NGƯỜI VIỆT NAM CÔNG GIÁO

I. CHÚNG TA LÀ NGƯỜI VIỆT-NAM CÔNG GIÁO.

A. Là Người, chúng ta là thành phần của Nhân Loại, tức Con Người, được Thiên Chúa tạo nên theo hình ảnh Thiên Chúa (Sáng Thế Ký 1: 27). Nhờ thế, chúng ta được hưởng một đặc ân từ Ngài: sự Tự Do.

Tổ tiên chúng ta, ông Ađam và bà Êvà được Thiên Chúa cư xử thân mật và thông chia hạnh phúc Thiên Đàng, có quyền làm chủ vạn vật. Lạm dụng những Hồng ân cao quý đó, tổ tiên chúng ta tưởng như có thể vượt quyền lệ thuộc Thiên Chúa khi đòi bình đẳng với Ngài. Chụp ngay cơ hội, ma quỷ, với hình con rắn gợi ý: ‘Chẳng chết chóc gì đâu. Thật vậy, Thiên Chúa biết: ngày nào các ngươi ăn nó, mắt các ngươi sẽ mở ra và các ngươi sẽ biết cả tốt xấu’. Họ đã ăn, trái lệnh Chúa và mất nghĩa với Đấng đã tạo nên mình. (xem Sáng Thế Ký).

Đức Chúa Trời vừa là Cha phép tắc vô cùng vừa là Đấng thật công bình đã sai Đức Giêsu Kitô là Con Một Thiên Chúa, cũng là Chúa chúng ta… xuống thế, chịu đóng đinh trên cây Thánh Giá, chết và táng xác… trong kẻ chết mà Sống Lại để Cứu Chuộc chúng ta (xem Kinh Tin Kính). Đức Kitô đã Cứu Chuộc Nhân Loại từ năm 33 và luôn chờ sự tự do cộng tác của chúng ta để sự Cứu Chuộc có thể hoàn thành nơi mỗi người trong chúng ta.

B.- Là người Việt-Nam, chúng ta tiếp nhận máu huyết của cha mẹ, ông bà; thừa hưởng gia sản văn hóa, giá trị đạo đức của tổ tiên Việt-Nam. Chúng ta có một tổ quốc Việt-Nam với non sông gấm vóc, lịch sử vẻ vang với bao tiền nhân hào hùng. Chúng ta yêu quê hương Việt-Nam. Do đó, làm sao chúng ta không khỏi rung động tận con tim khi nghe Thái Thanh hát bài ‘Tình Ca’ của Phạm Duy (Sài Gòn 1953). Lại càng thắm thía hơn khi chúng ta lang thang nơi hải ngoại.

Mỗi người Việt-Nam chúng ta phải xác tín mình là cái vốn đầu tư của Đất Nước, nếu không thành công trong tư cách đạo đức, tri thức… thì chúng ta làm thiệt hại cho Đất Nước.

C. Là người Công giáo khi chúng ta hoàn toàn tự do tỏ ý, bằng lời nói hay viết thư, xin nhận bí tích Rửa Tội, gia nhập Giáo Hội Công giáo. Khi đó, chúng ta nhận Thiên Chúa Ba Ngôi, là Cha chung của mọi người nhờ ơn cứu chuộc của Chúa Giêsu Kitô. Nhưng chúng ta chịu phép Rửa Tội, mọi tội lỗi được xóa sạch, được ghi tên vào sổ chưa hẳn đã thành người Công giáo đúng mức. Người Công giáo chân thật phải sống noi gương Chúa Giêsu, sống theo Phúc Âm.

Trong ‘Đường Hy Vọng’, từ trong tù tại Giáo phận Nha trang, Đức Cha Phanxicô Xaviê NGUYỄN VĂN THUẬN đã viết:
“621. Đừng để thiên hạ xây dựng thế giới này mỗi ngày mà con không hay biết, không khám phá, không thao thức, không nhúng tay vào. Chúa đã cứu chuộc con, trao sứ mạng cho con và đặt con vào thế gian trong thế kỷ này, thập niên này, môi trường này. Đặt con, chứ không phải cục đá! Khác nhau lắm! Đừng làm "công giáo bù nhìn".
622. Sự ly dị giữa cuộc sống đạo ở nhà thờ và ngoài xã hội, là gương xấu tai hại nhất trong thời đại chúng ta.
Vì thế, cuộc sống tôn giáo phải giúp tôi trở thành người công dân Việt-Nam tốt: tôi xác tín được rằng mọi người, người đồng bào tôi, tất cả là anh chị em của một Cha chung; tôi ý thức được trách nhiệm phải phục vụ những người bên cạnh, đồng bào tôi, xây dựng hoà bình và thịnh vượng cho Đất Nước.”

