Co-Operating Grace
Đồng tác sủng, ơn đồng tác. Là ơn hiện sủng đi kèm và hỗ trợ các hành động siêu nhiên tự do của chúng ta. Còn được gọi là ơn kết quả, ơn hỗ trợ và ơn đi kèm, ơn này được xem là có liên quan với sự tự do con người trong việc tự do thực thi ý Chúa.
Co-Operation In Evil
Hợp tác với ma quỷ, đồng lõa phạm tội. Là sự hợp tác với người khác trong một hành động tội lỗi. Sự hợp tác này có thể diễn ra nhiều cách thức: hành động với người khác trong cùng một tội, khi một người tham gia với người khác trong một vụ trộm; cung cấp dụng cụ cho người khác để thực hiện hành động tội lỗi, chẳng hạn cung cấp súng hoặc vũ khí giết người; và ra lệnh hoặc đề nghị người khác phạm tội, bằng cách khuyến khích hoặc gợi ý các phương tiện phạm tội cho người khác.
Co-Ordinator
Điều hợp viên, điều phối viên, người phối hợp, người điều hành. Từ ngữ này thay thế từ ngữ “bề trên” trong một số tu hội, vì ở các tu hội này khái niệm quyền bính thực sự dựa vào sự tuân phục của các tu sĩ đã được thay thế bằng một hình thức điều hành dân chủ hơn.
Copacabana, Our Lady Of
Đền thánh Đức Mẹ Copacabana. Là đền thánh chính kính dâng Đức Mẹ của nước Bolivia, tọa lạc gần biên giới với Peru. Đền thánh này, xuất hiện từ năm 1592, nằm trong vùng núi gần Hồ Titicaca. Vị trí này trước đây là một đền thờ của người Inca thờ Thần Mặt Trời. Câu chuyện về Đức Mẹ Maria và Chúa Giêsu xảy ra năm 1576, khi Đức Mẹ hiện ra với một số ngư dân Inca và dẫn họ đến nơi an tòan trong cơn bão lớn ở biển hồ gần đó. Để tạ ơn Mẹ, họ xây dựng một đền thờ nhỏ năm 1583 trong đó có tượng Đức Mẹ bằng thạch cao và gỗ, cao 1,2m, do một người dòng dõi quý phái Inca thực hiện. Trong các ngày lễ lớn, tượng được khóac nhiều chiếc áo sặc sỡ lấp lánh với một ngàn viên đá quý. Các lễ hành hương vào giữa tháng Tám thường kéo dài 10 ngày, có khi lâu hơn nữa. Tại các lễ này, nhiều nhóm người thực hiện các điệu vũ Inca với tiếng trống, sáo lớn, sáo nhỏ, diễn lại các sự kiện trong lịch sử của họ. Các cuộc rước kiệu mỗi ngày đi dọc theo các con đường ven hồ, cung nghinh bản sao bức tượng Nữ Vương Thiên đàng của người Bolivia, vốn trước đây từng chúc lành cho các con tàu ra khơi. Tượng chính gốc không hề rời khỏi vương cung thánh đường, bởi vì có một truyền thuyết dân gian cho rằng “Đức Mẹ không muốn đi ra khỏi nhà thờ”, và nếu “người ta làm ngược lại, sẽ có bão tố dữ dội xảy ra."
Cope
Áo chòang. Là tấm áo chòang dài được các linh mục và giám mục mang trong một số nghi lễ tôn giáo. Hở đàng trước như một áo chòang rộng không tay, áo dài chấm đất và có móc cài ở ngực. Áo này thường được mang trong các cuộc rước kiệu, chầu Mình Thánh Chúa, và các nghi lễ trọng khác, trừ Thánh lễ. (Từ nguyên Latinh cappa, áo chòang.)
Coptic Rite
Nghi lễ Cốp, phụng vụ Cốp. Là ba hình thức của sách nghi thức Thánh lễ, một của thánh Cyril, một của thánh Gregory Nazianzus, và một của thánh Basil, được nhiều giáo đòan Cốp hiệp nhất với Tòa Thánh sử dụng. Kinh Tiến hiến, hoặc Lễ quy, của thánh Cyril, còn được gọi là của thánh Marcô, có nhiều phần chung giống ở các sách nghi thức kia, là bản sao của sách nghi thức của thánh Marcô bằng tiếng Hi Lạp. Khi được dịch sang tiếng Cốp, một số hình thức Hi Lạp đã được giữ lại, nhưng được viết bằng mẫu tự Cốp. Sách nghi thức thánh Basil được dùng trong các lễ chủ nhật, lễ ngày thường và lễ cầu hồn. Sách nghi thức thánh Gregory được dùng trong một số ngày lễ trọng, trong khi sách nghi thức thánh Cyril được dùng trong mùa Chay và Vọng lễ Giáng sinh.
