THỤY ĐIỂN -- Ngày Chúa Nhật 3/6/2007 vừa qua, tôi được cha Trần Chánh Thành, tuyên úy người Công giáo Việt Nam tại Thụy Điển, mời đi tháp tùng ngài đến dâng thánh lễ cho một cộng đoàn Việt nam nhỏ bé ở Karlskoga, cách xa Stockhom chừng 300 cây số.

Cộng đoàn này có tổng cộng 14 gia đình Công giáo trong tổng số chừng vài trăm người Việt sinh sống tại vùng này, và đa số dân chúng ở đây làm cho hãng chế bom, máy bay quân sự và xe tăng… do quân đội Hoa Kỳ ký contract với hãng Thụy Điển sản xuất vũ khí tại đây. Khi biết được như vậy, tôi nói đùa với mấy anh chị em Việt Nam rằng: rõ thật là nghịch lý, nước Thụy Điển là quốc gia chống chiến tranh, yêu chuộng hòa bình nhất thế giới, mà lại đi sản xuất võ khí giết người… nếu mai kia xẩy ra chiến tranh Việt Mỹ mà Mỹ dùng bom đạn ở đây bỏ xuống đất Việt thì chắc mấy anh chị sẽ là người đầu tiên bị truy lùng… nên coi chứng đó! Anh chị em cười vui vẻ.

Nhà thờ Công giáo tại tỉnh Karlskoga
Cha Thành chở tôi đến “nhà thờ” Công giáo của tỉnh Karlskoga, vừa trông thấy nhà thờ tôi ngỡ ngàng vì nhà thờ chỉ là một ngôi nhà nhỏ bé, hai tầng lầu: tầng trên là phòng cha xứ người Bal an ở, tầng dưới là văn phòng giáo xứ và nhà nguyện. Nhà nguyện chứa được chừng 70 người. Cha Thành cho biết mỗi ngày Chúa Nhật cha xứ làm lễ cho tất cả người Công giáo trong tình này, nhưng cũng chỉ ngồi tối đa là 60 hay 80 người, và người Việt Nam vẫn chiếm đa số.

Mỗi tháng Cha Thành tới đây một lần để dâng thánh lễ, dậy giáo lý cho các em vào lúc 12:30 trưa. Hôm nay có tất cả chừng 35 người lớn bé thuộc 12 gia đình trong tổng số 14 gia đình Công giáo đén tham dự thánh lễ. Tôi được Cha Thành mời làm chủ tế và chia sẻ lời Chúa cho anh chị em.

Tôi chia sẻ với anh chị em kinh nghiệm của những người Công giáo Anh quốc khi sang lập cư tại Hoa Kỳ. Có lẽ họ cũng có cùng một kinh nghiệm như anh chị em ở đây. Họ là những người “tiên phong thám hiểm đầu tiên” (pioneers) đến một nơi xa xôi, nhưng vì đức tin và vì tương lai của mình, họ đã vượt thắng mọi thử thách để vươn lên và ngày nay tạo dựng một Giáo hội vững mạnh. Cũng vậy tôi mường tượng trong tương lai khi ghi lại về lịch sử của Giáo hội Công giáo Thụy Điển có lẽ lịch sử sẽ ghi rằng có một đoàn người Việt Nam trên con đường bảo tồn đức tin và mưu cầu cuộc sống tự do trên miền đất mới, anh chị em Công giáo Việt Nam cũng là những người tiên phong đang làm lên lịch sử.

Dưới sự hướng dẫn tận tụy và đầy yêu thương của Cha Tuyến Uý Thành trong suốt 25 năm qua, người Công giáo Việt tại Thụy Điển đã tạo dựng được một chỗ đứng khá quan trọng, được Giáo hội địa phưong tin yêu và tín nhiệm. Ho đang mang lại sự phấn khởi và tiềm năng khôi phục đạo Công giáo tại quê hương này.

