Chuyện phiếm Canada: ĐẤT LÀNH CHIM ĐẬU
Phòng ngủ và phòng ăn nhà tôi quay về hướng đông nơi có miếng vườn nhỏ nối liền với đồi thông và đồi phong thành phố. Mỗi sáng thức dậy, tôi được chiêm ngưỡng cảnh mặt trời mọc, thơ mộng vô cùng. Đây là lúc tôi cảm tạ Thượng Đế đang cho tôi một ngày mới. Niềm hạnh phúc của tôi được tăng lên nữa khi vừa nhâm nhi cà phê nóng buổi sáng vừa ngắm bụi hoa ngoài vườn. Tháng này là tháng hoa muguet trổ bông.
Nhà các cụ có trồng muguet không ? Tôi không biết tên VN vì hình như VN không có hoa này. Lá nó nhỏ và xanh như lá giong. Hoa này dễ trồng lắm. Nếu chưa thì các cụ trồng ngay đi. Đây là loại lưu niên, mỗi năm vừa hết mùa tuyết là nó chỗi dậy ngay. Đầu tháng Sáu muguet nở rộ, những bông hoa nhỏ xíu, hình cái chuông, trông đẹp hết sức. Hoa tỏa hương thơm rất nhẹ nhàng. Nghe nói người Pháp mê muguet lắm vì nó được coi là ‘hoa tình yêu’.
Ngoài hoa muguet, thửa vườn bé nhỏ này còn nhiều thứ lắm. Tôi có núi non bộ, có dòng suối róc rách. À, lại còn bày chim nữa. Tuyệt vời lắm các cụ ơi. Từ ngày nghe lời ông ODP mua thức ăn cho chim rồi để dưới vòm cây, tôi được nhìn ngắm những tuyệt phẩm của Thượng Đế. Tôi đã quan sát và thấy những cặp chim hôn nhau, mớm thức ăn cho nhau, chải lông cho nhau. Tôi đã được ngắm những chim mẹ dạy chim con bay, và dạy con hót. Những bầy sẻ sau khi ăn no thì ríu rít rủ nhau đi tắm. Rõ ràng chúng sắp hàng rồi lần lượt từng con xuống suối nước gội đầu. Chim sẻ thì nhảy, khác hẳn chim cu đất. Chim cu thì đi, những bước chân rất thong thả nhàn nhã. Bầy chim nói chuyện với nhau. Nghe tiếng ríu rít nhỏ nhẹ dễ thương làm sao ! Chim cu đất bao giờ cũng có đôi, vợ chồng chim cu yêu nhau và ở với nhau trọn đời. Lại còn mấy con Cardinal cổ đỏ xinh đẹp nữa. Tôi thấy chỉ có con cardinal trống mới đẹp, các cụ a. Con mái không đẹp bao nhiêu so với con trống. Tôi còn thấy chim Blue Jays đến vườn nữa ! Con chim màu xanh cổ trắng này rất đặc biệt. Khi muốn đuổi chim khác thì hình như nó nhái giọng diều hâu, nghe dữ lắm. Thế nhưng khi nó nói chuyện với vợ hay tán tỉnh bạn gái thì tiếng nó êm ái dễ thương lạ thường.
Tôi đem chuyện được ngắm nhìn nhiều loài chim trong vườn kể cho ông ODP. Ông nghe xong liền khen tôi ngay : Thế là đất nhà bạn có vượng khí, đó là đất lành chim đậu. Chim bao giờ cũng chọn đất tốt, đất lành, đất bằng an để sinh sống.
