THẦY ẨN SĨ TRONG GIẢNG ĐƯỜNG THẦN HỌC ĐẠI HỌC TUYẾT TRẮNG
Đại Học Công Giáo Paris ngày mồng một Tết Kỷ Sửu (2-2-2009) (ảnh LĐT) |
Sáng 2 tháng 2, tôi xuất hành ghé thăm La Catho (Đại Học Công Giáo Paris), chứng kiến La Catho sướt mướt trong mưa tuyết. Trời mưa tuyết đường đi trươn trượt, rất khó đi, xe buýt không dám chạy. Vậy mà có thầy ẩn sĩ người Pháp chân trần xỏ đôi dép có quai, bận chiếc áo mũ chùm (capuchon) màu xám nhạt phong phanh, không có áo choàng ngoài, đạp xe đi học. Tôi tò mò theo chân thầy vào giảng đường B 22. Hôm đó, giáo sư Guillaume Cuchet giảng về Lịch sử Ky tô giáo thời hiện đại (Histoire du christianisme à l’époque contemporaine). Thầy mở túi đeo lưng, lấy máy vi tính để ghi chép bài vở.
Màn hình vi tính hiện ra ảnh đạo có ba đấng lập dòng Xitô là Robert de Molesme, Albéric và Etienne Harding tôn thờ Đức Thánh Mẫu. Thầy trợ sĩ thuộc dòng Xitô, tên là Godefroy thuộc Đan viện Notre-Dame d’Aiguebelle - 26230 Montjoyer. Nhiều người còn nhớ bản đồng dao Sur le pont d’Avignon. Montjoyer là láng giềng của Avignon. Avignon phồn hoa đô hội bao nhiêu thì Monjoyer hẻo lánh và tịch mịch bấy nhiêu. Học cùng
Thầy ẩn sĩ trong giảng đường đại học (ảnh LĐT) |
Dòng Xitô: nguyện cầu trong sa mạc
Khởi nguyên của Kitô giáo, người theo Chúa từ bỏ tất cả sống ẩn dật trong sa mạc Ai Cập và Palestine để cầu nguyện và làm lụng chân tay. Các thầy ẩn sĩ tập họp quanh một giáo phụ (Abba) để nghe giáo huấn. Từ đó phát sinh cuộc sống đan viện. Người Âu châu làm quen với đan tu là nhờ tác phẩm ‘‘Hạnh thánh Antôn’’ do thánh Athanase biên soạn.
Thánh Bênêdictô đi tiên phong trong việc biên soạn luật đan viện. Luật dòng của thánh nhân lấy Tin Mừng làm khuôn vàng thước ngọc: ‘‘Các đan sĩ không coi gì trọng hơn Đức Kitô’’ (chương 72) Luật dòng là sách chỉ nam về giáo thuyết linh đạo, đức khôn ngoan và tâm lý học, đến nay vẫn còn thích hợp dù được biên soạn từ thế kỷ thứ VI.
Theo Luật dòng, cuộc sống của một cộng đoàn ẩn tu (cénobite) dẫn dắt bởi viện phụ, có viện phụ phó, cha giáo tập (père maître) và cha quản lý (cellérier) trợ giúp. Luật dòng định rằng các đan sĩ tập họp trong nhà thờ của đan viện (abbatiale), hát bình ca ngợi khen Chúa và cầu nguyện cho mọi người. Trong giờ kinh nhật tụng, mỗi tu sĩ có ghế ngăn (stalle). Kinh sáng (matines) đọc lúc 3 giờ 30. Tiếp theo, kinh giờ nhất (prime) đọc lúc 6 giờ, cách quãng mỗi ba tiếng là kinh giờ ba (tierce), kinh giờ sáu (sexte), kinh giờ chín (none), kinh chiều (vêpres), sau cùng là kinh tối (complies) đọc lúc 21 giờ. Complies do tiếng la tinh completa (hora) có nghĩa hoàn tất giờ nhật tụng.
Máy vi tính của thầy Godefroy có ảnh đạo ba đấng lập dòng Xitô là Robert de Molesme, Albéric và Etienne Harding dẫn ta về nguồn cội Xitô.
