LÒNG MẸ BAO LA
Chúa Nhật 20 A
Hằng năm đến ngày rằm tháng bảy âm lịch (vào khoảng giữa tháng tám) các chùa đều tổ chức lễ Vu Lan để các Phật tử đến cúng dường, cầu nguyện cho các vong linh được siêu sanh tịnh độ, và cầu cho cha mẹ có được đời sống an lành phước lộc. Đại Lễ Vu Lan là dịp các Phật tử nhớ ơn sanh thành dưỡng dục của mẹ cha. Trong ngày này, nhớ ơn mẹ, ở Nhật có tục lệ cài hoa hồng lên áo. Người nào còn mẹ được cài lên áo hoa hồng đỏ, người nào không còn mẹ thì cài hoa hồng trắng. Một vị thiền sư Việt Nam đi du học ở Nhật thấy tập quán này hay và có ý nghĩa nên du nhập tập quán này vào Việt Nam. Bài hát quen thuộc và phong trào "Bông Hồng Cài Áo" được Phật tử hưởng ứng và phổ biến rộng rãi từ đó.
Tình mẹ thương con bao la như trời như biển. Nói đến tình mẹ thì không có thứ tình cảm nào đậm đà và cao quý như tình mẹ thương con. Đã có biết bao nhiêu vần thơ, bao nhiêu câu hò, điệu hát ca tụng tình mẹ thiêng liêng.
“Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào,
Tình mẹ tha thiết như dòng suối hiền ngọt ngào.”
Chẳng ai trong chúng ta lại không biết câu hát này. Với giai điệu thật mượt mà, sâu lắng, với ca từ thấm đẫm chất thơ gợi lên những hình ảnh thật bình dị, gần gũi, nhạc sĩ Y Vân đã viết thành một bài hát tuyệt vời ca ngợi tình mẹ.
Thương con mẹ nào có quản nắng mưa, có ngại gì sớm khuya vất vả… Tình mẹ mãi mãi là như thế. Dẫu ở thời nào, dẫu thuộc nền văn minh văn hóa nào và dẫu ở đâu, tình mẹ cũng vẫn cứ mãi là như thế. Bà mẹ Canaan trong bài Tin Mừng hôm nay là một hình ảnh sống động minh họa cho tình yêu muôn thuở đó.
Chúng ta cảm động trước tình thương con lớn lao cao cả của bà, hơn thế nữa nơi bà chúng ta còn học được tấm gương của một lòng tin kiên vững. Tình yêu và lòng tin ấy cứ xoắn quyện với nhau. Tình yêu dẫn đến lòng tin. Tình yêu kiện cường lòng tin. Biểu lộ của lòng tin cũng chính là biểu lộ của tình yêu. Lòng tin và tình yêu cho bà có được một sức mạnh thật kỳ diệu, vượt thắng mọi thử thách và đi đến cùng trong việc cứu chữa con bà.
Thương con, bà đã chạy thầy chạy thuốc trước khi gặp được Chúa Giêsu. Không rõ nhờ đâu mà bà biết được Đức Giêsu, nhưng khi thấy Người bà tin rằng cơ may đã đến. Bà gọi Người là Con Vua Đavít, bà đặt trọn niềm tin vào Người, vị cứu tinh duy nhất của bà.
Dẫu biết rằng bà thuộc dân ngoại, còn Chúa Giêsu là người Do Thái, hai dân tộc có mối thù truyền kiếp không giao du tiếp xúc với nhau, nhưng lòng thương con đã khiến bà bất chấp ranh giới cấm kỵ, hận thù, để đến với Chúa trong tư thế một người xin ơn.
Thương con nên khổ vì con. Người đàn bà Canaan xin với Chúa Giêsu: “Xin dủ lòng thương tôi! Đứa con gái tôi bị quỉ nhập khổ sở lắm.” Đứa con bị quỉ nhập khổ sở là đúng rồi. Thế nhưng thực tế ai khổ hơn ai, đứa con hay bà mẹ? Con đau, khổ một, còn mẹ khổ mười. Mỗi lần con rên, con quằn quại là lòng mẹ quặn đau như muối xát, mẹ ước gì được lãnh lấy mọi cơn đau của con. Chắc hẳn, các bà mẹ đều đã trải qua những kinh nghiệm như thế. Chính vì thế thay vì nói “Xin dủ lòng thương con tôi” bà lại nói: “Xin dủ lòng thương tôi!”
