Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Sáng Chúa Nhật 20 tháng 9 tại quảng trường Cách Mạng ở thủ đô Havana của Cuba, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ đầu tiên cho công chúng trong chuyến tông du này.
Đồng tế với Đức Thánh Cha có đông đảo các giám mục và hàng trăm linh mục Cuba. Trước một cộng đoàn đông đảo hàng mấy trăm ngàn tín hữu, có cả tổng thống Raoul Castro và nữ tổng thống Cristina Kirchner của Á Căn Đình, Đức Thánh Cha đã phân tích bài Tin Mừng Chúa Nhật thứ 25 Mùa Thường Niên.
Ngài nói:
Tin Mừng cho chúng ta thấy Chúa Giêsu hỏi một câu hỏi dường như đang gây xôn xao trong các môn đệ của Ngài: “Dọc đường anh em tranh luận điều gì thế?” Đó là một câu hỏi mà Ngài cũng có thể hỏi mỗi người trong chúng ta hôm nay: “Các con bàn tán những gì mỗi ngày vậy?” “khát vọng của các con là gì?” Tin Mừng cho chúng ta biết là các môn đệ “đã không trả lời bởi vì trên đường họ đã tranh cãi xem ai là người quan trọng nhất”. Các môn đệ cảm thấy xấu hổ nếu nói với Chúa Giêsu những gì họ đã tranh biện. Cũng như với các môn đệ ngày đó, chúng ta cũng bị bắt gặp đang tranh luận về những chuyện tương tự như thế: Ai là người quan trọng nhất?”
Chúa Giêsu không truy cho tới cùng. Ngài không bắt buộc họ phải chính miệng nói ra những gì họ đã nói dọc đàng. Nhưng câu hỏi cứ day dứt, không chỉ trong tâm trí của các môn đệ, nhưng cả trong tâm hồn họ.
Ai là người quan trọng nhất? Đây là một câu hỏi suốt đời mà vào những thời điểm khác nhau, chúng ta phải đưa ra một câu trả lời. Chúng ta không thể né tránh câu hỏi này; nó được ghi khắc trong tâm hồn chúng ta. Tôi nhớ hơn một lần, trong buổi họp mặt gia đình, trẻ con được hỏi: “Con yêu ai hơn, Mẹ hay Cha nào”? Điều đó hệt như hỏi con trẻ: “Ai là người quan trọng nhất đối với con” Nhưng có phải điều này chỉ là một trò chúng ta chơi với trẻ em? Lịch sử của nhân loại đã được đánh dấu bằng những câu trả lời mà chúng ta đưa ra cho câu hỏi này.
Chúa Giêsu không e sợ những câu hỏi của dân chúng; Ngài không sợ sự trần tục của chúng ta hoặc những điều khác nữa mà chúng ta đang kiếm tìm. Ngược lại, Ngài thấu hiểu những “gút mắc quanh co” trong trái tim con người, và, như một thầy giáo đầy kinh nghiệm, Ngài luôn luôn sẵn sàng khuyến khích và ủng hộ chúng ta. Như vẫn thường làm, Ngài vực dậy những kiếm tìm của chúng ta, những nguyện vọng của chúng ta, và ban cho chúng một chân trời mới. Như thường lệ, bằng cách nào đó Ngài tìm ra câu trả lời có thể đề ra một thách đố mới, đặt sang một bên những “câu trả lời đúng”, những câu trả lời tiêu chuẩn chúng ta dự kiến sẽ đưa ra. Như thường lệ, Chúa Giêsu đặt ra trước chúng ta “luận lý” của tình yêu. Một cung cách suy nghĩ, một đường lối cho cuộc sống, mà mọi người đều có thể thực hiện, vì đã được đề ra cho tất cả chúng ta.
Khác xa với bất kỳ hình thái nào của chủ nghĩa tinh hoa, chân trời Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta không phải chỉ dành riêng cho những linh hồn đặc tuyển có khả năng đạt đến những tầm cao của tri thức hoặc những cảnh vực đa dạng của tâm linh. Chân trời Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta luôn luôn gắn liền với cuộc sống hàng ngày, ở ngay trên “ốc đảo của chúng ta”, một cái gì đó có thể mang lại cho cuộc sống hàng ngày của chúng ta chút hương hoa của cõi vĩnh hằng.
Ai là người quan trọng nhất? Chúa Giêsu rất thẳng thắn trong câu trả lời của Ngài: “Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người”. Những ai muốn làm lớn phải phục vụ người khác, chứ đừng để kẻ khác phục dịch mình.
Đó chính là một nghịch lý lớn Chúa Giêsu đưa ra. Các môn đệ tranh luận xem ai được chiếm chỗ quan trọng nhất, ai là người ưu tuyển, ai ở trên luật chung, trên chuẩn mực thông thường, để làm cho mình được nổi bật trong cuộc kiếm tìm sự ưu việt trên những người khác. Ai leo lên những nấc thang nhanh nhất để chiếm những trách vụ mang lại cho mình những lợi lộc nhất định?