Lược sử Dòng Xitô trên thế giới
Đan viện Xitô (Abbaye de Cîteaux) là tên sậy Cistel |
Năm 1070, linh mục Robert sống ẩn dật trong khu rừng Collan miền Yonne (Pháp). Năm 25 tuổi, ngài là bề trên dòng Biển Đức (Bênêdictô). Ngài được ĐTC Grégoire VII cử phụ trách một cộng đoàn ẩn tu tại Collan. Trong chữ Hán Việt, Đan (單) có nghĩa một thân một mình. Đan diễn tả trung thực từ ngữ monasterium (tiếng Hy Lạp): cộng đoàn các tu sĩ sống tách biệt khỏi thế giới. Cộng đoàn tiên khởi đến Molesme mở một đan viện. Cha Robert trở thành viện phụ tiên khởi, cha Albéric là viện phụ phó.
Mùa đông 1097, đức viện phụ Robert cùng vài tu sĩ đi Lyon xin Đức Giám chức Hugues de Die cho phép thành lập một đan viên mới ở Molesme, nơi trồng giống sậy cistel (cistellum). Tên sậy cistel được dùng làm địa danh Cîteaux, sau này là trở thành tên dòng ẩn tu, xuất phát từ linh địa Xitô: Ordo cisterciensis.
Cha Albéric có công sao chép các thủ bản cần thiết cho đời sống đan tu và linh đạo. Các đan sĩ còn khẩn hoang phá rẫy: ora et labora. Sau khi linh mục Robert qua đời, cha Albéric nối nghiệp viện phụ. Hai cha Etienne Harding và cha Bernard de Fointaine lần lượt tiếp nối. Cha Etienne có công soạn Hiến chương Bác ái - Đồng tâm, bổ sung luật dòng của thánh Bênêdictô. Hàng năm, đại hội đồng các viện phụ họp ở Cîteaux lại xem xét hiến chương để sửa đổi hoặc bổ sung cho hợp với thực tế. Dòng Xitô thành công là nhờ công của các viện phụ đầu tiên: cha Robert mang lại những kinh nghiệm đan tu, cha Albéric có công cải tổ, cha Etienne củng cố tổ chức và soạn thảo các văn kiện lập dòng, cha Bernard phát triển đời sống tu đức.
Ngày 21-3-1998, Thánh đường Cîteaux đón tiếp các đan sĩ và các nữ tu Xitô mừng đại lễ kỷ niệm 900 năm lập dòng. Trong 3 ngày trước lễ, các đan sĩ, nữ tu và giáo dân đã tham dự công nghị dòng (synaxe). Các thành viên chia sẻ đặc sủng Xitô trong tài liệu gửi đến ‘‘tất cả anh chị em trong gia đình Xitô’’, được một vị viện phụ tuyên đọc vào ngày 21-3 ở Cîteaux, ‘‘miền đất thầm lặng, nơi các đan sĩ thực hiện lời khấn hứa’’.
Ngày nay, dòng Xitô gồm 86 tu viện với 1400 đan sĩ, 61 đan viện với 1100 nữ tu. Tại Á châu, Dòng Xitô lập ở Trung Quốc và Nhật Bản vào cuối thế kỷ XIX. Năm 1953, thành lập ở Indonexia (nước có nhiều người theo đạo Hồi nhất thế giới), 1972: Phi Luật Tân (nước châu Á toàn tòng), 1987: Đại Hàn, 1991: Đài Loan và Kérala (Ấn Độ). Trung bình mỗi năm đều thành lập thêm nhà mới. Tại Việt Nam, Dòng Xitô Thánh Gia gồm có hơn 800 đan sĩ và nữ tu ở rải rác trong 11 đan viên.
Dòng Xitô Việt Nam
Linh mục Henri Denis (1880-1933) M.E.P. |
- Năm 1933: Tòa Thánh chấp thuận đơn xin của dòng Xitô Việt Nam.
- 8-9-1936: thành lập đan viện Thánh Mẫu Châu Sơn (珠 山) tại huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Châu (珠) là chuỗi hạt. Có thể chuyển dịch Châu Sơn là Mont du Rosaire. Vì vậy đan viện mang tên Thánh Mẫu. Công nghị Phước Sơn cử cha Alselmô Lê Hữu Từ làm bề trên. Ngày 8-12-1939 (lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội), cha Lê Hữu Từ cử hành Thánh Lễ khánh thành đan viện Xitô Châu Sơn. Ngày 14-6-1945, Tòa Thánh bổ nhiệm cha Lê Hữu Từ làm Giám Mục Phát Diệm.
- 1-6-1957: cộng đoàn Châu Sơn được thành lập tại xã Lạc Xuân, quận Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng.
- 27-7-1961: tông sắc của Tỏa Thánh Vatican nâng Đan Viện Thánh Mẫu Châu Sơn thành Đan Viện tự trị.