Tôi đem chuyện con Blue Jays nhái giọng con diều hâu ra hỏi ông ODP thì bồ chữ thông thái này đã làm tôi ngạc nhiên vô cùng. Ông cho biết chim nhái giọng là điều có thực. Nhiều con chim biết nhái giọng không những chim khác, mà còn nhái giọng nhiều thứ khác. Chúng nhái giống như thật. Chẳng hạn con mocking bird nhái được 120 giọng khác nhau. Chúng nhái được giọng con cú, con quạ, con cọp, cả tiếng máy cưa, cả tiếng xe vận tải, những thứ mà chúng nghe thấy trong rừng. Chúng nhái giọng hoặc để giải trí, hoặc để trêu cợt, hoặc để xua đuổi các chim khác. Lần đầu tiên trong đời tôi biết việc này. Chim nhái giọng, lạ quá chứ. Xưa nay tôi cứ nghĩ chỉ có loài người mới biết nhái giọng, nay thì biết thêm loài chim cũng có khả năng ấy và còn nhái giỏi hơn loài người.
Đó, tôi vừa trình các cụ sơ sơ những hạnh phúc đầu ngày của tôi.
Tuần qua, sự hạnh phúc của tôi còn được tăng lên nữa nhờ buổi lễ Hiền Phụ. Lễ này Canada mừng trọng thể lắm. Chị Ba Biên Hoà là trưởng ban tổ chức. Các bà khác làm phụ tá.
Trái với truyền thống làng xưa nay là ăn trước, diễn văn sau. Năm nay phe các bà làm cách mạng, diễn văn chúc mừng trước, ăn tiệc sau. Phe liền ông chúng tôi không ai dám ho he gì cả. Họ là chủ tiệc, họ có quyền mà.
Và Chị Ba đã thay mặt phe các bà chúc tụng các ông. Chị Ba ngày xưa là cô giáo nên bài diễn văn theo đúng sách vở giáo khoa. Phần mở đầu thì nói nguồn gốc lễ Hiền Phụ. Rằng lễ này bắt nguồn từ bà Sonora Dodd bên Mỹ. Bà thấy cha mình còn trẻ mà ở góa nuôi một đàn con 6 đứa. Ông làm lụng vất vả để các con nên người. Mỗi lần nghĩ tới cha là mỗi lần bà cảm động. Nhân ngày lễ tôn vinh các bà mẹ, Sonora liền vận động lập ngày tôn vinh các người cha. Vì thân phụ sinh vào tháng Sáu nên bà đã vận động các nhà thờ mừng lễ các người Cha vào tháng Sáu. Rồi từ nhà thờ, lễ này lan ra khắp nơi. Ở VN quê mình thì không có ngày lễ Hiền phụ, nhưng ca dao tục ngữ nói về công ơn cha rất sâu sắc :
- Công Cha như núi Thái sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
- Còn cha gót đỏ như son
Cha chết thì gót mẹ con thâm xì
- Con không cha như nhà không nóc
Chị Ba xa quê đã lâu mà vẫn còn nhớ những câu ca dao tục ngữ như trên, phục chị quá! Mà sự bái phục của tôi chưa hết ở đây. Chị còn đi vào ý nghĩa làm cha. Cha sinh mẹ dưỡng. Cha chính là người cho con sự sống, mẹ là người nuôi dưỡng cái bào thai và mang con vào đời. Chị còn luận về danh hiệu người Cha nữa. Người cha VN không chỉ ở trong phạm vi gia đình, hình ảnh người cha còn lan rộng trong xã hội. Con cái lớn lên cắp sách đến trường thường coi thày giáo như Cha. Vua coi dân như con đẻ, vua là cha thần dân...
Không ngờ Chi Ba Biên Hoà sâu sắc đến thế. Cả làng nghe xong liền vỗ tay râm ran. Chị Ba thấy ai cũng thích bài diễn văn thì sung sướng qúa. Mặt lại đỏ au lên. Cô Cao Xuân, tân hội viên của làng, xin tiếp sức Chị Ba. Cô phát biểu : Sách vở trên văn đàn thế giới viết về người cha rất nhiều, hôm nay cô chỉ xin nói về một tác giả mà cô đang mê say. Đó là nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ, ông Orhan Pamuck, người vừa được giải Nobel văn chương 2006. Ông đặt tên bài diễn văn đọc ngày nhận giải Nobel là ‘ My Father’s Suitcase’. Ông tuyên dương cha ông. Ông kể rằng về cuối đời, cha ông đã để lại cho ông một cái vali. Vali chứa đầy bản thảo chi chép những suy tư về nghệ thuật, những nhân sinh quan về cuộc đời. Chính cha ông đã dẫn ông vào con đường văn chương.