Khi chịu phép Rửa Tội, chúng ta đều ao ước sống và quyết tâm sao cho được lên Thiên đàng. Khi đó, chúng ta trả lời đồng ý hợp tác với Thiên Chúa trong tiến trình cứu chuộc mỗi người trong chúng ta mà Đức Kitô đã chết và sống lại để cứu chuộc tội tổ tông và những tội của từng người. Thiên Chúa mời chúng ta sống Nên Thánh bằng vác Thánh Giá theo chân Đức Kitô, tức hoàn thành bổn phận của mình trong hoàn cảnh mình sống.

Trong Phúc Âm đọc nhân Lễ Các Thánh Nam Nữ ngày 01 tháng 11 hằng năm, Thánh sử Matthêu đã tường thuật việc Chúa Giêsu giảng ‘TÁM MỐI PHÚC THẬT’, còn gọi là bài giảng Trên Núi, gồm có tinh thần nghèo khó, hiền lành, đau khổ, đói khát điều công chính, hay thương xót người, lòng trong sạch, ăn ở thuận hòa, bách hại vì lẽ công chính và ‘Phúc cho các con khi người ta ghen ghét, bách hại các con và bởi ghét Thầy, họ vu khống cho các con mọi điều gian ác.’ Đức Kitô khẳng định: ‘Các con hãy vui mừng hân hoan, vì phần thưởng của các con sẽ trọng đại ở trên trời’. Đó là những chỉ dẩn mà chính Đức Kitô đề nghị chúng ta thực hành hay phải gánh nhận để Nên Thánh. Chúng ta có tự do hoàn toàn để chấp nhận hay từ chối.

Chúng ta cũng cần sống đạo đồng hành với cộng đoàn để cùng nhau trao đổi kinh nghiệm sống Đức Tin, chia xẽ những khó khăn, nâng đở nhau trên đường lữ thứ trần gian… và điều chắc chắn là chúng ta, một lúc nào đó, phải từ cỏi đời nầy.

Khi đó, chúng ta sẽ biết ngay là mình có đạt được mục đích mà mình đã tự do thuận nhận để trở thành người Công Giáo. Như vậy, nên thánh phải là con đường chung của mọi Kytô hữu, không trừ một ai. Con đường nên thánh không dành riêng cho một lớp người nào và cũng không phải là độc quyền của những người được Chúa gọi tận hiến cách riêng trong đời sống linh mục, hay tu dòng.

Mọi người có thể thánh hóa bản thân bằng chính làm tốt công việc hay hoàn thành trách nhiệm được giao phó thường nhật. Chúa Kitô ghi nhận sự cố gắng của từng người, tùy theo khả năng, sức khỏe Chúa giao cho từng cá nhân. Nguời muốn chúng ta trở thành tốt lành không cần phải qua những công việc khác thường, trái lại bằng những công việc chung thường làm hằng ngày trong đời sống, nhưng cách làm phải khác thường. Do đó, tuy cùng chung nhau tiến tới một mục tiêu: Nên Thánh, nhưng con đường sống Nên Thánh khác nhau mà mỗi người trong chúng ta có tự do lựa chọn, tùy theo môi trường sống của mình.

Khi chúng ta rời cỏi đời nầy, linh hồn lìa khỏi xác, đến trước tòa Thiên Chúa để được phán xét riêng, chiếu theo cuộc sống của mình hướng về Chúa Kitô, để hoặc sẽ trải qua một sự thanh luyện, hoặc lập tức bước vào hưởng hạnh phúc trên trời, hoặc lập tức bị án phạt muôn đời. (xem Sách Giáo Lý Giáo Hội Công giáo, số 1022). Được hưởng hạnh phúc trên trời, được chiêm ngưỡng Nhan Thánh Chúa trên Thiên Đàng, chúng ta đã đạt được mục đích Nên Thánh.