Tôi được biết rằng Thụy Điển chỉ có một giáo phận duy nhất với 42 nhà thờ Công giáo, duy chỉ có nhà thờ Công giáo ở thủ đô Stockhom là nguy nga, còn tất cả các nhà thờ khác cũng đơn sơ nghèo nàn và chỉ là một căn nhà bé nhỏ như nhà thờ tại Karlskoga mà thôi. Thêm vào đó tại 9 địa điểm nơi có người Việt tham dự thánh lẽ ngày Chúa Nhật thì người Việt thường là chiếm đa số. Người Công giáo Thụy điển chỉ là con số nhỏ nhoi, ngoài ra cũng có người Công giáo gốc Ba lan, gốc Đức, gốc Nam tư, v.v… Cũng vậy trong tổng số các linh mục phục vụ tại Thụy Điển chính gốc là người bản xứ chỉ có chừng 10 vị, còn đa phần là Bal an, Đức hay là đến từ các quốc gia khác.

Dâng thánh lễ Chúa Nhật với Cộng Đoàn
Tôi cử hành thánh lễ Chúa Nhật cho anh chị em Công giáo trong vùng Karlskago, tuy chỉ có mấy chục người nhưng thánh lễ cũng có ca đoàn, tất cả lớn bé đều là thành viên trong ca đoàn hết. Trước giờ lễ chính Cha tuyên úy Thành tập hát cho mọi người, trong thánh lễ cha cũng đệm đàn cho dân chúng hát. Thật là cha con một nhà, ấm cúng, thân tình và sốt sắng… ai nấy một lòng một trí đâng lời ca tiếng hát chúc tụng Thiên Chúa.

Trước thánh lễ khi tới nhà thờ, các gia đình đã tự nguyện đưa các món ăn tới và dọn sẵn bàn ăn ra sân cỏ phía đằng sau nhà thờ, nên sau thánh lễ, tất cả đều ở lại và ra ăn chung với nhau bữa ăn trưa với đủ các món ăn có mùi vị quê hương. Không chỉ vì hôm nay có khách mà anh chị em làm tiệc ăn chung, nhưng hầu như đây là thói quen tốt lành, sau mỗi thánh lễ Chúa nhật khi có lễ Việt Nam, các gia đình đều muốn ở lại ăn chung, tâm sự với nhau, thông tin cho nhau và có dịp cho các em bé chơi vui với nhau.

Cộng đoàn chỉ có chừng 10 em nhỏ nhưng hầu như tất cả các em đều quen biết nhau và mỗi khi một em nhỏ khác vừa tới nhà thờ là các em khác túm lại chào hỏi ôm hôn nhau, giống như anh chị em đa sau một tháng gặp lại thì qúi mến nhau quá chừng. Tôi cũng chia niềm vui mừng với các bậc cha mẹ là khi tôi thử nói truyện với các em bằng tiếng Việt thì đa só các em vẫn hiểu và nói được tiếng Việt nam. Đó là do công khó và sự khuyến khích của bậc cha mẹ.

Chia sẻ tâm tình và cuộc sống
Khi ngồi ăn với anh chị em, tôi được chia sẻ những kinh nghiệm khó khăn và những thách đố của anh chị em trên bước đường định cư lập nghiệp nơi đây. Nhưng đồng thời anh chị em cũng cho tôi biết những thành công,những an ủi, sự đảm bảo và cuộc sống ổn định tạu Thụy Điển hiện nay. Dĩ nhiên với một con số ít oi người Việt sống rải rác trên một diện tích rộng lớn nên anh chị em đôi lúc cảm thấy cô đơn, buồn, nhớ nhà… cho nên những dịp được gặp nhau như thế này rất là qúi và quan trọng cho đời sống xã hội và giao tế của nhau.

Cũng có một số anh chị em đặt câu hỏi với chúng tôi về những diễn biến thời cuộc ở Việt Nam và một vài vị cũng thắc mắc về việc tại sao lại có một số người nặng nề lên án các vị chủ chăn tại Việt Nam. Nhưng chúng tôi được yên ủi vì các vị đó hỏi mà không mong câu trả lời vì chính các vị đó đã chia sẻ với chúng tôi ý nghĩ và nhận định rất xác đáng của qúi vị trước những vấn đề thời cuộc một cách rất quân bình và hiểu biết. Phải đi thăm như thế này mới biết là dân chúng người Việt nam xa quê hương nhớ nhung và hỗ trợ cho Giáo hội Việt Nam như thế nào. Họ rất thông cảm và tỏ lòng yêu mến và kính trọng với các vị lãnh đạo Giáo Hội Việt Nam. Họ phê bình những người vội vàng chỉ trích Giáo Hội với một cái nhìn thiển cận và không đắn đo suy nghĩ vể việc làm của mình…