Các cụ đã thấy cô Cao Xuân này thông thái chưa ?
Khi thấy phần chúc tụng đã xong, phe liền ông chúng tôi đòi sang phần thứ hai là phần ẩm thực vì hương vị thức ăn từ nhà bếp toả ra thơm qúa, và xin sang luôn phần thứ ba là phần văn nghệ. Lời xin này đẹp lòng cả làng.
Và cỗ bàn được bày ra. Chị Ba tuyên bố: Hôm nay sắp vào hè, ta ăn bún cho nó mát. Tiệc toàn món bún thôi, các cụ ạ. Bún chả thịt nướng và bún măng vịt. Tôi phục tài nấu bún măng của Chị Ba qúa. Món này phải nấu bằng măng khô. Măng ngâm nước xong luộc bằng nồi cao độ cho mềm, rồi mới nấu với thịt vịt. Cái khó của món măng khô là làm sao cho nó khỏi hôi nhà. Chị nấu không hề hôi. Món măng vịt của chi vừa ngon, vừa thơm. Phục chị quá.Tôi hỏi Chị Ba bí quyết nấu măng khô mà không hôi nhà, Chị cười rồi bảo đây là bí quyết chị phải bảo mật. Thế nào tôi cũng điều tra ra, và sẽ trình các cụ sau.
Cụ B.95 xin tiếng cười. Chị Ba gật đầu ngay và còn ban đặc ân : Hôm nay là đại lễ, chị em chúng tôi bằng lòng cho các ông kể chuyện mặn. Các cụ thấy chưa, các bà ngoài miệng thì la lối chuyện tục nhưng trong lòng thì thích tục vô cùng. Rõ ràng nha.
Ông H.O. tuyên bố : Các chuyện hôm nay sẽ lấy người cha làm chủ đề. Rằng có thằng bé kia ngồi đọc báo thấy mẩu tin khoa học nói về thuốc chữa bệnh tiền liệt tuyến cho đàn ông. Nó chưa hề nghe tới cái tên tiền liệt tuyến bao giờ. Nó bèn đem cái thắc mắc này hỏi bố. Lúc đó ông bố đang mải mê xem đá banh trên TV. Nó hỏi : Bố ơi, tiền liệt tuyến ở đâu ? Vì trận banh đến hồi gay cấn, ông không còn tâm trí nào mà trả lời, bèn nói : Con hỏi mẹ, vì cái gì mẹ cũng cất giữ nên mẹ biết nó ở đâu.
Thấy cả làng cười ha hả, Ông H.O. thích chí xin kể tiếp : Chuyện này xảy ra bên Mỹ. Rằng có một ông kỹ sư kia đi làm về tới nhà thì thấy mặt vợ không vui chút nào, bèn hỏi : Bữa nay có chuyện chi mà em không vui vậy ? Cô vợ nói ngay: Chuyện không vui cho em mà vui cho anh. Anh còn nhớ năm ngoái anh sang Canada tham dự đại hội khoa học thế giới không ? Anh chồng trả lời ngay : Có chứ, anh nhớ lắm chứ, chao ôi cái hội nghị này hay quá chừng, ai cũng vui vẻ và thân ái quá sức. Anh chưa bao giờ sung sướng như vậy. Bà vợ liền nói : Đấy, cái cô thư ký đại hội đó mới gọi điện thoại sáng nay và báo tin rằng anh vừa được lên chức cha hôm qua. Đứa bé giống anh như đúc. Nó nặng 3 kí. Ông H.O. chỉ kể đến đó rồi ngưng. Cụ B.95 hỏi ngay : Thế cái anh chồng nghe xong tin này thì phản ứng ra sao ? Ông H.O. không biết câu trả lời. Cụ độc giả nào biết xin mách cho ông chồng vừa lên chức cha kia với.
