảnh hưởng lên tinh thần và khơi dậy tình yêu mến Chúa trong tâm khảm.”

Tiến trình phiên dịch ấn bản mới của Sách lễ Roma đã có sự tham gia của các học giả về ngôn ngữ, Kinh thánh và phụng vụ của mỗi một trong 11 quốc gia nói tiếng Anh dưới sự phục vụ của ICEL. Tiến trình này đã hoàn toàn kỹ lưỡng và được sự cộng tác trên bình diện quốc tế, bởi vì văn bản này sẽ được sử dụng trong khắp thế giới nói tiếng Anh. Điều quan trọng chúng ta phải nhớ rằng những người Mỹ chúng ta chỉ là thành phần trong một cộng đồng rộng lớn những nước nói tiếng Anh. Công việc chuẩn bị thực hiện bản dịch này là một nỗ lực quốc tế nhằm tạo ra một văn bản quốc tế. Kết quả là một văn bản đoàn kết chúng ta lại với nhau và xác định vị trí chúng ta là những người Mỹ trong phạm vi hiệp thông của một giáo hội lớn rộng.

Ngay cả bản dịch tốt đẹp nhất có thể thực hiện được đối với cuốn Sách lễ mới cũng sẽ không làm vừa lòng được mọi người. Không có bản dịch nào là toàn bích cả. Những người chống đối bản dịch mới đôi khi lý luận – có lẽ bất công – rằng bản văn hiện đang sử dụng trong phụng vụ (trong Sacramentary hiện nay), do nỗ lực lớn lao của các dịch giả từ năm 1969 đến 1973, có tính chất một hình thức Anh ngữ bằng phẳng và thiếu linh hứng. Tuy nhiên bản văn đó đã phục vụ giáo hội trong các nước nói tiếng Anh một cách tốt đẹp hơn ba mươi năm qua, và đã làm cho chúng ta đi được những bước dài trong việc thực hiện các mục tiêu của Công đồng là “tham dự đầy đủ, có ý thức và tích cực” trong phụng vụ. Chúng ta nên cẩn thận đừng quá hấp tấp xét đoán những gì đã từng là ngôn ngữ phụng vụ của chúng ta. Văn bản của chúng ta hiện nay có tính cách quen thuộc và tiện lợi thoải mái.

Những người đã chỉ trích văn bản mới, thường chỉ mới coi được một số ít những tỷ dụ bên ngoài văn cảnh, bày tỏ mối quan ngại về thứ từ vựng xa lạ và những cấu trúc phức tạp không cần thiết trong các câu văn. Đã từng liên hệ vào công tác dịch thuật với ICEL và với Ủy ban về Phụng tự của hội đồng các giám mục, tôi có thể xác nhận rằng bản dịch mới là một bản văn tốt đẹp và xứng đáng được đem ra sử dụng. Nó không hoàn hảo, nhưng sự hoàn hảo chỉ có thể đạt được khi phụng vụ trên trái đất này nhường chỗ cho phụng vụ trên thiên quốc, nơi mà các vị thánh nhân đồng thanh ca tụng Chúa bằng chỉ một thứ tiếng nói. Thay đổi sẽ không đến dễ dàng, vì cả linh mục chủ tế (gồm cả các giám mục chúng tôi) và tín hữu giáo dân sẽ phải cùng làm việc để chuẩn bị cử hành phụng vụ đầy đủ, có ý thức và tích cực.