Coram Populo
Coram populo, trước mặt thiên hạ, công khai. Là cụm từ trong luật Giáo hội để mô tả một hành vi được thực hiện cách công khai và do đó được rất nhiều người biết đến.
Corban
Của lễ dâng Chúa. Là một của lễ hoặc một hy tế dâng lên Chúa, dù có vấy máu hay không (Mc 7:11). (Từ nguyên Do Thái qorb_n, của lễ. Chữ Árập qurb_n, hy tế.)
Co-Redemptrix
Đức Mẹ Hiệp Công Cứu Chuộc, Đức Mẹ Đồng Công. Một tước hiệu dành cho Đức Mẹ, như là Đấng hiệp công với Chúa Kitô trong việc cứu chuộc lòai người. Nó được xem là một khía cạnh của việc Đức Maria là trung gian không chỉ bằng cách trở nên Mẹ Chúa Giêsu, mà còn bằng cách đồng ý tự do trong các khổ nhọc, đau khổ và cái chết của Chúa Kitô vì sự cứu chuộc lòai người. Là Đấng Đồng công Cứu chuộc, Đức Mẹ không bình đẳng với Chúa Kitô trong họat động cứu chuộc của Chúa, bởi vì Mẹ cũng cần có sự cứu chuộc và trong thực tế Mẹ đã được Con Mẹ cứu chuộc rồi. Chỉ có Chúa Kitô mới cứu chuộc loài người được. Nhưng Đức Maria đã can thiệp một cách có hiệu quả, để công nghiệp Chúa Kitô sẽ được ban một cách chủ quan cho những ai mà Chúa Cứu thế đã cứu chuộc một cách khách quan.
Corinthians, Letters To The
Hai thư gửi tín hữu Côrintô, 1 Cr và 2 Cr. Đây là hai lá thư của thánh Phaolô gửi từ Êphêsô cho các người trở lại đạo ở Côrintô. Thư thứ nhất (1 Cr) nói tới một số vấn đề mà thánh Phaolô đang tìm cách giải quyết. Do đó, ngài nói đến nhu cầu hiệp nhất (1:10-4:21), các tội trái với sự khiết tịnh (5:1-6:20), hôn nhân và thờ ngẫu tượng (7:1-11:1), thờ phượng và đặc sủng (11:2-14:40), bài ca đức mến (13), kẻ chết sống lại (15:1-58). Trong thư thứ hai (2 Cr), thánh Phaolô đối đầu với các kẻ thù tại Côrintô. Ngài bênh vực việc tông đồ của ngài, nhắc lại các thành quả mà Chúa đã làm qua ngài mặc dầu ngài yếu đuối và thiếu khả năng, xin tiền tài trợ cho Kitô hữu ở Jerusalem, và một lần nữa bênh vực ơn gọi làm Tông đồ của ngài, và các ơn phi thường Chúa đã ban cho ngài. Có thể là thánh Phaolô đã viết bốn thư gửi tín hữu ở Côrintô, nhưng chỉ có hai thư còn lưu lại.
Cornelius
Cornelius, Đại đội trưởng Co-nê-li-ô. Là đại đội trưởng cơ đội I-ta-li-a đồn trú ở Xê-da-rê; ông có mối quan hệ tốt đẹp với cộng đòan Do Thái, nhưng ông bị xem là người ngọai. Ông được một thiên thần đến thăm, thiên thần bảo ông sai người đi Gia-phô và mời thánh Phêrô tới thăm ông. Phái đòan ba người được thánh Phêrô đón tiếp, bởi vì thánh nhân cũng được thiên thần cho biết là Co-nê-li-ô cho người đến tìm ngài. Thánh nhân lên đường và khi đến nơi, thánh nhân được đón tiếp trọng thị bởi đại đội trưởng, người nhà và bạn bè ông. Thánh Phêrô giải thích rằng việc giao du hay vào nhà một người khác chủng tộc là điều cấm kỵ đối với người Do Thái, nhưng Chúa đã cho ngài thấy là không được gọi ai là ô uế hay không thanh sạch (Cv 10). Thánh Phêrô nói: “Quả thật, tôi biết rõ Thiên Chúa không thiên vị người nào. Nhưng hễ ai kính sợ Thiên Chúa và ăn ngay ở lành, thì dù thuộc bất cứ dân tộc nào, cũng đều được Người tiếp nhận” (Cv 10:34-35). Đây không chỉ là một sứ điệp chào đón ông Co-nê-li-ô và bạn bè ông, nhưng còn là một mặc khải cho tín hữu Do Thái, nhất là khi lời giải thích của Phêrô có đỉnh cao là Chúa Thánh Thần ngự xuống trên mọi người đang lắng nghe. Rồi ngài truyền làm phép Rửa cho họ nhân danh Đức Giêsu Kitô (Cv 10:48). Sau đó, khi ngài trở về Jerusalem, một số người Do Thái chỉ trích hành động của ngài vì đã ăn uống với người chưa cắt bì và làm phép rửa cho họ. Ngài giải thích là Chúa đã chỉ thị cho ngài hãy loan truyền đức tin cho người Do Thái và cả cho người ngòai Do Thái nữa. Nghe vậy, nhưng người chỉ trích ngài mới chịu im. Họ nói: “Vậy ra Thiên Chúa cũng ban cho các dân ngoại ơn sám hối để được sự sống!" (Cv 11:18).