Đề tài làm cha này coi bộ hấp dẫn và gây nhiều hứng thú nên anh John cũng xin góp một chuyện. Rằng có một chính khách Canada kia sang thăm nước Nga. Đến ngày chủ nhật thì ông phải đi lễ nhà thờ. Ông tìm hoài mà không ra một nhà thờ Công giáo. Còn nhà thờ của Chính Thống Giáo thì có khắp nơi. Thấy ông ngại ngùng không muốn đi nhà thờ Chính Thống vì không biết nghi lễ đứng ngồi ra sao. Bạn bè bảo ông cứ theo người trong nhà thờ mà làm. Họ đứng lên thì ông đứng lên, họ ngồi xuống thì ông cũng ngồi xuống. Khó gì đâu. Ông Canada nghe có lý bèn đi lễ một nhà thờ Chính Thống Giáo gần khách sạn. Muốn cho chắc ăn, ông chọn chỗ ngay sau một ông Nga. Ông Nga này trông rất chững chạc. Và suốt buổi lễ, lúc đứng lúc ngồi ông đã làm đúng như ông Nga trước mặt. Ông Canada bằng lòng về quyết định sáng suốt của mình vì đã chọn đúng chỗ ngồi. Trước khi kết lễ, cha chủ tế nói mấy lời, và ông Nga trước mặt đứng lên ngay. Mọi người vỗ tay rào rào. Ông Canada thấy ông Nga đứng lên thì cũng đứng lên theo. Nhưng lạ quá. Thấy ông đứng lên thì cả nhà thờ ồ lên một tiếng lớn. Bà vợ ông Nga quay lại nhìn ông với ánh mắt rất khó chịu. Ông Canada mắc cở quá mà không biết tại sao. Ông chịu đựng sự bối rối này cho tới khi ra tới cửa nhà thờ thì ông gặp cha chủ tế. Cha chủ tế người Nga này biết nói tiếng Anh. Ông Canada hỏi lý do tại sao ông Nga trước mặt đứng lên thì được vỗ tay, còn ông đứng lên theo thì bị ồ. Cha cười hà hà rồi vỗ vai ông : Hôm nay trong lễ có phần rửa tội nhập đạo cho một bé sơ sinh. Cuối lễ tôi muốn cả nhà thờ chào mừng người cha đứa bé nên mới bảo ‘Mời cha em bé đứng lên’. Ông ta đứng lên và được vỗ tay là thế. Còn ông, ông cũng tham dự vào việc làm cha đứa bé sao ?
Đến đây thì ông ODP lên tiếng : các bà thấy rõ ràng nha, bữa nay các bà cho phép kể chuyện mặn mà chúng tôi không hề dùng tới cái phép này. Nãy giờ toàn chuyện chay tịnh và đạo đức. Vậy phe liền ông chúng tôi xin giữ cái phép ‘mặn’ đặc biệt bữa nay để xử dụng trong lần hội làng tháng tới. Phe các bà la lên, rằng không được. Các bà đã nói không thật lòng, các cụ thấy chưa. Trong bụng thì thích tê đi mà miệng thì cứ em chả em chả.
Rồi Cụ B.95 với yêu cầu cố hữu : xin anh John nói chuyện thời sự Canada và thế giới.
Anh John đã biết trước thế nào rồi cũng có mục này, nên Anh kể ngay : Tháng này Canada nhiều chuyện lắm, tôi chỉ xin kể sơ sơ vài chuyện thôi nghen. Thứ nhất là nước Canada được xếp hạng cao trong danh sách 121 nước trên thế giới, xét về khía cạnh hoà bình. Danh sách này do hiệp hội báo chí mới công bố cuối tháng Năm vừa qua. Đứng đầu là các nước Tân Tây Lan, Đan Mạch, Ái Nhĩ Lan. Canada được xếp hạng 8. Còn Mỹ quốc thì than ôi, đứng hạng 96, trên Iran có một bậc.
