Gùi chữ đường xa!



Cứ mỗi tuần ít là một lần tôi về thị trấn Ninh Sơn để mua sắm những vật dụng cần thiết, vì nơi tôi đang phục vụ thuộc vùng sâu vùng xa thiếu thốn đủ điều… Vào một buổi chiều tôi đang vội vả trên đường về thì xe lại phải dừng bánh trước tín hiệu đèn đỏ giao thông, bổng phía đàng sau tôi vang lên tiếng gọi của một cung giọng và ngôn ngữ Kinh - K’hor quen thuộc :

-Báp ơi ! Báp ! Báp cho con về buôn làng mình với.

Ngoái lại, tôi nhận ra vóc dáng quen thuộc của một phụ nữ dân tộc đang hối hả chạy về phía tôi với một nụ cười rạng rở. Tôi ngạc nhiên :

- Ủa ! Ka Pháy xuống thị trấn làm gì mà bây giờ còn ở đây ?

- Ồ ! Niêm xa Báp ( Chào cha ) Con gùi chuối, thơm và đu đủ… về thị trấn bán để mua sắm lương thực và sách vở cho mấy đứa con đi tìm cái chữ vì năm học sắp đến rồi cha ạ …

- Chà ! giỏi quá, lên xe… nhanh, trời tối rồi đây nè.

Tôi cho xe chạy vừa phải để có dịp tìm hiểu sâu hơn về cuộc sống của những người anh em dân tộc nghèo khổ mà tôi đang có trách nhiệm chia sẻ.

- Ka Pháy xuống đây bằng phương tiện gì ?

- Con gùi chuối, đu đủ, thơm… từ trong núi ra đến đường cái rối đón xe đò xuống thị trấn.

- Thế xuống đây mấy lần rồi và bán có được nhiều tiền hơn trên buôn làng mình không ?

- Dạ con xuống đây đã 3 lần rồi. Chuối, đu đủ, thơm, mít … ở đây bán được giá hơn nhưng cũng vất vả lắm, cực khổ lắm…

- Vậy ngày hôm nay bán tất cả được bao nhiêu ?

- Dạ ngày nay con bán 4 quày chuối được 90.000$, 10 trái thơm được 20.000$, 03 trái mít được 20.000$. Tổng cộng là 130.000 đồng

- Thế là có tiền để cho mấy đứa con đi tìm cái chữ rồi !?

- Dạ, cũng có tiền để mua sắm đôi chút nhưng không đủ vào đâu cả cha ạ. Chuối, đu dủ, thơm, mít… không phải lúc nào cũng có sẵn trên rẫy để cho mình bán, rồi còn phải đi gùi trên núi xuống mất một ngày, về thị trấn bán mất một ngày mà được chỉ có 130.000$, trong khi đó tiền xe đò đã hết 30.000$ còn lại 100.000$ mà phải lo cái ăn, cái mặc, cái bệnh, cái chữ cho cả nhà… Mà một tháng may mắn lắm thì con đi bán được 3-4 lần, còn như những lúc trời nắng hạn chẳng có gì bán thì chúng con đi thu gom phân bò bỏ vào bao tải, hoặc đi gùi củi chất thành từng đống rồi thỉnh thoảng có nguời dưới thị trấn lên mua hoặc đổi gạo, muối, mì tôm…nếu không thì chúng con cũng đành phải ăn cháo măng, cháo bắp thôi …

- Nhà Ka Pháy có bao nhiêu người ?

- Dạ chồng con chết sớm vì sốt rét, để lại cho con 1 trai, 2 gái và cha mẹ đẻ của con. Trong nhà 6 người mà con là lao động chính, cha mẹ thì già, 3 đứa con còn đi học, nhưng năm nay đứa trai đầu lên cấp III, phải về dưới thị trấn xa 17- 18 cây số mới gùi được cái chữ mà con thì không có tiền cho nó đi xe đò hằng ngày, nếu nó đi xe đạp thì không còn đủ sức cho cái chữ vào trong đầu nó, còn ở trọ thì khó lắm vì chúng con là phận người dân tộc… Vả lại tiền ăn, tiền nhà một tháng 4, 5 trăm ngàn chưa kể tiền áo quần, sách vở, học phí, tiền sinh hoạt đội đoàn… Con bán hết cả rẫy chuối cũng chỉ đủ cho nó ăn học vài tháng mà cả nhà phải đói cái bụng tội nghiệp lắm !... nên con đành phải cho nó nghỉ học thôi cha ạ !

Tôi mãi mê lắng nghe tâm sự đơn thành của Ka Pháy mà xe đã đến điểm dừng chân quen thuộc là chiếc cầu treo đầu buôn làng Tầm Ngân lúc nào chẳng hay, nên khách quá giang phải lên tiếng:

- Báp cho con xuống đây cũng được, trời tối rồi, giờ này đông người qua cầu treo nguy hiểm lắm.

Tôi trấn an : “Không can chi đâu” để có dịp đưa khách về đến nhà hầu mục kích được cảnh mẹ đi chợ huyện về và chứng kiến được cuộc sống của anh chị em mình thực tế hơn.