Cornerstone
Đá tảng góc tường. Là hòn đá trong một góc của móng nhà. Được viết tên và ngày tháng, chỗ lõm trên hòn đá ghi ngày tháng và hoàn cảnh xây dựng ngôi nhà. Đá tảng góc tường của một tòa nhà Giáo hội tượng trưng Chúa Kitô là Nền tảng của Giáo hội, và được làm phép khi nó được đặt lên móng nhà.
Cornette
Mũ nữ tu. Một mũ trùm đầu trắng vừa rộng vừa lớn. Xưa kia tại Pháp các tu sĩ nam nữ đều đội mũ này, nhưng gần đây chỉ còn nữ tu của Tu hội Nữ tử Bác ái thánh Vinh Sơn Phaolô đội mà thôi. (Từ nguyên Pháp cornette, vật trùm đầu.)
Corona
Tràng Mân Côi. Là chuỗi Năm mươi, hoặc bất cứ á bí tích tương tự nào dùng để giúp đếm đọc một số kinh liên tiếp. (Từ nguyên Latinh corona, hào quang.)
Coronation, Papal
Lễ đăng quang của Đức Giáo hoàng, lễ gia miện. Là một hành động phụng vụ, qua đó Giáo hòang tân cử được Hồng y phó tế niên trưởng long trọng đội mũ ba tầng lên đầu Ngài. Triều giáo hòang của Ngài được chính thức bắt đầu kể từ ngày này, mặc dầu Ngài có quyền tài phán kể từ khi Ngài chấp nhận việc các Hồng y bầu chọn Ngài. Đức Giáo hòang Gioan Phaolô I thay đổi tập tục lễ đăng quang với mũ ba tầng, khi nhận sứ vụ vào ngày 3-9-1978, Ngài chính thức đăng quang Giáo hòang với dây pallium, thay vì mũ ba tầng, trong thánh lễ ngài đồng tế cùng với các thành viên của Hồng y đòan. Tính cách giản dị của buổi lễ tượng trưng cho sự bén nhạy của Giáo hòang với các nhu cầu mục vụ của Giáo hội và thế giới. Đức Giáo hòang Gioan Phaolô II tuân theo tập tục này, khi ngài đăng quang Giáo hòang một tháng sau, vào ngày 22-10-1978. Nhắc đến lễ đăng quang với mũ ba tầng, Ngài nói trong dịp này: “Đây không phải là lúc trở lại với một buổi lễ và một vật được xem –có lẽ là sai lầm- là một biểu tượng của quyền bính phần đời của các Giáo hòang. Thời đại này kêu mời chúng ta, thúc bách chúng ta, đòi buộc chúng ta hãy trông nhìn lên Chúa, và đắm mình sâu vào sự chiêm niệm khiêm hạ và sốt sắng về mầu nhiệm quyền uy tối thượng của chính Chúa Kitô."
Coronation, Royal
Lễ tôn vương, lễ phong vương. Là nghi lễ qua đó một quốc vương được Đức Giáo hòang hay một chức sắc Giáo hội tôn vương cho. Các lễ tôn vương đầu tiên ở phương Tây ghi lại rằng các Vua Visigothic được Giám mục giáo phận Toledo ở Tây Ban Nha tôn phong. Nghi thức xức dầu phong vương được thực hiện ở phương Đông vào khỏang thế kỷ 12. Trong các chế độ Tin Lành, nơi Giáo hội và Nhà nước kết hợp chặt chẽ, lễ tôn vương giữ các nghi thức của thời Tiền Cải Cách, và tại Anh, vua còn có lời thề đặc biệt là bảo vệ đạo Tin Lành.