Trong những người Nên Thánh, Giáo Hội chọn Phong Chân Phước hay Phong Thánh cho những Kitô–hữu đã có một đời sống đặc biệt noi gương Thầy Chí Thánh, Đức Kitô, đã được Giáo Hội điều tra qua một thủ tục khắt khe và một thời gian điều tra vô tư, với các nhân chứng, có khi cần đến hay các phép lạ mà, nhờ sự can thiệp của các Vị đó, Thiên Chúa đã ban cho tha nhân.

Giáo Hội Công giáo hiện có khoảng 2180 Chân Phước (hay Á Thánh, được tôn kính trong nước) và 790 Thánh (hay Hiển Thánh, được tôn kính trên thế giới) đã tuyên phong từ năm 1588 khi Đức Giáo Hoàng Sixte-Quint thành lập Thánh Bộ Nghi Lễ, nay đã đổi tên: Thánh Bộ Phong Thánh. Ngày hôm nay, đời sống các Thánh và Chân Phước trở thành những gương sáng cho chúng ta noi theo để đáp lời Thiên Chúa mời gọi nên thánh như ý nguyện của chúng ta trong khi lãnh Bí tích Rửa Tội.

Với chừng ấy số Chân Phước và Thánh, trong gần 2000 năm qua, thì kết quả của Chương trình Thiên Chúa cứu chuộc nhân loại thật là quá ít, nếu không muốn nói là thất bại.

Xin đừng bi quan. Cùng nhau, chúng ta hãy mở Sách Lễ ngày mừng Lễ Các Thánh Nam Nữ, Thánh Gioan viết trong sách Khải huyền: “tôi đã thấy đoàn người đông đảo không thể đếm được, họ thuộc đủ mọi nước, mọi chi họ, mọi dân tộc và mọi thứ tiếng. Họ đứng trước ngai vàng và trước Con Chiên, mình mặc áo trắng tinh, tay cầm nhành lá thiên tuế. Họ là những người từ đau khổ lớn lao mà đến, họ giặt áo và tẩy áo trắng trong máu Con Chiên”.

Đoạn Sách Thánh nầy xác nhận số người lên Thiên đàng là hằng hằng lớp lớp. Chính vì thế Giáo Hội đã dành ngày 01 tháng 11 hằng năm để Kính Trọng thể tất cả các Thánh Nam Nữ của Giáo hội Công Giáo. Trong đó, cần kể đến các tiền nhân trong các Gíáo xứ trong nước và các Cộng đoàn hải ngoại, ông bà trong gia đình chúng ta đã được Chúa gọi về Nhà Cha.

Việt-Nam hiện đang có 117 Thánh Tử Đạo, được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II tuyên phong, ngày 19.06.1988, tại Rôma và Chân Phước Anrê Phú Yên cũng do Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II tuyên phong, ngày 05.03.2000, tại Rôma.

Tóm lại, Chúa Giêsu Kitô là Thầy Chí Thánh. Các Thánh và Chân Phước là những Kitô-hữu có đời sống đặc biệt gần giống Đức Kitô, xứng đáng là gương mẫu để chúng ta noi theo. Hằng tỷ tỷ Kitô-hữu có đời sống bình thường, đúng theo Tin Mừng Đức Kitô và được hạnh phúc trên Thiên Đàng.

MỘT GƯƠNG SỐNG THÁNH THIỆN.

Lúc 18 giờ, giờ Vatican, ngày 16.09.2002, Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã được Thiên Chúa gọi ra khỏi thế gian. Ngay khi hay tin Cha qua qua đời, Đức Giám Mục Giampaolo Crepaldi, Tổng Thư Ký Hội Đồng Giáo Hoàng Công Lý và Hòa Bình, đã tuyên bố với báo chí: "Một vị Thánh vừa qua đời".

Chiều ngày 20.09.2002, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã từ Castel Gandolfo trở về Vatican, để chủ sự Thánh Lễ An táng Đức Cố Hồng Y. Vị Hồng Y quá cố đã được Giáo Triều và 172 phái đoàn ngọai giao cạnh Tòa Thánh tiển biệt trong một Thánh Lễ trọng thể.