Chúng ta sẽ tiến tới đâu

Con người chúng ta là những tạo vật sống theo thói quen. Người Công giáo chúng ta là những tạo vật sống theo nghi thức. Nghi thức đặt căn bản trên những gì là quen thuộc – trên những mô thức đã được học hỏi. Một cộng đồng phụng tự có thể tham dự đầy đủ, có ý thức và tích cực vào phụng vụ vì các thành viên trong cộng đoàn (linh mục và dân chúng) ý thức được điều họ đang làm. Bất cứ đổi thay nào trong các nghi lễ cũng sẽ ảnh hưởng lên cung cách chúng ta tham dự. Sẽ là điều tự nhiên khi chống đối những đổi thay như thế chỉ vì muốn bám chặt vào điều gì đã trở thành quen thuộc bởi vì nó làm ta thoải mái. Điều nên nói ngay từ lúc đầu rằng văn bản mới của Sách lễ Roma chỉ trình bầy một sự thay đổi trong ngôn ngữ, chứ không phải trong các nghi thức. Chỉ có một ít sự điều chỉnh nhỏ về huấn thị in bằng chữ đỏ trong Lễ quy Thánh lễ, và hầu hết những thay đổi này đã có hiệu lực trong các sách phụng vụ khác, như sách Nghi thức của các Giám mục, tuy chưa được đưa vào bản văn được in của Thánh lễ. Thế thì chúng ta chuẩn bị như thế nào để sử dụng văn bản mới? Các giám mục chúng tôi đã kêu gọi có một tiến trình học hỏi rộng rãi về giáo lý, hướng đến việc thực thi văn bản. Đặc biết là tôi xin đề nghị một số các bước tiến quan trọng cho cả các cá nhân và cộng đồng giáo xứ.
Giám mục Sarratelli


Trước hết, phải hiểu biết văn bản. Đức giáo hoàng Benedict XVI đã nhắc nhở chúng ta về sự phong phú và tầm quan trọng của các văn bản phụng vụ trong tông thư cổ vũ Sacramentum Caritatis: “Các văn bản này chứa đựng những điều phong phú đã được bảo tồn, biểu hiện đức tin và kinh nghiệm của Dân Chúa suốt hai ngàn năm lịch sử.” (#40). Nhiều người sẽ đề cập đến ngữ vựng, cú pháp và cấu trúc các câu có khác biệt đáng chú ý so với văn bản hiện nay. Các nguyên tắc chỉ đạo khi phiên dịch kêu gọi phải duy trì hình ảnh và ngôn ngữ (cũng như cầu trúc) thi vị của Kinh thánh. Các bản văn mới chứa đựng nhiều thí dụ đẹp đẽ về ngôn ngữ rút ra trực tiếp từ Kinh thánh, đặc biệt là các sách Tin Mừng và các Thánh vịnh: “từ khi mặt trời mọc cho đến lúc lặn xuống” (Thánh vịnh 113, Kinh Tạ ơn III), “sai Thánh thần của Người xuống… như sương rơi” (Thánh vịnh 133, Kinh Tạ ơn II), “phúc cho ai được gọi đến dự tiệc Chiên” (Rev. 19, Nghi thức Hiệp lễ), và “lạy Chúa, tôi chẳng đáng Chúa ngự xuống dưới mái nhà tôi…” (Mt. 8, Nghi thức Hiệp lễ). Đó chỉ là một ít những tỷ dụ.

Điểm đặc biệt cần lưu ý trong văn bản mới là cách biểu hiện lòng tôn kính Thiên Chúa, không chỉ bằng thứ ngữ vựng mà còn bằng hình thức biểu đạt khi xưng tụng với Thiên Chúa. Một số người có thể cảm thấy không thoải mái với thứ ngôn ngữ tự hạ khẩn khoản nài xin như thế lúc ban đầu, nhưng nó xác nhận một cách có hiệu quả tính ưu việt của ơn Chúa và sự tùy thuộc của chúng ta vào ơn đó để được cứu độ.

Các văn bản bây giờ có thể là chưa quen, nhưng khi người ta càng hiểu được ý nghĩa, thì sự sử dụng chúng trong phụng vụ càng có ý nghĩa nhiều hơn. Chúng ta được mời gọi trải qua một tiến trình suy niệm về thần học hoặc ngay cả thực hiện việc đọc sách nguyện (lectio divina) bằng các văn bản mới của Sách lễ Roma. Cầu nguyện và suy niệm bằng những từ ngữ này sẽ giúp chúng ta mở rộng lòng hướng tới những điều huyền nhiệm thể hiện trong văn bản.