Corporal
Khăn thánh. Là một khăn trắng vuông, trên đó Bánh thánh và Chén thánh được đặt lên trong thánh lễ. Khi không sử dụng, khăn thánh được xếp và bỏ trong một bao túi nhỏ. Khăn thánh còn dùng đặt dưới hào quang khi chầu Mình Thánh Chúa, và dưới Mình Thánh Chúa vào bất cứ lúc nào. (Từ nguyên Latinh corporalis, của thân thể; từ chữ corpus, thân thể.)
Corporal Works Of Mercy
Thương xác bảy mối. Là bảy việc làm bác ái, dựa vào lời tiên báo của Chúa Kitô về Ngày phán xét chung (Mt 5:3-10), vốn sẽ quyết định số phận sau cùng của mỗi người. Thương xác bảy mối gồm có: 1. cho kẻ đói ăn; 2. cho kẻ khát uống; 3. cho kẻ rách rưới ăn mặc; 4. cho khách đỗ nhà; 5. viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc; 6. chuộc kẻ làm tôi; và 7. chôn xác kẻ chết.
Corpse
Xác chết, tử thi. Từ những ngày đầu của Kitô giáo, Giáo hội đã nhấn mạnh đến việc tôn trọng xác chết, bởi vì đó đã là đền thờ của Chúa Thánh Thần (I Cr 6:19), và sẽ được sống lại vinh hiển trong ngày tận thế (I Cr 15:39-44).
Corpus Christi
Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô. Lễ này được Giám mục Robert de Thorote của Giáo phận Liège thiết lập năm 1246, theo gợi ý của thánh Juliana of Mont Cornillon (1192-1258). Đức Giáo hòang Urban IV mở rộng lễ này cho Giáo hội hoàn vũ vào năm 1264. Phụng vụ ngày lễ được thánh Tôma Aquinas sọan thảo, và các Giáo hòang Martin V và Eugene IV cho phép tập tục rước kiệu trong ngày lễ này. Hiện nay lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô được cử hành trọng thể vào ngày thứ Năm đầu tiên (hoặc ngày chủ nhật đầu tiên) sau lễ Chúa Ba Ngôi.
Corpus Domini
Corpus Domini, “Mình Thánh Chúa Kitô”. Lời này nhắc đến Chúa Kitô hiện diện thật sự trong phép Thánh Thể.
Corpus Juris Canonici
Corpus Juris Canonici, Bộ Giáo luật. Là bộ giáo luật, dù là đã được hệ thống hóa, như Codex Juris Canonici, hay chỉ là luật Giáo hội hiện hành trong Giáo hội Công giáo ở bất cứ thời điểm nào.
Correct Conscience
Lương tâm ngay thẳng. Là sự phán đóan của tâm trí, khi nó kết luận đúng từ các nguyên tắc xác thực, vốn cho rằng một hành vi nào đó là hợp pháp hay có tội. Còn gọi là lương tâm chân thật.
Correction
Khiển trách, sửa sai, cảnh cáo. Là giới luật bác ái, được Chúa Kitô ra lệnh (Mt 18:15), để khiển trách một người đang làm điều sai hoặc có nguy cơ làm điều sai. Cần xác định rõ hai điều kiện trước khi có nghĩa vụ khiển trách người khác: 1. mợt người phải đoan chắc về nhu cầu thiêng liêng quan trọng của người kia, vốn có thể đáp ứng được sự sửa sai như thế, và 2. lời khuyên có thể đưa ra mà không gây thiệt hại trầm trọng cho người sửa sai. Sự khiển trách huynh đệ luôn được hướng dẫn bởi lòng nhân từ, sự quan phòng và sự khiêm hạ. Hơn nữa, Chúa Kitô ra lệnh rằng trước tiên phải sửa sai một cách kín đáo đã. Sự sửa sai có thể thực hiện cách công khai lúc ban đầu nếu: 1. tội lỗi là công khai, 2. tội lỗi gây ra các nguy hại khác trừ phi người phạm tội bị tố giác công khai, hoặc 3. người phạm tội từ chối quyền được sửa sai một cách riêng tư và kín đáo. (Từ nguyên Latinh cor-, cùng với + regere, cai trị: corrigere, làm đúng.)