Tin thứ hai là dân Canada là dân thích đi du lịch nhất hoàn cầu. Năm qua, dân Canada tiêu hết 20 tỷ đồng. Họ đi những đâu ? Thưa, nơi đến nhiều nhất là Hoa Kỳ, rồi Mexico, rồi Cuba, rồi Anh quốc. Năm qua, dân Canada đã có 23 triệu lần xuất ngoại. Những con số này do hãng du lịch uy tín Marlin Travel công bố thì chắc phải đúng.
Tin thứ ba là cô Riyo Mori 20 tuổi vừa được chọn là hoa hậu thế giới 2007 trong cuộc thi ở Mexico City vừa qua. Cô Mori gốc Nhật Bản nhưng đang du học tại Ontario ở Canada. Chắc nhờ thức ăn bỗ dưỡng của Canada, nhờ không khí trong lành của Canada, nhờ nhiều giáo sư Canada tài giỏi, cô Mori mới trở thành kiều diễm mà đoạt được vương miện hoa khôi quốc tế.
Và tin chót này có liên hệ tới chúng ta, đó là trong tuần qua, nghị viên thành phố Toronto, chủ tịch ban bảo vệ sức khoẻ, ông John Filion, đã đem vấn đề thực phẩm ra bàn. Ông bàn rằng Toronto tự hào là thành phố đa văn hóa, nhưng mặt thực phẩm thì không có đa văn hóa bao nhiêu, vì bếp Toronto vẫn chỉ nấu những món nặng phần cổ điển. Ông xin thành phố cho phép nhập cảng đùi ếch tự do để các nhà hàng được nấu món cháo ếch theo lối Singapore. Cháo nấu với gạo, với rau, với hương liệu và với các đùi ếch. Hội đồng liền vỗ tay ủng hộ. Nhiều nghị viên thốt lên : Chỉ mới nghe tả mà đã thấy ngon quá trời rồi.
Phe các bà nghe tới món cháo ếch thì đều gật gù thích thú. Chị Ba Biên Hoà hứa sẽ liên lạc với mấy nhà hàng Tàu để học cách nấu. Các cụ đã ăn cháo ếch bao giờ chưa ? Tôi mới chỉ ăn đùi ếch chiên bơ theo lối Tây mà thôi, chứ cháo thì chưa.
Kể đến đây xong thì anh John nói như hết hơi. Ông ODP liền tiếp sức. Ông xin kể những tin liên hệ tới các sinh hoạt cộng đồng VN. Trước tiên là một trung tâm văn hoá VN đã được khai trương ở thành phố Montréal vào trung tuần tháng Năm vừa qua. Trung tâm mang tên ‘ Nhà Văn Hoá Hồng Đức’, nằm trong cơ sở giáo dục của thành phố. Rất đông quan khách Canada và đồng bào tới dự. Linh hồn của công trình văn hóa này là BS Lại Thế Hùng, một người rất có lòng với văn hóa dân tộc trong bao năm qua. Ông và bạn bè đã lập ra trung tâm Việt Ngữ lâu đời tại thành phố mang tên Mộng Lệ An này.
Một tin cũng rất nặng chất văn hóa đó là cũng cuối tháng Năm vừa qua, Thời Báo đã tổ chức rất thành công hai xuất hát đặc biệt để gây quỹ xã hội, một ở Toronto, một ở Montréal. Ai tham dự cũng đều ca ngợi là xuất sắc cả về nội dung lẫn hình thức. Thời Báo là một cơ quan báo chí rất lớn và uy tín trong cộng đồng VN ở Canada. Cách đây 20 năm, Thời Báo mới chỉ có mặt ở Toronto, nay thì đã có mặt ở khắp Canada, từ đông sang tây. Thời Báo lại còn phát triển sang Hoa Kỳ nữa, mới đáng phục chứ. Dọc các tiểu bang miền đông Hoa Kỳ, tuần báo Thời Báo đang làm say mê đồng hương. Và Thời Báo đã tiến tới Houston, tiến rất nhanh và rất mạnh. Từ Houston, Thời Báo đã tiến lên tới tiểu bang Washongton miền tây Hoa Kỳ. Dễ nể vậy thay ! Các cụ nhớ kỹ nha : Thời Báo gốc ở Toronto, thành phố mang tên do người Da Đỏ đặt từ ngày xưa. Người Da Đỏ có gốc VN nên chắc ngày xưa họ có ý gọi nơi này là Tổ Rồng To. Vì cái tai nghễnh ngãng của người da trắng nên Tổ Rồng To mới biến thành Toronto ngày nay. Tôi nghĩ thế, các cụ có đồng ý với tôi không ?