Nhân dịp nầy, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã ngỏ lời:

“Trong 13 năm ngục tù, ngài (Đức Hồng Y Thuận) đã hiểu nền tảng của đời sống Kitô hữu là ‘chọn một mình Chúa mà thôi’ như các vị tữ đạo Việt-Nam đã làm trong những thế kỹ trước. Chúng ta được mời gọi rao giảng cho tất cả mọi người ‘Tin Mừng Hy Vọng’, và Đức Hồng Y giải thích rằng: chúng ta chỉ có thể chu toàn Ơn Gọi ấy với sự hy sinh quyết liệt, dù phải chịu những thử thách cam go nhất. Đức Hồng Y nói: ‘Hãy nêu cao giá trị của sự đau khổ như một trong muôn vàn khuôn mặt của Chúa Giêsu chịu đóng đanh và hiệp nhất đau khổ của mình với khổ đau của Chúa, có nghĩa là đi vào chính năng động khổ đau, yêu thương có nghĩa là tham dự vào ánh sáng, sức mạnh, an bình của Chúa; có nghĩa là tìm lại được nơi chính mình một sự hiện diện mới mẻ, sung mãn, của Thiên Chúa.

Đây không phải là sự anh hùng, nhưng là sự trung thành chín chắn, hướng cái nhìn về Chúa Giêsu là mẫu gương của mọi chứng nhân và mọi vị tử đạo. Một gia sản cần được đón nhận mọi ngày trong một cuộc sống đầy yêu thương và dịu hiền.

Con người Đức Hồng Y là một tấm gương sáng ngời về đời sống Kitô, phù hợp với Đức Tin, cho đến độ tử đạo. Đức Hồng Y nói về mình với sự đơn sơ thật đặc biệt: "Trong vực thẳm những đau khổ của tôi,.. . tôi không bao giờ ngừng yêu mến tất cả mọi người, tôi không hề loại trừ một ai khỏi tâm hồn tôi". Bí quyết của Đức Hồng Y là lòng tín thác kiên cường nơi Thiên Chúa, được nuôi dưỡng bằng kinh nghiệm và đau khổ được Đức Hồng Y chấp nhận với lòng yêu mến. Trong tù, mỗi ngày Đức Hồng Y đã cử hành Thánh Lễ với ba giọt rượu và một giọt nước trên lòng bàn tay. Đó là bàn thờ của Người, là Nhà thờ chính tòa của Người, Mình Thánh Chúa Kitô là ‘thuốc’ của Người, Đức Hồng Y cảm động kể lại: ‘Mỗi lần như thế tôi được dịp giang tay ra và chịu đóng đinh bản thân trên Thánh giá với Chúa Giêsu, được sống chén đắng với Chúa. Mỗi ngày khi đọc lời truyền phép, tôi hết lòng củng cố một giao ước mới, giao ước đời đời giữa tôi và Chúa Giêsu, nhờ máu của Chúa hòa lẫn với máu của tôi’.

Trung thành cho tới chết, Ngài giữ được sự bình thản và niềm vui cả trong lúc nằm lâu và phải đau đớn trong bệnh viện và, trong những ngày cuối, khi không còn nói được nữa, Ngài nhìn chăm chú vào ảnh Thánh giá, Ngài cầu nguyện trong thinh lặng, khi hy lễ tối cao của Ngài tới tuyệt đỉnh, hoàn thành cách vinh quang một cuộc đời đánh dấu bằng sự đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô trên Thánh giá.

Trong chúc thư tinh thần, sau khi xin lỗi, Đức Hồng Y cam đoan tiếp tục yêu mến tất cả mọi người. Đức Hồng Y quả quyết: ‘Tôi thanh thản ra đi, và tôi không giữ lòng oán hận nào đối với ai. Tôi dâng tất cả những đau khổ tôi đã trải qua cho Đức Mẹ Vô Nhiễm và Thánh Giuse’. Chúc thư tinh thần kết thúc với ba lời nhắn nhủ: "Hãy yêu mến Đức Mẹ, hãy tín thác nơi Thánh Giuse, hãy trung thành với Giáo hội, hãy đoàn kết và yêu thương tất cả mọi người". Đây chính là tổng hợp trọn cuộc sống của Đức Hồng Y.”