Cosmic Evolution
Tiến hóa vũ trụ. Một thuyết về nguồn gốc và bản chất thế giới, vốn cho rằng dưới quyền của Chúa tòan thể vũ trụ hữu hình, kể cả loài người, là đã và đang trong tiến trình tiến hóa; nó đang tiến tới một sự hòan thiện bởi một thuyết tất định nội tại, vốn không thể tránh được. Điều mọi người có thể làm là giúp đỡ hoặc gia tốc sự tiến hóa, mà không chống cự hoặc kiểm tra sự phát triển cần thiết của nó.
Cosmogony
Thuyết nguồn gốc vũ trụ, sáng thế luận, vũ trụ khai nguyên luận. Một thuyết về nguồn gốc của vũ trụ, được dựa hoặc trên suy tư khoa học hoặc niềm tin tôn giáo. Đạo Công giáo không ủng hộ bất cứ thuyết khoa học nào về nguồn gốc thế giới. Điều đạo Công giáo quan tâm là dạy dựa trên đức tin rằng Chúa đã sáng tạo thế giới trong thời gian, qua việc thực hiện tính toàn năng của Ngài, và bằng một hành động tối thượng của ý Chúa. (Từ nguyên Hi Lạp kosmos, thế giới + gonos, con đẻ.)
Cosmology
Vũ trụ học. Là môn học về vũ trụ như một sự sáng tạo có trật tự, và môn học về các nguyên nhân họat động trong thế giới của thời gian và không gian. Môn học này cho rằng thế giới được dựng nên theo một kế họach vô cùng khôn ngoan và được hướng dẫn bởi một Trí tuệ vô cùng. (Từ nguyên Hi Lạp kosmos, thế giới + logia, kiến thức, khoa học.)
Cosmos
Cosmos, Vũ trụ. Nghĩa đen là “có trật tự” hoặc “thích đáng." Do đó là sự cư xử tốt, điều hành tốt, cai trị tốt. Thường áp dụng cho vũ trụ do được sắp xếp có trật tự thật tốt. "Cosmos" là từ ngữ Kinh thánh Hi Lạp thông thường để chỉ thế giới được Chúa sáng tạo và điều khiển. (Từ nguyên Hi Lạp kosmos, thế giới.)
Coterie
Nhóm, phái. Là một nhóm người tạo ra một tổ chức thân mật, được áp dụng cho các người đi theo một trường phái hay một niềm tin lạc giáo.
Council For The Public Affairs Of The Church
Hội đồng Công vụ Giáo hội. Được Đức Giáo hòang Phaolô VI thành lập trong hình thức hiện nay vào năm 1967, văn phòng Tòa thánh này có trách nhiệm về các quan hệ của Tòa Thánh với các chính phủ. Vì vậy, Hội đồng tiếp xúc với các phái bộ ngọai giao bên cạnh Tòa thánh, và với các đại diện của Tòa Thánh tại các quốc gia. Mặc dầu hội đồng tách rời với Phủ Quốc vụ khanh Tòa thánh, chủ tịch hội đồng lại là Hồng y Quốc vụ khanh.
Council Of Episcopal Conferences Of Europe (C.C.E.E.)
Hội đồng Giám mục châu Âu (C.C.E.E.). Là một hội đồng gồm các Giám mục được bầu từ các Hội đồng Giám mục Quốc gia ở châu Âu. Được Công đồng chung Vatican II (Christus Dominus) cho phép và Đức Giáo hòang Phaolô VI thiết lập qua tự sắc Ecclesiastical Sanctae, hội đồng họp lần dầu năm 1965. Hội đồng không có quyền pháp lý và chủ yếu là một cơ quan phục vụ để phối hợp và trợ giúp về thông tin liên lạc giữa các Hội đồng giám mục ở châu Âu.
Council Of Jerusalem
Công đồng Jerusalem. Là công đồng của các thánh Tông đồ tại Jerusalem để quyết định việc các người trở lại Kitô giáo tuân giữ các lề luật Môsê. Các ngài tuyên bố: “Thánh Thần và chúng tôi đã quyết định không đặt lên vai anh em một gánh nặng nào khác ngoài những điều cần thiết này: là kiêng ăn đồ đã cúng cho ngẫu tượng, kiêng ăn tiết, ăn thịt loài vật không cắt tiết, và tránh gian dâm. Anh em cẩn thận tránh những điều đó là tốt rồi. Chúc anh em an mạnh." (Cv 15:28-29).
