Truyện ngắn: Thằng Mõ-Bà Góa
— Kinh Thánh có nhiều đoạn đến khó hiểu. Gặp tớ chậm lụt, đi lễ nghe đọc bài Phúc Âm mà cứ ù ù cạc cạc y như vịt nghe sấm. Tỷ như cái đoạn nói về cái bà góa với hai đồng xu đó (Mark 12:41-44, Luke 21:1-4). Thấy đến là lạ, tự nhiên bà ấy quẳng vào hòm tiền cúng có hai đồng xu chả mua được cốc nước vối quán bà Cả Nha, thế mà Chúa mở miệng khen bà ấy không tiếc nhời.— Quan bác ăn nói chữ nghĩa đến là táo tợn nhỉ. Dâng cúng thì lại nói là quẳng vào. Sáng đã làm một điếu thuốc lào chửa mà ăn nói vớ vẩn đến thế?
— (Chép miệng) Rồi, sáng dậy một cái là tung chăn mền nhào xuống rít liền một hơi thuốc Cái Sắn từ trong Nam gửi ra. Lúc nãy buồn chân đi ngang qua quán nước bà Cả, lại ghé vào bắn thêm mấy phát nữa, nhưng thấy miệng nó vẫn cứ nhàn nhạt sao đấy.
— Trời rét tợn mà quan bác cứ áo sống phong phanh như thằng mõ thế kia, hỏi sao miệng không nhàn nhạt. Không khéo quan bác lại ốm rồi. Có cần cạo gió hay không? Chạy tới quán bà Cả Nha mượn đồng tiền xu Khải Định đi, em cạo gió cho…
— Ông rõ là cám lợn dở hơi, cứ vớ vẩn như thằng mõ. Đang nói chuyện này thì lại vẹo sang chuyện khác.
— Bác lại gắt gỏng mắm tôm rồi. Thì thôi, yên, bác đang nói về cái vụ bà góa…
— Đúng rồi, đang nói dở cái chuyện bà góa...
— Cái bà góa trong Kinh Thánh cũng không giống như bà góa ở làng mình đâu. Cái bà Cả Nha trong làng dù là gái góa, nhưng vẫn có quán nước đầu làng để cho quan viên trăm họ ghé vào mua cốc nước vối bắn vài nỏ thuốc lào. Chứ cái bà góa trong Kinh Thánh có mà được như thế à. Đã là gái góa ở nước Do Thái thuả xưa thì chỉ còn có nước cầm cái mõ đi rao khắp làng…
— (Nhăn mặt) Sao lại nói người ta nặng nhời như thế…
— Gượm hẵng quan bác. Em đã nói xong đâu mà quan bác đã mắng em sa sả như thế. Bác thấy ở cái làng mình, nguyên cả huyện rồi kéo theo mấy tổng, người có danh có phận vẫn là cụ bá Tiên nhà có mấy mẫu ruộng thượng đẳng điền. Chứ ai như cái nhà anh Thìn, một miếng đất, em xin lỗi nhé, chó ỉa cũng không có mà cắm sào, cho nên trong làng người ta mới coi khinh, bắt làm thằng mõ.
— (Chép miệng) Thì chuyện, chẳng thế mà vua chúa thời xưa, khi phong thưởng cho công thần, họ cũng cứ thưởng toàn là đạc điền ruộng nương.
— Ấy, cái người ở bên Do Thái cũng thế. Ai mà không có cơ ngơi điền thổ thì cầm chắc cái phận thằng mõ trong thôn, tha hồ mà bị người làng coi thường ăn hiếp. Mà cái người Do Thái họ cũng lạ lắm. Đất đai chỉ truyền từ đời cha sang đời con trai, rồi là sang đời cháu trai, chắt, chít, cũng tinh là con trai. Cho nên gặp ngay cái nhà nào mà ông bố chết sớm để lại có một cái giống, mà lỡ cái giống đó vắn số, là cái bà góa đó đi đời nhà ma. Vừa mất chồng, vừa mất con, lại vừa mất ruộng. Ruộng mà mất rồi thì tự nhiên hóa ra cùng đinh khố chuối như thằng mõ trong làng mà thôi.
— Kinh nhỉ!
— Ấy, cho nên quan bác mới thấy cái bà góa thành Nain hồi đó thiệt tình là mệt. Đã mất chồng, giờ lại mất thằng con trai, mà lại là cái thằng con trai duy nhất. Rõ là khổ! Cho nên người trong thành mới đi theo đông như kiến để mà khóc thương cho cái phận mất ruộng hóa ra thằng mõ của bà ấy đấy (Luke 7:11-17).
— À, thì ra là thế.
— (Hứng chí) Mà em nói cho quan bác nghe. Nói tới cái chữ thằng mõ-bà góa ai mà chẳng hiểu người đó là người cùng rốt trong thôn. Thế mà Chúa còn nhấn mạnh thêm một cái chữ nghèo trước chữ bà góa (Luke 21:3, Mark 12:43). Vậy là quan bác đủ hiểu cái bà góa này nghèo gấp đôi, nghèo hơn những bà góa thường, nghèo hết nước nói. Ấy thế mà người ta vẫn dám dâng tặng hết tất tật số tiền bé con con. Đàn bà dễ có mấy tay!
— Hèn chi Chúa cất tiếng khen không tiếc nhời.
— Ấy, giờ là ba năm rõ mười rồi nhé. Mà này, em nhớ hồi xưa khi còn nhỏ bu em cứ hay kể làng ta thời mới xây nhà thờ, cha xứ sai ông trùm lên tới tận kinh đô thỉnh ông thợ bạc về đúc một cái chuông bằng đồng. Nhiều người trong làng nườm nượp kéo tới dâng tặng nhà xứ bạc vàng để đúc chuông, có cả cái bà góa trong làng cũng ghé vào dâng hai đồng trinh. Bu em nói hai đồng trinh thời đó thì cũng chẳng bõ dính răng, may ra thì mua được cây kẹo bé bằng cái mắt muỗi. Bởi thế, ông trùm chép miệng khánh vàng còn chưa ăn nổi ai, tiện tay quẳng bỏ. Có thế thôi mà đúc mãi nhưng chuông vẫn không thành. Chuông gõ nhưng tiếng nghe cứ chõm chọe như tiếng phèng la. Mãi sau người ta mới chợt nhớ, quay lại chỗ hòm tiền tìm kiếm hai đồng trinh. May phúc cho ông trùm là hai đồng trinh còn nằm im lìm ở ngay góc cột. Lúc đó việc đúc chuông mới thành đấy, chuông gõ nghe tiếng boong boong đi xa tới tận mấy tổng lận.
Trích trong CD Chữ Tài Chữ Tâm, www.nguyentrungtay.com