Bà xin Chúa nhìn đến nổi đau của một bà mẹ, đau vì nỗi đau của đứa con. Nhưng Chúa Giêsu không đáp lại một lời. Tại sao Chúa lại lãnh đạm với nỗi đau của con người như vậy? Chắc hẳn chúng ta cũng đã từng gặp sự thinh lặng của Chúa như thế. Tại sao Chúa không đáp lời cầu xin của chúng ta?
Bà chẳng ngã lòng trước thái độ lạnh lùng của Chúa Giêsu. Bà cứ lẽo đẽo theo sau mà nài nẵng xin mãi xin hoài đến nổi các môn đệ Chúa không chịu được những lời lẽo nhẽo ấy nên trình với Chúa để đuổi bà về.
Chẳng kể gì thái độ khó chịu của các môn đệ, bà trực tiếp giáp mặt Chúa Giêsu và nài xin Người cứu giúp. Lần này thì bà lãnh đủ một gáo nước lạnh: “Không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con.” Sao lạ vậy ? Chúa Giêsu mới làm phép lạ hóa bánh ra nhiều nuôi năm ngàn người, vậy mà Người lại nhẫn tâm khước từ mẩu bánh nhỏ cho người đàn bà khốn khổ này ư?
Câu chuyện đã đi đến cao điểm, thử thách đã đến cùng tột. Chính trong cơn thử thách như thế ta mới thấy hết vẻ đẹp của tình mẫu tử và đức tin của bà.
Bà chấp nhận lối so sánh của Chúa. Bà không dám mong được những ân huệ như dân Do Thái, bà chỉ xin chút vụn vặt thừa thãi cho con bà, bởi vì “lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống.”
Đến đây thì Chúa Giêsu chẳng còn lý do gì để chối từ, Người nói: “Này bà, lòng tin của bà mạnh thật! Bà muốn sao thì được như vậy.”
Làm sao mà Chúa có thể chối từ được trước tình yêu bao la và niềm tin mạnh mẽ đến vậy. Không phải Người đã từng bảo: “Hãy xin thì sẽ cho, hãy tìm thì sẽ gặp, hãy gõ thì sẽ mở” đó sao? Hơn nữa, Người cũng có một bà mẹ là Đức Maria. Rồi sẽ có ngày Mẹ Người sẽ khổ đau đi theo con trên chặng đường thương khó, trái tim Mẹ như bị lưỡi gươm đâm thâu khi đứng dưới chân thập giá. Có lẽ nỗi đau khổ của bà mẹ Canaan này khiến Chúa Giêsu chạnh nghĩ đến mẹ mình. Cũng có một bà mẹ, thế nên Người hiểu tấm lòng của các bà mẹ, Người chẳng nỡ từ chối những gì các bà mẹ trong cơn đau khổ cầu xin.
Bà mẹ Canaan là tấm gương cho tất cả các Kitô hữu chúng ta về sự kiên trì cầu nguyện, đặc biệt là cho các bậc làm cha mẹ. Cha mẹ nào mà chẳng thương con. Vì thương con nên mới khổ vì con. Chắc hẳn, con đau bệnh không làm khổ lòng cha mẹ cho bằng con hư hỏng. Bao cha mẹ đã bạc mái đầu vì những đứa con ngỗ nghịch hư hỏng, bao bà mẹ đã khóc hết nước mắt vì có đứa con lỡ vướng vào ma tuý… Trong trường hợp đó, lòng thương con của các bậc cha mẹ có xoắn quyện chặt chẽ với lòng tin mạnh mẽ vào Thiên Chúa hay không? Các bậc cha mẹ đã làm hết cách, đã tha thiết cầu xin, đã kiên tâm cầu xin, đã tin tưởng cầu xin, như người mẹ Canaan này chưa?
Có một sự trùng hợp dễ thương là vào những ngày giữa tháng tám này, Giáo Hội Công giáo mừng kính Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời. Có điều gì đó rất gần gũi, rất hiệp thông của những người con khi nói về Lòng Mẹ. Trong lãnh vực tôn giáo, chính trị, kinh tế, con người thường tìm đủ lý lẽ để phân biệt, tách rời, phe nhóm; nhưng khi trái tim lên tiếng, nhất là trái tim của người mẹ thì thường đem chúng ta gần nhau đến không ngờ.