Council, Provincial
Công đồng giáo tỉnh. Các giám mục và giám chức của một giáo tỉnh được triệu tập cho một hội nghị tư vấn và thảo luận các vấn đề có lợi cho sự phát triển tôn giáo trong một giáo tỉnh. Các vấn đề về đức tin, luân lý, lạm dụng, tranh tụng và kỷ luật được đưa ra cứu xét trong công đồng này. Sau khi tham khảo ý kiến, giám mục phó quyết định địa điểm hội nghị và chủ trì hội nghị này. Các sắc lệnh của công đồng tỉnh có hiệu lực trên toàn giáo tỉnh. Nếu các hội đồng giám mục quốc gia và hội đồng giám mục miền chưa được thành lập sau Công đồng chung Vatican II, các công đồng giáo tỉnh diễn ra cứ 20 năm một lần.
Councils Of The Church
Công đồng của Giáo hội. Là các cuộc nhóm họp được phép của các giám mục với mục đích thảo luận các vấn đề của Giáo hội, nhằm thông qua các sắc lệnh về vấn đề thảo luận. Trong từ vựng Công giáo Roma, nếu mọi giám mục được mời tham dự và đại diện thật sự cho toàn Giáo hội, công đồng này gọi là công đồng chung, tức là hoàn vũ; nếu chỉ một phần tổng số giám mục được triệu tập, công đồng gọi là công đồng địa phương. Công đồng địa phương được gọi là công đồng giáo tỉnh hoặc công đồng giáo miền, tuỳ theo đó là công đồng của toàn giáo tỉnh, chẳng hạn các giáo phận của bang Ohio, hoặc cả một quốc gia bảo trợ công đồng này. Các công đồng Giáo hội, kể cả công đồng giáo tỉnh, đều hưởng quyền pháp lý trên các vấn đề tôn giáo, khác với quyền lập pháp của mỗi Giám mục. Như thế, các công đồng khác với hội nghị của hội đồng giám mục, vốn không phải là hội nghị lập pháp.
Counsel
Bàn hỏi, khuyên bảo, lời khuyên dạy. Sự bàn hỏi về chọn lựa đúng các phương tiện để đạt mục đích đặc biệt, và lời khuyên đúng được đưa ra. Cũng có nghĩa là một chỉ thị hoặc một hướng dẫn của người có quyền, nhưng hướng dẫn này không buộc phải tuân giữ, so với luật hoặc mệnh lệnh là buộc phải tuân giữ. (Từ nguyên Latinh consilium, bàn định, lời khuyên.)
Counseling
Tư vấn. Là một từ ngữ tổng quát để chỉ một lọat thủ tục để giúp người khác giải quyết các vấn đề riêng tư của người ấy, hoặc điều chỉnh tình hình khó khăn. Trong khái niệm tư vấn Công giáo mặc nhiên có hai yếu tố chính: lời khuyên được đưa ra dựa vào các tiền đề của đức tin, kêu gọi lòng tin của người vào Chúa quan phòng; và sự tư vấn liên kết với việc cầu nguyện như ánh sáng để hướng dẫn tâm trí tìm ra ý Chúa.
Counsels
Chỉ dẫn, lời khuyên. Là các hành động tốt không bị qui định bởi bất cứ luật nào. Các lời khuyên là tốt về luân lý hơn so với các mệnh lệnh tương ứng, chẳng hạn ăn chay là cao quý hơn điều độ. Trong số các lời khuyên, lời khuyên quan trọng nhất là các lời khuyên Phúc Âm về nghèo khó, khiết tịnh và vâng lời. Chúng được gọi là lời khuyên Phúc Âm, bởi vì do Chúa Kitô đã dạy và thực hành trong Tin Mừng. Hơn nữa, chúng được Giáo hội đặc biệt đề nghị như phương thế đạt sự trọn lành Kitô giáo. Một người có thể tự mình hứa thực hành các lời khuyên Phúc Âm, như trong đời tu, và rồi các lời khuyên này trở thành bắt buộc cho người ấy, tùy theo các điều kiện đưa ra lời khấn hoặc lời hứa.
Counterculture
Phản văn hóa. Là các thái độ tinh thần và tập tục, chủ yếu của thế hệ trẻ, vốn thách thức hoặc đi ngược lại với các tiêu chuẩn và giá trị của một xã hội Do thái-Kitô giáo.
