Năm 1990, nhân kỷ niệm 50 năm ngày mất của nhà chí sĩ Sào Nam Phan Bội Châu, một giáo sư Sử học của Đại Học Tổng Hợp Hà nội đã viết trên báo Tuổi Trẻ rằng cụ Phan Bội Châu là nhà yêu nước và là nhà tư tưởng lỗi lạc nhất của thế kỷ 20. Điều này hoàn toàn chính xác nếu chúng ta xét đến ý chí, tấm lòng và tư tưởng của chính cụ, không hề vay muợn, trong khoảng 30 tác phẩm nổi tiếng do chính cụ viết (trong đó có Việt Nam Quốc sử khảo, Ngục Trung Thư, Lưu Cầu Huyết Lệ Tân Thư, Việt Nam vong quốc sử, Việt Nam Quốc sử bình diễn ca, Trùng Quang tâm sử). Riêng trong Việt Nam Quốc sử khảo, Phan Bội Châu đã có nhận định khách quan, chính xác và đầy hiểu biết về Đạo của Chúa Giêsu, mà Giáo sư Nguyễn Ngọc Lan, Tiến sĩ Triết học Sorbonne, đã trân trọng trích lại trong tác phẩm Hẹn Thắp Lên của mình. Trong những ngày Hội Thánh Việt Nam đang bị thử thách, Thánh Giá Chúa bị đập nát và dân Chúa ở Đồng Chiêm đang bị đàn áp nặng nề, thì việc đọc lại Phan Bội Châu có thể soi dọi cho những kẻ còn ngờ nghệch và hung hăng truớc Đạo Yêu Thương trên đất nước này. Cụ Phan Sào Nam viết:

“Nói về lợi ích của Thiên Chúa giáo đối với quốc gia, có bốn điều quan trọng:

1. Thiên Chúa giáo chú trọng việc tương thân tương ái, biết hợp quần đoàn thể, có cái cảm tình không ước hẹn mà đồng tâm. Đó là lợi ích thứ nhất (xem chỗ quốc dân tụ tập để nghe giảng đạo, thì thấy ngay được sự tương thân tương ái đó).

2. Thiên Chúa giáo chuyên chú trọng về linh hồn mà coi khinh thể xác, cho nên khi dồn ra làm việc nghĩa thì có được cái phong thái coi nhẹ việc sống mà dám chết. Đó là lợi ích thứ hai (xem lúc giao chiến, nếu có giáo dân tham gia thì thấy họ là những người coi đi đến cái chết như đi về nhà).

3. Thiên Chúa giáo đều biết: trước hãy lo cho công lợi đã, sau mới đến tư ích, trước lo việc nước, sau mới đến việc nhà. Khi vào làm việc lợi ích công cộng cho xã hội thì toàn thể mọi người tin yêu nhau, nên dễ bề tập họp. Đó là lợi ích thứ ba.

4. Thiên Chúa giáo chuyên chú trọng về thờ phụng Thượng đế, không thờ thần nào khác, cho nên bớt được tất cả mọi sự tốn kém vô ích về tế tự. Đó là lợi ích thứ tư.”


Bốn điều ấy quá rõ ràng, không cần phân tích, và đó cũng chính là bốn điều cần thiết trong việc “kinh bang tế thế” mà bất cứ một nhà quản trị, nhà lãnh đạo nào cũng cần phải học. Có thể tóm lại trong bốn nhóm từ “đồng tâm – hy sinh – công ích – tiết kiệm”. Khi đọc những dòng này, chúng ta dù có đạo hay không có đạo, vẫn thấy rất quen thuộc, vì sao thế?

Những khái niệm ấy quen thuộc vì đó chính là những nguyên tắc quản trị để đem lại lợi ích và hiệu quả. Một người quản lý mà không biết đem lại sự đồng tâm hiệp lực trong chính tổ chức của mình hoặc không biết hy sinh chính mình cho công ích thì chẳng bao giờ đạt tới thành công thật sự.

Những khái niệm ấy càng quen thuộc với người Công giáo vì đó cũng là một số trong những nguyên tắc và giá trị của Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội Công Giáo. Chúng tôi đã có dịp tóm tắt các nguyên tắc này và bất ngờ chúng tôi nhận ra tư tưởng cụ Phan Sào Nam cũng có những điểm tương đồng (xin xem http://vietcatholic.org/News/Clients/ReadArticle.aspx?ID=69111). Thế mới biết cụ có cái nhìn xa, sở học mênh mông, và cụ hiểu được đạo Chúa khá nhiều.

Nếu đem tư tưởng cụ Phan soi vào những vấn đề của đất nước đối với các vụ việc xảy ra cho dân Chúa những năm gần đây, nhất là việc phạm thánh khủng khiếp đối với Thánh Giá Chúa tại Đồng Chiêm, chúng ta thấy gì?

