Các cộng đoàn Giáo Hội và các cơ quan Nhà Nước: các mối quan hệ phải được sống trong sự thật và trong tình bác ái.

7. Một sự phân tích thận trọng tình huống đau thương của những phân hóa trầm trọng nêu trên (xem số 6), liên quan đến các tín hữu và các vị Mục Tử của họ, cho thấy rõ là trong số các nguyên nhân đa dạng, các cơ cấu được áp đặt như là các nhân tố chính quyết định đời sống người Công Giáo đã đóng một vai trò đáng kể. Thực chất là mãi đến ngày nay, việc được các cơ cấu này nhìn nhận vẫn còn là một tiêu chuẩn để ban cấp tư cách pháp nhân cho một cộng đoàn, một cá nhân, một nơi phụng tự, và qua đó được kể là “chính thức”. Tất cả điều này đã gây ra chia rẽ trong hàng giáo sĩ và trong hàng ngũ giáo dân. Đó là một tình trạng phụ thuộc chủ yếu vào các yếu tố bên ngoài Giáo Hội, nhưng đã và đang điều kiện hóa cách nghiêm trọng sự phát triển của Giáo Hội, cũng như tạo ra những ngờ vực, những lời tố cáo và trả đũa lẫn nhau, và nó tiếp tục là một điểm yếu đáng quan ngại của Giáo Hội.

Liên quan đến vấn đề tế nhị trong các quan hệ cần phải duy trì với các cơ quan Nhà Nước, một soi sáng cụ thể có thể tìm thấy trong lời mời gọi của Công Đồng Vatican II là noi theo huấn lệnh và phương thức hành động (modus operandi) của Chúa Giêsu Kitô. Thật vậy, Ngài “không mong trở thành một Đấng Mêsia chính trị cai trị bằng sức mạnh 25 nhưng muốn xưng mình là Con Người, Đấng đã đến để phục vụ và ‘để trao ban mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho muôn người’ (Mc 10:45). Ngài đã tỏ mình ra như là một Tôi Tớ tuyệt hảo của Thiên Chúa, 26 Đấng ‘không bẻ gẫy cây sậy dập nát, hay thổi tắt tim đèn leo lét’ (Mt 12:20) . Ngài nhìn nhận thẩm quyền dân sự và quyền bính của nó khi Ngài bảo phải trả lại những gì thuộc về Caesar, nhưng Ngài cũng đưa ra một lời cảnh cáo rõ ràng rằng quyền bính còn cao trọng hơn thế nữa của Thiên Chúa phải được tôn trọng: ‘Hãy trả cho Caesar những gì thuộc về Caesar, và trả cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa (Mt 22:21) . Sau cùng, Ngài đã đưa mạc khải về mình đến độ viên mãn khi hoàn thành công cuộc cứu chuộc trên Thánh Giá, và qua đó đạt đến ơn cứu độ và sự tự do thật sự cho toàn thể nhân loại. Ngài mang chứng tá sự thật 27 nhưng từ chối việc sử dụng bạo lực hầu áp đặt sự thật này lên những ai chống đối lại. Vương Quốc của Ngài không được thiết lập bằng bạo lực, 28 nhưng bằng việc làm chứng và lắng nghe sự thật, và Vương Quốc đó lớn mạnh bởi tình yêu qua đó Chúa Kitô khi bị treo trên Thánh Giá, đã kéo tất cả mọi người lại với Người (Ga 12:32)”. 29