Counter Reformation
Cải cách Công giáo, Phản Cải cách, Chống Cải cách. Là thời kỳ canh tân Công giáo từ năm 1522 đến khoảng năm 1648, thường được gọi là Cải cách Công giáo. Đây là một nỗ lực để ngăn chặn làn sóng Tin lành bằng sự cải tổ đích thực trong Giáo hội Công giáo. Có các phong trào chính trị bị các nhà cầm quyền dân sự thúc bách, và các phong trào giáo hội được nhiều giám chức thực hiện trong cố gắng tái lập đời sống công giáo chân chính, bằng cách thành lập nhiều Dòng tu mới, chẳng hạn Dòng Tên, và cải tổ các Dòng cũ theo luật dòng ban đầu, chẳng hạn Dòng Carmêlô thời thánh nữ Teresa Avila (1515-82). Tuy nhiên, các tác nhân chính chịu trách nhiệm Cải cách Công giáo là giáo triều và công đồng chung Trentô (1545-63). Trong số các nhà lãnh đạo Giáo hội, thánh Charles Borromeo (1538-84), Tổng giám mục tổng giáo phận Milan (Ý), đẩy mạnh các cải cách được công đồng quyết định, và thánh Phanxicô de Sales ở Geneva, Thụy Sĩ (1567-1622), dùng hết tài năng của ngài để tái lập giáo lý chân chính và lòng mộ đạo của người công giáo. Trong số các vị lãnh đạo chính quyền hỗ trợ Cải cách Công giáo, có vua Philip II ở Tây Ban Nha (1527-98) và nữ hòang Mary Tudor (1516-58), vợ vua, ở Anh. Rủi thay khía cạnh cải cách này dẫn đến sự căm thù sâu sắc giữa Anh và Scotland, giữa Anh và Tây Ban Nha, giữa Ba Lan và Thụy Điển, và gần hai thế kỷ chiến tranh tôn giáo. Kết quả của Cải cách Công giáo là Giáo hội Công giáo trở nên vững mạnh hơn trong cơ cấu định chế, chăm lo công tác truyền giáo hơn và có ảnh hưởng tốt hơn trong các vấn đề thế giới.
Courage
Nhân đức can đảm. Là nhân đức dũng cảm khi đối diện với các khó khăn, nhất là trong việc thắng vượt sự sợ hãi hậu quả khi làm điều tốt. Là đức can đảm luân lý, nó giúp một người theo đuổi con đường chính đáng, mặc dầu người ấy có thể bị khinh chê, phản đối hoặc sỉ nhục. Là sự can đảm thể lý, nó là sức mạnh cơ thể hoặc tình cảm để đương đầu với sự chống đối. Nó khác với tính cương nghị, vì nó quyết liệt hơn trong sự đương đầu, trong khi tính cương nghị thì nhẫn nại hơn trong thực hiện điều nhân đức nhưng gay go.
Covadonga
Đền thánh Đức Mẹ Covadonga. Là một đền thánh dâng kính “Ðức Nữ Trinh Dàn Trận” tại vùng núi ở Asturias, Tây Ban Nha. Là một địa điểm hành hương quốc gia dâng Ðức Mẹ Maria. Đền thánh tọa lạc tại nơi đã đánh thắng lịch sử người Hồi giáo vào năm 718, khi đoàn quân Hồi giáo bị đánh tan trong một vụ lở đất, trong khi các đạo quân Kitô giáo ẩn nấp trong một hang động mà đã là một nơi lâu đời tôn kính Ðức Mẹ ít ai biết. Thánh tượng được tôn kính tại đó được xem như là một công trình nghệ thuật xuất sắc.
Covenant, Biblical
Giao ước Kinh thánh. Trong Cựu Ước, là một thỏa thuận giữa Chúa và dân Do Thái, trong đó Chúa hứa bảo vệ Dân được chọn, và dân phải trung thành tuyệt đối với Chúa. “Nếu các ngươi thực sự nghe tiếng Ta và giữ giao ước của Ta, thì giữa hết mọi dân, các ngươi sẽ là sở hữu riêng của Ta. Vì toàn cõi đất đều là của Ta" (Xh 19:5). Ông Mô-sê về triệu tập các kỳ mục trong dân, trình bày cho họ biết tất cả những lời Đức Chúa đã truyền cho ông. Toàn dân nhất trí đáp lại: "Mọi điều Đức Chúa phán bảo, chúng tôi xin làm theo.” Giao ước được đóng ấn (Xh 19:8). Nhiều năm sau, ngôn sứ Giê-rê-mi-a cho biết sẽ có một giao ước mới. “Sấm ngôn của Đức Chúa. Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng Lề Luật của Ta" (Gr 31:31-34). Ngôn sứ Ê-dê-ki-en báo trước rằng Chúa sẽ lập với dân một giao ước bình an; đó sẽ “là giao ước vĩnh cửu đối với dân" (Ed 37:26). Tính cách phổ quát của giao ước được ngôn sứ I-sa-i-a báo trước, khi Chúa Giavê mặc khải cho ông điều này, “để ngươi đem ơn cứu độ của Ta đến tận cùng cõi đất" (Is 49:6). Trong Tân Ước, khi thánh Phaolô giải thích cho tín hữu Côrintô biết việc thiết lập Bí tích Thánh Thể tại Bữa Tiệc ly, ngài lặp lại lời của Chúa Kitô: “Đây là chén Máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giao Ước Mới; mỗi khi uống, anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy" (I Cr 11:25). Ý tưởng chủ đạo này của Tân Ước được củng cố trong Thư gửi tín hữu Do Thái: “Do đó, Đức Giê-su đã trở nên Đấng bảo đảm cho một giao ước tốt đẹp hơn" (Dt 7:22). Chính Chúa Kitô là là giao ước mới giữa Chúa và dân Ngài. (Từ nguyên Latinh convenire, đồng ý, tập hợp.)