Hai là, trong Sacramentum Caritatis, Đức giáo hoàng Benedict XVI đã khuyến khích tất cả mọi người chúng ta canh tân lời cam kết sẽ cử hành phụng vụ hiệu quả và thành tâm. Đức thánh cha kêu gọi phải chú ý tới ars celebrandi, nghệ thuật cử hành đúng đắn. Thực thi Sách Lễ Roma mới phải là một cơ hội tái cam kết sẽ cử hành phụng vụ một cách trung thành, rung động và khẩn nguyện.

Thứ ba, chúng ta chú ý đến tiến trình học giáo hỏi giáo lý là điều phải thực hiện để chuẩn bị cho việc tiếp nhận văn bản mới. Ủy ban Phụng tự của hội đồng các giám mục đã đề nghị một tiến trình gồm hai phần nhằm hướng tới việc thực thi Sách lễ. Vào thời điểm hiện nay chúng ta đang còn ở trong giai đoạn xa trong tiến trình chuẩn bị, giai đoạn xa này sẽ chấm dứt khi có sự chuẩn y (recognition) văn bản. Giai đoạn này gồm có những nỗ lực trong các buổi học hỏi giáo lý tổng quát về phụng vụ: tính chất và mục tiêu của phụng vụ, ý nghĩa của “tham gia đầy đủ, ý thức và tích cực”, và quá trình của Sách lễ Roma. Công cuộc chuẩn bị kế tiếp sẽ bắt đầu khi nhận được recognition, kéo dài trong một thời gian từ 12 đến 18 tháng, sẽ chú ý nhiều hơn vào các văn bản đặc biệt trong Sách lễ nhằm chuẩn bị cho linh mục và giáo dân dùng các văn bản đó để cử hành phụng vụ.

Các nghị phụ của Công đồng Vatican II đã ý thức rõ rệt về nhu cầu phải có sự học hỏi giáo lý về phụng vụ, coi đó như là khía cạnh cốt yếu của công trình cải cách phụng vụ: “Bằng nhiệt tâm và kiên trì, các linh mục phải đề cao học hỏi về phụng vụ cho giáo dân và cũng để cho họ tham dự tích cực vào phụng vụ, cả bề trong lẫn bề ngoài, chú ý đến tuổi tác và hoàn cảnh, lối sống và trình độ phát triển đạo đức của họ. Làm thế, các linh mục sẽ thực thi một trong những nhiệm vụ chính của mình là người quản gia trung thành các huyền nhiệm của Thiên Chúa; và trong vấn đề này các linh mục phải dẫn dắt giáo dân không chỉ bằng lời nói mà còn bằng gương sáng nữa.” (Sacrosanctum Concilium, #19)

Nhiều nguồn tài liệu dồi dào đang được triển khai do Hội đồng giám mục Hoa kỳ, Liên hiệp các Ủy ban Phụng vụ Giáo phận, và nhiều nhà xuất bản phát hành sách giáo lý và phụng vụ. Thêm vào đó, đại diện các quốc gia nói tiếng Anh cũng đang cộng tác để sản xuất một nguồn tài liệu giáo lý quốc tế đa phương tiện (multi media). Ủy ban Phụng tự của hội đồng giám mục năm ngoái đã thành lập một trang mạng (http://www.usccb.org/romanmissal/) dùng làm trung tâm tập trung các tin tức liên quan đến Sách lễ mới, và chúng tôi hy vọng rằng nó sẽ khuyến khích sự phát triển nhiều nguồn tài liệu hơn nữa để dùng trong các giáo xứ, trường học và các gia đình.