Chúa Giêsu đảo lộn luận lý của họ, đơn giản bằng cách nói với họ rằng đời sống chân chính cần phải được sống trong sự dấn thân cụ thể nhằm phục vụ tha nhân.
Lời mời gọi phục vụ liên quan đến một số điều đặc biệt mà chúng ta phải chú ý. Phục vụ tha nhân phần lớn có nghĩa là chăm sóc sự yếu đuối dòn mỏng của họ. Chăm sóc những người yếu đuối trong gia đình, trong xã hội, trong dân tộc chúng ta. Họ là những khuôn mặt thất thần, đau khổ, và vô phương tự vệ mà Chúa Giêsu đề nghị chúng ta nhìn đến cách riêng và mời gọi chúng ta yêu thương họ với một tình mến được cụ thể hóa trong những hành động và các quyết định; với một tình thương được biểu lộ trong những công tác khác nhau mà chúng ta được kêu gọi chu toàn trong tư cách là công dân. Những con người cụ thể, bằng xương bằng thịt với những mảnh đời và những câu chuyện riêng, và với tất cả sự mong manh của họ chính là những người mà Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy bảo vệ, giúp đỡ, và phục vụ. Là Kitô hữu có nghĩa là được mời gọi để đề cao phẩm giá của anh chị em mình, chiến đấu và sống cho điều đó. Chính vì thế, Kitô hữu được mời gọi để bỏ qua một bên những đòi hỏi, và những mong đợi riêng mình, bỏ qua một bên việc theo đuổi quyền bính, để nhường chỗ cho ánh mắt dành cho những người yếu thế nhất.
Có một hình thái “phục vụ” thực sự là “phục dịch”, nhưng chúng ta cần tỉnh táo để tránh rơi vào cám dỗ của một hình thái “phục vụ” khác, một thứ “phục vụ” để mưu “tư lợi”. Thứ phục vụ ấy luôn đẩy con người ra bên ngoài, và tạo ra một tiến trình loại trừ người khác.
Do ơn gọi Kitô, tất cả chúng ta được mời gọi phục vụ thực sự và giúp đỡ lẫn nhau để tránh rơi vào cám dỗ phục vụ nhưng thực ra là “tư lợi”. Tất cả chúng ta được Chúa Giêsu khích lệ nâng đỡ lẫn nhau vì tình thương mà không cần nhìn sang bên cạnh để xem những người lân cận với chúng ta có thực hiện hay không. Chúa Giêsu nói với chúng ta: “Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người”. Ngài không nói rằng: nếu người bên cạnh các con muốn làm đầu, hãy bắt nó là người tôi tớ! Chúng ta phải cẩn thận để tránh cái nhìn phê phán và canh tân niềm tin của chúng ta trong cái nhìn hoán cải mà Chúa Giêsu mời gọi chúng ta.
Việc nâng đỡ nhau vì tình thương này không hướng đến một thái độ nô lệ, trái lại, nó có nghĩa là đặt người anh chị em của chúng ta ở vị trí trung tâm. Sự phục vụ luôn hướng đến khuôn mặt của người anh em, động chạm đến bản thân, cảm thấy sự gần gũi với họ đến độ trong một số trường hợp, chịu đựng họ để giúp đỡ họ. Vì thế, việc phục vụ không bao giờ có tính chất ý thức hệ, vì chúng ta không phục dịch các ý tưởng nhưng là phục vụ con người.
Dân thánh và trung tín của Thiên Chúa tại Cuba là những người thích những buổi gặp mặt, tình bạn, và những gì đẹp đẽ. Đó là một dân tộc diễn hành với những bài hát ngợi khen. Đó là một dân tộc có những vết thương, như mọi dân tộc khác, nhưng biết đứng dậy với vòng tay mở rộng, biết tiến bước trong hy vọng, vì họ có một ơn gọi cao cả. Ngày hôm nay tôi mời gọi anh chị em hãy chăm sóc ơn gọi này của anh chị em, chăm sóc những hồng ân mà Thiên Chúa phú ban cho anh chị em, nhất là tôi muốn mời gọi anh chị em chăm sóc phục vụ những anh chị em yếu đuối của mình. Đừng lơ là bỏ qua họ vì những dự án có vẻ thu hút đấy, nhưng lại không quan tâm gì đến những người ở ngay bên cạnh mình. Chúng ta biết, chúng ta là chứng nhân về sức mạnh khôn sánh của mầu nhiệm Phục sinh, đang tạo nên những mầm mống của thế giới mới này ở mọi nơi (x. Niềm Vui Tin Mừng, 276-278).
Chúng ta đừng quên bài Tin Mừng chúng ta đã nghe ngày hôm nay: Tầm quan trọng của một dân tộc, một quốc gia, và tầm quan trọng của một cá nhân luôn luôn dựa trên cách thế họ tìm kiếm để phục vụ anh chị em dễ bị tổn thương của họ. Ở đây chúng ta thấy một trong những thành quả của một nhân loại thật sự. “Ai không sống để phục vụ, không 'phục vụ' để sống”.