Xe vừa dừng trước một ngôi nhà mái tôn han gỉ, vách tre tiêu điều thì cả nhà hầu như chờ đợi đã lâu, nên đều ùa ra vừa cười vui vẻ vừa ngạc nhiên :

- A ! Mẹ đi chợ về … Ồ ! Con chào Báp! Con chào Báp.

Ka Pháy để gùi xuống và nhẹ nhàng kéo lên cách cẩn thận từng món hàng : Quà cho cả nhà đó là mỗi người một ổ bánh mì còn thơm mùi mỡ, một chồng bánh tráng, một ký bún tươi kèm theo một gói mắm nêm ngào ngạt mùi vị quê hương, mọi người đều vui cười thoả dạ, riêng Ha Xáy, đứa con trai đầu của Ka Pháy có vẻ không vui vì hình như còn thiếu một món quà gì riêng cho nó, nên Ha Xáy đến bên mẹ thì thầm như nhắc nhở … Thế rồi Ka Pháy nhỏ nhẹ khuyên con :

- Năm nay con lên cấp III, phải đi học trường huyện xa lắm, mẹ không đủ sức, đủ tiền, con chịu khó ở nhà lên rẩy lên nương trồng bắp, gùi chuối, gùi than giúp mẹ, con ở nhà nhường xe đạp lại thì 2 em con mới đi học trường cấp II ở ngoài xã được… Buôn làng mình có ai đủ sức về học trường huyện đâu… con thương mẹ…

Bổng Ka Pháy ngồi phệt xuống đất gục đầu vào chiếc gùi dấu những dòng nước mắt mà đôi vai gầy guộc vẫn rung lên nhè nhẹ kín đáo biểu lộ một cảm xúc “ lực bất tòng tâm” vì thương con, vì nỗi lo cho con đi tìm cái chữ quá nghiệt ngả… Ha Xáy như hiểu được nỗi lòng của mẹ cũng nấc lên nghẹn ngào rồi lủi thủi đi về phía chuồng bò như tìm bạn đồng hành cho một tương lai thơ ấu vội tàn… Còn hai bé gái thì vui cười hồn nhiên vừa ngấu nghiến ổ bánh mì vừa khoe với mẹ :

Ngày hôm nay hai đứa con gùi được hai gùi củi, mai mốt bán được tiền mẹ nhớ mua áo quần, sách vở và cặp học sinh cho chúng con đi gùi cái chữ mẹ nhé !

Tôi đang tựa lưng vào chuồng bò an ủi Ha Xáy thì Ka Pháy đứng lên vừa gật đầu với 2 đứa con gái vừa kéo vạt áo chùi nước mắt vừa kín đáo liếc nhìn tôi nhắc khéo :

- Báp chưa về à !? Trời tối rồi, đường xa vắng vẻ và nhất là qua cầu treo nguy hiểm lắm đó, báp cẩn thận, vừa rồi có 3 người té xuống cầu, may mà không ai chết nhưng bị thương nặng lắm đó báp ạ…

Tôi chần chừ chia tay Ha Xáy đang lúc em cố dấu nỗi thất vọng bằng một cử chỉ thân thiện là xoa xoa nhè nhẹ đầu con bò đang vểnh mặt ngơ ngác nhìn em như cảm thông với nỗi buồn mất cái chữ với chủ… Còn Ka Pháy thì chờ đón tôi ra đến cổng thầm thì năn nỉ :

- Báp giúp con khuyên thằng Xáy nghỉ học để nó lên nương lên rẩy gùi chuối, gùi than, gùi củi giúp con để cho 2 em gái nó đi tìm cái chữ ở trường cấp II ngoài xã xa cũng 4 - 5 cây số tốn kém lắm rồi báp ạ … Con trai con gái trong buôn làng này độ tuổi của Ha Xáy đều phải ở nhà vì đi gùi chữ xa quá cha ơi ! Còn sức khoẻ con thì yếu lắm, sốt rét hoài thôi, rồi thêm ho nữa, nhiều khi rát cái cổ, đau cái ngực… con sợ bị lao phổi rồi chết sớm không ai lo cho… Ka Pháy thút thít rấm rứt chào tôi rồi lủi thủi vào nhà khi màn đêm dần dần phủ kín buôn làng khiến cho tâm tưởng tôi cũng chùng xuống nặng nề không tìm ra được một lời an ủi nào làm cho Ka Pháy vơi nhẹ nổi lo cho con đi tìm cái chữ quá xa vời, nghiệt ngả…

Tôi ra về mà lòng nặng trĩu nỗi buồn mất cái chữ của Ha Xáy, tâm trí tôi bâng khâng với những ước mơ đơn sơ của 2 bé gái, cảm xúc nỗi đau “ lực bất tòng tâm” của Ka Pháy đay nghiến lòng dạ tôi khiến quảng đường về nhà xứ vốn gần nay trở nên gập ghềnh xa vời vợi chẳng khác gì hành trình gian lao “Gùi chữ đường xa” của phận người vùng sâu vùng cao Tầm Ngân…

LM Hải, Quản xứ Sông Pha, hạt Ninh Thuận, Nha Trang, Email : lmahai@pmail.vnn.vn