và Đức Thánh Cha đã kết luận:

“Giờ đây, ước gì cùng với Thánh Giuse và Mẹ Maria, Đức Hồng Y được đón nhận vào trong niềm vui của Thiên Đàng, chiêm ngắm Tôn Nhan rạng ngời của Chúa Kitô, Đấng trên trần thế đã nhiệt thành tìm kiếm như niềm Hy vọng duy nhất của mình. Amen!”
Năm năm sau ngày Người về Nhà Cha, Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình đã tổ chức Thánh Lễ đồng tế do Đức Hồng Y Renato Raffael Martino, đương kim Chủ tịch và là người kế vị Đức Hồng Y Phanxicô Xavie, đã chủ sự lúc 11 giờ ngày chúa nhật 16.09.2007 tại Nhà thờ Đức Mẹ Cầu Thang (Santa Maria della Scala, nhà thờ dành cho Đức Hồng Y Thuận tại Rôma), để tưởng nhớ một chứng nhân hòa bình và hy vọng, đã chịu giam cầm 13 năm tại quê hương Người.

Tham gia sáng kiến mở án phong Chân Phước cho Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận, ngoài Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình còn có Quỹ Thánh Mathêu tưởng niệm Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận, Hội Quan sát Quốc tế Văn Thuận về Đạo lý xã hội Công Giáo, thân nhân và bạn hữu của Đức Cố Hồng Y, cũng như cộng đoàn Việt Nam ở Roma.

Đức Hồng Y Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình đã mời bà luật sư Silvia Monica Correale làm thỉnh nguyện viên Án phong Chân phước cho Đức Cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận.

Nhân dịp này, một buổi triều yết đãõ diễn ra ngày thứ hai 17.09.2007 tại Dinh thự Giáo Hoàng ở Castel Gandolfo. Trong diễn văn, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã nói:

“Tôi vui mừng, nhân cơ hội này để, một lần nữa, nêu lên chứng tá Đức Tin sáng ngời mà vị Mục Tử anh dũng này đã để lại cho chúng ta. Giám Mục Phanxicô Xavie đã được vị tiền nhiệm Gioan Phaolô 2 đáng kính của tôi bổ nhiệm làm Chủ Tịch Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa Bình. Nguời đã hoàn thành ‘Toát Yếu Giáo Huấn xã hội của Hội Thánh’. Làm sao quên được những nét nổi bật về sự đơn sơ và thân thiện ngay của Người?

Chúng ta tưởng nhớ Ngài với sự thán phục lớn lao, trong khi chúng ta nghĩ lại trong tâm trí chúng ta những dự phóng lớn lao và tràn đầy Hy vọng, đã làm cho Ngài luôn sống động và Ngài tìm cách thế để dễ dàng loan truyền ra và thuyết phục nhiều người; sự dấn thân đầy nhiệt huyết của Ngài để quảng bá học thuyết xã hội của Hội Thánh giữa những người nghèo trên thế giới, và lòng hăng say truyền bá Phúc âm trong lục đia Á Châu của Ngài, khả năng Ngài điều hợp các hoạt động bác ái và thăng tiến con người mà Ngài làm tăng thêm và nâng đỡ tại những nơi nặng nề nhất trên thế giới.

Đức Hồng Y Văn Thuận là một con người của Hy Vọng, Ngài sống bằng Hy Vọng, Ngài phổ biến Hy Vọng cho tất cả những ai Ngài gặp. Chính nhờ năng lực thiêng liêng này mà Ngài đã chống lại được tất cả những khó khăn thể lý và luân lý. Hy Vọng đã nâng đỡ Ngài khi là Giám mục bị cô lập trong vòng 13 năm trời, xa cách khỏi cộng đoàn giáo phận của Ngài;

Hy Vọng giúp đỡ Ngài biết nhìn ra qua cái vô lý của các biến cố xẩy đến cho Ngài - không bao giờ được xét xử trong những năm tù ngục - một kế đồ của sự quan phòng của Thiên Chúa.

Tin về bệnh ung thư Ngài, căn bệnh đưa Ngài tới cái chết, tin này đã đến với Ngài cùng lúc với việc Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đặt Ngài làm Hồng Y, vị Giáo Hoàng này tỏ ra với Đức Hồng Y một sự trân trọng và tình cảm thật lớn lao.

