BỮA ĐIỂM TÂM ĐANG CHỜ SẴN: Thánh lễ Tạ ơn mừng Đức Cha Vinh Sơn tại Mằng Lăng

(Theo Lời Chúa Chúa Nhật III Phục Sinh năm C)

Giảng Lời Chúa:

Trong cái phút giây thiêng liêng trang trọng nầy, có lẻ mọi ngôn ngữ của trần tục phải im tiếng đi để nghe Chúa Thánh Thần dạy bảo, giống như cái cảm nhận sâu lắng ngày nào của chàng thi sĩ Công giáo tài danh Hàn mặc Tử trong tác phẩm Đà Lạt Trăng mờ:

Ai hãy lặng thinh chớ nói nhiều

Để nghe dưới đáy nước hồ reo

Để nghe tơ liễu run trong gió

Và để nghe trời cắt nghĩa yêu…

Phải chăng, trong chính giây phút nầy, cộng đoàn chúng ta cũng đang được “Trời giải nghĩa yêu” qua chính các trích đoạn Lời Chúa vừa đươc công bố.

Thế nhưng Lời Chúa đã nói gì với chúng ta đây ?

Bài đọc 1, sách Công Vụ Tông đồ vừa cho thấy: một Hội Thánh luôn can đảm “vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm” để tiếp tục “xin làm chứng, cùng với Thánh Thần” về một con người mang tên “Giêsu, Đấng đã bị giết chết trên thập giá nhưng đã được Thiên Chúa phục sinh”.

Đoạn Kinh Thánh nầy sao mà diễn tả quá sít sao chính cái sứ mệnh, sự thách đố và căn tính của Hội Thánh: Hội Thánh muôn nơi và muôn thuở luôn mang lấy thân phận của bách hại, bị cấm đoán, bị đặt ngoài vòng pháp luật: “Chúng tôi nghiêm cấm các ông không được giảng dạy về danh ấy nữa, thế mà các ông đã làm cho Giêrusalem ngập tràn giáo lý của các ông…”; nhưng đó cũng chính là Hội Thánh luôn can đảm “nói có” với Thiên Chúa và “nối không” với trần tục, cho dù người đại diện của trần tục đó có là một quốc vương Hêrôđê tàn ác và bạo ngược, có là một hoàng đế Nêrô hùng mạnh và gian hùng, hay một tên bạo chúa nào đó sẵn sàng thỏa mãn những mộng ước điên khùng bằng máu xương của những người vô tội…Đó là chưa kể những tên bạo chúa nhan nhản giữa đời thường hôm nay: tiền bạc, sắc đẹp, sự giàu sang, hưởng thụ… Nếu có lần nào chúng ta đã khiếp nhược chào thua trước những thứ quyền lực trần tục đó, thì hôm nay hãy can đảm đứng lên theo gương các thánh Tông Đồ: “vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm” để tiếp tục “xin làm chứng, cùng với Thánh Thần”.

Và Lời Chúa lại nói gì với chúng ta nữa đây ?

Trích đoạn sách Khải huyền của Thánh Gioan lại là một bài vinh tụng ca Đấng Cứu Thế qua hình ảnh Con Chiên: “Con Chiên đã bị giết nay xứng đáng lãnh nhận phú quý và uy quyền, khôn ngoan cùng sức mạnh, danh dự với vinh quang, và muôn lời cung chúc”

Lại là một chân lý cốt yếu của niềm tin Kitô: Đức Kitô, Đấng Cứu thế, phải đi qua con đường khổ nạn của thập giá mới đến cõi vinh quang phục sinh. Chân lý nầy nào có phải là một ý niệm thần học trên mây trên gió, nhưng chính là sự cắt nghĩa và định hướng cho mọi cuộc đời, mọi ơn gọi, mọi giá trị của cuộc sống.

Thật vậy, chân lý nầy đang hiện thực rõ nét qua người anh em của chúng ta đây: Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản, oai nghi trong chức vụ cao cả của bậc Tông Đồ. Thế nhưng anh chị em, nhất là thế hệ giáo dân Mằng lăng trung niên trở lên, ai còn lạ gì ông thầy Bản, thầy Hiền thầy Đệ…Mà tiến trình theo đuổi ơn gọi là những tháng ngày vất vả, những gánh lúa nặng trên vai, những vết chân rướm máu vì đỉa cắn, những bữa cơm bằng cháo trắng với rau ngỗ nhỗ ngoài sông, những bước chân lặng lẽ giữa khuya đi bộ từ Đồng Cháy về Mằng lăng hay lội ruộng bắt ếch bên Hội Phú... Để đến được với ngai tòa Giám Mục hôm nay, phải chăng Đức Cha Vinh Sơn đã phải hụt hơi đẩy chiếc cộ lúa trải qua con đường lầy lội trơn trợt từ Đồng Cháy về Mằng Lăng, đã phải mệt rã người trên chiếc xe đạp cũ kỷ đạp từ Kỳ Lộ về đến Tuy Hòa rồi lại từ Tuy Hòa trở lên Kỳ lộ cũng bằng chiếc xe đạp ọp ẹp đó….34 năm về trước, ở nơi đây, trên chính quê hương nầy, Đức Cha Vinh Sơn đã đi qua bao nhiêu cuộc hành trình gian lao vất vả như thế…

Thiết nghĩ, không có những chặng đường vất vả nhọc mệt đó chắc sẽ không có con đường lên ngai tòa giám mục Banmêthuột hôm nay. (Thưa Đức Cha, con nói như thế có đúng không Đức Cha ?...Nếu đúng cộng đoàn chúng ta cho một tràng pháo tay…).