Sự thật và tình bác ái là hai cột trụ nâng đỡ đời sống của cộng đoàn Kitô Giáo. Vì thế Tôi đã nhận định rằng “Giáo Hội của yêu thương cũng là Giáo Hội của sự thật, được hiểu chủ yếu như là sự trung tín với Tin Mừng mà Chúa Giêsu đã ủy thác cho các môn đệ của Ngài … Tuy nhiên, nếu muốn gia đình con cái Chúa được sống trong hiệp nhất và bình an, thì điều cần thiết là phải có một ai đó gìn giữ gia đình này trong sự thật và hướng dẫn nó trong khôn ngoan và với thẩm quyền phân định: đây chính là điều cần đến sứ vụ của các Thánh Tông Đồ. Từ đó, chúng ta đi đến một điểm quan trọng, đó là Giáo Hội hoàn toàn bởi Thần Khí, nhưng lại có một cấu trúc, là sự kế thừa tông truyền, với trách nhiệm bảo đảm rằng Giáo Hội tồn tại trong sự thật, được mạc khải bởi Chúa Kitô, Đấng mà từ đó khả năng yêu thương cũng được bắt nguồn… Vì thế, các Thánh Tông Đồ và những vị kế thừa các ngài, vừa là những người canh giữ, những chứng nhân thẩm quyền của kho tàng đức tin được trao phó cho Giáo Hội, vừa là những thừa tác viên của tình bác ái. Đây chính là hai khía cạnh đi đôi với nhau … Sự thật và tình yêu thương là hai mặt của cùng một hồng ân đến từ Thiên Chúa, và nhờ sứ vụ tông đồ, hồng ân này được bảo vệ trong Giáo Hội và được lưu truyền cho chúng ta, cho thời đại của chúng ta!” 30

Chính vì thế, Công Đồng Vatican II nhấn mạnh rằng “những ai suy nghĩ và hành động khác biệt với chúng ta trong các vấn đề xã hội, chính trị và tôn giáo cũng có quyền đòi hỏi nơi chúng ta sự tôn trọng và tình bác ái. Thực tế, càng bặt thiệp và yêu thương, chúng ta càng hiểu sâu cách thế suy tư của họ, và càng dễ dàng bước vào cuộc đối thoại với họ.” Thế nhưng, Công Đồng Vatican II cũng đồng thời nhắc chúng ta rằng “tình yêu và sự bặt thiệp kiểu này, dĩ nhiên, không được làm chúng ta thờ ơ với chân lý và sự thiện”. 31

So với “chương trình nguyên thủy của Chúa Giêsu”, 32 rõ ràng rằng đòi hỏi của một số cơ cấu, được Nhà Nước hỗ trợ và hoàn toàn xa lạ với cấu trúc của Giáo Hội, muốn đặt mình trên các Giám Mục để lèo lái đời sống của cộng đoàn Giáo Hội, là không phù hợp với tín lý Công Giáo, theo đó, Giáo Hội là “tông truyền” như Công Đồng Vatican II đã nhấn mạnh. Giáo Hội là tông truyền “ngay từ nguồn gốc của mình bởi vì Giáo Hội được xây dựng trên ‘nền tảng của các Thánh Tông Đồ’ (Ep 2:20). Giáo Hội là tông truyền trong một giáo huấn giống y như giáo huấn của các Thánh Tông Đồ. Giáo Hội là tông truyền vì cấu trúc của Giáo Hội đến nay vẫn giống như cấu trúc đã được dạy bảo, được thánh hóa và được hướng dẫn cho đến khi Chúa lại đến bởi các Thánh Tông Đồ, thông qua những người thừa kế của các vị là các Giám Mục trong tình hiệp thông với Đấng Kế Vị Thánh Phêrô”.33 Thành thử, trong mỗi Giáo Hội địa phương, “chính là nhân danh Chúa mà vị Giám Mục giáo phận [và chỉ có ngài] mới có quyền dẫn dắt đàn chiên được ủy thác cho mình, và ngài thực thi điều đó như người Mục Tử chính đáng, bản quyền và trực tiếp”34; hơn nữa ở cấp quốc gia, chỉ có Hội Đồng Giám Mục hợp luật mới có thể ban hành những hướng dẫn mục vụ có giá trị cho toàn thể cộng đoàn Công Giáo ở nước sở tại. 35

Cũng thế, mục đích đã được tuyên bố của các cơ cấu đề cập trên đây là nhằm thực hiện “những nguyên tắc của độc lập và tự chủ, tự quản và quản lý dân chủ Giáo Hội” 36 là không phù hợp với tín lý Công Giáo, như ngay từ thời Kinh Tin Kính xa xưa đã tuyên xưng Giáo Hội là “duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền.”