Đức Hồng Y Văn Thuận thường nhắc lại rằng Kitô hữu là một con người của từng giờ, của lúc này, của giây phút hiện tại, cần được đón nhận và sống với tình yêu Chúa Kitô. Trong khả năng sống giây phút hiên tại này chiếu tỏa ra cái sâu thẳm của việc từ bỏ trong bàn tay Thiên Chúa và tính đơn sơ như trong Phúc âm dạy mà chúng ta tất cả đều kính phục Ngài. Và làm sao có thể xấy ra điều này - người ta tự hỏi - một người đặt tin tưởng vào Chúa Cha trên trời mà lại từ chối để mình được ôm ấp vào cánh tay của Chúa Cha sao? Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận là một người hy vọng, đã sống hy vọng và phổ biến hy vọng nơi tất cả những người Người gặp. Chính nhờ năng lực tinh thần ấy, Đức Hồng Y đã chống lại tất cả những khó khăn về thể lý và tinh thần. Niềm hy vọng ấy đã nâng đỡ Người như một Giám Mục bị cô lập trong 13 năm trời xa cách cộng đoàn giáo phận của Người; niềm hy vọng đã giúp Người nhận thấy, trong sự vô lý của các biến cố xảy ra cho Người, một kế hoạch của Chúa Quan Phòng - Đức Hồng Y không hề được xét xử trong thời gian lâu dài bị giam cầm.”

Và Đức Thánh Cha kết luận rằng:

“Anh chị em thân mến, tôi vui mừng sâu xa đón nhận tin về việc khởi sự án phong chân phước cho vị Ngôn Sứ đặc biệt này của niềm hy vọng Kitô, và trong khi chúng ta phó thác cho Chúa linh hồn ưu tuyển của Người, chúng ta hãy cầu nguyện để tấm gương của Đức Cố HY là giáo huấn hữu hiệu cho chúng ta. Với lời cầu chúc đó, tôi thành tâm ban phép lành cho tất cả anh chị em.”

Đức Hồng Y không những là một tấm gương sáng ngời về đời sống Kitô hữu mà còn là một công dân yêu nồng nàn Tổ Quốc Việt-Nam. Người đã viết bài ca sau:

Con có một Tổ Quốc.
Tiếng chuông não nùng, Việt Nam nguyện cầu.
Tiếng chuông ngân trầm, Việt Nam buồn thảm.
Tiếng chuông vang lừng, Việt Nam khởi hoàn.
Tiếng chuông thanh thót, Việt Nam hy vọng.
Con có một tổ quốc: Việt Nam,
Quê hương yêu quí ngàn đời,
Con hãnh diện, con vui sướng.
Con yêu non sông gấm vóc,
Con yêu lịch sử vẻ vang,
Con yêu đồng bào cần mẫn,
Con yêu chiến sĩ hào hùng.
Sông cuồn cuộn máu chảy cuộn hơn.
Núi cao cao, xương chất cao hơn.
Đất tuy hẹp nhưng chí lớn.
Nước tuy nhỏ, nhưng danh vang.
Con phục vụ hết tâm hồn,
Con trung thành hết nhiệt huyết,
Con bảo vệ bằng xương máu,
Con xây dựng bằng tim óc.
Vui niềm vui của đồng bào,
Buồn nỗi buồn của dân tộc.
Một nước Việt Nam,
Một dân tộc Việt Nam,
Một tâm hồn Việt Nam,
Một văn hoá Việt Nam,
Một truyền thống Việt Nam,
Là người Công giáo Việt Nam
Con phải yêu tổ quốc gấp bội.
Chúa dạy con, Hội thánh bảo con,
Cha mong dòng máu ái quốc,
Sôi trào trong huyết quản con.

Là Người Việt-Nam Công giáo, với lòng yêu thương Quê Huơng và Giáo Hội Công giáo Việt-Nam, noi gương Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê NGUYỄN VĂN THUẬN, vị Mục Tử người Việt viết Học thuyết Xã hội Giáo Hội Công Giáo, chúng tôi ước mong được viết tiếp về những chủ đề nầy.