Co-Veneration
Song bộ sùng bái thuyết. Là thuyết của Nestor cho rằng con người Giêsu cũng được tôn thờ cùng với Ngôi Lời. Công đồng Ephesus (431) lên án thuyết này, và tuyên bố rằng Ngôi Lời Nhập thể, là một ngôi vị, phải được tôn thờ trong sự thờ kính duy nhất. (Denzinger, 259).
Covetousness
Tham muốn, thèm thuồng, tham lam. Là ước muốn mạnh mẽ về sở hữu, nhất là sở hữu của cải vật chất. Nó hàm ý rằng sự tham lam này là quá chừng, với sự ám chỉ đến việc Mười điều răn cấm rằng chớ tham lam của cải thuộc về người khác. Từ ngữ này thường đồng nghĩa với tính tham lam (avarice), mặc dầu qui chiếu nhiều hơn đến sự sai trái trong thèm muốn của cải người khác, và kém (như trong tính tham lam) hăm hở hoặc kém cường độ hơn.
Cowl
Mũ trùm đầu. Là chiếc mũ trùm đầu của các tu sĩ dòng đan tu. Vào thời Trung Cổ, cái mũ này có một cái mui gắn vào và có thể kéo ra trùm cả đầu, và cái mũ trở thành chiếc mũ trùm đầu lớn với cái mui. Mũ trùm đầu của tu sĩ Dòng Biển Đức và Dòng Xitô là một áo khoác lớn với phần mui có thể kéo xuống phía vai. Tu sĩ Phanxicô có một mui nhỏ hơn gắn vào áo dòng. Các kinh sĩ đội mũ trùm đầu trên áo khoác ngắn, còn các giám mục và hồng y đội mũ trên chiếc áo choàng lớn. Một số mũ trùm đầu, như mũ các tu sĩ Dòng Âu Tinh và Dòng Tôi tớ Đức Mẹ, có mui tách rời. Màu của mũ là cùng màu với áo dòng. (Từ nguyên Latinh cuculla, mũ tu sĩ.)
C.P.E.N.
Consilium pro Publicis Ecclesiae Negotiis – Hội đồng Công vụ Giáo hội
Cr
Credo – Kinh tin kính, Tôi tin.
Craniotomy
Khoan sọ. Việc khoan hộp sọ trẻ chưa sinh và lấy đi tất cả phần chứa trong đó. Giáo hội lên án việc này, xem đó là trực tiếp giết con người vô tội và hành động ấy là không thể biện minh được.
Crass Ignorance
Sự dốt đặc. Cũng còn gọi là sự dốt nát lười biếng. Đó là việc không biết một luật Giáo hội, hoặc một hình phạt của Giáo hội, mà một người không hề có nỗ lực tìm hiểu. Sự dốt đặc này không miễn khỏi các hình phạt được luật áp đặt, trừ phi có cụm từ nói ngược lại được ghi trong luật, chẳng hạn “cố chấp”.
Creation
Sáng tạo, tạo thành, dựng nên. Là việc dựng nên các tạo vật vô hình và hữu hình, do Chúa làm từ hư không. Chúa dựng nên tạo vật từ hư không, bởi vì Chúa không dùng vật chất có trước đó, và vì Chúa không dùng gì nơi bản thể của Ngài để tạo dựng. Như thế việc sáng tạo trong nghĩa đúng (sáng tạo thứ nhất) cần được phân biệt với sáng tạo thứ hai như được mô tả trong sách Sáng thế, vốn được hiểu là tạo dáng cho vật chất không hình thể và ban sự sống và hoạt động cho nó.