Vào dịp kỷ niệm 25 năm hiến chế Sacrosanctum Concilium của Công đồng Vatican II, Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II đã khuyến khích giáo hội tiếp tục công trình cải tổ phụng vụ “nhằm để canh tân tinh thần đã linh hứng cho giáo hội khi hiến chế Sacrosanctum Concilium được ban hành (Vicesimus Quintus Annus, 23). Nay chúng ta chuẩn bị đón nhận văn bản Sách lễ Roma ấn bản thứ ba, các giám mục chúng tôi nhận thấy ý nghĩa của thời gian này đây là một cơ hội canh tân đích thực theo như viễn kiến của Công đồng. Chúng tôi hy vọng rằng các linh mục và giáo dân sẽ cùng chúng tôi năm bắt lấy cơ hội này với đầy nhiệt tình và, xin dùng lời của Giáo hoàng Gioan Phaolô II, tiếp nhận Sách lễ mới như là “thời gian cắm sâu thêm gốc rễ của chúng ta xuống mảnh đất truyền thống đã trao lại trong Nghi lễ Roma (sách đã dẫn).

Nguồn: Arthur J. Serratelli/Tạp chí America

Arthur J. Serratelli là giám mục giáo phận Paterson, N.J., đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Phụng tự của Hội đồng Giám mục Hoa kỳ.

Phụ lục:

1- ICEL (International Commission on English in the Liturgy, Ủy ban Quốc tế về Anh ngữ trong Phụng vụ): Thành phần gồm 11 hội đồng giám mục các nước: Úc, Canada, Anh và Wales, Ấn độ, Ái nhĩ lan, Tân tây lan, Pakistan, Phi luật tân, Scotland, Nam Phi và Hoa kỳ.

2- Sau đây là một ít thí dụ về sự thay đổi trong bản dịch Anh ngữ mới:

Chủ nhật thứ I mùa Vọng

Bản dịch cũ: All-powerful God,

increase our strength of will for doing good

that Christ may find an eager welcome at his coming

and call us to his side in the kingdom of heaven.

Bản dịch mới: Grant, we pray, almighty God,

that your faithful may resolve

to run forth with righteous deeds,

to meet your Christ who is coming,

so that gathered at His right hand

they may be worthy to possess the heavenly kingdom.


Chủ nhật I mùa Vọng – Lời nguyện hiệp lễ

Bản dịch cũ: Father,

may our communion

teach us to love heaven.

May its promise and hope

guide our way on earth.

Bản dịch mới: May the mysteries we have celebrated profit us, we pray, O Lord,

for even now, as we journey through the passing world,

you teach us by them to love the things of heaven

and hold fast to what will endure.

Lễ Thăng thiên- Ban phép lành trọng thể

Bản dịch cũ: May almighty God bless you on this day

when his only Son ascended into heaven

to prepare a place for you.

Bản dịch mới: May almighty God bless you,

for his Only-Begotten Son

pierced the heights of heaven on this day

and unlocked for you the way

to ascend where he has gone.

Kinh Tạ ơn II

Bản dịch cũ: Let your Spirit come upon these gifts to make them holy, so that they may become for us the body and blood of our Lord, Jesus Christ.

Bản dịch mới: Make holy, therefore, these gifts, we pray, by sending down your Spirit upon them like the dewfall, so that they may become for us the Body and Blood of our Lord, Jesus Christ.

Kinh giáo dân đọc trước khi chịu lễ:

Bản dịch cũ: Lord, I am not worthy to receive you,

but only say the word, and I shall be healed.

Bản dịch mới: Lord, I am not worthy that you should come under my roof, but only say the word, and my soul shall be healed.

3- Chúng tôi không có được thông tin về tiến trình bản Việt dịch mới Sách lễ Roma, nhưng mấy năm qua đã thấy nhiều phản ứng không thuận lợi đối với bản dịch cũ và những thay đổi hoặc bổ sung xuất hiện sau đó.