Văn hoá Việt Nam gắn liền với cuộc sống và diễn tả tình cảm con người Việt Nam rất sâu sắc. Đặc biệt, tình mẹ con, một thứ tình cảm thiêng liêng cao quý nhất, mà không ai có thể chối từ. Ngay chính Con Một Thiên Chúa Nhập Thể làm người cũng đã nhận lấy con đường bình thường mà trân quý ấy. Maria, người nữ Sion đã vâng phục ngay từ ngày đầu khi thiên sứ truyền tin, nhận lấy những nhọc nhằn vất vả của vai trò làm mẹ. Mẹ đã đảm nhận trọn vẹn thiên chức cao quý nhưng không thiếu khổ đau vất vả nhọc nhằn như bất cứ người mẹ nào trong nhân loại. Trong lòng tin, người Mẹ ấy đã âm thầm vâng phục, đón nhận, lắng nghe và bước theo Con của mình trong hành trình cứu độ. Cuối cùng, người nữ ấy được Thiên Chúa đoái thương cất nhắc về Trời cả hồn lẫn xác, một trong bốn đặc ân cao cả Thiên Chúa đã ban cho Mẹ.
Sứ điệp Lời Chúa tuần này trình bày sự kiên trì của người mẹ thành Canaan cầu xin cho con của bà. Lòng mẹ yêu thương với tất cả hy sinh, chiụ đựng luôn đóng ấn, trải dài suốt những năm tháng của cuộc đời con cái. Tình mẫu tử cộng vào với lòng tin của người phụ nữ Canaan đánh động lòng xót thương Đức Giêsu. “Mẹ Maria Người Thầy dạy Đức tin, Đức cậy, Đức mến” ( Sứ điệp của Đức Thánh Cha gửi Đại hội Thánh Mẫu La vang lần thứ 28), Mẹ đang được hưởng niềm vui thiên quốc, Mẹ luôn luôn yêu thương con cái mình trên đường hành hương về quê trời.
Trong cuộc hành hương nội tâm hay lữ hành nơi dương thế, chúng ta tin rằng có Mẹ Maria luôn cầu bầu che chở. Trong niềm hy vọng sẽ được về trời với Mẹ, chúng ta nhìn lên Mẹ như mẫu gương của lòng cậy trông, kiên nhẫn với tin yêu và hy vọng.
Chúa Nhật 20 A
Hằng năm đến ngày rằm tháng bảy âm lịch (vào khoảng giữa tháng tám) các chùa đều tổ chức lễ Vu Lan để các Phật tử đến cúng dường, cầu nguyện cho các vong linh được siêu sanh tịnh độ, và cầu cho cha mẹ có được đời sống an lành phước lộc. Đại Lễ Vu Lan là dịp các Phật tử nhớ ơn sanh thành dưỡng dục của mẹ cha. Trong ngày này, nhớ ơn mẹ, ở Nhật có tục lệ cài hoa hồng lên áo. Người nào còn mẹ được cài lên áo hoa hồng đỏ, người nào không còn mẹ thì cài hoa hồng trắng. Một vị thiền sư Việt Nam đi du học ở Nhật thấy tập quán này hay và có ý nghĩa nên du nhập tập quán này vào Việt Nam. Bài hát quen thuộc và phong trào "Bông Hồng Cài Áo" được Phật tử hưởng ứng và phổ biến rộng rãi từ đó.
Tình mẹ thương con bao la như trời như biển. Nói đến tình mẹ thì không có thứ tình cảm nào đậm đà và cao quý như tình mẹ thương con. Đã có biết bao nhiêu vần thơ, bao nhiêu câu hò, điệu hát ca tụng tình mẹ thiêng liêng.
“Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào,
Tình mẹ tha thiết như dòng suối hiền ngọt ngào.”
Chẳng ai trong chúng ta lại không biết câu hát này. Với giai điệu thật mượt mà, sâu lắng, với ca từ thấm đẫm chất thơ gợi lên những hình ảnh thật bình dị, gần gũi, nhạc sĩ Y Vân đã viết thành một bài hát tuyệt vời ca ngợi tình mẹ.
Thương con mẹ nào có quản nắng mưa, có ngại gì sớm khuya vất vả… Tình mẹ mãi mãi là như thế. Dẫu ở thời nào, dẫu thuộc nền văn minh văn hóa nào và dẫu ở đâu, tình mẹ cũng vẫn cứ mãi là như thế. Bà mẹ Canaan trong bài Tin Mừng hôm nay là một hình ảnh sống động minh họa cho tình yêu muôn thuở đó.