- 13-11-1963: tông sắc của Tòa Thánh nâng ba Đan Viện Phước Sơn, Châu Sơn và Phước Lý lên hàng Đan Phụ Viện.
- 2-7-1971: thành lập đan viện Châu Thủy (Bình Tuy).
Hiện nay, Dòng Xitô Thánh Gia Việt Nam gồm có:
1) Đan viện Thánh Mẫu Phước Sơn [nhà mẹ]
227, Phước Lộc, Phước Hòa, huyện Tân Thành, Bà Rịa, Vũng Tầu
Điện thoại: 064 867298
2) Đan viện Khiết Tâm Phước Lý
3) Đan viện Thánh Mẫu Châu Sơn
4) Đan viện Châu Sơn Nho Quan
5) Đan viện Thánh Mẫu Thiên Phước
6) Đan viện Thánh Mẫu Phước Vinh
7) Đan viện Thánh Mẫu Châu Thủy
8) Đan viện Thánh Mẫu Vĩnh Phước [Dòng Nữ].
Viện phụ nhà mẹ là Jean de la Croix Lê Văn Đoàn [Viện phụ Hội trưởng].
Lối sau Đại Học Công Giáo Paris ngày mồng một Tết Kỷ Sửu (Ảnh LĐT) |
Dòng Xitô nhặt phép và chung phép
Dòng Xitô nhặt phép (ordo cisterciensis strictioris observantiæ, viết tắt o.c.s.o.), quen gọi là Dòng Trappistes, cùng với Dòng Xitô chung phép (ordo cisterciensis: Cisterciens de la commune observance, viết tắt OCist) và Dòng Nữ tu (moniales Bernardines) họp thành Gia đình Xitô (Familia Cisterciensis). Hai khuynh hướng nhặt phép và chung phép được thể hiện qua bữa ăn trưa mồng một Tết Kỷ Sửu. Thầy Godefroy nhặt phép nhịn đói không ăn trưa, cũng không uống cà phê. Hai thầy Trần Hồng Nho và Trần Văn Linh thuộc Dòng Xitô Việt Nam học ở La Catho giở nắm sôi gấc, rủ tôi chia sẻ bữa trưa thanh đạm. Sôi chỉ vừa một nắm, chia cho ba người, mỗi người chỉ hơn một muỗng sôi là cùng. Không có ai ăn tết đạm bạc như thế này. Tôi ăn muống sôi mà lòng tràn đầy cảm mến. Cả hai thầy Xitô diễn tả trọn vẹn câu nói: an bần lạc đạo (安 貧樂 道). 樂 (lạc) còn có nghĩa là nhạc (âm nhạc), nhạo (yêu thích). Niếm vui Xitô thường được diễn tả qua nhạc bình ca Thánh Vịnh ngợi ca Tình Yêu Thiên Chúa như sông như biển. Chúng tôi xin chép lại bản nhạc tiếng Pháp: Rivière d’amour rồi chuyển thể lục bát. Để ghi nhớ ngày Đại Học Tuyết Trắng ngày mồng một Tết Kỷ Sửu, chúng tôi thêm vào bản tiếng Pháp một đoạn cuối bài, nhưng giữ nguyên vận bản gốc:
Rivière d’amour
Plonge-moi dans ta rivière d’amour
Plonge mon esprit dans les profondeurs de ta joie
Inonde le désir de mon âme
Par la douce pluie du ciel
Mon âme est rafraîchie
Quant ton onction m’envahit
Je suis restauré, guéri
Quand ton onction m’envahit
Mon âme se purifie
Quand le ciel enneigé m’envahit
Je suis guéri, adouci
Quand les flocons immaculés bercent mon esprit
Bến nước sông thương
Hồn con ngụp lặn sông thương,
Chìm sâu đáy nước tình thương hải hà.
Hồn con đắm đuối thiết tha,
Ý lành huyền diệu mưa sa nắng hồng.
Hồn con tươi mát mặn nồng,
Xức dầu ơn phúc tâm hồn sạch trong.
Con hằng yêu mến cậy trông,
Nẻo đường công chính cầu mong tháng ngày.
Ơn lành khắp nẻo trời mây,
Phố phường mưa tuyết cỏ cây trắng ngần.
Tuyết rơi xóa sạch bụi trần,
Tâm hồn trong trắng mấy lần ủi an.
Paris Tết Kỷ Sửu (2 tháng 2 năm 2009)