Trong ánh sáng của những nguyên tắc được đề ra ở đây, các Mục Tử và anh chị em tín hữu cần nhớ lại rằng việc rao giảng Phúc Âm, giảng dạy giáo lý và hoạt động từ thiện, việc phụng tự, cũng như tất cả các quyết định mục vụ khác, thuộc về thẩm quyền duy nhất của các Giám Mục cùng với các linh mục trong chuỗi liên tục của đức tin được truyền lại từ các Thánh Tông Đồ trong Thánh Kinh và Thánh Truyền, và do đó, không thể nào có thể bị chi phối từ bên ngoài.

Trong hoàn cảnh khó khăn này, không ít thành viên trong cộng đoàn Công Giáo đang thắc mắc là liệu việc được chính quyền dân sự nhìn nhận - để có thể hoạt động công khai – có phương hại cách nào đó đến tình hiệp thông với Giáo Hội Hoàn Vũ hay không. Tôi ý thức đầy đủ rằng vấn nạn này gây ra bất an đau đớn trong con tim các Mục Tử và anh chị em giáo dân. Về điểm này, trước tiên, Tôi muốn khẳng định rằng việc kiên quyết và can đảm gìn giữ kho tàng đức tin, sự hiệp thông bí tích và phẩm trật tự bản chất của nó không đối nghịch với việc đối thoại với các cơ quan thẩm quyền về những khía cạnh thuộc lãnh vực dân sự trong đời sống của cộng đoàn. Việc chấp nhận sự công nhận của chính quyền dân sự không gây ra khó khăn cụ thể nào miễn là điều đó không gắn với việc phải phủ nhận những nguyên tắc không thể đảo ngược được của đức tin hay tình hiệp thông Giáo Hội. Tuy nhiên, cũng có không ít trường hợp cụ thể, thực ra là trong hầu hết các trường hợp, trong tiến trình công nhận, sự can thiệp của các cơ cấu nhất định đã buộc những người liên quan phải chấp nhận một thái độ, phải làm những cử chỉ và phải cam kết những điều đi ngược lại tiếng nói lương tâm Công Giáo của họ. Do đó, Tôi hiểu rằng trong những điều kiện và hoàn cảnh đa dạng như vậy, thật khó có thể xác định đâu là lựa chọn đúng đắn. Vì thế, Tòa Thánh sau khi minh định lại các nguyên tắc, sẽ dành quyền quyết định cho cá nhân vị Giám Mục, là người sau khi tham khảo linh mục đoàn, có thể hiểu rõ hơn về hoàn cảnh địa phương, sẽ cân nhắc mọi khả năng chọn lựa cụ thể, và đánh giá các hệ quả có thể xảy ra đối với nội bộ của cộng đoàn giáo phận. Có thể xảy ra là quyết định chung cuộc không nhận được sự đồng thuận của tất cả các linh mục và giáo dân. Tuy nhiên, Tôi bày tỏ niềm hy vọng rằng quyết định đó sẽ được chấp nhận, dù là đau đớn; và hy vọng rằng sự hiệp nhất của cộng đoàn giáo phận với vị Mục Tử của mình sẽ được duy trì.

Cuối cùng, thật là tốt đẹp nếu như các Giám Mục và các linh mục, với tấm lòng mục tử đích thực, biết đảm nhận lấy mọi bước có thể để tránh gây ra những tình huống tai tiếng, đánh mất đi các cơ hội hình thành lương tâm của giáo dân, đặc biệt là nơi những người yếu đuối nhất: tất cả những điều này cần được thể hiện trong tình hiệp thông và hiểu biết huynh đệ, tránh việc xét đoán và tố cáo lẫn nhau. Cũng trong trường hợp này, cần phải nhớ, đặc biệt là trong hoàn cảnh không có tự do, để có thể đánh giá được tính chất luân lý của một hành vi, thì điều cần thiết là phải dành sự chú ý đặc biệt để hiểu được những ý muốn thật sự của người trong cuộc, bên cạnh những thiếu sót khách quan. Mỗi trường hợp cần phải được cân nhắc riêng lẽ, tính đến các hoàn cảnh cụ thể.