Chúng ta cảm động trước tình thương con lớn lao cao cả của bà, hơn thế nữa nơi bà chúng ta còn học được tấm gương của một lòng tin kiên vững. Tình yêu và lòng tin ấy cứ xoắn quyện với nhau. Tình yêu dẫn đến lòng tin. Tình yêu kiện cường lòng tin. Biểu lộ của lòng tin cũng chính là biểu lộ của tình yêu. Lòng tin và tình yêu cho bà có được một sức mạnh thật kỳ diệu, vượt thắng mọi thử thách và đi đến cùng trong việc cứu chữa con bà.
Thương con, bà đã chạy thầy chạy thuốc trước khi gặp được Chúa Giêsu. Không rõ nhờ đâu mà bà biết được Đức Giêsu, nhưng khi thấy Người bà tin rằng cơ may đã đến. Bà gọi Người là Con Vua Đavít, bà đặt trọn niềm tin vào Người, vị cứu tinh duy nhất của bà.
Dẫu biết rằng bà thuộc dân ngoại, còn Chúa Giêsu là người Do Thái, hai dân tộc có mối thù truyền kiếp không giao du tiếp xúc với nhau, nhưng lòng thương con đã khiến bà bất chấp ranh giới cấm kỵ, hận thù, để đến với Chúa trong tư thế một người xin ơn.
Thương con nên khổ vì con. Người đàn bà Canaan xin với Chúa Giêsu: “Xin dủ lòng thương tôi! Đứa con gái tôi bị quỉ nhập khổ sở lắm.” Đứa con bị quỉ nhập khổ sở là đúng rồi. Thế nhưng thực tế ai khổ hơn ai, đứa con hay bà mẹ? Con đau, khổ một, còn mẹ khổ mười. Mỗi lần con rên, con quằn quại là lòng mẹ quặn đau như muối xát, mẹ ước gì được lãnh lấy mọi cơn đau của con. Chắc hẳn, các bà mẹ đều đã trải qua những kinh nghiệm như thế. Chính vì thế thay vì nói “Xin dủ lòng thương con tôi” bà lại nói: “Xin dủ lòng thương tôi!”
Bà xin Chúa nhìn đến nổi đau của một bà mẹ, đau vì nỗi đau của đứa con. Nhưng Chúa Giêsu không đáp lại một lời. Tại sao Chúa lại lãnh đạm với nỗi đau của con người như vậy? Chắc hẳn chúng ta cũng đã từng gặp sự thinh lặng của Chúa như thế. Tại sao Chúa không đáp lời cầu xin của chúng ta?
Bà chẳng ngã lòng trước thái độ lạnh lùng của Chúa Giêsu. Bà cứ lẽo đẽo theo sau mà nài nẵng xin mãi xin hoài đến nổi các môn đệ Chúa không chịu được những lời lẽo nhẽo ấy nên trình với Chúa để đuổi bà về.
Chẳng kể gì thái độ khó chịu của các môn đệ, bà trực tiếp giáp mặt Chúa Giêsu và nài xin Người cứu giúp. Lần này thì bà lãnh đủ một gáo nước lạnh: “Không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con.” Sao lạ vậy ? Chúa Giêsu mới làm phép lạ hóa bánh ra nhiều nuôi năm ngàn người, vậy mà Người lại nhẫn tâm khước từ mẩu bánh nhỏ cho người đàn bà khốn khổ này ư?
Câu chuyện đã đi đến cao điểm, thử thách đã đến cùng tột. Chính trong cơn thử thách như thế ta mới thấy hết vẻ đẹp của tình mẫu tử và đức tin của bà.
Bà chấp nhận lối so sánh của Chúa. Bà không dám mong được những ân huệ như dân Do Thái, bà chỉ xin chút vụn vặt thừa thãi cho con bà, bởi vì “lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống.”
Đến đây thì Chúa Giêsu chẳng còn lý do gì để chối từ, Người nói: “Này bà, lòng tin của bà mạnh thật! Bà muốn sao thì được như vậy.”