Cũng một tin văn hóa nóng hổi nữa : Nhà văn Song Thao vừa trình làng cuốn ‘ PHIẾM 4’. Song Thao là một cây viết các chuyện phiếm mạnh nhất, nhiều nhất, và dí dỏm nhất ở hải ngoại ngày nay. Song Thao cư ngụ tại Montréal, thành phố thơ mộng miền đông Canada. Song Thao viết hay như thế có lẽ một phần nhờ cái vượng khí của giải đất mà tôi gọi là thiên đàng này.
Cả làng đang nghe ông ODP thuyết trình thì có tiếng chuông cửa. Ai thế ? Chị Ba chạy vội ra mở cửa rồi chị kêu to lên một tiếng rất vui mừng và sung sướng. Các cụ có biết ai không ? Thưa, đó là Cha Paolo. Các cụ nhớ người khách quý này của làng tôi chứ. Ngài chào mọi người, rồi cười cười ha ha : Tôi vừa đi thăm mấy bệnh nhân ở nhà thương về, đi ngang đây tự nhiên thấy đói bụng, định ghé xin anh John và Chị Ba bát cơm, ai ngờ được gặp cả làng thế này ! Tạ ơn Chúa. Vui qúa ! Cụ Chánh và Cụ B.95 là người bắt tay cha lâu nhất. Đang khi mọi người túm vào hỏi chuyện người khách bất ngờ này thì Chị Ba vào bếp. Loáng một cái là chị mang một khay thức ăn nóng hổi lên. Chị đãi cha Paolo món bún chả nướng. Đây là phần ăn dành cho cô con gái đang đi làm. Cha Paolo thấy món này thì sung sướng qúa sức, vì ngày xưa đã có lần anh chị John đãi cha món này. Ngài ăn ngay, chả khách sáo gì. Thấy ngài chan nước mắm vào tô bún thịt một cách rất thành thạo, cụ B.95 tỏ vẻ thán phục vô cùng. Trong nước mắm có tỏi, có ớt, cha Paolo ăn tỉnh bơ. Ngài ăn rất say sưa. Lại ăn với đũa nữa mới kinh chứ. Phục ông cha này thật.