Và Lời Chúa hôm nay lại nói gì nữa đây ?

Bài Tin mừng Gioan thuật lại cuộc gặp gỡ giữa Chúa Kitô Phục sinh và các môn sinh trên bờ biển hồ Tibêriat với “bữa điểm tâm đơn giản nhưng ấm áp tình thân của hiện diên và gặp gỡ” (TM). Đó chính là niềm tin muôn nơi và muôn thuở của chúng ta, của mỗi người Kitô hữu, là ý nghĩa đích thực của cuộc họp mừng phục sinh, là nội dung cốt yếu của Tin Mừng phải được sẻ chia và làm chứng.

Làm chứng rằng: cho dù “suốt đêm không bắt được con cá nào, mõi mệt, bụng đói meo… thì vẫn không hề thất vọng vì tin rằng: “Vừa tảng sáng Chúa đã đứng trên bãi biển”.

Vâng, Chúa đã đứng đó từ lâu, Chúa đã thấy rõ bao nhiêu giọt mồ hôi và nước mắt, bao nhiêu lắng lo mệt nhọc của những người môn sinh nghèo hèn bé nhỏ, của những học trò vụng dại ngu ngơ. Chúa đã đứng đó, đã chứng kiến bao vất vả nhọc nhằn, bao xót xa day dứt, bao tăm tối khổ sầu…của bao thân phận con người, bao gia đình nhân thế. Và thấy rồi, không phải Chúa cứ ngoãnh mặt quay đi và bỏ lại chúng ta bên bờ tuyệt vọng, như bao vị hiền nhân, như bao nhà chính khách, như bao lãnh tụ xưa nay. Không, Chúa đã đến, Chúa đã hiện diện, đã dọn sẵn cho chúng ta, cho nhân loại, “bữa điểm tâm tuyệt vời, đúng lúc và đầy thân thương tế nhị”. Những tấm bánh thơm, những con cá nhỏ trên ngọn lửa hồng bên bờ hồ Tibêriát, hay Bánh Thánh Thể hôm nay, các Nhiệm tích hôm nay ở giữa con thuyền Giáo Hội nào có khác chi đâu ! Bởi vì, tất cả đều đong đầy một ý nghĩa nhiệm mầu duy nhất: Sự hiện diện của Đấng Phục Sinh. Vâng, chính sự hiện diện của Chúa đã đem lại nguồn hy vọng, niềm vui, lẽ sống, sự bình an, như cách diễn tả của thánh vịnh 29 mà cộng đoàn chúng ta vừa hát lên trong phần đáp vịnh ca: “Khúc ai ca, Chúa đổi thành vũ điệu. Lạy chúa là Thiên Chúa con thờ, xin tạ ơn Ngài mãi mãi ngàn thu” (ĐC).

Và như thế, thế giới không còn phải lo “Chúa có đến không ?”, con người khỏi phải ưu tư lo lắng “Chúa có trở về không ? Có ở đó không ?”. Điều còn lại làm sao chúng ta có được “đôi mắt sáng” của Thánh Gioan để mau mắn nhận ra “Chúa đó”, có thái độ nhiệt thành, cương quyết nhưng cũng đầy kính trọng thân thương của Phêrô “vội khoác áo vào vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển…” bơi thẳng về phía Đấng Phục Sinh…

Phải chăng ngày hôm nay ở giữa biển đời cuộc sống, hay ở giữa con thuyền Giáo Hội, hai tiếng “Chúa Đó“ cũng đang vọng về, vang lên qua Phụng Vụ, qua các Bí tích, qua những cuộc họp mừng của cộng đoàn Giáo Hội, qua những anh chị em bé nhỏ khó nghèo, qua những lời réo gọi của yêu cầu chứng nhân và truyền giáo nơi những vùng sâu vùng xa hay nơi những môi trường đang quay mặt với Thiên Chúa và những giá trị của Phúc Âm để quay cuồng trong cơn lốc của nền “văn hưởng thụ, văn minh sự chết…”

Và hôm nay, trong thánh lễ tạ ơn nầy của Đức Cha Vinh Sơn, phải chăng một lần nữa Chúa nhắc bảo chúng ta: “Chúa đó”. Bởi chưng, cuộc đời và ơn gọi của Đức Cha chính là là một chứng từ rõ nét cho chân lý giản đơn nầy: “Chúa đó”. Chính vì Đức Cha đã kịp nhận ra sự hiện diện ắp đầy của Chúa để thỏ thẻ bằng lời đáp thấn thương: “Lạy Thầy, Thầy biết hết mọi sự, Thầy biết con yêu mến Thầy” cho nên, hôm nay, Chúa đã nói với Đức Cha: “Con hãy chăn đàn chiên cho Thầy”.

Chúng ta hãy cầu nguyện cho Đức Cha mãi mãi “bước theo Thần Khí” để chu toàn sứ vụ Giám Mục; và nếu có thời gian nào “buông câu bũa lưới” mà suốt đêm không được con cá nào thì hãy vững niềm tin: trên bờ kia đang có bữa điểm tâm của Đấng phục sinh đang chờ sẵn