Làm sao mà Chúa có thể chối từ được trước tình yêu bao la và niềm tin mạnh mẽ đến vậy. Không phải Người đã từng bảo: “Hãy xin thì sẽ cho, hãy tìm thì sẽ gặp, hãy gõ thì sẽ mở” đó sao? Hơn nữa, Người cũng có một bà mẹ là Đức Maria. Rồi sẽ có ngày Mẹ Người sẽ khổ đau đi theo con trên chặng đường thương khó, trái tim Mẹ như bị lưỡi gươm đâm thâu khi đứng dưới chân thập giá. Có lẽ nỗi đau khổ của bà mẹ Canaan này khiến Chúa Giêsu chạnh nghĩ đến mẹ mình. Cũng có một bà mẹ, thế nên Người hiểu tấm lòng của các bà mẹ, Người chẳng nỡ từ chối những gì các bà mẹ trong cơn đau khổ cầu xin.
Bà mẹ Canaan là tấm gương cho tất cả các Kitô hữu chúng ta về sự kiên trì cầu nguyện, đặc biệt là cho các bậc làm cha mẹ. Cha mẹ nào mà chẳng thương con. Vì thương con nên mới khổ vì con. Chắc hẳn, con đau bệnh không làm khổ lòng cha mẹ cho bằng con hư hỏng. Bao cha mẹ đã bạc mái đầu vì những đứa con ngỗ nghịch hư hỏng, bao bà mẹ đã khóc hết nước mắt vì có đứa con lỡ vướng vào ma tuý… Trong trường hợp đó, lòng thương con của các bậc cha mẹ có xoắn quyện chặt chẽ với lòng tin mạnh mẽ vào Thiên Chúa hay không? Các bậc cha mẹ đã làm hết cách, đã tha thiết cầu xin, đã kiên tâm cầu xin, đã tin tưởng cầu xin, như người mẹ Canaan này chưa?
Có một sự trùng hợp dễ thương là vào những ngày giữa tháng tám này, Giáo Hội Công giáo mừng kính Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời. Có điều gì đó rất gần gũi, rất hiệp thông của những người con khi nói về Lòng Mẹ. Trong lãnh vực tôn giáo, chính trị, kinh tế, con người thường tìm đủ lý lẽ để phân biệt, tách rời, phe nhóm; nhưng khi trái tim lên tiếng, nhất là trái tim của người mẹ thì thường đem chúng ta gần nhau đến không ngờ.
Văn hoá Việt Nam gắn liền với cuộc sống và diễn tả tình cảm con người Việt Nam rất sâu sắc. Đặc biệt, tình mẹ con, một thứ tình cảm thiêng liêng cao quý nhất, mà không ai có thể chối từ. Ngay chính Con Một Thiên Chúa Nhập Thể làm người cũng đã nhận lấy con đường bình thường mà trân quý ấy. Maria, người nữ Sion đã vâng phục ngay từ ngày đầu khi thiên sứ truyền tin, nhận lấy những nhọc nhằn vất vả của vai trò làm mẹ. Mẹ đã đảm nhận trọn vẹn thiên chức cao quý nhưng không thiếu khổ đau vất vả nhọc nhằn như bất cứ người mẹ nào trong nhân loại. Trong lòng tin, người Mẹ ấy đã âm thầm vâng phục, đón nhận, lắng nghe và bước theo Con của mình trong hành trình cứu độ. Cuối cùng, người nữ ấy được Thiên Chúa đoái thương cất nhắc về Trời cả hồn lẫn xác, một trong bốn đặc ân cao cả Thiên Chúa đã ban cho Mẹ.
Sứ điệp Lời Chúa tuần này trình bày sự kiên trì của người mẹ thành Canaan cầu xin cho con của bà. Lòng mẹ yêu thương với tất cả hy sinh, chiụ đựng luôn đóng ấn, trải dài suốt những năm tháng của cuộc đời con cái. Tình mẫu tử cộng vào với lòng tin của người phụ nữ Canaan đánh động lòng xót thương Đức Giêsu. “Mẹ Maria Người Thầy dạy Đức tin, Đức cậy, Đức mến” ( Sứ điệp của Đức Thánh Cha gửi Đại hội Thánh Mẫu La vang lần thứ 28), Mẹ đang được hưởng niềm vui thiên quốc, Mẹ luôn luôn yêu thương con cái mình trên đường hành hương về quê trời.
Trong cuộc hành hương nội tâm hay lữ hành nơi dương thế, chúng ta tin rằng có Mẹ Maria luôn cầu bầu che chở. Trong niềm hy vọng sẽ được về trời với Mẹ, chúng ta nhìn lên Mẹ như mẫu gương của lòng cậy trông, kiên nhẫn với tin yêu và hy vọng.