Đợi cha Paolo ăn xong thì anh John mới cho ngài biết bữa ăn hôm nay để mừng lễ Hiền Phụ, mừng các ông trong làng. Mặt ngài sáng lên. Ngài ngỏ lời chúc mừng các nhà quân tử chúng tôi. Chị Ba Biên Hoà lên tiếng : Lúc nãy con đã đọc diễn văn ca ngợi công đức người cha, bây giờ xin Cha góp thêm lời ca ngợi nữa cho trọng thể thêm. Ngài đáp ngay : Đề tài ca ngợi người cha trong gia đình là đề tài rộng lớn, tôi biết nói gì bây giờ. Cụ Chánh liền góp ý : Trong Thánh Kinh của người Công Giáo chắc có nhiều chuyện về người cha, xin cha cho biết cha thích chuyện nào nhất ? Ngài nghĩ một chút rồi nói : Tôi thích nhất chuyện dụ ngôn Chúa Giêsu ca ngợi lòng nhân từ của người cha. Rồi ngài phân phô rằng lúc này ngài không giảng đạo nha, ngài chỉ xin kể chuyện mua vui theo lời xin của cụ Chánh mà thôi. Rằng trong 3 năm đi giảng đạo, Chúa Giêsu ưa kể các dụ ngôn để giảng cho dân chúng dễ hiểu. Rằng có người cha kia rất giầu có. Ông chỉ có 2 con trai. Anh con út thì có máu giang hồ bụi đời. Anh xin cha chia gia tài để đem đi phương xa lập nghiệp. Anh chả lập nghiệp gì cả. Anh đã tiêu hết gia tài vào các cuộc chơi trác táng. Chỉ ít lâu sau anh trắng tay. Anh phải đi chăn heo để sống, mà dù chăn heo, anh cũng không được ăn no. Anh liền nhớ tới cha. Anh lên đường trở về, định bụng sẽ chỉ xin được làm đầy tớ để được no bụng. Thấy anh từ xa, cha anh đã chạy ra mừng rỡ ôm chầm lấy anh, và sai mở đại tiệc. Người anh thấy vậy thì không vui. Người cha liền nói với người anh : em con như đã chết mà nay sống lại, em con coi như đã mất mà nay tìm thấy, con hãy vui mừng với cha...
Theo cha Paolo bài dụ ngôn này nói lên lòng thương yêu và nhân từ vô cùng của Thiên Chúa. Tất cả chúng ta đích thực là con của Ngài. Ngài không bao giờ chấp tội môt ai.
Nghe xong chuyện này, cụ Chánh tiên chỉ làng lên tiếng : Vừa rồi, trước khi kể chuyện này, Cha bảo rằng cha không có ý giảng đạo, lời này làm gia đình tôi nhớ lại lời Cha đón chúng tôi ở phi trường cách đây mấy chục năm. Cha còn nhớ những lời đó không ? Tôi đã già, khô hết nước mắt, mà hôm đó nghe xong thì tôi khóc. Hôm đó, sau khi chào mừng gia đình chúng tôi xong thì Cha nói rằng cha và nhà thờ cha nhận bảo trợ cho chúng tôi tới Canada, bảo trợ vì lòng yêu người chứ không hề có ý giảng đạo để chúng tôi nhập đạo Công giáo. Cha bảo chúng tôi cứ tiếp tục sống đạo của mình. Đức Đạt Lai lạt Ma cũng nói y như Cha trong buổi tiếp Anh Peter. Chuyện này có đăng trong nguyệt san Le Monde des Religions số tháng 7 + 8 năm ngoái. Chuyện xảy ra tại Dharasala bên Ấn Độ.
Anh Peter đã đau khổ vô cùng sau khi vợ chết. Peter là người Anh quốc gốc Do Thái. Anh qua Ấn Độ để xin được gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma mong tìm được niềm an ủi. Văn phòng cho anh gặp 5 phút. Anh nói về cái chết của vợ rồi oà lên khóc. Đức Đạt Lai Lạt Ma ôm lấy anh rồi chính ngài cũng khóc. Anh kể tiếp cho ngài nghe là anh theo đạo Công Giáo rồi lại òa lên khóc. Ngài liền nói mấy lời bằng tiếng Tây Tạng với người thư ký. Người này lấy ra một bức ảnh Chúa Giêsu. Ngài liền trao tấm ảnh này cho anh rồi nói : Đức Phật là con đường của tôi, Đức Giêsu là con đường của anh, anh hãy sống đạo Chúa. Rồi Ngài lại ôm lấy anh và cũng khóc như anh. Cuộc tiếp kiến đã kéo dài 2 giờ. Anh chia tay Đức Đạt Lai Lạt Ma trong nước mắt. Anh tâm sự : Ngài đã chữa lành vết thương của tôi. Ngài không bảo tôi theo đạo của Ngài mà Ngài bảo tôi hãy bám lấy Chúa.
Cụ Chánh kể xong chuyện anh Peter rồi nhìn Cha Paolo, giọng cảm động : Sao Cha giống Đức Đạt Lai Lạt Ma quá vậy ?