Điểm thứ nhất cụ Phan nhận xét là “Thiên Chúa giáo chú trọng việc tương thân tương ái, biết hợp quần đoàn thể”. Và như thế, ở đâu có nhiều người Công giáo, ở đó xã hội bình yên hơn. Và cũng phải hiểu thêm rằng người Công giáo sẵn sàng hiệp thông để bảo vệ Hội Thánh và bảo vệ anh chị em mình. Hơn nữa, người Công giáo cũng sẵn sàng liên kết với người thiện chí để xây dựng xã hội tốt đẹp. Đặc tính của họ là biết liên kết và họ rất ghét cái xấu và sự lợi dụng. Do đó không thể có chuyện lợi dụng tôn giáo như một số người tung tin và vài ông lm quốc doanh hớ hênh kết án vô căn cứ. Thành ra, việc hầu hết người Công giáo thấy lòng mình sôi sục trước vụ Đồng Chiêm, vừa là biểu hiện của lòng yêu mến Thánh Giá Đấng cứu chuộc họ, đồng thời là tình liên đới sâu xa với những người anh em khốn khổ của họ.

Điều thứ hai, người theo Chúa chú trọng về đời sống vĩnh cửu, nhưng không coi khinh thể xác theo nghĩa đen. Ý cụ Phan là muốn nhấn mạnh người Công giáo sẵn sàng hy sinh (chịu thiệt mạng) vì công ích và nhất là vì Danh Thánh Chúa. Điều chứng minh cho lời cụ Phan là đã có hơn một trăm ngàn người sẵn sàng chết để bảo vệ Thánh Giá Chúa (xin chú ý là thời sơ khai, con số một trăm ngàn là rất lớn so với tổng số giáo dân. Chúng tôi cộng lại số giáo dân Việt nam năm 1933 ở các địa phận theo “Lịch sử Giáo Hội Công Giáo” của Cha Bùi Đức Sinh, thì tổng số cũng chưa đến một triệu người).

Người Công giáo, cụ Phan nhận xét, là dễ tập họp để lo việc nước. Điều này có nghĩa là gì nếu không phải là nguyên tắc công ích phát xuất từ các giới răn Chúa đã ngấm sâu vào con người của họ, để họ sẵn sàng quên việc riêng mà lo cho lợi ích chung. Gần một thế kỷ trước, cụ Phan đã nhận ra điều này, và chắc cụ cũng muốn nhắn gửi những người ít hiểu biết, rằng không ai có thể xúi giục người Công giáo, và họ không tiếp tay với bất cứ ai làm hại công ích, làm hại xã hội. Những lời kết án người Công giáo tiếp tay với thế lực này thế lực nọ có thể do ác ý mà cũng có thể do sự dốt nát về lịch sử mà ra.

Điều thứ tư mà cụ Phan nhận xét, chính là việc phượng thờ Thiên Chúa. Người tin Chúa thì thờ Ngài tuyệt đối, hoàn toàn, không chia sẻ và do đó, không thể lung lạc. Xét về mặt xã hội, cụ Phan nhận ra rằng tôn giáo độc thần làm cho xã hội tiết kiệm được nhiều. Nhà cầm quyền ở một số nước khác cũng không yêu mến Công giáo, nhưng vì tài lãnh đạo, họ nhận ra tôn giáo này đóng góp nhiều cho đất nước và họ tôn trọng tuyệt đối. Ít ra xét ở mặt này, họ là những nhà lãnh đạo thức thời. Bởi vì người Công Giáo tin Chúa tuyệt đối, cho nên họ không thể làm ngơ khi Thánh Giá, biểu tượng Tình Yêu Chúa bị phá bỏ, bị giật mìn, bị đập nát và bị quăng bỏ một cách ngạo mạn và phạm thượng.

Dĩ nhiên là những con người sống giữa thế gian với quá nhiều những cám dỗ từ đủ loại quỉ, người Công giáo cũng có lỗi lầm. Nhưng như một nhà văn Pháp đã nói, những hạt bụi không che hết ánh sáng mặt trời. Lỗi lầm thì ai cũng mắc phải, nhưng ánh vinh quang của Thánh Giá thì rực rỡ không có lỗi lầm nào hay quyền lực nào che khuất được.

Những nỗ lực triệt phá Thánh Giá, và gần đây là những lời ngang ngược chỉ trích Giáo Hội trên các báo chí là các trang mạng Internet, thậm chí người viết ký bằng những chức danh mỹ miều, dường như cụ Phan đã đoán biết trước từ lâu. Thế nên trong “Việt Nam Quốc sử khảo”, cụ viết: “Giận con rận mà đốt cả áo, vì có đá mà vất cả viên ngọc, thì thật không thông việc đời quá lắm vậy!”. Tế nhị, cụ Phan dùng nhóm từ “không thông việc đời”, còn giới bình dân chất phác sẽ dùng từ ngữ nặng nề hơn cho những ai cố tình chống đối Chúa của muôn loài.

“Việt nam Quốc sử khảo” còn đưa ra nhiều nhận xét về cái sai trái của xã hội Việt nam thời ấy. Nhà biên khảo Vương Trí Nhàn nhận xét về tác phẩm này: “Qua việc vạch ra thói hư tật xấu của người mình, Phan Bội Châu cho thấy một quan niệm mới về cộng đồng về dân tộc”. Chẳng lẽ bảy mươi năm sau ngày chí sĩ Sào Nam Phan Bội Châu ra đi, cái mới ấy vẫn chưa được áp dụng sao?